Kiệt tác dang dở

Thứ Năm, 31/12/2020, 14:25
Thỉnh thoảng ta rất ngạc nhiên thấy những tác phẩm lớn lại không bao giờ được hoàn thành. Sự dở dang ấy không hề hiếm trong lịch sử văn học, thậm chí chính sự không hoàn thành ấy đôi khi mang đến cho tác phẩm một nguồn hấp dẫn tiềm tàng.


Puskin là thi hào vĩ đại của nước Nga nhưng ông cũng là một nhà văn xuôi lừng danh. Văn xuôi của Puskin đặt nền móng cho những người như Lev Tolstoy, Dostoievsky, Gogol… Puskin có khá nhiều tác phẩm văn xuôi chưa hoàn thành trong đó có "Người da đen của Piốt Đại đế". Puskin dự định sẽ viết "Người da đen của Piốt Đại đế" thành một cuốn tiểu thuyết lớn nhưng ông mới chỉ viết được sáu chương và chương bảy thì mới bắt đầu.

Có một sự ngẫu nhiên khá trùng hợp khi Gogol được coi là học trò của Puskin và được ông tặng một cốt truyện rất hấp dẫn để viết "Những linh hồn chết". "Những linh hồn chết" là tác phẩm lớn nhất của Gogol và là một trong những kiệt tác của văn xuôi Nga nhưng cũng chưa bao giờ được hoàn thành. Gogol mới viết xong  một phần cuốn tiểu thuyết này, các phần tiếp theo đã được tác giả viết trong nhiều năm nhưng có lẽ vì không hài lòng với đứa con tinh thần của mình nhà văn đã thiêu huỷ chúng. 

Hai tác phẩm quan trọng nhất của Kafka là "Lâu đài" và "Vụ án" cũng chưa bao giờ đi đến kết thúc cuối cùng. Thiên tài người Do Thái đã để tác phẩm của mình ở một quãng lửng lơ, ông chưa kết thúc được chúng hoặc không hài lòng với những gì mình đã viết. Kafka thậm chí còn bi quan hơn hai người kể trên khi để lại di nguyện là tiêu huỷ gần như toàn bộ những tác phẩm của mình.

Nhà văn Nguyên Hồng.

Nhà văn Nguyên Hồng từng dự định viết ba tập của bộ tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế" nhưng ông mới chỉ hoàn thành hai tập đầu tiên. Tập thứ ba chưa được viết ra vì nhà văn mất đột ngột, tác phẩm do đó đã bị ngừng lại.

Vì sao có những tác phẩm dang dở, nhìn vào quá trình viết, kế hoạch, cuộc sống của các nhà văn ta có thể hiểu được đôi điều. Trường hợp của Puskin có thể suy đoán ông có khá nhiều dự định và ấp ủ. Sự nhiệt thành này dàn trải ra và nhà văn khó có thể hoàn thành được kế hoạch của mình. Puskin cũng mất sớm sau một cuộc đấu súng bi thảm, biết đâu nếu nhà văn có nhiều thời gian hơn, ông có thể hoàn thành được những dự định của mình. 

"Người da đen của Piốt Đại đế" tuy mới được sáu chương nhưng khá hấp dẫn và nó phản ảnh một phần cuộc đời thực của gia đình Puskin với những điểm gần gũi khi thiên tài người Nga mang trong mình một phần dòng máu châu Phi, di truyền từ cụ cố ngoại với nước da sẫm màu và mái tóc xoăn đặc trưng.

Nhà văn Gogol.

Ta biết được Gogol đã viết phần hai của "Những linh hồn chết" nhưng ông không hài lòng với nó. Phần một đã gây được tiếng vang và là một thành công lớn, nếu tác giả cảm thấy thất vọng với chính tác phẩm của mình thì việc công bố nó là một sự cân nhắc kĩ càng. Sự lựa chọn của Gogol có thể là khôn ngoan vì ông không dại gì làm giảm giá trị tác phẩm của mình, nếu phần hai kém cỏi thì điều ấy có thể làm hỏng tổng thể một tác phẩm lớn, thà rằng cứ để nó dang dở còn hơn.

Còn Kafka, tôi nghĩ mình phần nào hiểu được tâm trạng của Kafka lúc đó. Cách viết của ông quá mới và cũng chưa được ghi nhận, có thể chính ông không thấy tự tin với chính mình. Ông cảm thấy thất vọng và chán nản và điều rất bình thường vì đôi khi ngay cả thiên tài cũng khó đánh giá được giá trị của mình, nhất là khi anh ta còn trẻ và ở một lĩnh vực mơ hồ và khó đong đếm như văn chương. 

Và nhiều người đã khẳng định điều này, người bạn thân nhất của ông Max Brod đã phải sử dụng những nỗ lực rất lớn để "áp đặt" giá trị của Kafka vào thế giới. Nghĩa là chỉ cần một chút lơ là và thiếu những chiến dịch lớn thì có thể Kafka sẽ không phải là Kafka của ngày hôm nay như chúng ta biết. Tôi cũng tin rằng nhà văn người Do Thái không dự đoán được tương lai rực rỡ của mình, ông bệnh tật, mệt mỏi, đoản mệnh và thiếu một nguồn động viên lớn lao để nỗ lực hoàn thành tác phẩm của mình.

Với Nguyên Hồng sự dở dang là rất tự nhiên, nhà văn mất đột ngột và ông không còn cơ hội hoàn thành tác phẩm của mình. Điều ấy khá khác biệt so với Puskin, Gogol hay Kafka ở phương diện hoàn thiện tác phẩm.

Với những người viết giàu nhiệt huyết và năng lượng, trong đầu họ có rất nhiều ý tưởng và sự thôi thúc. Khi tác phẩm này chưa hoàn thành thì ý tưởng về một tác phẩm mới đã xuất hiện. Nhà văn Hồ Anh Thái đã từng nói với tôi về điều này, trong khi anh còn đang bận viết một tác phẩm thì ý tưởng về một tác phẩm khác đã mời gọi, anh luôn cảm thấy không đủ thời gian và sức lực để có thể làm đồng thời được tất cả sự quyến rũ ấy. 

Còn Mạc Ngôn cũng kể rằng ông đã nhiều lần viết vài ba tác phẩm liền lúc và đương nhiên nếu xảy ra một sự cố bất ngờ thì nhà văn sẽ không hoàn thành được tất cả các dự định. Điều này có thể đúng với trường hợp của Puskin hoặc có thể về sau, hứng thú của người viết với tác phẩm không còn nữa và anh ta thấy không cần phải nỗ lực để đưa đứa con tinh thần đến tận điểm cuối cùng như kế hoạch.

Nhà thơ Puskin.

Sự chán nản kiểu của Gogol và Kafka khá thường gặp, khi người ta dự định phần hai, phần ba hoặc đi đến rốt ráo nhưng tự mình thấy thất vọng và với những người ưa cầu toàn và ghét sự cẩu thả thì họ sẽ không chấp nhận những thứ non kém. Thà rằng một tác phẩm dang dở còn hơn một sự kết thúc nhạt nhẽo hoặc chưa tìm ra một giải pháp khả dĩ.

Một vấn đề khá thú vị được đặt ra là với những ví dụ kể trên, nếu tác phẩm được hoàn thiện trọn vẹn thì giá trị của nó có thay đổi gì nếu so với hiện trạng như chúng ta đã thấy. Nếu Puskin hoàn thiện được "Người da đen của Piốt Đại đế" thì nó có thể thành một tiểu thuyết lớn như ông kì vọng không? Không ai chắc chắn được điều ấy dù tài năng của Puskin thì không thể phủ nhận.

Còn Gogol, liệu có đúng là phần tiếp theo của "Những linh hồn chết" dở đến mức không thể công bố? Hay là nhà văn chủ quan cảm thấy điều ấy, công chúng suy nghĩ khác ông thì sao. Đâu phải người viết nào cũng có thể đánh giá được tác phẩm của mình như chúng ta đã phân tích và từng thấy. Có thể Gogol đã sáng suốt nhưng điều đáng nói là dù còn dang dở thì "Những linh hồn chết" vẫn là một viên ngọc quý của văn chương Nga với những giá trị đặc sắc.

Kafka? Nếu đúng là tôi đã hiểu được Kafka thì có lẽ ông đã nhầm? Kafka đã không thể dự cảm được mình sẽ trở thành nhân vật khai mở thế giới thế nào. Lịch sử văn học sẽ rất khác nếu thiếu vắng Kafka. Nếu ông biết được chỉ một phần vai trò của mình trong tương lai, tôi tin rằng ông sẽ có cách ứng xử khác với những bản thảo của mình. 

Điều may mắn nhất là dù ở trong trạng thái chưa đến điểm kết thúc như chúng thường - phải - thế thì giá trị của "Lâu đài" và "Vụ án" không hề giảm sút. Sự dang dở này hầu như không ảnh hưởng đến tác phẩm và như tôi đã nói ở đầu chúng tiềm tàng cho những dự đoán hấp dẫn và tranh cãi.

Với Nguyên Hồng thì có lẽ nếu có cơ hội viết nốt tập ba của "Núi rừng Yên Thế", nó vẫn không phải những tác phẩm đáng kể nhất của ông. Nguyên Hồng không được định danh bởi bộ tiểu thuyết này dù nỗ lực và kì vọng của ông vào nó khá lớn, sự dở dang của bộ tiểu thuyết không ảnh hưởng mấy đến văn nghiệp của ông.

Gần đây tôi có đọc được một ý kiến của nhà nghiên cứu người Ba Lan Roman Ingarden. Roman Ingarden phát biểu rằng: "Mọi tác phẩm văn học đều dang dở, luôn đòi hỏi sự bổ sung mà ta không bao giờ đạt được giới hạn cuối cùng bằng văn bản". 

Đây là một ý kiến rất thú vị vì soi chiếu với những ví dụ kể trên ta thấy sự dang dở không hẳn là một khiếm khuyết, thậm chí nó còn là một điều đương nhiên. 

Câu nói của Roman Ingarden có thể mở rộng biên độ vì tác phẩm văn học nào cũng mời gọi những khám phá mới từ bạn đọc và chính nội tại tác phẩm. Bất cứ câu chữ nào viết ra cũng không hoàn toàn chấm dứt và vẫn còn những khoảng trống về ý nghĩa và những tiềm tàng ẩn sâu. Ai đọc xong một tác phẩm mà dám khẳng định mình đã hiểu hoàn toàn và nắm bắt trọn vẹn được ý nghĩa, cấu trúc của nó. Quá trình tiếp nhận vẫn còn tiếp tục do vậy tác phẩm sẽ không phải ở trạng thái kín đã hoàn thành mà lúc nào nó cũng còn dang dở.

Nếu có một tư duy mở và với tinh thần lạc quan soi chiếu thì một tác phẩm dang dở về hình thức hay đã đóng khép về mặt văn bản thì chúng vẫn tiếp tục trưởng thành và được hoàn thiện.

Uông Triều
.
.