Kiến trúc sư, Tiến sĩ Đặng Việt Nga và những kỷ niệm về Bác
- 20 năm thầm lặng trông coi di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ
- Xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với Bộ đội Công binh, Bộ đội Công binh với Bác Hồ”
- Trao tặng nhiều bộ phim tư liệu quý về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bà Đặng Việt Nga sinh năm Canh Thìn (1940) ở Nam Định, nhưng mãi 5 năm sau bà mới được thấy mặt cha. Đồng chí Trường Chinh sau những tháng ngày bị tù đày ở nhà pha Hỏa Lò, nhà tù Sơn La dưới thời Pháp thuộc; tích cực tham gia hoạt động và trở thành một trong những lãnh tụ chủ chốt của Việt Minh. Ông đã về quê nhà và được gặp lại cha mẹ, vợ, con trai và lần đầu thấy con gái Việt Nga trong căn nhà ấm cúng của gia tộc.
Trong suốt thời gian cha đi hoạt động bí mật, Việt Nga ở với ông bà nội và mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Minh ở Nam Định. Ông Trường Chinh đã đặt tên cho con gái là Việt Nga, có nghĩa là Hằng Nga nước Việt, chứ không phải là từ ghép của 2 chữ Việt Nam với Nga Xô (Liên Xô) như nhiều người lầm tưởng. Tháng 8 - 1945, Việt Nga lên Hà Nội ở cùng cha, đến năm 1946 thì theo cha và gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Đó là những năm tháng bà được gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1947, Việt Nga 7 tuổi. Cơ quan đang chuẩn bị cho bữa ăn tối rất nhộn nhịp. Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào cùng ngồi ăn cơm với mọi người trong cơ quan. Ông Trường Chinh ngồi ở giữa. Những người khác ngồi dãy dài.
Tiến sĩ Đặng Việt Nga (trái) và các bạn chụp ảnh với Bác Hồ. |
Ông Trường Chinh nhắc Việt Nga: "Con lên hát một bài tặng Bác nhé!". Việt Nga nhớ bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" mà các chú trong cơ quan đã hướng dẫn. Việt Nga hát rất to. Hát dõng dạc…Thấy Bác lấy khăn chấm nước mắt, Việt Nga nhìn Bác ngạc nhiên. Bác bảo: "Bác ăn ớt cay nên chảy nước mắt, cháu à…".
Về nhà, ông Trường Chinh cho hay: "Con hát hay, Bác xúc động, Bác khóc!".
Sau đó, Việt Nga nhận được quà của Bác Hồ, một chiếc áo trấn thủ màu xanh lam rất đẹp. Việt Nga mừng lắm, nhưng khi khoác vào người thì hơi rộng một chút. Việt Nga mặc thêm chiếc quần soóc mẹ may cho. Ngày nào Việt Nga cũng mặc vào và đi ra cổng, có ý khoe với mọi người. Mặc được vài lần, ông Trường Chinh bảo: "Ở cơ quan có 2 chú liên lạc, trong đó có anh Hải khoảng 12 tuổi. Chiếc áo trấn thủ của con chắc anh ấy mặc vừa. Thôi con mang tặng cho anh Hải, con nhé!".
Bố bảo thì nghe, nhưng trong lòng Việt Nga cũng tiếc lắm! Khi đưa áo trấn thủ cho anh Hải, anh ấy không dám nhận. Ông Trường Chinh nói mãi và bảo đây là quà của em Nga tặng. Cuối cùng anh Hải mới dám nhận.
Tết năm 1948, Bác Hồ bước sang tuổi 58, chùm râu hơi dài. Trong cơ quan Trung ương ai cũng thương Bác ở một mình. Khi còn nhỏ, Việt Nga đã chứng kiến sự quyến luyến yêu thương của Bác Hồ với con trẻ. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga kể: "Mẹ sinh người con út, đặt tên là Đặng Việt Bắc. Hôm đó, Bác Hồ đến làm việc với bố (đồng chí Trường Chinh). Mẹ bế em Bắc đến chào Bác rồi bế em sang phòng bên cạnh. Em Bắc lại càng khóc to. Bác Hồ bảo: "Đừng bế cháu đi. Tôi muốn nghe tiếng khóc của trẻ". Lúc đó còn nhỏ, nhưng tôi vẫn thấy trong Bác rất tình cảm, yêu trẻ em".
Ở Việt Bắc, ông Trường Chinh thường động viên Việt Nga lên chơi cho Bác đỡ buồn. Có khi Việt Nga quây quần bên Bác cả nửa tháng trời. Nhà sàn của Bác nhỏ. Phía dưới sàn có 8 chú bảo vệ mà Bác đặt tên là: TRƯỜNG, KỲ, KHÁNG, CHIẾN, NHẤT, ĐỊNH, THẮNG, LỢI.
Khi Việt Nga đến, một chú bảo vệ đưa lên nơi ở của Bác. Muốn lên đây phải leo lên đúng 100 bậc. Cầu thang cũng sơ sài, làm bằng những thân cây nứa nhỏ. Phía đầu nhà, nơi Bác làm việc có một cái hang. Bác chỉ cho Việt Nga biết là khi có máy bay địch bay qua, Bác phải qua một cái cầu bằng ván rồi mới vào hang được vì dưới có một cái hố rất sâu. Các chú bảo vệ thử thả một sợi dây thừng rất dài xuống hố mà không thấy đáy hang. Việt Nga hỏi Bác: "Nếu Bác tuột chân, rơi xuống thì sao?".
Bác cười: "Không sao cháu à! Bác quen rồi".
Đến giờ cơm, Bác Hồ và Việt Nga lại theo cầu thang xuống dưới nhà sàn ăn cơm cùng các chú bảo vệ. Ở đây, mọi người có nuôi một con khỉ cho vui cửa nhà. Bác thường ngồi vuốt râu và hút thuốc lá. Việt Nga ở chơi với Bác lâu ngày nên cũng muốn về nhà. Hiểu ý Việt Nga, nên khi gặp ông Trường Chinh, Bác bảo: "Ở với Bác, cháu buồn, không có gì để cháu chơi. Lần sau, chú để cháu ở nhà, đừng cho cháu lên với Bác nữa, tội nghiệp cháu lắm"!
Đặng Việt Nga (thứ 2 bên trái) và các bạn trong một lần được chụp ảnh cùng Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn tại Liên Xô (1961). |
Một lần khác ở chiến khu có cơ quan nghe tin Bác Hồ xuống thăm, mọi người đều tập trung về một nơi dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ để chào đón. Nhưng Bác Hồ đã hóa trang thành một cụ già mặc áo nâu, chống gậy, đầu chít một cái khăn quấn quanh cả chòm râu, chỉ chừa hai con mắt. Đoàn đang đi bộ qua cánh đồng, tự nhiên một chú bảo vệ và Bác rẽ trái, còn cả đoàn cứ tiếp tục vào cổng chào. Chờ mãi không thấy Bác đâu. Hóa ra, Bác đã đi vòng ra phía sau ghé qua kiểm tra nhà vệ sinh, nhà bếp. Khi vào nơi tập kết, Bác phê bình các cô chú trong cơ quan đã không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Mọi người ai cũng thấy mình có lỗi.
Năm 1954, Việt Nga và gần một trăm học sinh đang học ở Trung Quốc được đưa sang Liên Xô học phổ thông, lúc đó Việt Nga mới 14 tuổi. Năm sau, Việt Nga và các bạn thiếu nhi Việt Nam lớp lớn nhất được đi dự trại hè quốc tế thiếu nhi ở Arơtech (Crưm). Đây là trại hè rất bổ ích và duy nhất mỗi năm một lần diễn ra ở Liên Xô thời bấy giờ.
Năm 1961, tại Moskva, Đặng Việt Nga vinh dự được gặp Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn sang dự đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô. Những ngày ở Liên Xô, Bác Hồ đã đến thăm và động viên các thiếu nhi Việt Nam đang học tập và lao động ở Moskva. Tháng 8 - 1963, Đặng Việt Nga, Võ Hồng Anh (con gái đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh Đặng Xuân Kỳ (anh trai Đặng Việt Nga) lại được gặp Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.
Những lần được gặp Bác, Đặng Việt Nga như có thêm ngọn lửa thôi thúc động viên mình cố gắng học tập thật giỏi, lao động thật tốt để xứng đáng những gì mà Bác luôn gửi gắm vào thế hệ trẻ. Đề án tốt nghiệp đại học khoa kiến trúc năm 1965 ở Moskva của Việt Nga được trao giải thưởng xuất sắc.
Về nước, Việt Nga công tác ở Viện Thiết kế - Bộ Xây dựng - gần 5 năm (1965-1969). Sau đó, Việt Nga sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh (1969 -1972) bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, lại trở về công tác ở Bộ Xây dựng. Năm 1980, Việt Nga chuyển công tác sang Bộ Văn hóa, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Viện Thiết kế của Bộ, về sau là Giám đốc của Viện. Đến giữa năm 1983, Đặng Việt Nga chuyển công tác vào Đà Lạt - Lâm Đồng cho đến nay.
Kiến trúc sư, tiến sĩ Đặng Việt Nga cả một đời tâm huyết với nghề kiến trúc. Những ước mơ lớn dần lên theo năm tháng, khát khao được cống hiến cho một nền kiến trúc nước nhà luôn cháy bỏng trong bà. Không có công trình nào được mời gọi mà bà không dành đam mê cùng nó. Bà có thể quên ăn, quên ngủ để hoàn thành những phác thảo thiết kế. Kiến trúc đã trở thành máu thịt của bà.
Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về những năm tháng khó khăn trên chiến khu Việt Bắc, bà càng thấu hiểu sự hy sinh mất mát của bao thế hệ cha anh đi trước và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tổ quốc là lớn lao không gì bù đắp nổi.