Huyền thoại Đồng Tháp Mười

Thứ Tư, 13/01/2016, 08:00
Bước vào trận đánh lớn với thiên nhiên khắc nghiệt, với "giặc phèn" mà trong tay lại không có vốn, không có khoa học, kỹ thuật... Đó chính là thực tế những ngày khởi đầu đầy gian truân trong cuộc "chinh phục" biến vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thành vựa lúa lớn của cả nước hôm nay.


"Dĩ binh ư nông"

 "Để đưa được bộ đội vào Đồng Tháp Mười, tôi phải thuyết phục lãnh đạo tỉnh và tranh thủ thêm nhiều "sếp" ở Bộ Quốc phòng… Nói chung là cũng bày binh, bố trận như đánh giặc". Đã bước sang tuổi 90, nhưng ngoài chứng "nặng" tai, Thiếu tướng Lê Quang Viễn (88 tuổi), nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Tháp, người khởi xướng cuộc đưa quân chinh phục Đồng Tháp Mười vẫn khỏe, đặc biệt là còn mẫn tuệ.

Trong ngôi nhà bình dị và khá tĩnh lặng giữa lòng TP Cao Lãnh đầy náo nhiệt, ông Viễn bồi hồi nhớ lại: "Lãnh đạo Tỉnh ủy ủng hộ, còn lãnh đạo Ủy ban bảo: "chậm lại". "Không phải làm "khó dễ" chi, chẳng qua mấy anh sợ đụng vô ổ "phèn" lợi bất cập hại". Lý lẽ thuyết phục thì ông Viễn có thừa, nhưng trước sau vẫn chỉ có thể nói mỗi chuyện đưa quân đánh "giặc phèn", sản xuất lương thực, còn các chuyện chuẩn bị đánh giặc…Pôn-pốt thì không thể nói ra vì  không được để lộ "bí mật quân sự".

GS.TS Võ Tòng Xuân (trái) cùng Đại úy Phạm Ngọc Trọng những ngày đầu khai hoang Đồng Tháp Mười.

Ông Viễn chia sẻ rằng ông sớm được tiếp cận với dự báo "mật" về khả năng xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong khi đó phòng tuyến ven biển trên khu vực Đồng Tháp Mười đang rất mỏng. Nếu đưa quân vào sẽ đạt được 3 mục tiêu: vừa lo lương thực vừa xây dựng lực lượng tại chỗ, lại vừa "giữ chân" được anh em quân đội.

Từng "ra Bắc, vào Nam" trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông Viễn hiểu tầm quan trọng của "mái nhà quân đội" đối với người lính vào sanh, ra tử. Vì vậy, sau ngày thống nhất đất nước, Trung ương có chủ trương "giản chính", ông mất ăn, mất ngủ để tìm kế giữ anh em. Chính cái tình đồng đội, cái nghĩa đồng bào sâu đậm đã hun đúc trong ông sự tự tin để tìm ra lý lẽ thuyết phục lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tin tưởng và chấp nhận…

Thế là tháng 6-1976, lần lượt 5 nông trường quân đội ra đời giữa Đồng Tháp Mười hoang vu. Âm thầm và lặng lẽ đánh giặc phèn, chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt, đặt nền vững chắc để 3 năm sau (1979) Đồng Tháp chính thức mở tổng chiến dịch "chinh phục" Đồng Tháp Mười, sau đó lần lượt Long An, Tiền Giang cũng vào cuộc. Đây là nét khác biệt cơ bản so với cuộc chinh phục thiên nhiên đưa vùng đất phèn Tứ giác Long Xuyên  trở thành vựa lúa lớn thứ 2 của cả nước do tỉnh An Giang khởi xướng vào năm 1988, chủ yếu dựa vào "ý Đảng, sức dân". Tuy nhiên, trước mắt những đội quân này đã tạo ra thế trận giúp Đồng Tháp tránh được thảm họa diệt chủng của bè lũ khát máu Pôn-pốt trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam so với một số tỉnh lân cận chấp hành lệnh "giản chính".

Tay trắng viết kỳ tích

"Không vốn, không kỹ thuật và không có dân cư sinh sống gần… Nhưng khó nhất là không có kết nối đường bộ lẫn đường thủy với Đồng Tháp Mười…", ông Viễn nhớ lại.

Lúc đó, trời vừa nhạt nắng là tất cả phải chui vào mùng, sáng hôm sau, mùng nào cũng lúc nhúc đàn muỗi bụng căng tròn máu. Nan giải nhất là nạn chuột. Không thể sử dụng cách đánh "bã" được vì chỉ tốp đầu đi qua là đã vét hết cả giạ lúa "mồi" nên các tốp sau vô tư cắn phá… Thậm chí, có lần tắc ráng của đơn vị bị nằm đường vì lọt vào vòng di chuyển của đàn chuột trên kênh, máy bị gãy "chân vịt". Vì vậy, để sản xuất lúa buộc phải lên bờ bao bảo vệ làm bằng thủ công.

Mỗi chiến sĩ đào đắp 3 khối đất/ngày. Nhiều lúc cả tháng anh em mới được tắm nước ngọt một lần. Vào mùa khô, cả cánh đồng chỉ có mỗi nước phèn chua đến tê lưỡi và cay xé mắt. Phải băng qua hàng chục cây số đồng mông quạnh để ra tận Hồng Ngự lấy nước ngọt… Mỗi tuần chỉ có 1 chuyến, chủ yếu để ăn, uống… Đã có không ít lính mới bỏ về vì không kham nổi gian khổ, nhưng phần lớn cựu binh vẫn giữ nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bám trụ với cuộc chiến đánh giặc phèn.

Sau 8 năm khai hoang, hình thành nên Nông trường Động Cát (huyện Tháp Mười) trù phú, năm 1984, đơn vị nhận được lệnh: tiếp tục tiến quân vào "rốn phèn" của Đồng Tháp Mười (nay là huyện Tân Hồng, Tam Nông) khai hoang, trồng lúa cao sản. Và chỉ 3 năm sau, những người lính Cụ Hồ đã bước qua lời nguyền về "vùng đất bất khả xâm phạm", gặt hái mùa phồn thịnh…

Mùa vàng trên đồng hoang năm xưa.

"Lúc đầu, chúng tôi chọn 10ha tại khu vực gò cao, nay thuộc địa phận ấp K12 (xã Phú Hiệp, Tam Nông - Đồng Tháp) trồng lúa 2 vụ. Bà con trong vùng dò xét dữ lắm vì không ai nghĩ bộ đội sẽ làm được. Nhưng khi thu hoạch, năng suất 5 tấn/ha, nhiều lão nông tri điền mang "rượu đế" đến thưởng". Phát huy thành quả, nông trường mở rộng diện tích trồng lúa cao sản lên 100ha rồi 1.000ha.

Trồng được lúa, chủ động được cái ăn, những người lính nghĩ tới lập làng để tạo thế ổn định lâu dài. Thế là hàng loạt chính sách "chiêu dân" ra đời. Không chỉ "chia" giống, hay chuyển giao công nghệ từ phương pháp xạ khô cho đến kỹ thuật "ém" phèn… nông trường còn kèm thêm "khuyến mãi": tặng con giống heo, bò cho hộ tự nguyện gắn bó lâu dài để bà con lấy ngắn nuôi dài. Liền theo đó là lập chợ, tổ chức hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm xá…

 Năm 1986, phát hiện những dãy đất "cao vượt lũ" liên tiếp mọc lên sau khi đơn vị thi công tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, ông Viễn bật ra ý tưởng mới: Đắp đê - vừa có chỗ tránh lũ vừa tạo phòng tuyến biên giới. Không có tiền để thuê mướn sòng phẳng, ông Viễn tìm đến chỉ huy thi công công trình thương lượng. Cũng xuất thân từ người lính nên vị chỉ huy đội xáng ủng hộ ngay, nhưng chỉ ngại mỗi một điều: không đủ cơm, gạo cho anh em làm thêm ngày thêm giờ. "Tôi hỗ trợ mấy bao gạo và 3 con bò. Nhờ đó mà nông trường có được tuyến đê dài 8km nằm dọc theo kênh với cao trình cao hơn đỉnh lũ 1978 đến 5 tấc". Từ "con đê vượt lũ" này đã gợi mở cho Trung ương hình thành chủ trương và nhân rộng mô hình cụm - tuyến dân cư vượt lũ ra cả nước. 

Xứng danh anh hùng

Năm 1981, 2 giáo sư địa chất của Liên Xô đến đây thực địa, sau khi mang mẫu về nước phân tích đã kết luận: "Đất này không thể trồng lúa được". Điều này cho thấy việc đưa cây lúa cao sản đứng chân giữa "rốn phèn" của cán bộ, chiến sĩ Nông trường Giồng Găng không phải là sự "ăn may". Đó là kết quả của quá trình học hỏi, lắng nghe và sáng tạo, nhưng trên hết là sự táo bạo trong tư duy, trong hành động. Táo bạo nhất và đình đám nhất là việc lãnh đạo nông trường đi vay nợ. Ngoài "Cánh đồng hoang", tài sản của nông trường chẳng có gì thế chấp.

Đại tá Trọng nhớ lại: "Ứng trước xăng dầu, sau đó quy đổi ra lúa để đến mùa trả nợ". Chính bài bản sòng phẳng này đã đưa các công ty quốc doanh bên ngoài chấp nhận cho nông trường vay vốn. Lo vốn xong lại vướng đến kỹ thuật. Nông trường chủ trương: ưu tiên tuyển người có trình độ nông nghiệp để tạo nguồn tại chỗ, đồng thời chủ động đề xuất và được tỉnh chấp thuận mở Hội nghị chuyên đề về khai hoang Đồng Tháp Mười tại Sa Đéc vào năm 1977. Chính sự táo bạo ấy đã giúp đơn vị tiếp thu được nhiều ý kiến quý, thiết thực, và tạo ra sự "kết nối hai chiều" với nhiều nhà khoa học giỏi đương thời.

GS.TS Võ Tòng Xuân, một trong những nhà khoa học đầu tiên gắn bó với Nông trường nhớ lại: "Bất kể sáng, trưa, chiều tối, mỗi khi đoàn nghiên cứu vào công tác, anh em trong Nông trường đối đãi như người trong nhà. Thậm chí có hôm đến đột xuất vào giờ ăn, Nông trường nhường cả cơm đang nấu cho đoàn ăn trước để có thời giờ nghiên cứu. Vì vậy mỗi khi các anh cần gì, hoặc có công trình, kỹ thuật mới là chúng tôi chủ động giúp và chuyển giao ngay".

Khi "cánh đồng hoang" mọc lên 9 xã, 1 thị trấn thì những người lính Cụ Hồ rút ra phía sau ánh hào quang. Thượng tá Lê Văn Diễn, Chính ủy Đoàn KTQP 959 cho biết, đơn vị đã bàn giao toàn bộ 3.000 ha đất cho địa phương quản lý để chuyển sang đầu tư nâng cánh đồng lên tầm cao mới, như: tranh thủ nguồn vốn "đối ứng" từ Bộ Quốc phòng xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi liên vùng, đầu tư các cụm dân cư biên giới, tạo phên giậu nơi tiền đồn Tổ quốc, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất liên kết…

Lục Tùng
.
.