Học giả An Chi: Ta thà đọc sách với chơi hoa!

Thứ Năm, 27/02/2020, 14:07
Bước vào năm Canh Tý 2020, học giả An Chi đón mùa xuân 85 trong cuộc đời. Ông vừa trình làng cuốn "Truyện Kiều" bản cổ Duy Minh Thị 1872 do mình hiệu đính. Đặc biệt, vừa qua bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" gồm 4 tập của học giả An Chi (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) đã được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019 do Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.


Với con người nhỏ thó mà uyên bác và đầy thăng trầm này, 85 xuân vẫn yêu đời và đắm mình trong sách vở như hai câu thơ ông tự trào: "Mặc phường nuôi lợn xây sơn thự/ Ta thà đọc sách với chơi hoa"!

Điều tốt lành báo hiệu những bất ngờ về An Chi

Tất nhiên, nói tới An Chi là mọi người nhớ tới bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" vốn khởi đầu bằng một chuyên mục trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Bộ sách nhiều tập và được tái bản nhiều lần bởi những nhà xuất bản khác nhau, đã được học giả An Chi bổ sung và NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành thành 4 tập và năm 2019 được trao Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Điều này thêm một lần khẳng định giá trị tác phẩm và thành quả nghiên cứu của An Chi, một trong những trí thức đáng kính trong mấy mươi năm qua của nước ta.

Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, còn có bút danh đầu tiên là Huệ Thiên, sinh trưởng ở Gia Định, nay là TP Hồ Chí Minh. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt hai miền. Bấy giờ An Chi là học sinh kháng chiến không thuộc diện được đi tập kết, nhưng ông đã quyết định vượt tuyến bay ra Hải Phòng trước khi chấm dứt thời hạn 300 ngày.

Vào thời kỳ đầu ở miền Bắc, An Chi tham gia lực lượng thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào và Nhà máy chè Phú Thọ, rồi học Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, ra trường về dạy học cấp 2 ở Thái Bình. Từ năm 1966 đến năm 1975, ông còn trải qua nhiều công việc khác nhau như làm tạp vụ nhà văn, thợ nguội, thợ tiện, phụ trách thư viện Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo.

Nhỏ con, ốm yếu, đơn độc, sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng chàng trai họ Võ không ngừng tự học, tích luỹ kiến thức, trau dồi văn phong. Nhờ nghị lực vượt khó và niềm đam mê chữ nghĩa mà An Chi sau khi về hưu non đã chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá, trở thành một học giả uy tín. Ngoài bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây", An Chi còn là tác giả công trình nghiên cứu văn hóa "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm" và gần đây là bộ sách "Rong chơi miền chữ nghĩa" gồm 3 tập đồ sộ do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2016.

Trong lời giới thiệu bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" của An Chi, nhà ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo đã viết: "Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này".

Còn người bạn láng giềng là thi sĩ Bùi Giáng cũng dành những lời thơ đẹp cho học giả An Chi khi chơi chữ bút danh Huệ Thiên:

"Một trời trí huệ thênh thang
Đi về bắt gặp thằng lang thang Bùi
Bỗng dưng vô tận ngậm ngùi
Từ đâu vô lượng lấp vùi nỗi đau"

"Huệ Thiên chỉ là kết quả cách nói lái tên thật của tôi là Thiện Hoa, nhưng Bùi Giáng đã biến nó thành "một trời trí huệ" khiến tôi sợ quá nên phải giải thích rằng đó chỉ là "vẻ tươi tốt của hoa huệ" mà chữ Hán là ??". Học giả An Chi giải thích khi đưa chúng tôi xem bút tích bài thơ của thi sĩ họ Bùi.

Không bao giờ "buông vũ khí"

Trải qua từ Nam chí Bắc với bao gian khổ đắng cay hỉ nộ ái ố, An Chi vẫn tự tại vượt lên chính mình bằng tri thức tự học phi thường. Mấy mươi năm dấn thân trong đời sống học thuật, có thể nói An Chi đã thể hiện sự tự tin, bản lĩnh khi không ngại "va chạm" với nhiều "cây đa cây đề" đạo cao đức trọng trong việc phản biện nhằm đi tới tận cùng chân lý khoa học.

Bản lĩnh An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày logic và khúc chiết, dễ hiểu qua từng chữ từng bài đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình. Ví dụ An Chi đã chỉ ra những chỗ sai trong "Từ điển Truyện Kiều" của GS Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS Phan Ngọc sửa chữa "nâng cấp" không đúng về cuốn từ điển này.

Hoặc trong hai cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" đều của GS Nguyễn Lân, ông cũng chỉ ra chính xác những "chỗ sai khó ngờ". An Chi còn chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết "tự nhiên" lý giải ngôn ngữ "Truyện Kiều" cũng như sự hời hợt, nông cạn về tri thức của một số cây bút khác mang trên mình đầy học hàm học vị.

Bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” (Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019) của học giả An Chi.

Từ những lần "va chạm" với những người khác quan điểm, sau khi kết thúc học giả An Chi rút ra được kinh nghiệm rằng không bao giờ "buông vũ khí" giữa chừng nhưng phải "chống" lại người đối thoại bằng cứ liệu vững chắc chứ không bao giờ được phủ nhận suông. Thí dụ như vụ tranh luận căng thẳng với ông Vũ Đức Phúc hồi năm 1999.

Nhớ lại chuyện hơn 20 năm về trước, học giả An Chi cho hay: "Sự thật thì tôi chỉ viết - rồi ông Nguyễn Quảng Tuân đã dẫn lại - như sau: "Sở dĩ Hoàng Xuân Hãn chưa muốn nói đó là bản (Kiều) nào có lẽ vì ông còn muốn giữ bí mật về bản Nôm "tẩy" của mình cho đến khi ông công bố bản Kiều quốc ngữ do mình phiên âm chăng?" (KTNN 265, "Chuyện Đông chuyện Tây", tr.50). Chỉ có một chữ "tẩy" của tôi do ông Nguyễn Quảng Tuân dẫn lại mà đã đủ làm một cái cớ để ông Vũ Đức Phúc suy ra được cả một "con bạc giữ tẩy" rồi "bị lật tẩy".

Ông Vũ Đức Phúc thậm chí còn đặt cả vấn đề "nhân cách của nhà bác học vừa mới mất" nữa. Nghiêm trọng đến thế ư? Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: "Chúng tôi cho rằng chỉ không nên luận về tử giả một cách bất công, bất chính hoặc bất minh, nhất là khi luận về nhân cách của họ mà thôi. Tử giả vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm lúc sinh thời (...).

Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết. Có lẽ nào các thế hệ độc giả và học giả hậu sinh lại tuyệt đối không có quyền nhận xét và phê phán những gì mà các tử giả đã viết?" (KTNN 143, CĐCT, tr.69).

Bên cạnh bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" thì công trình nghiên cứu "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm" của An Chi cũng rất đáng chú ý. Dù không chuyên nghiên cứu khoa học lịch sử nhưng những vấn đề ông đặt ra và kiến giải khá sâu sắc như: "Hùng Vương hay Lạc Vương?", "Vấn đề "thành" của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng", "Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?",… 

Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đã đi đến kết luận: "Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi".

Và từ sự quan tâm đến "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cũng như thiếu sót của những nhà nghiên cứu đi trước, An Chi đã mang đến cho bạn đọc bản cổ Duy Minh Thị 1872 do ông trực tiếp hiệu đính như món quà quý đầu xuân cho những người yêu văn hóa nước nhà. Học giả An Chi cho biết, bản cổ này của "Truyện Kiều" có những chỗ thuộc từ ngữ, cách nói của Nam kỳ mà hai nhà Kiều học hàng đầu là Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân do không nắm vững nên phạm sai lầm khi phiên âm.

Việc minh định chân xác về tác phẩm và sự nghiệp của tiền nhân không chỉ trả lại đúng giá trị sự thật lịch sử mà còn thể hiện cái tâm, cái tầm của học giả An Chi.

Phan Hoàng
.
.