Ký giả ăn mày và nghĩa cử, tình thâm của Kiên Giang-Hà Huy Hà

Chủ Nhật, 20/10/2019, 08:16
Giống như thơ của thi sĩ bậc thầy Nguyễn Bính hay các thi sĩ Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... thơ Kiên Giang nằm trong dòng chảy chân quê, mang đậm nét tinh thần văn hoá Việt Nam, mà riêng ông đó là văn hoá đất mới phương Nam.

Nói tới ông là người yêu thơ nhạc nhớ ngay đến hai bài thơ nổi tiếng "Hoa trắng thôi cài lên áo tím" và "Tiền và lá", còn giới sân khấu nhớ đến những vở cải lương do ông viết kịch bản đã nâng cánh cho nhiều nghệ sĩ như "Áo cưới trước cổng chùa", "Người vợ không bao giờ cưới", "Lưu Bình - Dương Lễ"... Kiên Giang - Hà Huy Hà đã khuất bóng 5 năm nhưng tác phẩm cùng tấm lòng, nghĩa cử vẫn còn mãi.

“Ký giả ăn mày” và “Tiền không là lá em ơi”!

Cách đây vừa tròn 5 năm, vào ngày 12.10.2014, khi đã ở tuổi 86, thi sĩ - ký giả Kiên Giang với chiếc áo khoác trắng quen thuộc vẫn đĩnh đạc đến Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh dự kỷ niệm “40 năm Ngày Ký giả ăn mày”.

Đây là sự kiện quan trọng ở Sài Gòn trước đây mà ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt xuống đường chống lại Sắc luật 007 do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của chính thể Việt Nam Cộng hoà ký ban hành, áp dụng “bàn tay sắt” siết chặt báo chí. Sắc luật này đã khiến cho nhiều tờ báo bị tịch thu, phải đóng cửa, các chủ báo bị phạt và tù đày, khoảng 70% người làm báo bấy giờ ở Sài Gòn và khắp miền Nam bị thất nghiệp.

Lúc ấy, nhằm tự cứu mình, các nghiệp đoàn báo chí ở Sài Gòn đã tập hợp lực lượng tìm biện pháp “phản công” Chính phủ Việt Nam Cộng hoà do tướng Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu. Vào ngày 8.9.1974, đại diện Hội Ái hữu ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam đã họp liên tịch bầu ra Uỷ ban đấu tranh đòi tự do báo chí, do nhà báo Nguyễn Văn Binh, một Dân biểu đối lập, làm chủ tịch. Uỷ ban đã đề ra hình thức tranh đấu bằng cách ký giả xuống đường “đi ăn mày”, mà dẫn đầu là những nhà báo có uy tín: Phi Vân, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Kiên Giang, Tô Nguyệt Đình, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Tô Văn, Nam Đình, Văn Mại, Ái Lan, Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn,… Không chỉ giới ký giả chuyên nghiệp, mà cuộc đấu tranh còn tập hợp những người liên quan đến nghề báo, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều văn nghệ sĩ, nghị sĩ, dân biểu, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Sáng ngày 10.10.1974, sự kiện ký giả xuống đường ăn mày đã diễn ra. Sau khi nhà báo Nguyễn Kiên Giang thay mặt ban tổ chức đọc bản tuyên bố "Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu", đoàn ký giả đã rời Câu lạc bộ Báo chí ở số 15 Lê Lợi - trung tâm thành phố Sài Gòn, ai cũng đầu đội nón lá, tay cầm bị, gậy xuống đường. Họ cùng hô vang các khẩu hiệu: "Đả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức", "Tự do ngôn luận, tự do báo chí”,…

Dù bị lực lượng mật thám, an ninh, cảnh sát bao vây ngăn chặn, đàn áp, xảy ra xô xát, nhưng cuối cùng đoàn biểu tình của các ký giả cũng đạt mục đích theo lộ trình vạch sẵn. Và sau cuộc biểu tình này, Kiên Giang - Hà Huy Hà cùng nhiều nhà báo khác đã bị chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt bỏ tù…

Những năm cuối đời thi sĩ Kiên Giang quyết định dừng bước lãng tử giang hồ, rời Sài Gòn về thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang để an dưỡng tuổi già tại nhà con gái. Thi thoảng có việc gì cần thiết ông mới trở lại Sài Gòn. Thấy bậc lão thành dù sức khoẻ có yếu đi nhưng vẫn vững chãi, minh mẫn, tôi mừng. Đặc biệt, ông còn nhớ như in về sự kiện Ngày Ký giả ăn mày của 40 năm trước. Sau cuộc hội ngộ với đồng nghiệp các thế hệ, ông tranh thủ đi thăm một số bạn bè Sài Gòn rồi quay trở về Long Xuyên.

Tình cờ đọc báo thấy tin một bé sơ sinh bị đánh rơi ngoài đường do cha mẹ tử nạn, thi sĩ Kiên Giang đã gom chút tiền hưu và thêm tiền của con gái ông cho được tất cả 5 triệu đồng, quyết định quay lên Sài Gòn để góp phần giúp đỡ em bé. Thế nhưng vừa tới thành phố, chưa kịp thực hiện ý định thì ông bị đột quỵ giữa lúc đang ngồi viết thư vào chiều 28.10.2014. Được người nhà của cố nhà báo Phong Vân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng vì tuổi cao sức yếu, trái tim nhân ái của ông đã ngừng đập vào sáng 31.10.2014.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến những vần thơ trong bài "Tiền và lá" nổi tiếng của thi sĩ Kiên Giang sáng tác từ năm 1956:

“Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.

Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!”

Bài thơ như tiếng đau thở dài của Kiên Giang viết tặng những mối tình đầu dang dở… vì tiền, nhưng cũng thể hiện cách nhìn nhận, ứng xử của ông đối với đồng tiền. Tiền không là lá, nhưng nếu gom tiền đốt thì cũng như lá thành khói bay lên trời. Con người không nên dùng tiền để mua tình, bán tình mà hãy dùng tiền làm phương tiện để sống vì nghĩa tình. Đó cũng là phẩm cách sống thanh bần, nhân ái, nghĩa hiệp mà thi sĩ lãng tử Kiên Giang suốt đời theo đuổi!

Cố Thi sĩ Kiên Giang và diễn viên Hoài Linh.

Mối tình đầu đầy ám ảnh và “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”

Người bạn đồng hương thân thiết là nhà văn Sơn Nam sinh thời khi đề cập tới chuyện tình cảm đã cười nhăn nheo nửa đùa nửa thật rằng, hỏi nhà thơ Kiên Giang có bao nhiêu cuộc tình chẳng khác nào hỏi rừng U Minh có bao nhiêu cây tràm cây đước. Đa tình và giấu kín, nhưng có một mối tình mà thi sĩ Kiên Giang đã “chung thuỷ” trọn đời và cũng nhờ mối tình này mà sự nghiệp ông bắt đầu thăng hoa.

Tôi viết từ “chung thuỷ” trong ngoặc kép bởi đây là mối tình đầu đặc biệt mà ông chưa một lần được nắm tay người đẹp, nhưng lại luôn giữ nhiều kỷ niệm, trong đó có tấm ảnh cô gái ấy bên mình. Và mối tình thơ mộng ấy đã mang lại cảm hứng cho ông viết nên bài thơ tình bất tử "Hoa trắng thôi cài lên áo tím".

Vào năm 17 tuổi, ông rời quê nhà Rạch Giá lên tận Cần Thơ học trung học đệ nhị (lớp 11) ở trường tư thục Nam Hưng. Trong lớp có cô bạn học Nguyễn Thị Nhiều khá xinh xắn, học giỏi, viết chữ đẹp. Hai người lại được nhà trường giao làm chung tờ báo tường Ngày Xanh, nên thường gần gũi, hiểu tính nết của nhau và có cảm tình với nhau. Vì gia đình theo đạo Thiên Chúa, nên cô bạn Nguyễn Thị Nhiều hay đi lễ nhà thờ vào sáng Chủ nhật. Còn thi sĩ tương lai không theo đạo, nên chỉ chờ trước cổng nhà thờ để sau buổi lễ được cùng người đẹp đồng hành một đoạn đường về nhà. Một mối tình đúng nghĩa… học trò!

Hai người chưa kịp một lần tỏ tình hoặc nắm tay nhau thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trường lớp bị tan hoang. Kiên Giang vào bưng biền tham gia kháng chiến. Bạn học Nguyễn Thị Nhiều tản cư theo gia đình. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông mới biết trong suốt 9 năm chiến tranh loạn lạc, người đẹp Nguyễn Thị Nhiều vẫn âm thầm thương nhớ chờ đợi ông.

Và trước khi quyết định lấy chồng, bà tìm cách liên lạc gặp ông lần cuối. Mối tình đầu đẹp đẽ và trắc trở ấy đã giúp cho ông sáng tác nên bài thơ nổi tiếng "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" năm 1957. Trong bản đầu tiên, đoạn kết ông để cho người yêu của mình chết đi cho mối tình thơ mộng mãi còn nguyên vẹn:

“Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về giữa áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”

Ấy thế nhưng một năm sau tình cờ sau đó Kiên Giang gặp lại bà Nguyễn Thị Nhiều ở Sóc Trăng, với bao kỷ niệm đẹp xót xa hiện về, ông lại muốn hình ảnh người con trai trong bài thơ là chính mình chết đi trên đường chinh chiến để không còn luyến tiếc chuyện tình duyên, nên ông đã sửa lại đoạn cuối và nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc mà nhanh chóng được lan toả.

Sau năm 1975, hai người cũng có dịp hội ngộ khi mái đầu đã bạc trắng. Và trong chiếc giỏ ông luôn mang bên mình lúc nào cũng hiện diện tấm ảnh của bà thời con gái. Biết được chuyện tình duyên trắc trở của mẹ mình, những người con của bà Nhiều cũng dành những tình cảm yêu quý đối với bậc lão thành Kiên Giang…

Từ bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" cho đến những sáng tác cuối đời, thơ Kiên Giang có ngôn ngữ và hình ảnh giản dị, mang hồn cốt của người Nam Bộ. Nhiều câu thơ của ông được phổ biến rộng rãi đến nỗi nhiều người cứ nhầm là ca dao, như:

“Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn” 
“Ngày mai đám cưới người ta
Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”.

Hoàng Thúy
.
.