Khi cựu Bộ trưởng làm thơ

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:00
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyện thông Lê Doãn Hợp vừa tặng tôi tập thơ "Tháng năm còn mãi" (NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, năm 2015) cùng cuốn sách "Một trăm điều rút ra từ thực tiễn". Tôi đọc bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo in đầu tập thơ và tâm đắc với mấy câu thơ của ông mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trích dẫn:

Có một chút lãng mạn
Để mà nhớ, mà mong
Có đôi điều bí mật
Để giấu kín trong lòng…

Đọc tập thơ của Lê Doãn Hợp, tôi mới thấy một điều, ấy là sự cám dỗ của văn chương. Hình như văn chương chính là cứu cánh của tâm hồn. Người ta dù làm gì, ở đâu, thành hay bại cuối cùng cũng trở về với cái nôi ban đầu là gia đình, trở về với những kỷ niệm thuở ấu thơ, với quê hương đất nước, với những ký ức được viết ra hay giấu kín trong tâm hồn…

Sáu câu vọng cổ làm quà
hương sen trộn lẫn lời ca mủi lòng …

Hay:

Mắt ai nuốt bóng hình ai
để cho nỗi nhớ kéo dài vô biên …

Dù nghệ thuật thơ chưa thật chuẩn, tôi vẫn thấy xúc động với những tâm sự chân thành của một người hình như cả đời làm chính trị!

Đã nhiều năm rồi, hôm nay tôi mới có dịp ngồi đàm đạo với cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp. Tôi nhớ dịp cuối năm 2004, sau cuộc thi Hoa hậu thế giới, Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thi Huyền đã lọt vào tốp 15 người đẹp nhất hành tinh, Huyền đứng thứ 11, trước cả Hoa hậu Trung Quốc đã tạo nên một cơn sốt ngưỡng mộ Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền.

Gia đình hạnh phúc của Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Trong chuyến đi làm từ thiện với Huyền tại các tỉnh miền Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó là Lê Doãn Hợp đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Ngay từ buổi đó tôi đã chú ý đến cách phát biểu chân thành, ngắn gọn, súc tích, có thể nói là "ý tại ngôn ngoại" của ông làm cho người nghe rất dễ cảm tình. Sau này khi ông làm Bộ trưởng, ưu điểm đó đã được nhiều người nhắc đến. Nhiều tờ báo gọi ông là Bộ trưởng "hay cho chữ". Khái niệm "lề phải, lề trái" cũng bắt đầu từ thời ông chăng?! Giờ ông làm Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, tôi thấy ông thật ung dung, thư thái. Ông nói rằng, ông đã đúc rút được 100 điều tâm đắc, sẽ gửi cho tôi xem.

- Gia đình mình gồm 4 thế hệ "Tứ đại đồng đường" giờ sống chung trong một ngôi nhà, vui lắm" - Ông bảo tôi. Ông có ba người con đều học hành chu đáo. Cậu con cả Lê Doãn Hoàn sinh năm 1978, thạc sỹ kinh tế, hiện là Trưởng phòng Kinh tế của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN). Cậu thứ hai Lê Doãn Hoài sinh năm 1981, tiến sỹ kiểm toán, từng tu nghiệp ở Hàn Quốc. Cô con gái út Lê Phương Hảo sinh năm 1984, thạc sỹ quản trị kinh doanh, cán bộ Công ty Mobiphone.

Ông đọc cho tôi nghe "năm lo, năm có và năm nguyên tắc sống", những điều ông chiêm nghiệm được, cũng là những điều ông dạy con. "Lo cho cha mẹ để có đạo đức"; "Lo cho con để có tương lai"; "Lo cho vợ để có hạnh phúc"; "Lo cho sự nghiệp để có điểm tựa"; "Lo cho bạn bè để có sức mạnh tổng hợp". Và năm nguyên tắc sống ông dặn các con phải luôn thấm nhuần: "Chưa vui, phải biết vui mà sống, biết sống, bao giờ cũng sống vui, sống vui là sống có ích, sống có ích bao giờ cũng vui"; "Phấn đấu nhìn lên, hưởng thụ nhìn xuống"; "Luôn luôn biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự, từ trong nhà ra ngoài đời"; "Khiêm tốn là cách duy nhất để tự tôn vinh mình"; "Chăm lo cho môi trường hai tốt: Cơ quan tốt, gia đình tốt".

Đã từng kinh qua Chủ tịch, Bí thư Tỉnh, ông khái quát: "Làm Chủ tịch là làm ba chữ C: chính sách, công trình, cải cách hành chính. Làm Bí thư lại làm ba chữ C khác là: chủ trương, cơ chế, cán bộ. Rồi làm cán bộ chủ trì là thực thi ba chữ chủ: chủ thuyết rõ, chủ kiến nhanh, chủ động cao".

Ông kể rằng những năm còn chiến tranh, ở chiến trường ông nhận được một bức ảnh gia đình "Bố gửi cho con tấm ảnh gia đình, nhưng chưa thể nói là gia đình được vì còn thiếu con". Bấy giờ bố ông đang là Phó Trưởng Ty Kiến trúc Nghệ An. Đọc những dòng chữ bố ghi sau bức ảnh, tự nhiên nước mắt ông trào ra vì xúc động. Ông thường nói với mọi người rằng gia đình rất quan trọng vì đó là "Đơn vị kinh tế cơ sở; đơn vị văn hóa cơ sở và đơn vị an ninh cơ sở", nên phải biết chăm lo cho gia đình, bởi mọi điều tốt đẹp của xã hội đều bắt nguồn từ gia đình và mọi việc không yên, không vui của xã hội đều xuất phát từ gia đình. Những điều ông dạy con cũng là những điều mà ông tự nhắc nhở mình hàng ngày."Năm lo, năm có và năm nguyên tắc sống", ông còn làm thơ dạy con. Ông nói đã làm được hơn 100 bài thơ, để lại cho gia đình, bạn hữu. Bài thơ "Dặn con" ông đọc cho tôi nghe khá dài, không nhớ hết, tôi chỉ xin trích một số câu mà theo tôi là ông viết rất thực lòng:

Cứ mỗi bận về quê
Con nhớ ghé thăm ông bà con nhé
Tuổi già chờ mong bóng hình con trẻ
Như mong hoa trái vườn nhà
Tuổi trẻ là quá khứ của tuổi già
Ông bà là tương lai con đó
Mong con luôn nhớ
Có ông bà mới có bố hôm nay
Thế giới có thể đổi thay
Đạo lý nhà ta vẫn vậy
Thương ông làm gương hậu thế
Quý cháu tạo mẫu cho đời.

"Đạo lý nhà ta" mà ông nói đó là đạo lý làm người. Làm người sống nhân ái, bao dung, với anh em, bạn bè, đồng bào, đồng chí. Là đạo lý hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ. Ông kể rằng thủa còn đi học ở quê, ông thường làm hầm "nhảy cá", để dụ cá ở ruộng nhảy vào … Có lần, hầm "nhảy cá" của ông bị phá, ông tức lắm, định trả thù nhưng bố ông đã ngăn và bảo ông rằng "Con phá lại của người, thì con cũng như người. Con phải biết tha thứ thì mới cao hơn người". Lời của bố đã và sẽ đi theo ông cho đến hết cuộc đời. Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và vợ ông, bà Trần Thị Chinh, theo ông nói là luôn coi các con như bạn và thường tranh luận những điều mà cuộc sống đặt ra hàng ngày. Dù bận đến mấy, chủ nhật ông cũng dành cho gia đình. "Cái mà bố mẹ cần cho các con là kiến thức", ông thường nói với các con mình như vậy.

Khi tôi hỏi ông rằng, rời bỏ quyền lực, trở về với vợ con, gia đình, ông cảm thấy thế nào? Ông bảo: "Có gì đâu, quyền lực như chiếc áo khoác, cởi ra rồi càng được sống thực với mình hơn. Bây giờ mình sống theo phương châm: ba quên, hai nhớ, một có, đó là: "Quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên bức xúc. Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình và tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội". 

Dương Kỳ Anh
.
.