Kẻ sát hại ông hoàng nhạc Roci John Lennon: Lời xin lỗi muộn màng

Thứ Hai, 29/09/2008, 16:45

Trung tuần tháng 8/2008, Mark David Chapman, kẻ đã sát hại ông hoàng nhạc rock John Lennon cách đây gần 30 năm, đã làm đơn xin ân xá trước thời hạn, nhưng đã bị tòa án từ chối. Sau khi kháng án bất thành, y đã tỏ ra hối hận về tội ác man rợ của mình.

Trước tòa, kẻ sát nhân đã thừa nhận tội lỗi và tuyên bố rằng y hối hận và xấu hổ về hành động của mình. Y đã gửi lời xin lỗi tới bà quả phụ của John Lennon Yoko Ono, các con bà, và tất cả những người hâm mộ.

Y nói: "Ở tuổi 53 tôi đã nhận thức được cái giá của sinh mạng con người, hơn nữa bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều". Ngoài ra, Chapman còn tuyên bố rằng động cơ giết người của y là khao khát được nổi tiếng. "Tôi là một kẻ vô danh, và tôi cần thay đổi điều đó, lúc bấy giờ tôi suy luận như vậy".

Năm 1980, Mark David Chapman bị kết án tù chung thân và được quyền xin khoan hồng sau 20 năm. Đây là lần thứ 5 kẻ sát nhân xin được trả tự do, tuy nhiên tòa án kết luận rằng y vẫn còn là mối nguy hiểm đối với xã hội nên đã bác bỏ đơn của y.

Ban lãnh đạo nhà tù New York nơi Chapman bị giam giữ đã quyết định rằng kẻ tội phạm sẽ phải ngồi lại sau song sắt ít nhất là 2 năm nữa.

Sát thủ Mark David Chapman.

Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu một số nét mới về cuộc đời và sự nghiệp của John Lennon.

Sinh ngày 9/10/1940 tại thành phố Liverpool, thuở nhỏ John là một cậu bé nổi loạn. Bố mẹ cậu chia tay nhau khi John chưa đầy hai tuổi. Trong 20 năm tiếp theo của cuộc đời, John chỉ nhìn thấy mặt bố hai lần. Năm 1957, mẹ cậu bị chết vì tai nạn ôtô, và John trở thành đứa bé mồ côi. Nhưng đến lúc này John đã biết bộc lộ nỗi đau của mình và đồng thời tìm thấy sự giải thoát trong âm nhạc. Năm 15 tuổi, John đã thành lập ban nhạc trong trường. Mùa hè năm 1956, John gặp Paul McCartney và họ cùng sáng tác ca khúc, thành lập các ban nhạc khác nhau. Những thử nghiệm đầu tiên này kết thúc bằng sự xuất hiện ban nhạc huyền thoại gồm bốn thành viên "The Beatles" ở Liverpool. Và bắt đầu cuộc chinh phục thế giới.

Ban đầu các bài hát của họ chỉ xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc Anh và châu Âu. Nhưng chẳng bao lâu cả nước Mỹ cùng mở rộng vòng tay đón họ. Những chàng trai Liverpool đã trở nên nổi tiếng hơn cả nhiều ngôi sao ca nhạc của Mỹ lúc bấy giờ.

Là một người say mê chủ nghĩa tiên phong trong hội họa, năm 1966 John Lennon một lần tình cờ đến xem triển lãm của nữ họa sĩ Nhật Bản Yoko Ono tại một gallery ở London. Người ta kể lại rằng, Lennon bước tới một hiện vật gồm một miếng gỗ được đóng sẵn mấy chiếc đinh, bên cạnh đặt một chiếc búa và gói đinh. Dòng chữ trên tấm biển treo gần đó ngỏ lời mời người xem hoàn thiện tác phẩm theo ý thích của mình. Và Lennon là người đầu tiên thực hiện. Điều này khiến nữ họa sĩ không thể không chú ý. Kể từ đó Lennon và Yoko bắt đầu quen biết nhau, họ viết thư cho nhau và thỉnh thoảng gặp mặt.

Tháng 9/1967, Lennon tài trợ cho cuộc triển lãm tiếp theo của Yoko ở London. Tháng 5/1968, Lennon và Yoko cùng ghi âm một số tác phẩm mà sau này đã trở thành bài hát chung đầu tiên của họ có tên "Hai gã trai tân". Lennon đã dùng máy ảnh tự động chụp khỏa thân anh với Yoko và in ngoài bìa đĩa hát. Câu chuyện trở nên tai tiếng.  Cô Cynthia, vợ John, đòi ly dị và anh đã vui vẻ nhận lời, mặc dù rất lo lắng cho đứa con trai vì Lennon không muốn con mình lặp lại số phận của bố. Sau khi ly hôn, Lennon và Ono trở thành tình nhân, và trong các cửa hàng bắt đầu xuất hiện đĩa hát chung của họ.

Báo chí Anh lúc bấy giờ run lên vì giận dữ. Trên các tờ báo thời đó xuất hiện những dòng tít: "Người hùng phương Tây bị con quỷ phương Đông cầm tù". Lennon nhận được nhiều thư từ cảnh cáo và dọa dẫm. Sự bất hòa trong nội bộ ban nhạc "The Beatles" lên tới đỉnh điểm. Rất có thể, cho đến nay nhiều người hâm mộ tứ ca Liverpool vẫn coi Yoko Ono là nguyên nhân tan rã của ban nhạc lừng danh này.

Ngày 20/3/1969, John và Yoko tổ chức lễ cưới. Tuần trăng mật của họ trôi qua ở Amsterdam và trở thành một cuộc biểu dương quan điểm hòa bình của họ. Tháng 5 năm đó, Lennon và Ono lên đường tới Canada. Trên giường ngủ tại phòng dành cho tổng thống ở khách sạn "Nữ hoàng Elizabeth" (Montreal) họ đã ghi âm bài hát "Hãy cho hòa bình một cơ hội". Bài hát đã trở thành "bài hát tủ" của phong trào hòa bình trên thế giới.

Xung đột của Lennon với "The Beatles" ngày càng tăng. Vào tháng 10, anh tuyên bố với McCartney, Harrison và Starr rằng sẽ từ giã nhóm. Bốn ca sĩ thỏa thuận chưa đưa ra tuyên bố chính thức vì họ đang có việc kiện với nhà quản lý Allen Klein và Hãng "Apple".

Tháng11, Lennon trả lại cho Nữ hoàng Elizabeth tấm huân chương mà anh đã được nhận trước đây để phản đối việc Chính phủ Anh ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 12/12/1969, tại 12 thành phố trên thế giới, kể cả New York, Los Angeles, Toronto và London, đã xuất hiện khẩu hiệu của John và Yoko: "Chiến tranh sẽ kết thúc, nếu bạn muốn điều đó".

Đầu năm 1970, album cuối cùng của ban nhạc "The Beatles" có tên "Let It Be" ra đời. Còn vào đầu tháng 4, Paul McCartney là người đầu tiên tuyên bố rời khỏi nhóm. Lennon coi hành động đó như một sự bội ước. "The Beatles" kết thúc tồn tại.

Lennon chuyển sang đơn ca với sự tham gia của tích cực của Ono. Tháng 9/1971, xuất hiện album nổi tiếng của anh "Imagine". Đối với Lennon, tình yêu của Yoko đã trở thành một thứ tôn giáo. Vì tình yêu này,  Lennon đã thay tên đệm Winston của mình thành Ono. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 10 năm 1973, John và Yoko tạm thời chia tay, nhưng vào tháng 3 năm 1975, họ lại đến với nhau một cách mãnh liệt. Yoko có thai, các bác sĩ đề nghị phá thai vì đứa bé có thể bị khuyết tật nghiêm trọng do bố mẹ sử dụng ma túy. Có nguy cơ người mẹ sẽ chết khi sinh. Nhưng họ đã bất chấp. Ngày 9 tháng 10 năm 1975 quả là một ngày vui của John Lennon, anh tròn 35 tuổi, và Yoko sinh con trai. Cậu bé được đặt tên là Sean Ono Lennon.

Sau khi ban nhạc "The Beatles" tan rã, John Lennon đến sống ở New York, nhưng chính quyền thành phố không để anh được yên ổn. Kẻ nổi loạn người Anh làm họ sợ hãi. Họ đòi trục xuất Lennon. Lý do vẫn là việc anh có tiền sự và có quan hệ với các lực lượng cấp tiến cánh tả Mỹ. Chỉ đến năm 1976, Lennon mới được nhập quốc tịch Mỹ. Nhưng anh bị FBI và CIA liên tục theo dõi.

Ngày 8 tháng 12 năm 1980, trên đường đời của John Lennon xuất hiện Mark David Chapman. Đó là một kẻ thất bại và nghiện ma túy, 25 tuổi. Y ngưỡng mộ "The Beatles" và căm ghét cha đẻ của mình. Nhiều năm sau, trong một bài trả lời phỏng vấn y nói: "Tôi mơ ước được gí mũi súng vào đầu cha tôi, bắt ông ta quỳ xuống xin tôi tha thứ, và sau đó bắn vỡ sọ ông ta". Mark David tin tưởng một cách bệnh hoạn rằng có thể lấy lại tình yêu thương của bố mẹ mình bằng cách giết chết John Lennon. Những ý nghĩ đó lướt qua đầu y, khiến y không thể kiểm soát nổi.

Mấy giờ trước khi xảy ra vụ mưu sát, Mark đến xin bút tích của Lennon, ca sĩ ký tặng y đĩa nhạc, rồi nhìn vào mắt Mark và hỏi: "Đó là tất cả những gì anh muốn phải không?". "Đối với tôi câu hỏi của ca sĩ vang lên như một lời thách thức! Tôi không cần chữ ký mà là cuộc đời của anh ấy. Kết quả là tôi nhận được cả hai" - Tên sát nhân kể lại. Y phóng xe vượt lên trước xe của Lennon và Ono. Khi xe của họ về tới ngôi nhà của mình, Mark đã ở đấy. Y đứng trên vỉa hè, tay bóp chặt khẩu súng lục trong túi. "Có giọng nói ai đó vang lên trong đầu: Hãy làm đi, làm đi! - Mark nhớ lại - Tôi từ phía sau tiến tới và bóp cò 5 lần. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt đầy căm thù của người cảnh sát bế xác Lennon vào hàng ghế sau của chiếc xe đi tuần".

Sau này Ono nhớ lại rằng Mark như từ dưới đất chui lên, khi họ đi tới tòa nhà. John đang cầm cuộn băng ghi âm bài hát mới "Đi trên lớp băng mỏng". Anh đang cười rất tươi với chị. Bỗng từ sau lưng vang lên một giọng nói lạ: "Ngài Lennon phải không?". John vội vàng quay lại, và đúng lúc đó những tiếng nổ gầm lên. Lennon gục xuống vỉa hè. Chiếc kính của anh rơi xuống vũng máu, vỡ tan tành.

Paul McCartney, George Harriton và Ringo Starr vô cùng sửng sốt khi nghe tin Lennon bị giết. "Anh ấy là người tốt nhất trong chúng tôi" - Họ nói. Còn Yoko đã cho ra đời album tưởng niệm chồng "Season of Glass", ngoài bìa in những mảnh vỡ chiếc kính của John Lennon

Trần Hậu
.
.