Huyền thoại làng Rô

Thứ Sáu, 08/12/2006, 15:00

Trong trường ca “Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu đã dành những vần thơ chứa chan tình cảm để tặng bà con làng Rô, một làng nhỏ của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam: “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.

Lần theo những vần thơ ấy, tôi đã tìm về làng Rô vào một ngày cuối thu 2006. Bên bếp lửa nhà Gươl văn hóa của làng, câu chuyện giữa chủ và khách như kéo dài không dứt.

Theo lời kể của già làng Đinh Renh, người đã sống gần 100 mùa rẫy thì làng Rô của ông trước đây có tên là A-giă, thuộc xã Pa-ông.

Ngôi làng nhỏ A-giă của người Cơ-tu ngày ấy nằm sát biên giới Việt - Lào, giữa một vùng rừng núi âm u, cây cối rậm rạp. Thú rừng thì nhiều vô kể, nào là nai, mang, nào là heo rừng và có cả cọp nữa... Bà con trong làng chăm chỉ làm ăn nhưng quanh năm vẫn luôn nghèo đói. Có năm ông trời không cho mưa, lúa trên rẫy chết hết, cả làng phải vào rừng đào củ, kiếm lá cây sống qua ngày.

Thương dân làng và thương chính con cháu của mình, ông Đinh Ngoth, một người có uy tín, được dân làng tôn làm Ta-ko vê-vêl (chủ làng) đã kêu gọi, tập họp dân cùng nhau đi tìm nơi làm làng mới. Cả làng nghe theo ông, gồng gánh, gùi cõng mọi thứ theo nhau đi tìm nơi dựng làng mới. Cả đoàn cứ nhằm hướng mặt trời mọc mà đi, cắt rừng mà đi, lội suối mà đi. Hết gạo, đói cái bụng thì ăn lá rừng, ốm đau cũng dùng lá rừng để uống, để đắp.

Mất hai con trăng (2 tháng), đoàn người gặp con sông Cái, gần bến Giằng thì dừng lại. Sau lễ cúng xin thần núi, thần sông của già làng, lũ đàn ông, con trai tỏa vào rừng chặt cây, kiếm lá để dựng nhà, lập làng mới. Đám đàn bà, con gái thì rủ nhau xuống suối bắt ốc, bắt cua, lên rừng hái cái măng, cái lá làm lương thực nuôi nhau...

Gần một con trăng thì mọi người đều dựng xong nhà mới. Không có con trâu để cúng tạ ơn Giàng (ông trời), đám thanh niên kéo nhau lên rừng săn tìm con heo để cúng. Còn cái tên làng Rô có từ bao giờ và do ai đặt thì chính già Đinh Renh cũng chịu vì theo ông thì “chuyện đó cũ quá rồi, cái đầu mình nó không còn nhớ!”.

Có làng mới, có rẫy mới, gần bến sông hơn nhưng cũng vẫn đói khổ. Không phải tại bà con không siêng năng làm ăn mà lần này là do bị thằng Tây nó càn quét, quấy phá miết. Đồn nó ở bến Giằng, lâu lâu lính Tây lấy cớ làng chứa Việt Minh rồi kéo quân lên càn quét. Gặp thứ chi nó cũng lấy, nhà mô có lúa nó lấy lúa, có heo nó bắt heo... Nhưng về sau, nhờ anh em người Kinh hướng dẫn cách đối phó nên bà con cũng biết đấu lý với lính Tây, không cho nó lấy lúa, bắt heo, không đi xâu cho nó. Bà con làng Rô ghét thằng Tây như ghét con rắn độc, không ai nghe lời, không ai theo Tây.

…Năm 1942, mới đầu năm mà ông trời mưa quá, không ai muốn ra khỏi nhà. Thế mà lính Tây lại kéo lên, bắt cả làng ra đứng dưới mưa. Thằng quan Tây huơ huơ cây gậy, nói với dân làng: “Hiện nay, quan Tây đang truy lùng mấy thằng tù Việt Minh trốn trại. Ai thấy, báo quan đồn sẽ được thưởng nhiều muối, nhiều gạo. Ai che giấu sẽ bị tống giam...”. Tụi lính đi rồi, dân làng ai về nhà nấy, chẳng ai lo đi tìm Việt Minh để lãnh thưởng như lời tên quan đồn Tây kêu gọi.

Sau đó mấy ngày, hai anh em ông Đinh Đeh, người làng Rô rủ nhau đi thăm rẫy lúa. Khi lên đến rẫy, ông Đeh thấy có hai người Kinh lạ mặt trú trong chòi rẫy của mình. Ông khoát tay ra hiệu cho người em theo mình vòng ra phía sau, bí mật theo dõi. Quan sát một hồi, ông Đeh liền xuất hiện trước mặt hai người khách lạ. Tuy có bị bất ngờ, nhưng hai người lạ mặt vẫn bình tĩnh nói chuyện với chủ rẫy.

Theo lời người lạ thì họ là lái buôn, bị Tây bắt giam, vừa trốn khỏi nhà lao Đăk-lei (Kon Tum), đang trên đường tìm về vùng tự do. Nhớ lại lời tên quan đồn hôm trước, lại thấy cách ăn mặc và thể trạng gầy yếu của người lạ, ông Đeh tin họ nói thật bụng nên bí mật đưa về làng nuôi giấu. Không ai bảo ai, dân làng Rô thay nhau vào rừng săn tìm con thú, lấy lá thuốc để giúp “hai người tù tốt”.

Sau gần nửa con trăng, khi đã đỡ bệnh tật, hai người khách lạ nói lời cảm ơn, xin phép già làng để lên đường. Ông Đeh gọi chị Đơ, người con gái lớn trong nhà đến dặn dò rồi tiễn hai ông lên đường. Theo lời cha dặn, chị Đơ cắt rừng, tránh các đồn Tây, tránh con đường lớn đưa hai ông xuống vùng đồng bằng Đại Lộc một cách an toàn. Hai ông đi rồi, nhưng hai anh em ông Đeh, chị Đơ và cả làng Rô không một ai biết rằng họ vừa nuôi giấu, chở che cho đồng chí Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, hai cán bộ cốt cán của Việt Minh vừa được tổ chức đảng bố trí vượt ngục ra ngoài để chỉ đạo phong trào, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. --PageBreak--

Tre già măng mọc, lớp lớp cháu con của già Ngoth, già Đeh, già Renh... mang trong mình dòng máu của người Cơ-tu được cách mạng giác ngộ đã bám làng, bám đất, dốc lòng dốc sức phục vụ kháng chiến. Hết chống thằng giặc Pháp lại đến chống thằng giặc Mỹ, thằng giặc ngụy, chiến công nối tiếp chiến công. Làng Rô trở thành căn cứ địa cách mạng, cùng cả huyện, cả tỉnh, cùng cả nước đánh thắng kẻ thù. Máu của lớp lớp con Kinh, con Thượng đã hòa vào nhau, làm rực rỡ thêm màu cờ Tổ quốc, đem lại độc lập, tự do cho mọi người.

Năm 1973, trong chuyến công tác xuyên Việt từ Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn lịch sử, đồng chí Tố Hữu đã về thăm lại làng Rô. Người xưa kẻ mất người còn, làng Rô đã mấy lần bị giặc tàn phá nhưng tấm lòng của bà con Cơ-tu làng Rô vẫn son sắt thủy chung với Đảng, với cách mạng. Cảm kích trước tấm lòng thủy chung son sắt của bà con làng Rô với cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã coi làng Rô là chiếc nôi cách mạng, có công chở che nuôi giấu cán bộ cách mạng và tặng bà con làng Rô những câu thơ chứa chan tình cảm, sống mãi với thời gian…

Bước ra từ trong khói lửa của chiến tranh, bà con làng Rô đối mặt với bao khó khăn trong cuộc chiến đấu mới, chống nghèo nàn và lạc hậu. Cái bệnh, cái đói, cái dốt... vẫn đeo bám cuộc sống của 2/3 số hộ trong làng. Một lần nữa, cuộc sống lại đòi hỏi những già làng, những cán bộ, đảng viên ở đây những cố gắng mới. Cuộc vật lộn để lo cái ăn, cái mặc, lo cho tương lai lớp trẻ diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt. Nó quyết liệt như năm xưa cha anh họ từng đấu tranh để giành giật cuộc sống, giành giật từng tấc đất xóm làng không để địch dồn dân, lập đồn bốt.

Già Đinh Renh cùng anh em đảng viên trong chi bộ tìm đến từng nhà, vận động mọi người chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống mới. Bà con giúp nhau khai hoang ruộng thấp làm lúa nước, cải tạo vườn hoang trồng cây ăn trái, trồng thêm củ sắn, trái bắp để có cái ăn, nuôi thêm con heo, con trâu bò, lo cho lũ trẻ được cắp sách đến trường. Một nhà không đủ sức làm thì huy động cả làng, một người không làm nổi thì cả làng cùng làm. Khó mấy cũng không lo khi mọi người trong làng thật bụng đoàn kết.

Được cả huyện, cả tỉnh giúp thêm nguồn lực mới, đời sống của 66 hộ trong làng đã đổi thay nhanh chóng. Cả làng đã có điện lưới quốc gia, trẻ em được đến trường, sức khỏe người dân được chăm sóc chu đáo, cuộc sống từng bước đổi thay. Từ ngày có đường Hồ Chí Minh băng ngang qua làng, việc lưu thông hàng hóa giữa làng Rô với huyện, với tỉnh dễ dàng hơn. Nhà nào cũng có đài bán dẫn, nhiều hộ đã sắm được tivi, xe máy. Nhiều con em của làng được theo học văn hóa ở trường nội trú tỉnh tận phố cổ Hội An, số khác theo học ở trường nội trú huyện…

Hôm chúng tôi lên thăm, già làng Renh đã nói, đại ý: bây chừ người Cơ-tu, người Kinh đều sướng như nhau, không sợ đói cái bụng, không sợ lạnh tấm lưng như trước. Trong câu chuyện của mình, già Renh nói ông vui cái bụng, ông sướng cái mắt khi thấy làng Rô đổi khác, lớp trẻ biết làm giàu ngay trên mảnh đất của cha ông. Lớp trẻ của làng Rô và nhiều làng khác bây giờ không còn đóng khố, mặc váy như xưa. Chúng đã biết diện quần Jean, áo pul, biết chạy xe máy phân khối lớn, biết truy cập Internet... như các bạn ở đồng bằng. Làng Rô bây giờ đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiều dần buông. Những cách rừng già bên kia sông Cái chìm dần vào ánh hoàng hôn rực đỏ. Trên nhà Gươl, Bí thư Chi bộ Doãn Phú đã bắt đầu nhóm lửa, chuẩn bị ché rượu cần thơm nồng để tiễn khách ngày mai về xuôi. Tôi bất giác nhìn lên mái nhà Gươl văn hóa làng Rô cao vút và chợt nhớ ra: Với đồng bào Cơ-tu, ngôi nhà Gươl là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, là khát vọng vươn lên những điều tốt đẹp nhất. Làng Rô đã dựng lại nhà Gươl, điều đó đồng nghĩa với việc làng Rô sẽ trường tồn và phát triển

Trần Xuân
.
.