Hưng Yên - Những danh nhân văn học cổ tiêu biểu

Thứ Ba, 24/01/2012, 08:00

Lịch sử thật bất ngờ và trớ trêu: Trên mảnh đất Hưng Yên, người ghi danh nổi bật trong lịch sử văn học viết đầu tiên lại là danh tướng Phạm Ngũ Lão. Phải khẳng định Phạm Ngũ Lão là một vị tướng xuất sắc trong lịch sử dân tộc. Từ một người nông dân đan sọt ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, ông bước vào lịch sử quân sự, lịch sử văn học một cách tự nhiên, hay có thể nói là hồn nhiên ghi danh vào lịch sử. Ông chỉ để lại có hai bài thơ, thì một bài đã trở thành thiên cổ hùng văn. Đó là bài thơ "Thuật hoài" (Tỏ nỗi lòng):

Nguyên văn chữ Hán:

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thĩnh nhân gian thuyết Vũ Hầu

Dịch là:

Múa giáo non sông trải mấy thâu
Ba quân khí mạnh nuốt sao Ngâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

Chỉ với 4 câu thơ, hình ảnh người tráng sĩ của hào khí Đông A đã hiện lên lồng lộng giữa đất trời, hơn bảy thế kỷ qua vẫn sáng rõ. Trong hội thảo về danh tướng Phạm Ngũ Lão cách đây mấy năm do huyện Ân Thi và Viện Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức, tôi đã có bài tham luận so sánh hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ trên "Ba quân khí mạnh nuốt sao Ngâu" và hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ "Đăng Sơn" (Lên núi) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: "Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu". Đều là khí thế "đoạt trời xanh" như chữ dùng của lãnh tụ vô sản Các Mác.

Sau thiên cổ hùng văn sinh ra trong chiến trận của danh tướng Phạm Ngũ Lão là một bài thơ tiêu biểu nói về tình yêu quê hương đất nước của nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi). Nguyễn Trung Ngạn xuất thân trong một gia đình bình dân nhưng từ lúc nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, 16 tuổi đỗ Hoàng Giáp (năm 1304, đời vua Trần Anh Tông) xếp thứ ba sau Trạng Nguyên và bảng nhãn. Đó là bài thơ "Quy hứng" (Hứng muốn trở về), nguyên văn viết bằng chữ Hán:

Lão tang diệp lạc tàm phương tận 
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy

Dịch thơ:

Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về

(Bản "Hoàng Việt thi tuyển", Nhà xuất bản Văn hóa - 1958)

Có những gì kỳ lạ ở trong bốn câu thơ ấy, mà trải qua bảy thế kỷ phong ba biến động, dân tộc vẫn truyền nhau gửi lại hôm nay? Có thể nói ngay rằng, sự hấp dẫn của bài thơ không phải ở tài năng nghệ thuật tuyệt vời. Về hình thức bài thơ không có gì thật đặc biệt. Đó chỉ là một bài thơ tứ tuyệt bình thường có thể lẫn với rất nhiều bài thơ bốn câu khác. Vị ngọt của bài thơ thấm vào ta là vị ngọt của một tấm lòng, một tâm hồn yêu nước đi xa nhớ về quê hương. Đã quen với bài thơ từ những ngày nhỏ, vậy mà mỗi lần đọc lại tôi vẫn giật mình: Làm sao mà một ông quan thượng thư trong xã hội phong kiến điển hình lại viết được những câu thơ gần gũi với người lao động dân dã đến thế? Ông quan này dứt khoát xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ không thể không vừa đi học, vừa chăn trâu, bắt cá, đã có những ngày tắm mình trong nắng gió, có những đêm ở đồng nghe cá quẫy dưới ruộng nước sâu... Những kỷ niệm như thế ở một ông quan là rất quý. Càng quý hơn là những hình ảnh ở đây hiện lên qua trí tưởng tượng sau mấy chục năm làm quan xa quê và hiện tại đang sống giữa cảnh phồn hoa đô hội được chăm sóc trọng vọng dành cho một vị sứ thần.

Tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê  Hữu Trác - một danh nhân tiêu biểu của Hưng Yên.

Danh nhân văn học tiêu biểu của thế kỷ XVIII ở đất Hưng Yên là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang (nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ). Năm 16 tuổi bà làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn nên bà còn mang họ Trịnh. Bố nuôi định tiến bà vào cung, nhưng bà không bằng lòng, trở về ở cùng cha. Từ đó học hành càng nổi tiếng. Năm 25 tuổi, cha mất, bà ở với mẹ và anh làm nghề dạy học ở Mỹ Hào. Năm bà 33 tuổi, ông Nguyễn Kiều cầu hôn bà về làm vợ kế. Cuộc tình duyên tuy muộn màng nhưng tâm đầu ý hợp này đã mang lại cho bà hạnh phúc. Nó cũng là cơ sở cho cảm xúc trong sáng tác của bà, đặc biệt đã trợ sức cho bà dịch thành công tác phẩm "Chinh phụ ngâm" nổi tiếng khi chồng đi xứ Trung Quốc. Bà để lại cho đời hai tác phẩm "Truyền kỳ tân phả" (truyện) bằng chữ Hán và bản dịch "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, một bản dịch tuyệt vời có thể coi như sáng tác, nói về tâm trạng oán thán chiến tranh của người phụ nữ. Đó là cảnh chia ly trong chiến tranh đến nay vẫn chưa có khổ thơ nào vượt được:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Cảnh chiến tranh với một bộ mặt đáng sợ của nó đã được ghi lại với những cảnh thật rùng rợn, khó có khổ thơ nào viết được hơn thế :

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi
Chinh phu, tử sĩ bao người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?

Vắng chồng, người chinh phụ hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ và nuôi dạy con cái. Thật là một người phụ nữ đảm đang, trung tâm của một gia đình văn hoá:

Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mẻ xiết bao!

Hai phẩm chất ấy há chẳng phải vẫn là bài học cần thiết đối với người phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của chúng ta?

Trong nền văn học viết nước nhà, "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm và "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là hai kiệt tác có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, giá trị nghệ thuật trác tuyệt.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, quê ở Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ). Lúc nhỏ ông theo cha lên Thăng Long học. Năm 20 tuổi, ông bỏ đường cử nghiệp, chuyển sang học võ, từng tham dự nhiều trận mạc. Nhưng xã hội nhiễu nhương, ông chán công danh lánh về ở ẩn nơi quê mẹ là làng Thượng Phúc, huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh) chuyên tâm nghiên cứu y học, trị bệnh cứu người. Tài năng đạo đức của ông vang dội khắp nước. Ngày 12 tháng giêng năm 1781, ông được lệnh ra Thăng Long chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Trong thời gian này, ông viết cuốn "Thượng kinh ký sự" bất hủ. Chúa Trịnh muốn phong tước và giữ ông ở lại triều, nhưng ông từ chối trở về Hương Sơn để trị bệnh cứu người. Ông đã viết những câu thơ nói lên cái chí của mình: "Cứu người, ngoài việc ấy/ Mây nổi cả thôi mà!". Tác phẩm "Thượng kinh ký sự" ghi lại cảnh sinh hoạt trong phủ của vua Lê chúa Trịnh khá hiện thực và điển hình, đã trở thành một tác phẩm có giá trị văn học xuất sắc trong lịch sử văn học dân tộc. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh y số một của dân tộc, đồng thời là một nhà văn, nhà thơ lớn, đã làm rạng danh cho mảnh đất Hưng Yên.

Hơn một thế kỷ sau, mảnh đất Hưng Yên lại sản sinh ra nhà thơ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Năm 31 tuổi ông đỗ tam giáp Tiến sĩ, nên người đời gọi ông là ông nghè Phú Thị. Sau đó, ông được bổ làm Tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông làm quan rất công minh, chính trực. Rồi ông được giao chức Án sát các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ông nổi tiếng là người phóng khoáng, hào hoa, thành thạo cả cầm, kỳ, thi, họa và giỏi về kiến trúc. Năm 1905, Chu Mạnh Trinh được giải nhất về thơ Nôm trong cuộc thi vịnh Kiều do Tổng đốc Hưng Yên tổ chức mà nhà thơ Nguyễn Khuyến là Chánh chủ khảo. Trong tập "Danh nhân Hưng Yên" do Sở Văn hóa - Thông tin Hưng Yên tái bản năm 2006, ông được nhà văn Nguyễn Phúc Lai đánh giá là: "Chu Mạnh Trinh mang phong cách nhà nho tài tử, trong xã hội phong kiến suy tàn, ông có khuynh hướng thoát ly, hưởng lạc. Nhưng những sáng tác của ông lại thể hiện tình cảm yêu nước, đề cao văn hóa dân tộc. Ông thích ngao du thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, ngâm vịnh thơ phú. Những bài ca trù, nhất là bài "Hương Sơn phong cảnh ca" được viết rất điêu luyện, giàu tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước. Tác phẩm của Chu Mạnh Trinh giàu tính nhân văn, biểu lộ khuynh hướng lãng mạn, tình cảm chủ nghĩa. Thơ chữ Hán có tập "Trúc văn thi tập". Thơ Nôm có tập "Thanh tâm tài nhân thi tập".

Hiện nay, hầu hết các di tích đền thờ miếu mạo tỉnh Hưng Yên dọc bờ sông Hồng đều còn lưu dấu tích thơ đề của ông

Đ.Q.T. - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.