Khi nhà khoa học "dấn thân" vào văn chương

Thứ Sáu, 11/08/2017, 08:09
"Kim thiếp Vũ Môn" - cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất bản chưa được bao lâu đã gây được tiếng vang trong công chúng. Song ít ai biết rằng, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh chính là một nhà khoa học (GS. TSKH Trần Xuân Hoài) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. 

Cách đây chưa lâu, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức cuộc tọa đàm "Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử" nhân tái bản cuốn sách "Kim thiếp Vũ Môn" của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.

Điểm độc đáo là ở chỗ, tác giả cuốn sách lâu nay vốn là một cái tên xa lạ trong làng văn nhưng đã gây được sự chú ý của người đọc. "Kim thiếp Vũ Môn" lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIV sang đầu thế kỷ XV, tái hiện cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng lừng lẫy chiến công của nghĩa quân Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược.

Tác giả tâm sự: "Từ tấm bia chữ hán (Kim thiếp Vũ Môn) của ông nội để lại, tôi phỏng đoán đây là bìa một cuốn sách viết về những sự việc có liên quan tới thác Vũ Môn ở quê mình. Bởi vậy, hơn hai chục năm qua, ngoài công việc nghiên cứu chuyên môn, tôi hay đi về các địa phương vùng Nghệ - Tĩnh (trước đây gọi là Hoan Châu) để tìm thêm các tư liệu, thư tịch".

Có điều kiện đặt chân tới Trung Quốc và một số nước châu Âu, Trần Gia Ninh sưu tầm được các tư liệu liên quan đã giúp ông giải mã mấy chữ trên tấm bia của ông nội để lại. Điều đó đã thôi thúc ông viết và xuất bản tác phẩm "Kim thiếp Vũ Môn".

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh (tức GS. TSKH Trần Xuân Hoài).

Đọc cuốn sách, chúng ta cảm nhận tác giả rất tôn trọng các sự kiện được ghi chép trong chính sử, đồng thời ông cũng tạo dựng nên những sự việc và số phận con người mà lịch sử nước nhà chưa từng ghi chép. Cũng có thể sử sách đã từng ghi nhưng trải qua các triều đại phương Bắc xâm lược nước ta, những thư tịch ấy bị đốt, phá hoặc mang đi. Cho nên không ít "vỉa quặng quý" của quá khứ lịch sử bị vùi lấp dưới lớp đất thời gian, đang chờ những người có tâm huyết với quê hương và dân tộc bỏ công sức đào bới, dò tìm.

"Kim thiếp Vũ Môn" của Thâm Giang Trần Gia Ninh ở một phương diện nào đó đã cắt nghĩa cho người đọc thời nay hiểu là sắt thép ở Vũ Môn và những con người tài hoa ở vùng đất này đã chế tạo ra hỏa súng của người Việt như sách "Đại Việt sử ký toàn thư" tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: "Trần Khát Chân liền ra lệnh các hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền" mà người Trung Quốc đời Minh từng gọi là Thần Cơ thương. Tác phẩm cũng bổ sung, lý giải và làm sáng tỏ thêm về chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng...

GS.TS Trần Nho Thìn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: "Cuốn tiểu thuyết không dễ đọc nhưng hấp dẫn và gợi cho ta suy nghĩ mới về lịch sử. Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng, khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử".

Còn GS Trần Ngọc Vương - chuyên gia về lĩnh vực văn học cổ - cận đại Việt Nam lý giải, tác giả xuất thân từ gia đình Nho học, lại có thời gian dài sống và học tập ở Trung Quốc nên có vốn Hán văn phong phú, thông thạo các ngoại ngữ như Anh, Đức. Hơn nữa Trần Gia Ninh chịu khó thực hiện các chuyến du khảo nên có điều kiện để tích lũy kiến thức, tư liệu văn hóa.

Là nhà khoa học tự nhiên có nhiều công trình có giá trị nhưng ông lại hết sức đam mê văn học. Đây không chỉ là một tác phẩm hư cấu mà còn là một giả thuyết khoa học được thể hiện sinh động dưới hình thức một tiểu thuyết lịch sử; nhằm ca ngợi trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt thời trung đại.

Tôi có một thời gian khá dài theo dõi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nên phần nào hiểu về tác giả cuốn sách "Kim thiếp Vũ Môn". GS.TSKH Trần Xuân Hoài có nhiều năm giữ trọng trách là Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học. Lĩnh vực ông chuyên tâm nghiên cứu kể từ khi đi đào tạo Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học ở nước ngoài là vật lý thực nghiệm, trong đó ông đi sâu vào các chất bán dẫn phục vụ khí tài quân sự; tinh thể bán dẫn nhiệt và quang điện; bán dẫn lade hồng ngoại...

Chẳng thế mà cách đây 37 năm, để phục vụ chuyến bay vào vũ trụ của Phạm Tuân và Gorơbátcô trên tàu Liên hợp của Liên Xô, Trần Xuân Hoài được cử làm trưởng nhóm chuyên gia khoa học Việt Nam làm việc bên cạnh các nhà khoa học uy tín quốc tế.

Một thí nghiệm do ông đề xuất và thực hiện có tên "Hạ Long" nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường lên quá trình tinh thể hóa các tinh thể bán dẫn nhiệt và quang điện, giúp các phi công vũ trụ có thể dễ dàng thao tác trong trạng thái không trọng lượng. Đáng chú ý, thiết bị này còn tiếp tục hoạt động hàng chục năm sau khi trạm vũ trụ Salut hết hạn sử dụng.

Một sự kiện thu hút sự chú ý trong giới khoa học - công nghệ nước nhà là năm 1989, TSKH Trần Xuân Hoài trên cương vị Phó Viện trưởng Viện Vật lý đã xin lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam (lúc đó) tách ra thành lập Trung tâm Vật lý ứng dụng (tiền thân của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học) theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tập hợp được một nhóm cán bộ nghiên cứu toàn tâm toàn ý với khoa học, với phương thức điều hành, quản lý đơn giản và linh hoạt, Trung tâm Vật lý ứng dụng của TSKH Trần Xuân Hoài không những có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế về quang điện hóa, năng lượng tái tạo, kỹ thuật nano oxittitan (TiO2)... mà một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn như kính hiển vi quét đầu dò (SPM), màng TiO2 quang xúc tác, vật liệu từ Ferit. Đặc biệt là việc hợp tác với các nhà máy điện cơ Hà Nội để sản xuất nam châm trong đồng hồ đo điện, rồi chế tạo sản xuất hàng trăm tấn bi hợp kim cứng nghiền xi măng tại nhà máy xi măng Bỉm Sơn và khá nhiều thiết bị khoa học cao cấp theo đơn đặt hàng chuyên biệt...

Với đội ngũ nhân lực tinh gọn (khoảng 20 người) hoạt động theo cơ chế mới (sau này ngành khoa học và công nghệ gọi là Nghị định 115), khoảng 20 năm qua, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học do GS.TSKH Trần Xuân Hoài chèo lái không ngừng chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào đời sống sản xuất, kinh doanh. Gần đây, khi đã thôi Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, có dịp gặp ông và hỏi về tình hình của Viện, GS Trần Xuân Hoài cho biết: "Mừng cho anh em là làm không hết việc"...

Vốn là một nhà khoa học tự nhiên, thông thạo tiếng Anh, tiếng Đức (ông từng có hơn 50 công trình bao gồm sách chuyên khảo và các bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín), lại yêu văn chương và am hiểu Hán học, kết hợp với các đợt khảo cứu điền dã đã giúp Thâm Giang Trần Gia Ninh - GS. TSKH Trần Xuân Hoài viết nên tiểu thuyết lịch sử "Kim thiếp Vũ Môn", đã và đang gây được sự chú ý của bạn đọc cả nước.

Nguyễn Khôi
.
.