Huyền ảo Cao Phong

Thứ Năm, 19/11/2020, 13:29
Quốc lộ số 6 sau khi đi qua dốc Cun sẻ đôi huyện Cao Phong rồi lên thẳng Mai Châu (Hòa Bình). Nẻo đường Tây Tiến xưa dẫn tới bản Giang Mỗ sương bay mù mịt. Hình ảnh binh đoàn chiến sĩ Thủ đô năm xưa hiện ra trước mặt.


Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Trái tim tôi bộn rộn khôn nguôi.

Anh hùng đánh xe tăng

Dốc đường bản Giang Mỗ (huyện Cao Phong) tiếp nối cung đường Tây Tiến hiện lên tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan (sinh năm 1930 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đoàn người reo òa như muốn xóa tan màn sương núi bao phủ mơ màng. Họ đến bên tượng đá sừng sững giữa trời. Một đống củi được đốt lên bên góc đường. Mọi người ngồi quanh ngọn lửa và lắng nghe câu chuyện ngày nào đã diễn ra ngay con dốc phía trước. Giọng người hướng dẫn viên mỗi lúc một vang xa. Đó là cao điểm của các chiến sĩ do Cù Chính Lan chỉ huy trên trận địa Giang Mỗ (1951).

Quang cảnh đền Cô Đôi Thượng Ngàn ở Ninh Bình. 

Cuộc chiến đấu đầy cam go vì vũ khí đạn dược quân đội ta còn thiếu thốn. Trận phục kích đầu tiên bị bại lộ. Lính Pháp tấn công với số đông cùng xe tăng. Cù Chính Lan vừa chỉ huy đánh trả vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Nhưng chỉ mươi ngày sau đó tình hình đã khác. Đoàn bộ binh giặc tiến sau xe tăng bị đánh úp bất ngờ phía sau. Bọn chúng chạy tán loạn và chết gục dưới làn đạn bắn tới tấp. Nhưng chiếc xe tăng giặc vẫn tiến tới và bắn phá liên tục vào chiến địa của ta. 

Đại đội trưởng Cù Chính Lan đã vòng phía sau nhảy lên mở nắp xe tăng di súng vào buồng lái. Nhưng không ngờ nòng súng bị tắc. Lập tức anh rút lựu đạn ném vào phía trong. Một quả, hai quả, ba quả đều không kịp nổ. Giặc Pháp cuống cuồng nhặt lựu đạn ném ra ngoài. Chúng hoảng hốt lái xe tăng quay đầu bỏ chạy. 

Nhưng Đại đội trưởng vẫn bám leo lên xe tăng. Anh lấy một quả lựu đạn giật kíp nổ cho xì khói ba giây rồi mới ném vào trong. Anh còn nằm đè lên nắp xe chặn không cho chúng ném lựu đạn ra. Ngay sau đó tiếng nổ ầm vang, pháo đài xe tăng câm lặng, đồng thời Cù Chính Lan cũng bị áp lực hất ngã xuống đường. Bọn giặc Pháp chết chất đống lên nhau bên trong. Lúc này các chiến sĩ reo hò vang rừng núi, Đại đội trưởng Cù Chính Lan đứng bật dậy trước niềm vui chiến thắng bất ngờ.

Sau này học cách đánh xe tăng của Cù Chính Lan, các chiến sĩ đã tiêu diệt được hơn 60 xe tăng Pháp. Nhưng thật không ngờ chỉ năm sau, trong trận tiến công đồn trên đường số 6, Cù Chính Lan đã bị thương nặng. Giặc bắn ra xối xả trong khi các chiến sĩ phá hàng rào địch. 

Lần thứ nhất anh bị trúng đạn gãy tay, sau đến lượt hàng rào lần hai anh thấy đùi mình đau nhói. Máu chảy ra nhiều, Cù Chính Lan vẫn cố kiên cường chịu đựng. Anh cùng chiến sĩ bò vào lớp hàng rào thứ ba. Bất ngờ loạt đạn mới xả ra từ trên cao, cánh tay anh tiếp tục bị dính đạn. 

Cho dù những vết thương đau tê dại nhưng anh không cho mọi người dìu ra phía sau. Mệnh lệnh tấn công từ trái tim anh phát ra. Các chiến sĩ ào lên ném lựu đạn vào lỗ châu mai. Đồn thù bốc cháy. Đúng lúc đó Cù Chính Lan cũng anh dũng hy sinh (1952), khi đó anh vừa tròn 22 tuổi. 

Nghe chuyện đến đây tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Quang Dũng đã viết trước đó: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến-1948)

Cô Đôi Thượng Ngàn

Sau khi chúng tôi vừa ra khỏi khu Bảo tàng di sản khoa học tại trung tâm huyện thì gặp đoàn người đi lễ ở đền Bồng Lai Thượng (thờ Cô Đôi Thượng Ngàn). Các cô gái xinh đẹp khênh những giỏ cam còn tươi rói. Đúng vào vụ cam mới cuối năm. Một chú ngựa chạy vụt qua hý vang trời. Không gian kỳ ảo hiện lên trong sương bay. 

Chúng tôi đi vào đền Cô Đôi Thượng Ngàn theo giai điệu cuốn hút: “Đêm đêm đêm đêm ánh đuốc lập lòe/ Tai nghe tiếng hú thú rừng gọi nhau/ Đuốc ai sáng tỏ đêm thâu/ một màu son sắc tốt tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa…”. Phía trước con đường là dãy núi điệp trùng như bức tranh màu tím đầy hoa thơm quả lạ. Đền không cách xa phố huyện là mấy nhưng lại đắm chìm trong không gian mênh mông rừng núi. Giai điệu lời ca mỗi lúc một dồn dập.

Hội chợ cam Cao Phong.

Đền Bồng Lai Thượng nằm bên cạnh những cửa hang của núi Đầu Rồng. Đây là đền chính thờ Cô Đôi Thượng Ngàn. Cô là công chúa Sơn Tinh con gái Đế Thích trên Thiên Cung nhưng được đầu thai vào một gia đình quan Lang ở Ninh Bình. 

Đến khi bốn tuổi, cô theo cha vào làm việc tại Cao Phong. Cô lớn lên càng ngày càng xinh đẹp đúng như lời xưa chép lại: “Hiệu cô là công chúa Sơn Tinh/ Mặt tròn vành nguyệt má in phấn hồng/ Da cô trắng tựa tuyết đông/ Tóc dài dài biếc lưng ong dịu dàng…”. 

Một lần đi gánh nước cho mẹ, cô gặp một bà lão đói rét nằm bên suối vắng. Bất ngờ mưa gió nổi lên. Dòng nước trên núi chảy cuồn cuồn về xuôi. Cô vội vực bà lão dậy và ôm chặt vào lòng. Cô muốn truyền hơi ấm của mình cho bà lão tỉnh dậy. Không ngờ đó chính là bà Chúa Thượng Ngàn. Bà đã giả bệnh để xem ai có tâm có phúc cứu người. Từ đó cô đã được Chúa Thượng Ngàn đưa về trời để truyền dạy phép thuật cứu nhân độ thế. 

Khi cô được trở lai thiên đình cũng chính là lúc cô “hóa” tại đây ở tuổi mười ba. Đền Bồng Lai Thượng được mọi người dựng để thờ với sự tôn vinh Cô Đôi Thượng Ngàn (Cô Đôi).

Cô Đôi đứng vào hàng thứ hai trong hệ thống thập nhị tiên cô (một nhánh đạo Mẫu). Đây là biểu tượng cho thánh mẫu tài sắc và đức độ với chúng sinh. Chuyện về Cô Đôi luôn được người xưa ghi nhận và truyền lại: “Mỗi năm đẹp một não nùng/ Dạy chim oanh hót bạn cùng văn nhân/ Vẻ nào vẻ chẳng thêm xuân/ Éo le nhiều nỗi thanh tân chơi bời/ Tốt tươi miệng nở hoa cười/ Đáng xinh đáng lịch đáng người thuyền quyên…”. 

Cô hay ban phước lành cho mọi người và dạy họ biết nương tựa vào nhau chống tai họa rình rập. Cô còn có công dạy người rừng có tiếng nói chung để trao gửi tâm tình. Ông cha ta coi Cô Đôi có công phù trì, hộ quốc cứu giúp muôn dân. Nhiều nơi lập đền thờ Cô Đôi. 

Có hai đền thờ chính là đền Bồng Lai hạ (nơi cô sinh ra ở Cúc Phương-Ninh Bình) và đền Bồng Lai thượng (ở thị trấn Cao Phong-Hòa Bình). Bài hát văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” luôn hấp dẫn mọi người trong các lễ phủ hầu đồng. Có thể coi đây là câu chuyện đẫm mầu huyền ảo trên đất Cao Phong. 

Tươi thắm những đồi cam

Chúng tôi còn gặp may đến vào đúng khi hội chợ cam đang diễn ra (10-11-2020). Cao Phong một thời là huyện miền núi nhiều khó khăn ở Hòa Bình. Người xưa nói “Nhất cận thị. Nhị cận giang” nhưng dân Cao Phong vẫn không khá lên được. Vậy mà từ khi có giống cam mới, Cao Phong bỗng thay da, đổi thịt, phổng phao lên như cô gái dậy thì. 

Chợ Bương ngập tràn những cam là cam. Dân khắp nơi đổ về buôn hàng. Cầu chợ Bương chất đống những sọt cam đưa về miền xuôi. Vào vụ chín quả cánh buôn từ Mai Châu, Điện Biên, rồi cả Ninh Bình, Nam Định đánh xe về nườm nượp gom hàng. 

Không hiểu sao cam Cao Phong lại thơm ngon đến thế. Ngọt đậm pha chút chua lại nhiều nước nữa. Múi nào múi đó đần đẫn ra, quả thì tròn căng vàng rộm. Dân tình đồn Cô Đôi thượng Ngàn đã cho giống đó. Cam nổi lên hơn mươi năm nay và trở thành thương hiệu như cam Vinh, cam Bố Hạ, cam Canh…

Hội chợ cam đúng vào dịp chuẩn bị đón xuân. Màu vàng phủ khắp đó đây. Dọc đường phố huyện cũng tràn ngập những thúng cam vừa hái ở vườn lên. Đoàn xe khách vội vàng dừng lại để mọi người tràn vào các cửa hàng. Những đồi cam hai bên đường như vui reo trong gió rừng rào rạt. Hương thơm bay bát ngát dọc đường xa. Những cô gái Mường xòe ô che khi những tia nắng đầu tiên lấp lánh.

 Nhìn thấy chiếc ô màu đỏ của cô gái vừa vào khuất ngõ, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của thi sĩ Hoài Sa: “Tôi theo chân hụt hẫng bậc thang/ Hương cứ ngát và hoa cứ thắm/ Bỗng chợt nghiêng qua chớp chiều vạn dặm/ Lang thang phố huyện/ Là đôi mắt em/ Trong cánh ô đỏ thắm/ Níu chặt hồn tôi” (Chiều phố huyện).

Vương Tâm
.
.