Imelda Marcos - "Nữ thần tình yêu" hay ác quỷ?

Thứ Hai, 06/08/2007, 09:30
Tháng 12/1975, trên nguyệt san "Những người nổi tiếng thế giới", Imelda Marcos - phu nhân Tổng thống Philipines được xếp là một trong 10 người đàn bà giàu nhất thế giới, đứng chung danh sách với Nữ hoàng Elizabeth II.

Điều đáng nói là, Imelda không phải một doanh nhân, cũng không phải siêu mẫu thế giới có thu nhập cao ngất ngưởng. Số tài sản kếch xù mà bà sở hữu có nguồn gốc từ tham nhũng, biển thủ ngân sách của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) giành cho nhân dân Philippines.

Tài sản cá nhân của Imelda năm 1972 là 250 triệu USD, năm 1975 tăng lên 350 triệu USD, đến 1986  là 1,6 tỉ USD.

Sự nổi tiếng của của Imelda Marcos được tạo nên bởi số tài sản trị giá 1,6 tỉ USD, bởi bộ sưu tập 4.400 đôi giày, 500 bộ áo ngực màu đen và bộ sưu tập quần áo bằng da và lông thú. Bà còn là chủ nhân của bộ sưu tập các tòa nhà cao tầng ở nhiều nước khác nhau, đồ trang sức quý hiếm, các tác phẩm hội họa...

Ngoài ra, bà còn được biết đến là người tiêu sài xa xỉ nhất thế giới. Mỗi lần ra nước ngoài, Imelda thường tiêu đến hàng nghìn lượng vàng, kèm thêm vài trăm ngàn USD.

Khi đến Mỹ, Imelda từng ở trong phòng Hoàng đế của khách sạn Wall giá 14.000 USD một đêm và chi trả cho 25 phòng cho những người đi cùng, mỗi ngày đặt mua hoa tươi hết 1.000 USD... Theo lời một nhân viên thường tháp tùng Imelda, mỗi lần đi ra nước ngoài, Imelda thường tới các cửa hàng cao cấp. Nếu thích thứ gì, từ áo khoác lụa, ví da hay giày dép, Imelda sẽ mua 10 chiếc một, nếu còn chút do dự thì mua 5 chiếc.

Những nơi Imelda thường đến là các công ty bách hóa, cửa hàng tự chọn nổi tiếng của London, New York, Tokyo, Paris... Nếu cần thiết Imelda sẽ gọi tới những cửa hàng vàng bạc trang sức, thời trang giày, mũ và cả những nhà thiết kế nổi tiếng để thiết kế quần áo, trang sức cho riêng mình.

Imelda thường khua các cửa hàng trang sức dậy từ 4 giờ sáng để mua bán...

Gia tộc Romualdez của Imelda là một gia tộc danh giá ở Philippines, song gia đình cô lại nghèo túng bởi người cha không tu chí. Tuổi thơ của Imelda không mấy êm đềm vì mồ côi mẹ từ tấm bé và luôn bị những anh chị em cùng cha khác mẹ bắt nạt, thậm chí cô đã từng phải ở trong nhà xe. May mà trời phú cho cô bé chút nhan sắc và năng khiếu ca hát.

Ngay từ khi còn rất nhỏ cô đã luôn mơ ước trở thành người nổi tiếng như diễn viên điện ảnh, diễn viên múa hay ca sĩ. Cô thích xuất hiện trước đám đông để khoe nhan sắc của mình và tìm kiếm cơ hội trở thành người nổi tiếng.

Năm 19 tuổi, trong lễ hội hoa cỏ, Imelda được bình chọn là "Đóa hồng của Tacloban", được công chúng hoan nghênh và rất nhiều người đàn ông theo đuổi, nhất là những người thuộc 400 gia tộc giàu có nhất Philippines, như quan chức cao cấp, tỉ phú, luật sư, con em quân nhân và các nhân sĩ có máu mặt. Nhưng khi đó cô còn quá trẻ để lợi dụng những con người này làm chiếc cầu lên nấc thang danh vọng.

Cô quyết tâm thi hoa hậu, hy vọng sắc đẹp được khẳng định để trở thành người nổi tiếng. Sự kiện Imelda tham dự kỳ thi hoa hậu Manila là sự kiện gây được nhiều chú ý nhất trong năm 1953.

Thông qua giáo viên thanh nhạc của mình, Imelda đã nộp đơn dự thi hoa hậu kèm theo một tấm ảnh cực kỳ gợi cảm gửi tới Trưởng ban tổ chức cuộc thi là thị trưởng thành phố.

Người dân Philippine kháo nhau rằng, bất cứ một cô gái nào muốn trở thành hoa hậu, đều phải tìm cách để được lòng ngài thị trưởng ấy hoặc một vài chính khách háo sắc. Vì thế, việc tấm ảnh của Imelda chụp chung với thị trưởng thành phố xuất hiện trên các báo gần như là một khẳng định về việc cô sẽ đoạt vương miện hoa hậu.

Nhưng rốt cuộc, danh hiệu hoa hậu lại được trao cho cô Nahrama, 21 tuổi!

Lập tức Imelda tới khóc lóc trong phòng thị trưởng. Ông này phải đột ngột tuyên bố hủy bỏ quyết định của ban giám khảo cuộc thi. Lời tuyên bố đó vấp phải sự phản đối quyết liệt của ban tổ chức, và thị trưởng đã tìm ra một giải pháp trung dung: Nahrama vẫn là hoa hậu, còn Imelda là "Nữ thần tình yêu" của Manila! Rõ ràng, danh hiệu mà Imelda đạt được không phải do thi, mà do "cử"!

Nhưng dẫu sao sự kiện này đã đánh bóng tên tuổi của Imelda, cô trở thành tâm điểm chú ý của giới mày râu ở Manila. Nhưng Imelda chỉ muốn kết thân với người có thật nhiều tiền, và Aliston - người giàu có nhất Manila đã lọt vào tầm ngắm của cô.

Ngặt nỗi, Aliston đã có vợ nên bị cha cô kịch liệt phản đối. Trong lúc Imelda đang thất vọng vì cuộc tình đổ vỡ thì Hạ nghị sĩ Feedinand Marcos xuất hiện.

Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhan sắc "như trăng rằm" của Imelda đã khiến Marcos choáng váng và lập tức cầu hôn với cô. Khi đó Imelda cảm thấy Marcos chỉ là một người quá mạnh dạn, thô lỗ, lại không hiểu lời cầu hôn này là thật hay đùa, và quan trọng nhất là không biết khả năng tài chính của anh ta ra sao.

Trong vòng 11 ngày kể từ lần gặp đầu tiên, như bao kẻ si tình, Marcos tới tấp gửi tới Imelda những món quà đắt tiền, lãng mạn và luôn đề nghị cô ký vào bản hôn ước mà anh ta luôn mang theo bên mình. Nhưng lúc đó Imelda vẫn chìm đắm trong tình yêu với kẻ nhiều tiền nhất Manila nên mọi hành động của Marcos đều kém thuyết phục.

Phải đến ngày thứ 11, khi Marcos mời Imelda đến chơi tại ngân hàng của mình, cố ý cho cô nhìn thấy két tiền chứa khoảng vài triệu pêso cùng với hơn 1 triệu USD thì Imelda thực sự bị "nốc ao" và lập tức ký vào bản hôn ước của Marcos.

Ngay sau đó cô gọi điện nói lời từ biệt với người yêu cũ và thông báo luôn cho anh ta rằng mình sẽ lấy Marcos. Hôn lễ được tổ chức nhanh đến nỗi bản thân Imelda cũng cảm thấy ngạc nhiên.

"Tôi phát hiện ra rằng tôi không thể từ chối. Tôi chỉ biết rằng ông ấy là một nghị sĩ tài hoa, nhiều tiền, ngoài ra không biết gì thêm. Tuy nhiên, hôn nhân có lúc là như vậy, nó giống như cái chết, đến đột ngột không thể biết trước"...

Quà tặng của Marcos là một bộ trang sức bằng vàng trắng, trên đó nạm 11 viên đá quý tượng trưng cho 11 ngày theo đuổi tình yêu của mình. Chiếc bánh cưới được thiết kế theo hình dáng của tòa nhà Quốc hội Philippines. Imelda trở thành con dâu của một gia đình mà "trong nhà chỗ nào cũng thấy tiền, từng đống, từng đống như giấy lộn". (Theo "Mười người đàn bà đứng sau quyền lực").

Người đời thường nói đến quyền lực vạn năng của đồng tiền. Nó có thể đem lại hạnh phúc cho con người, lại có thể làm cho con người tha hóa. Trường hợp Imelda là một ví dụ điển hình.

Khi giúp chồng tranh cử tổng thống, trong các lần tiếp xúc với cử tri, Imelda đã có những phát biểu bày tỏ đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân Philippines và hứa hẹn cải thiện đời sống cho người nghèo. Cử chỉ đó đã gây được nhiều cảm tình trong công chúng, và sự ủng hộ của số đông cử tri nghèo đã đưa Marcos lên ngôi tổng thống.

Nhưng khi trở thành phu nhân tổng thống, Imelda đã nhanh chóng nuốt lời, sống một cuộc sống xa hoa, lãng phí, gây nhiều tai tiếng. Bởi vậy, Imelda không những là một người đàn bà giàu có mà còn là người gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Giữa lời nói và hành động của bà thường không ăn nhập với nhau.

Một số người cho rằng bà là "người hùng" của dân tộc, nhiều người lại cho rằng bà là ác quỷ và bị miêu tả là một người phụ nữ không hề có chút thương cảm nào đối với những đau khổ của người khác!

Cùng với việc lao vào tích trữ tài sản, Imelda còn điên cuồng thao túng quyền lực, hy vọng trở thành tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Năm 1975, quyền lực của Imelda tăng lên gấp bội khi bà được bổ nhiệm làm thị trưởng thành phố Manila. Một khi Marcos từ trần hoặc mất khả năng làm việc thì đương nhiên bà có quyền kế nhiệm. Sự ngông nghênh của Imelda khiến công chúng phẫn nộ và quyết tâm lật đổ sự thống trị của vợ chồng Marcos.

Năm 1983, Thượng nghị sĩ Aquino - kẻ thù lớn nhất của Tập đoàn Marcos bị  ám sát, phong trào phản đối chính phủ dâng cao. Trong lòng người dân Philippines, Aquino tượng trưng cho sự lương thiện, còn Imelda đại diện cho sự độc ác.

Ngày 3/12/1985, người vợ góa của Aquino, bà Cozaron Aquino tuyên bố tranh cử tổng thống. Trong cuộc chiến với bà Aquino, Imelda luôn bị mất điểm. Trong khi dân chúng hết lời ca ngợi bà Aquino thì uy tín của Imelda trở nên hết sức tồi tệ.

Ảnh khỏa thân của phu nhân đương kim tổng thống được phát tán trong các trường đại học và những tụ điểm vui chơi giải trí. Marcos đã sử dụng cả những hành vi gian lận trong bầu cử và một lần nữa ông lại đắc cử. Nhưng bà Aquino lập tức kêu gọi quần chúng nổi dậy chống lại kết quả kiểm phiếu của nghị viện và đòi đuổi Marcos ra khỏi cung điện.

Để trấn áp cuộc phản kích này, Marcos hạ lệnh cho quân đội tiến vào Manila, nhưng một màn kịch giàu kịch tính đã diễn ra. Tuyệt đại đa số binh lính đã hạ vũ khí, gia nhập vào đội ngũ diễu hành trong tiếng kêu gọi hòa bình của dân chúng.

Ngày 25/2/1986, bà Cozaron Aquino tuyên bố nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 7 của nước Cộng hòa Philippines.

Việc bà Cozaron Aquino trở thành Tổng thống cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt nền thống trị của Tập đoàn Marcos ở đất nước Philippines. Vài giờ sau khi bà Cozaron Aquino nhậm chức, Imelda Marcos cùng những người thân chạy sang sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ).

Trong vòng 23 năm (1963 -1985), từ khi trở thành phu nhân tổng thống, hình ảnh của "Nữ thần tình yêu" Imelda đã hoàn toàn thay đổi.

Từ một cô gái nghèo luôn đồng cảm với nỗi thống khổ của dân nghèo, Imelda trở thành ác quỷ, luôn khinh bỉ, ghét bỏ và đối đầu với dân chúng. Vì thế việc chấm dứt ách thống trị của vợ chồng bà ở đất nước Philippines là điều không thể tránh khỏi

.
.