Kể tiếp chuyện Núi Đôi

Thứ Tư, 29/07/2009, 08:30

Tôi quen biết nhà thơ Vũ Cao được mươi năm mà cứ như là quen lâu lắm. Cơ mà tôi còn trẻ nên Vũ Cao rất khoái mỗi khi tôi đến thăm. Quen, kính trọng và yêu mến ông sau đợt tôi làm phim tài liệu về ông, về Núi Đôi và về những người lính thời các ông, có dính dáng cả thời chúng tôi nữa.

Cuộc ấy, tôi có nhờ nhà văn Hồng Diệu giúp đỡ kịch bản và lấy thêm "tư liệu sống" từ nhiều văn nghệ sĩ: Mai Văn Hiến (đã mất), Xuân Thiều (đã mất), Văn Đa, Lê Lựu và Trần Đăng Khoa.

Tại sao lại có Trần Đăng Khoa, là vì mỗi khi tôi thực hiện phim chân dung các văn nghệ sĩ Quân đội, anh rất hay tham gia góp ý, dù có khi chỉ là một chi tiết. Vũ Cao biết chuyện, cười bảo: "Khoa à. Cuội đấy. Nhưng mà cung trăng cũng cần có cuội. Khoa ghê nhỉ".

Tổ phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân chúng tôi khi ấy cùng vợ chồng nhà thơ Vũ Cao, các nhà văn, nhà thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đến với vùng quê Núi Đôi như trở về chính quê hương mình.

Cũng đã từ lâu, rất lâu, ngay sau khi bài thơ "Núi Đôi" ra đời, bà con nhân dân vùng Núi Đôi huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã coi nhà thơ như "người nhà". Bạn yêu thơ ở nhiều nơi cũng không hiếm người đinh ninh nhà thơ Vũ Cao chính là người con trai trong bài thơ. Còn cô du kích đã hy sinh, hẳn phải là người yêu thương đến trọn đời của chàng trai ấy…

Nhà thơ Vũ Cao năm ấy (2001) đã bước sang tuổi 80. Ở cái tuổi ấy, dường như mọi buồn, vui, được, mất của cuộc đời đã không còn quá quan trọng, đã không còn là suy nghĩ thường trực trong ông nữa. Mái tóc ông đã bạc trắng, chân tay đã không còn xốc vác, chỉ duy giọng cười điệu nói vẫn hệt như ngày nào.

Các lão đồng chí du kích hoạt động cùng thời với nữ du kích Trần Thị Bắc, nguyên mẫu cô du kích của bài thơ bây giờ cũng đã không còn nhiều nữa. Họ quây quần bên nhà thơ, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa. Phim về Vũ Cao được tôi khai thác chính yếu từ bài thơ "Núi Đôi". Chúng tôi kéo nhau lên Núi Đôi, lên tận đỉnh núi, sờ vào lô cốt.

Mặc dù tuổi đã cao, song nhìn Vũ Cao leo núi, thấy ông vẫn còn dẻo dai lắm. Văn Đa, Hồng Diệu, Xuân Thiều cứ gọi là phải lè lưỡi thán phục. Cả Bí thư thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Tân Chính cũng phục lăn. Vũ Cao lừng lững như cây đồng trụ mà bước thì gấp rưỡi người thường. Hôm ấy có cả "cô gái trú mưa" cũng thượng sơn. Hai vợ chồng Vũ Cao cứ như là tiên là Phật.

Ai bảo Vũ Cao không biết đóng phim là nhầm to. Ông đóng rất hay và xúc động (hình ảnh phim tôi còn đang giữ). Trước đó, tôi làm phim chân dung về họa sĩ Văn Đa, Vũ Cao đã "vào vai" phụ rất cừ. Cứ tự nhiên, an nhiên "đi" vào các cảnh rất thần thái. Hôm trước ông bảo: "Các ông làm là chính đấy nhé. Tôi không biết phim phiếc gì đâu. Nhưng các ông cứ bảo gì tôi làm thế. Ghê nhỉ".

Ghê thật. Hóa ra Vũ Cao thân thiết với mảnh đất Núi Đôi - Sóc Sơn hơn tôi tưởng. Ở Sóc Sơn, thực ra dãy núi ở Đền Sóc Sơn, nơi ngài Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp bay về trời mới là núi lớn, có dáng dấp của núi non chứ Núi Đôi nhỏ lắm, và thực tế là hai quả đồi nhỏ giống như ngực con gái mới lớn thế thôi, mà bây giờ người cả nước lại biết nhiều hơn về cặp núi - đồi này, ấy là do nhà thơ Vũ Cao. Thơ, văn hóa ra có thể chuyển tải được cả đất trời sông núi vào trong ấy, lại còn đi xa được.

Đến trường đoạn quay ở nghĩa trang mới là sự xúc động tột độ của ông. Người lính già tóc bạc phơ cao lớn đứng cúi đầu trước nấm mộ là nhân vật của mình. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Vũ Cao khóc. Rất im. Rất khẽ. Chỉ hoa đại loang hương. Đoàn đang quay, đột nhiên có mấy người tiến đến ôm chầm lấy ông. Một người đàn ông đã già cứ ôm chặt ông, nước mắt lã chã rơi xuống râu ria.

Người đàn ông đi chân đất ấy chính là ông Trần Văn Nhuận, em trai cô du kích Núi Đôi đã hy sinh. Tất cả sững người trước chi tiết đột biến này. Đây chính là tấm lòng của Bí thư Sóc Sơn Nguyễn Tân Chính. Rất văn nghệ và rất nhân văn.

Hôm ấy nhà thơ Vũ Cao cho biết thêm về bài "Núi Đôi". Thực ra là ông tâm sự với chị Tố Hoa, người thể hiện bài thơ này. Ông bảo ngày ấy viết chả có ngẫm ngợi gì nhiều đâu. Câu chuyện thế thì viết thế. Viết tranh thủ vào ban đêm, bên ngọn đèn dầu, trời rét lắm nên cứ chúi đầu vào đèn, muội bám đen ráo cả. Rét đến mức phải dùng cả đèn dầu để sưởi. Ghê không (cười).

Còn ngôi sao trên mũ à. Bộ đội thì phải có sao chứ. Đêm tối có khi chỉ nhìn thấy sao chứ không rõ mặt. Đưa vào cho dễ phân biệt với du kích. Bây giờ thì dân quân du kích cũng có sao. Ghê nhỉ (lại cười). "Thế còn hoa trên đỉnh núi?" - Tôi chen vào câu chuyện. Nhà thơ chợt im lặng. Ông mơ màng dõi lên đỉnh núi xa...

…Núi vẫn đôi mà anh mất em…

Người nữ du kích ấy bây giờ nằm ở nghĩa trang Sóc Sơn, bình dị như những nấm mộ liệt sĩ có tên hoặc không tên mà hầu như bất cứ một vùng đất nào trên đất nước Việt Nam chúng ta đều bắt gặp. Chiến tranh! Vâng, dù chiến tranh đã đi vào quá vãng, những nỗi đau đã dần kéo da non thì chúng ta hôm nay vẫn thấy thật rõ sự mất mát từ nó là quá lớn.

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: Em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng…

Tôi đã nhiều lần mời nhà thơ Vũ Cao đến giao lưu với các bạn sinh viên đại học để chúng tôi ghi hình phát sóng. Lần gần đây nhất là cuối năm 2002. Hôm ấy, khách mời là nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi đón anh Khoa và nhà thơ Vũ Cao bằng xe ôtô của một người rất yêu văn nghệ - ông Bùi Ngọc Khôn.

Nhà văn Lê Lựu đi xe riêng vì mới "đẻ ra" Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Mới đầu Lê Lựu nhận chở Vũ Cao, nhưng tôi kiên quyết không đồng ý vì xe của Lê Lựu ngày ấy rất kém, đã từng đẩy bộ như xe tay những năm ba mươi, chỉ có điều khác là đẩy từ dưới lên. Hơn nữa vợ nhà thơ chỉ đồng ý khi tôi đón, vì dạo ấy nhà thơ Vũ Cao đã yếu.

Tôi và anh Khoa kèm hai bên nhà thơ cao lớn như hai cậu vệ binh áp giải một ông Tây rẽ ôtô xe máy sang đường. Anh Khoa bảo: "Bố to lớn quá. To như một quả núi biết đi". Vũ Cao chỉ tủm tỉm. Lên xe anh Khoa lại trêu: "Bố Cao này, bố vẫn còn khoẻ gớm, cứ đà này có khi con "đi" trước bố". Vũ Cao quay lại: "Đi đâu?". Anh Khoa bảo: "Đi sang thế giới bên kia. Con đã làm bài thơ "Giã biệt" đọc bố nghe nhé". Đoạn anh Khoa ông ổng đọc làm ai cũng cười chảy nước mắt. Vũ Cao bảo: "Ghê nhỉ. Cái thằng cuội này vẫn chứng nào tật ấy".

Nếu ai cho rằng lên sân khấu giao lưu cùng với Trần Đăng Khoa và Lê Lựu thì mình khác gì hạt cát ném xuống biển, mà lo thay cho Vũ Cao thì rất nhầm. Vũ Cao hóm hỉnh vô cùng, lại nói rất giản dị, ngắn và khéo léo lắm.

Các bạn sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Văn và Đại học Sư phạm Hà Nội hẳn chẳng thể nào quên ông nhà thơ to lớn, đầu trắng, râu trắng, mặt mũi trắng trẻo nói về tình yêu rất sâu sắc bên cạnh chú lùn Khoa chả biết tình yêu là mấy cũng góp chuyện cho đỡ lép vế, để một hôm có người bảo "Khoa cứ đứng lên thì mới cao bằng Vũ Cao ngồi xuống", còn tôi biết chắc có trêu nữa cũng chả ai giận dỗi gì ai.

Rồi đến khi nhà thơ kể ra cái chuyện đi hỏi vợ cho Lê Lựu với tư cách lãnh đạo, tư cách trưởng đoàn, cả hội trường cười như muốn vỡ bung (Vũ Cao lúc đó là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn Lê Lưu là biên tập viên).

Ai đời đi hỏi vợ mà chính cái thằng chú rể cứ ngơ ngơ ngác ngác như người ngoài cuộc, hỏi gì cũng không biết, để ông lãnh đạo phải mắng yêu: "Đến lần thứ hai mà ông này vẫn chả có kinh nghiệm gì cả. Không biết rồi có nên cơm cháo gì không". Lúc ấy Lê Lựu gãi gãi đầu, lẩm nhẩm: "Anh ạ... anh ạ".

Nhà thơ Vũ Cao đã dành cả cuộc đời mình viết về người chiến sĩ. Khi xuống cơ sở, anh em chiến sĩ rất quý và kính trọng ông. Quý và kính trọng nhà thơ không phải vì ông là một nhà thơ có tài hay có chức sắc mà họ quý ông từ sự gần gũi, sự ấm áp lan tỏa từ con người ông. Đặc biệt là ở điệu cười hồn hậu. Đến đơn vị, ông như thấy lại thời trai trẻ của mình.

Chuyện nhà thơ Vũ Cao làm lãnh đạo Văn nghệ Quân đội, cá nhân tôi không sao hiểu nổi ông đã làm gì để lãnh đạo toàn những nhà văn nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy như ông "Đất nước đứng lên", ông "Mảnh trăng cuối rừng", ông "Mùa lạc", ông "Mảnh đất lắm người nhiều ma"...

Và rất nhiều, rất nhiều tài năng văn chương khác nữa vừa là đồng nghiệp, đồng đội nhưng về lý vẫn là lính của ông "Núi Đôi". Một lần ông "Núi Đôi" cười rất tươi bảo tôi, chắc là nhắc lại "Lãnh đạo văn nghệ ấy mà, ông biết không, là không lãnh đạo gì cả. Thế đấy! Thế có ghê không"...

Ở con người nhà thơ Vũ Cao, sự giản dị như là bẩm sinh, đã thành tính cách. Bè bạn đến chơi với Vũ Cao thấy thoải mái như ở trong chính nhà mình. Ông hóm hỉnh từ cách nói, cách nghĩ mà vào thơ thật giản dị, tự nhiên. Ấy thế mà trong thơ, sự tinh giản đó đã tự đắp lên những tượng đài lớn lao.

Chặng đường một đời người một đời văn với nhà thơ Vũ Cao khá thuận chèo, xuôi mái. Bởi trong đời trong thơ, ông luôn hướng đến với những người những việc thật bình thường. Chỉ có điều, ông luôn biết thổi những rung động máu thịt của người nghệ sĩ vào thơ và dâng tặng chính họ những gì từ công sức, máu xương của chính họ. Và, cũng chính từ những sự việc, con người bình thường ấy, đã làm lên Vũ Cao, nhà thơ - Chiến sĩ, mà "Núi Đôi" đã là đỉnh cao của thơ ông

Phùng Văn Khai
.
.