Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du: Tôn nghiêm và cổ kính

Thứ Ba, 21/03/2006, 07:18

"Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Lời thơ cụ Nguyễn thôi thúc chúng tôi về thăm đất thiêng Tiên Điền (Hà Tĩnh) trong một ngày xuân. Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó giám đốc khu lưu niệm Nguyễn Du đã cho chúng tôi hay về khu lưu niệm của Đại thi hào...

Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, ông tổ của họ Nguyễn Tiên Điền, quê ở Canh Hoạch, Thanh Oai, trấn Sơn Nam (Hà Tây) là người phò Mạc, từng cầm quân giữ một vùng đất thuộc trấn Thanh Hoá - quê hương Chúa Trịnh - chống lại Chúa Trịnh, bị đích thân Trịnh Tùng đánh bại.

Sau một thời gian ẩn náu tại quê nhà nhưng chẳng yên thân, ông đã rời Hà Tây đi về phương Nam. Đến trấn Nghệ An, Nguyễn Nhiệm đi thuyền theo sông Lam, vừa đi vừa canh cánh nỗi lòng về nhân tình thế thái. Đến bến Giang Đình chợt thấy một vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt nghèo nàn, cảnh vật yên bình, ông cho thuyền cập bến ngắm nhìn thế đất, thấy nơi đây hướng ra biển Đông, lưng dựa vào 99 ngọn núi Hồng cao ngất, có con sông xanh bắt nguồn từ núi Hồng uốn lượn chảy quanh trước khi hợp lưu với sông Lam. Hoang sơ nhưng hữu tình, có lẽ không còn gì hơn đối với một quý tộc thất thế đang bị săn đuổi, chọn làm chốn mai danh ẩn tích.

Nguyễn Nhiệm cho dựng trại khai khẩn, nắn lại nhánh sông Tân Quyết phía Tây, tận dụng nhánh sông phía Nam chuyên chở phù sa lấp làm cho đất đai ngày càng màu mỡ. Vừa tổ chức sản xuất nông nghiệp, Nguyễn Nhiệm vừa bốc thuốc cứu dân. Trên bãi bồi hoang sơ ấy, Nguyễn Nhiệm sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Hàng trăm năm sau (đời thứ 6 và thứ 7), khi những hậu duệ của Nguyễn Nhiệm là Nguyễn Nghiễm, rồi tiếp đó là Nguyễn Khản làm đến chức tể tướng dưới triều Nguyễn là giai đoạn dòng họ Nguyễn Tiên Điền phát triển hưng thịnh nhất. Khu bãi bồi, nơi mai danh ẩn tích của cụ tổ Nguyễn Nhiệm bấy giờ trở thành khuôn viên của gia tộc họ Nguyễn kéo dài từ cổng nhà Văn chỉ dòng họ đến bờ sông Lam rộng hơn 4 ha rợp bóng cây trái. Ẩn mình dưới tán cây là chùa chiền, dinh thự nguy nga, đường đi lối lại được lát gạch. Phía trước mặt là đầm sen, bên phải là những chiếc cầu kiều cong cong bằng đá bắc qua dòng Tân Quyết. Một con đường cái quan dài 7 km được xây dựng nối liền từ đường Thiên Lý (quốc lộ số 1) đi về phía Đông dẫn về khu dinh thự.

Năm Tân Hợi (1791), khu dinh thự phồn hoa này bị tàn phá. Làng Tiên Điền và nhất là khu dinh thự của gia tộc họ Nguyễn trở thành đống đổ nát hoang phế kéo dài đến hơn một thế kỷ. Mãi đến những năm 40 của thế kỷ XX, khi Truyện Kiều trở thành tác phẩm bất hủ trên văn đàn và Nguyễn Du trở thành  Đại thi hào của dân tộc, Hội Khai trí Tiến Đức đã quyên tiền giao cho Nghè Mai, một hậu duệ của họ Nguyễn Tiên Điền và là thành viên của Hội Khai trí, chuyển ngôi nhà thờ trong vườn riêng của vợ chồng Nguyễn Du ra khu đất của gia tộc họ Nguyễn để các nho sỹ, văn sỹ và nhân dân ngưỡng mộ Truyện Kiều đến thắp hương tưởng niệm thi nhân.

Tháng 7/1953 thêm một trận bom tàn phá của máy bay thực dân Pháp, những gì còn lại của khu dinh thự vốn đã trở thành phế tích gần như bị xóa sổ, chỉ sót lại duy nhất đàn tế Nguyễn Quỳnh, 2 ngôi nhà Tư văn, nhà thờ Nguyễn Du, hai cây cổ thụ, hai cột cổng ra vào.

… Đến khu lưu niệm Đại thi hào

Năm 1999, sau khi Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định xếp hạng khu lưu niệm Nguyễn Du là di tích đặc biệt của quốc gia, 10 tỷ đồng được Nhà nước đầu tư để tôn tạo và xây dựng khu lưu niệm. Đến nay, công trình này đã được xây dựng hoành tráng nhưng cổ kính. Đó là khu văn hóa, tượng đài, nhà trưng bày hiện vật Nguyễn Du.

Những nhà bảo tồn, bảo tàng đã cố dựng lại không gian của khu dinh thự họ Nguyễn Tiên Điền hơn hai thế kỷ trước: Nhà Tư văn được sửa sang; Bia Nguyễn Quỳnh, thân phụ Nguyễn Nghiễm được tu bổ; hệ thống đường đi lại trong khuôn viên được phục chế bằng việc lát gạch cổ, nhiều cây xanh, cây cảnh được trồng; nhà thờ Đại thi hào vẫn  nhỏ bé, giản dị như mấy trăm năm trước nhưng thường xuyên hương khói; mộ Nguyễn Du thêm một lần nữa được nâng cấp tu sửa.

Nét văn hoá nổi bật là huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh trong lễ hội đầu xuân nhiều năm nay, đã khôi phục một cách sống động những đêm thơ tại nhà Tư văn trong khu lưu niệm Nguyễn Du. Năm 2005, khu lưu niệm Nguyễn Du là một trong ba điểm thi hát ca trù toàn quốc..

Hải Ninh
.
.