Nhân 90 năm ngày sinh nữ thi sĩ Anh Thơ

Khi tác phẩm để đời là tác phẩm đầu tay

Thứ Ba, 01/03/2011, 10:16
"Bức tranh quê" là tập thơ đầu tay nhưng cũng là tập thơ "để đời" của nữ thi sĩ Anh Thơ. Mặc dù chỉ đoạt giải khuyến khích của nhóm Tự Lực văn đoàn và giải thưởng ấy hoàn toàn không có gì là "quá đáng" bởi những non nớt, vụng về của một cây bút vừa mới chập chững vào nghề vừa ít trải nghiệm cuộc sống, song ít nhiều nó cũng đã để lại cho thi đàn Việt Nam những ánh thơ lấp lánh.

"Nếu như ở Nga, vào những năm 20 của thế kỷ trước, có một nhà văn - đồng thời là một nhà nông học tên gọi Mikhail Prisvin đã từng ghi lại "Bốn mùa lịch thiên nhiên" qua tập tản văn đậm chất thơ của mình thì ở Việt Nam, vào giai đoạn bắt đầu thoái trào của phong trào Thơ Mới, có một nữ tác giả mới chỉ 18 tuổi cũng đã tìm cách lưu lại cảnh trí thiên nhiên và sinh hoạt của người dân quê bằng chất liệu thơ. Và mừng là, cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông đều đã được nữ tác giả kết tinh trong những vần thơ thật đáng yêu và đáng nhớ.

Này là cảnh chiều xuân với mưa phùn và quán vắng: "Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời" (bài "Chiều xuân"). Cảnh đêm xuân với ánh trăng dịu nhẹ cùng sự "thức dậy" của một số loài hoa: "Và nhè nhẹ trong tơ trăng phơ phất/ Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn/ Làng xóm lặng say đi trong giấc ngát/ Những hương hồng, hương lý dậy miên man" (bài "Đêm trăng xuân"). Cảnh một sớm hè điểm nhẹ tiếng chim kêu trên mặt nước trong: "Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ/ Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây/ Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ/ Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say" (bài "Sáng hè"), và một trưa hè với sự im ắng đầy tích chứa: "Trời trong biếc không qua mây gợn trắng/ Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa/ Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua" (bài "Trưa hè")

Đây là cảnh chiều thu được thâu lại trong một đôi nét vẽ giản dị nhưng ám ảnh: "Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay" (bài "Sang thu"). Và đây -  cảnh bến đò ngày mưa rất gợi không khí mùa đông: "Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át/ Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa/ Và dầm mưa dòng sông trôi dào dạt/ Mặc con thuyền cắm lại đậu trơ vơ" (bài "Bến đò ngày mưa").

Các cảnh sinh hoạt, từ cảnh chợ búa, hội làng, lễ chùa rồi cảnh giông bão, mưa lũ, hạn hán… đều được tác giả chú tâm ghi lại. Đặc biệt, tác giả tỏ ra rất biết chọn lựa chi tiết để lột tả cái oi ả ở thôn quê những ngày hè nóng bức: "Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/ Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây" (bài "Chợ mùa hè"). Nghĩa là, làng quê có những cảnh gì, chuyện gì tác giả được chứng kiến đều được ghi lại bằng thơ. Tuy nhiên, trong bức tranh quê ấy, những khoảnh khắc thanh bình, êm ả, với trăng thanh gió mát, không gian tĩnh lặng vẫn được tác giả ưu ái dành cho những nét vẽ kỹ càng, thận trọng hơn. Có vẻ như từ sâu thẳm lòng mình, Anh Thơ thích sự yên tĩnh và từ sự yên tĩnh ấy, bà đã lọc ra được những nét đẹp của cảnh trí mà không phải ai cũng nhận ra hoặc thể hiện được.

Đọc "Bức tranh quê", cũng không ít người chê Anh Thơ chỉ nhăm nhăm tả cảnh, khiến thơ khô khan, không có tình (nhà phê bình văn học Hoài Thanh - trong "Thi nhân Việt Nam" đã nhận xét rằng: "Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh"). Đúng là với phần đông các nhà thơ, khi sáng tác, họ đều để tình và cảnh hòa trộn, như khi ăn, họ cho cơm trộn với canh. Còn với "Bức tranh quê" của Anh Thơ, gần như mỗi câu riêng biệt, chủ yếu là để tả cảnh. Như thể khi ăn cơm, tác giả ăn thức ăn riêng, không dùng canh. Tất nhiên, có những miếng thức ăn tự thân nó cũng không phải "khô khan", "khó nuốt", bởi trong nó cũng đã trữ nước. Đọc "Bức tranh quê", ta thấy Anh Thơ có những câu không chỉ để tả cảnh đơn thuần, mà trong đó còn gửi gắm những suy ngẫm, mong ước, cảm xúc của tác giả. Như khi Anh Thơ viết: "Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi/ Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi" (bài "Bến đò trưa hè"), hoặc "Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay", thì cái "buồn rộng rãi", cái "nhớ nắng" ấy không phải của cảnh vật mà là của chính tâm hồn bà. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thơ Anh Thơ dù hình ảnh có đẹp và khơi gợi thế nào chăng nữa, nó cũng ít có sự quấn quyện tình cảm để tạo thành những liên tưởng độc đáo và đem tới cho người đọc những rung cảm mãnh liệt. Từng viết nhiều về trăng và có những câu thơ đẹp như "Bên đầm sen nước loãng lọc trăng hè" nhưng Anh Thơ chưa có những câu vươn tới độ cảnh và tình hòa một kiểu như "Ôi giá được mỉm cười bên đống rạ/ Dùng miệng của vầng trăng nhai cọng rơm này" của thi sĩ Nga Serger Esenin. Anh Thơ từng viết "Nước trong ngòi chảy tắm mấy ngôi sao" làm ta nhớ tới Hàn Mặc Tử với "Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe", nhưng rõ ràng sự liên tưởng của Hàn Mặc Tử ở cấp cao hơn, độ say đắm cũng mạnh hơn.

Như trên đã nói, đa phần trong "Bức tranh quê" là những câu chỉ trần xì tả cảnh, mà lại là những cảnh hết sức đơn giản, thậm chí thô tháp, nhất là những cảnh sinh hoạt chợ búa ở làng quê, kiểu như: "Các mẹt bún bày ruồi không hở trắng/ Các sàng dưa bám nhặng kín xanh tươi" (bài "Chợ mùa hè"; không hiểu sao trong "Bức tranh quê", tác giả trẻ rất hay nhắc tới hình ảnh lũ ruồi và hình ảnh những người đàn ông hút thuốc lào?); "Đây mấy mụ chổng mông lên khảo gạo/ Kia một cô chúm miệng húp canh riêu" (bài "Đông chợ"); rồi nhiều câu thơ ngô nghê do độn chữ mà thành: "Bên ao nước bèo chen rau muống nổi/ Mẹ rồi con xắn váy cúi khom, và/ Người vớt bèo, người khều rau hái vội" (bài "Sáng hè"); "Trong khi ấy tiếng lợn kêu eng éc/ Khắp xóm làng lẫn tiếng chửi nhau vang" (bài "Chiều ba mươi Tết")… Đúng như nhà văn Nhất Linh đã nhận xét trong bài viết đăng Báo Ngày nay số ra ngày 25/5/1941, trong "Bức tranh quê" có "nhiều câu tầm thường, nhiều chữ độn cho câu thơ đủ tám chữ", trong khi không ai bắt tác giả "phải viết đủ mười hai câu".

Trong hồi ký "Từ bến sông Thương", Anh Thơ có kể lại quá trình sáng tác tập thơ đầu tay của mình: "Năm ấy Tự Lực văn đoàn đang có kỳ thi văn thơ. Khi tờ báo đăng thể lệ cuộc thi đến tay tôi, hạn nộp bài chỉ còn một tháng, làm sao tôi làm kịp thơ để dự thi?".

Anh Thơ bỏ học từ sớm. Theo những gì mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh giới thiệu trong "Thi nhân Việt Nam" thì tới năm 12 tuổi, Anh Thơ mới học lớp 3, và bà "bỏ học sau một buổi bị cô giáo phạt quỳ". Trình độ học vấn đành rằng có ảnh hưởng tới việc làm thơ của bà ít nhiều, nhưng cái khó hơn cả vẫn là: "Tôi sẽ tả những gì đây trong thơ? Thơ tình yêu say mê như Xuân Diệu? Nhưng tôi đã được yêu và biết yêu đâu? Như Chế Lan Viên nhớ xứ Chàm, nhưng có biết xứ Chàm ở đâu?... Tôi lại làm thơ về phong cảnh xóm làng vậy. Xưa nay tôi chỉ biết xóm làng".

Khi đã nghĩ ra hướng đi rồi thì việc làm thơ của nữ tác giả trẻ diễn ra một cách rất… tốc độ, có thể nói là hơi dễ dãi nữa: "Hạn dự thi còn một tháng, tôi cứ chia ra mỗi buổi trưa làm một bài. Làm tả cảnh bốn mùa, cảnh mưa nắng, cảnh lụt cảnh hạn, tả phiên chợ, đám cưới, đám ma, ngày hội, ngày tết… Cứ nghĩ đến đâu, thích cảnh gì, làm một bài thơ cảnh ấy. Làm rất nhanh... Vừa hết ngày hạn cuối cùng của cuộc thi, tôi cũng làm xong và gửi được tập thơ đó".    

Tất nhiên, sự thúc ép về thời gian và hoàn cảnh đã khiến tác giả trẻ phải viết vội. Song, nói như Nhất Linh, không ai bắt tác giả cứ phải làm thơ chằn chặn một bài 12 câu, mỗi câu đúng 8 chữ. Chính đề tài hạn hẹp, cộng với thể thơ đơn điệu đã "làm cho tập thơ kém vẻ linh loạt, thành ra nặng nề, uể oải, từ đầu đến cuối cứ đều đều một giọng". Ấy là chưa kể, đọc những câu quá tả thực, đến mức thô thiển của Anh Thơ, lắm lúc tôi phải tự hỏi: Không hiểu tác giả viết vậy để làm gì? Bà muốn làm một nhà văn hóa, lưu giữ bằng thơ những nét sinh hoạt, những tập tục? Nhưng thơ đâu phải sinh ra để làm việc ấy, nhất là ở thời đại máy ảnh, máy quay phim đã ra đời, và lối văn hoạt kê ở Việt Nam cũng đã rất thịnh hành (với các truyện ngắn của Tô Hoài, Bùi Hiển…). Nếu dùng thơ để thay thế những loại hình đó thì thơ "đứt đuôi con nòng nọc".

Nhà văn Nga A.N.Afinôghenốp đã có một ý kiến rất đáng lưu ý: "Nếu như nghệ thuật của nhà văn tựu trung là ở khả năng biết quan sát con người thì những nhà văn lỗi lạc nhất phải là những ông bác sĩ và các ngài dự thẩm, những giáo viên và các ông nhân viên phục vụ trên tàu… Thế nhưng đâu có phải như vậy. Nghệ thuật của nhà văn chính là ở chỗ biết cách quan sát bản thân mình".

Thơ Anh Thơ, không chỉ ở "Bức tranh quê" mà ở cả những tập thơ xuất bản sau này, thường thiên về ngoại cảnh mà ít đi sâu vào những chỗ ẩn khuất, những tâm tình riêng của con người, đặc biệt là tâm tình riêng của một người phụ nữ với những đặc điểm giới tính. Làng thơ Việt Nam đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện vui: Nghe bút danh Yến Lan (tên thật là Lâm Thanh Lang), ai cũng nghĩ đó là một nhà thơ nữ; trong khi nghe bút danh Anh Thơ (tên thật là Vương Kiều Ân), người ta lại nghĩ đó là một nhà thơ… nam. Ở đây, tôi muốn bổ sung một chút vào câu chuyện trên: Không chỉ nhầm khi nghe bút danh, mà đọc "Bức tranh quê", nếu không biết về tác giả, người đọc cũng dễ có sự lầm tưởng như vậy. Tôi cho rằng đây là điểm thiếu hụt rất trầm trọng của bà với tư cách một nhà thơ. Tuy nhiên, rất may, phần thiếu hụt ấy đã có sự bù đắp của các nữ tác giả khác. Và cũng rất may, cái phần các tác giả khác không dễ có, thì bà - ở lúc tuổi còn rất trẻ - đã gặt hái được. Ấy là việc để lại cho đời những bức tranh quê quý hiếm là những cảnh trí đã và đang bị mai một dần trong thực tế mà không dễ gì ta có thể níu giữ bằng các loại hình nghệ thuật khác - ngoài thơ.

  13/2/2011

.
.