Kỳ lạ Đônkihôtê!
Năm 2005 là dịp nhân loại kỷ niệm 400 năm ra đời của kiệt tác “Đôn Kihôtê nhà quí tộc tài ba xứ Mantra” của Mighen Đờ Xécvantét (1547-1616). Cuốn sách được xem là pho tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời. Người Tây Ban Nha luôn hãnh diện rằng ở phương Tây, cuốn tiểu thuyết này có số lượng phát hành chỉ sau Kinh Thánh.
Tháng bảy (hoặc tháng tám) năm 1604, Xécvantéc bán bản quyền phần một cuốn tiểu thuyết cho nhà sách kiêm xuất bản Phranxítcô Đơ Rốp với số tiền không ai được biết (đương nhiên ta có thể phỏng đoán là số tiền ấy không nhiều, bởi lúc đó Xécvantéc rất nghèo và túng tiền hơn bao giờ hết). Có lẽ đấy là hành động kém khôn ngoan nhất của một nhà văn tài ba, người vô cùng sắc sảo trong việc xử lý các tình huống giả tưởng hư cấu của mình, hay ta có thể ruổi theo ý nghĩ của Đôn Kihôtê rằng Xécvantéc bị bọn pháp sư độc ác, ganh tài làm cho lú lẫn.
Tháng giêng năm 1605, “Đôn Kihôtê” ra đời. Ngay lập tức, cuốn sách chinh phục trái tim của bạn đọc đương thời. Khắp nơi, người ta đọc câu chuyện hài cười ra nước mắt của con người khổng lồ - hiệp sĩ quèn: Đôn Kihôtê, cái tên mà không lâu sau đó đã xâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của mọi châu lục, mọi quốc gia trên khắp hành tinh này.
Ước tính có đến cả tỉ bản sách “Đôn Kihôtê”được phát hành trên trái đất. Ngày nay, công việc đó vẫn chưa dừng lại. Cuốn sách đã bị (hay đã được) pháp sư tài ba bậc nhất nhân loại phù phép nên hễ bất kỳ ai nghe đến tên nó, chạm tay vào nó đều bị hớp hồn. Chúng tôi cho rằng nếu ai đó từng đọc cuốn sách này một lần thì cũng sẽ muốn đọc lại nó đôi lần trong đời, đặc biệt là ở vào những giai đoạn người ấy gặp vận rủi hay bất hạnh trong đời. Và họ sẽ nhớ, như nhân loại đã từng nhớ bấy lâu, về cặp thầy trò bất hủ, một cao gầy ưa hành động một thấp lùn thích ngủ, mà nếu thiếu vắng họ thì niềm vui của con người trên thế gian sẽ bị mất hơn một nửa và nỗi buồn, vì thế sẽ tăng gấp bội phần.
“Đôn Kihôtê” hiện diện như sự soi chiếu kỳ diệu bản thể con người. Mọi buồn vui, thành bại, được mất, vinh nhục, phù phiếm, hư danh và cả hư vô nữa... đều có trong đó. Người ta học từ thầy trò Đôn Kihôtê một (hoặc nhiều) cách sống khôn ngoan, tỉnh táo hay say đắm mê muội đến điên rồ trước cuộc đời. Và rồi họ thấy, họ khám phá ra vô số điểm tương đồng giữa họ với cặp thầy trò kia. Họ cười. Nhưng lần này tiếng cười không hướng ngoại, không cười thầy trò Đôn Kihôtê nữa mà là cười chính bản thân mình bằng tiếng cười hướng nội. “Đôn Kihôtê” vì thế đã trở thành cuốn tiểu thuyết có chức năng thanh lọc tâm hồn (chữ của Arítxtốt) bậc nhất. Người ta phát hiện, bất kỳ ai trong số chúng ta cũng có một chút Đôn Kihôtê, một chút Xantrô Panxa trong người.
“Tôi sinh ra là Xantrô, tôi muốn lúc chết vẫn là Xantrô”. Ước mơ bé thì thất vọng sẽ không lớn. Nhưng ngay trong sự chân chất, trung thực đến ngờ nghệch của Xantrô vẫn hàm chứa một tinh thần triết học. Xécvantéc tỏ ra rất sâu sắc khi chỉ ra sự vận động trong nét tính cách ngỡ như bất biến của con người. Những tưởng Xantrô cuối cùng vẫn chỉ là Xantrô, nhưng không phải, cuộc phiêu lưu qua bao vùng đất xứ Mantra ấy đã khiến Xantrô không còn là Xantrô nữa. Bác giám mã đã trở thành một Xantrô nông dân thông thái.
Thực ra chẳng có Đunxinêa nào cả. Cái tên ấy chỉ là sự vật chất hóa mong manh về cái đẹp mà Đôn Kihôtê tôn thờ. Cho dù có lúc Xantrô miêu tả vanh vách cô thôn nữ nguyên mẫu của Đunxinêa (có vóc dáng như đàn ông, tiếng nói như lệnh vỡ, có biệt tài muối thịt lợn,...), song đấy cũng chẳng phải là Đunxinêa đích thực. Do vậy, khi Đôn Kihôtê sai giám mã đi tìm nàng thì Xantrô chẳng biết phải tìm ở đâu. Thế là, gậy ông lại đập lưng ông, Xantrô chỉ luôn ba cô thôn nữ trên đường và bảo một trong số đó là Đunxinêa. Sự lừa dối đã thắng thế. Xantrô đưa được chủ của mình quay lại với thế giới hoang đường bằng mớ ngôn ngữ láo toét hoang đường trắng trợn nhưng được nói với cả bầu nhiệt huyết của sự tự tin.
400 năm trôi qua, dấu chân ngựa của chàng hiệp sĩ đã chinh phục đến mọi ngõ nghách của địa cầu. Nơi nào có chữ viết, nơi đó có “Đôn Kihôtê”. Và ngay cả không có chữ viết, người ta vẫn có thể truyền miệng hoặc xem truyền hình để cùng cười, cùng xót xa cho chàng hiệp sĩ. Sức chinh phục của chú ngựa còm Rôxinantê, chiến mã của Đôn Kihôtê quả thật kỳ vĩ. Trong lịch sử của nhân loại, không thể có cuộc viễn chinh nào, cho dù đó có là Alếchxăng Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napôlêông... hay bất kỳ ai chăng nữa, lại có thể sánh được cuộc viễn chinh của Đôn Kihôtê. Mới hay sách có một quyền năng vô bờ bến. Và “Đôn Kihôtê”, nói theo kiểu của chính Đôn Kihôtê khi ngợi ca con chiến mã của mình, là cuốn sách đứng đầu mọi cuốn sách, là quyền năng đứng đầu mọi quyền năng và là thứ quyền năng không bao giờ cạn kiệt