Kỷ lục của các nhà văn Pháp ở giải Nobel

Thứ Ba, 11/11/2008, 16:30
Tính tới nhà văn Jean - Marie Gustave Le Clézio, người vừa đoạt giải thưởng Nobel văn học 2008, nước Pháp hiện đã có 14 nhà văn đoạt giải thưởng danh giá này, trở thành quốc gia đứng vị trí đầu bảng về số lượng tác giả đoạt giải (hai nước cùng đứng ở vị trí kề cận là Mỹ và Anh, đều có 11 người).

Không chỉ nổi trội về số lượng, các nhà văn Pháp còn để lại trong công luận những câu chuyện độc đáo, thú vị cùng những kỷ lục xung quanh việc họ đoạt giải Nobel.

Người đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel văn học là một người Pháp. Đó là nhà thơ Sully Prudhomme (1839 - 1907). Năm ấy (1902), mặc dù giải Nobel lần đầu tiên được thực hiện, song do bệnh nặng, Prudhomme đã không đến Thụy Điển để nhận giải.

Việc trao giải Nobel cho  Sully Prudhomme đã gây nên rất nhiều dị nghị. Đây cũng là một trong những lần trao giải bị xem là "thiếu chính xác" nhất. Điều này thật dễ hiểu: Lúc bấy giờ, trên thế giới vẫn còn một số nhà văn vĩ đại đang ngự trị văn đàn, như trường hợp Lev Tolstoi ở Nga và Mark Twain ở Mỹ. Sự thực, mặc dù lúc sinh thời, Prudhomme khá nổi tiếng ở Pháp, song hiện tại tên tuổi Prudhomme đã trở nên quá mờ nhạt. Hầu như ở Pháp, rất hiếm người còn nhắc tới tên ông, ngoại trừ việc tên ông còn xuất hiện ở một vài cuốn từ điển văn học.

Thơ Pháp từng tạo nên dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của một số tác giả Việt Nam thời tiền chiến, song Prudhomme cũng không phải là tác giả gây được ảnh hưởng. Nhà thơ Tế Hanh từng tâm sự rằng, chính hai câu ông viết trong bài "Những ngày nghỉ học": Lâu lâu còi rúc nghe rễn rĩ/ Lòng của người đi réo kẻ về là do ông liên tưởng tới hình ảnh những người vợ trẻ tiễn chồng đi biển, mà những bàn tay vẫy như những chiếc nôi đưa, hòng níu kéo tình cảm người đi xa trong bài thơ "Chiều dài bến cảng" của Prudhomme. Tuy nhiên, so sánh hai đoạn thơ trên, nếu nhà thơ Tế Hanh không tiết lộ cùng bạn đọc, hẳn không ai nghĩ rằng giữa chúng có một mối quan hệ sáng tạo.  

Theo thống kê thì đến nay, qua lịch trình hơn một trăm năm giải Nobel, chỉ có ba nhà văn đoạt giải thưởng này ở tuổi dưới 45. Trong đó, nhà văn Pháp Arbert Camus đứng ở hàng trẻ thứ hai trên thế giới, chỉ sau nhà văn Anh Rudyard Kipling (Camus lĩnh giải năm ông mới 44 tuổi). Camus cũng là nhà văn có tuổi thọ thấp nhất trong các nhà văn đoạt giải Nobel. Ông mất năm 47 tuổi (1960) trong một tai nạn xe hơi ở miền Nam nước Pháp.

Lịch sử giải Nobel cũng chứng kiến một số trường hợp nhà văn từ chối không nhận giải với những lý do và hoàn cảnh khác nhau. Đó là trường hợp của Erich Karlfeldt (Thụy Điển, năm 1931), Boris Pasternak (Nga, năm 1958) và nhà văn Pháp Jean - Paul Sartre (năm 1964). Danh chính ngôn thuận người ta cho rằng Jean - Paul Sartre từ chối nhận giải vì lý do chính trị (không muốn giải thưởng làm chệch hướng lý tưởng của ông), song từ lâu công luận vẫn lưu truyền câu chuyện vui là Sartre từ chối nhận giải vì lý do… mê tín. Quả thực, theo thống kê, hầu hết các nhà văn kể từ khi được giải này, không mấy người sống được quá 7 năm (đơn giản là vì: Đa phần họ được trao giải khi tuổi đã cao. Tính trung bình vào khoảng 65). Bởi vậy, năm 1980, khi có phóng viên hỏi Sartre: "Ngài có lấy làm tiếc vì đã từ chối nhận giải không?" thì ông đã hóm hỉnh trả lời: "Tôi không hề ân hận. Chính việc từ chối nhận giải đã cứu sống tôi, không đẩy tôi vào danh sách những người sắp chết".

Và Sartre đã tạ thế năm ông… 75 tuổi (năm 1980), sau khi ông từ chối nhận giải Nobel tới 16 năm

Trần Đắc Danh
.
.