Hoài niệm Tô Thanh Tùng

Thứ Bảy, 29/07/2017, 08:00
Dẫu vẫn biết rằng sẽ không bao giờ còn được gặp lại ông, được hàn huyên tâm sự về chuyện đời chuyện nghề cùng ông - người nhạc sĩ mà tôi thường gọi với danh xưng kính mến là "chú Tùng". Tôi mường tượng ra người nhạc sĩ với dáng vẻ mộc mạc, nụ cười chân thành, bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ và quý mến...


Đêm Sài Gòn, trời đổ cơn mưa, hơi lạnh ùa về. Bỗng chợt nghe giọng hát của ca sĩ Trung Hậu được phát ra từ một chương trình trên sóng phát thanh: "Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống. Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông, yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng. Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận. Ai đi Hậu Giang đến bắc Cần Thơ. Đi về Minh Hải hay đi về Kiên Giang. Đi về Sa Đéc hay là về An Giang...".

Giai điệu và lời ca của bài hát "Về miền Tây" khiến tôi xao xuyến, ngậm ngùi. Tôi nhớ đến nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng này với niềm nhớ thương da diết. Đã hơn một tuần ông vĩnh biệt gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, vĩnh biệt giới thưởng ngoạn âm nhạc của ông. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi, dường như ông vẫn còn đâu đây, chưa bao giờ mất.

Dẫu vẫn biết rằng sẽ không bao giờ còn được gặp lại ông, được hàn huyên tâm sự về chuyện đời chuyện nghề cùng ông - người nhạc sĩ mà tôi thường gọi với danh xưng kính mến là "chú Tùng". Tôi mường tượng ra người nhạc sĩ với dáng vẻ mộc mạc, nụ cười chân thành, bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ và quý mến.

Cố nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (1944 - 19/7/2017).

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng là người khá hòa đồng, vui vẻ, thẳng thắn, đúng bản chất của người dân Nam Bộ.               

Nghe tên ông đã lâu, nhưng mãi đến năm 2014, khi ông làm khách mời chương trình "Những khúc vọng xưa" của Kênh truyền hình Today TV - VTC7 do tôi làm biên tập; khi đó, tôi mới có dịp tiếp xúc và gần gũi. Tôi hay gọi điện hỏi thăm sức khỏe chú. Mỗi lần từ Bình Dương xuống Sài Gòn thăm bạn bè, ông đều rủ tôi uống cà phê tâm sự. Nhờ vậy mà tôi hiểu khá nhiều về ông.

Sinh năm Giáp Thân (1944) tại Hồng Ngự, Đồng Tháp, ông là anh cả trong gia đình có 9 anh em. Gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, nhưng bản thân nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từ nhỏ đã rất đam mê âm nhạc. Ông đã mất nhiều thời gian, công sức khi phải tự mày mò tìm hiểu về nhạc lý, kỹ thuật sáng tác… Năm 19 tuổi (1963), ông rời quê lên Sài Gòn tiếp tục hoàn thành năm cuối trung học.

Cũng trong thời điểm này, ông đã cho ra đời sáng tác đầu tay nhan đề "Hồng Ngự mang tên em". Thật bất ngờ, chẳng những được công chúng yêu mến ca khúc khởi đầu, Tô Thành Tùng còn nổi danh nhanh chóng. 

Hầu hết những sáng tác của nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đều là những câu chuyện có thật, gắn liền với cuộc đời của ông. Khoảng năm 1964 - 1965, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tiếp tục được công chúng ái mộ với nhạc phẩm "Sao anh nỡ đành quên". Ông cho biết: "Ở quê nhà Hồng Ngự tôi có quen một người và tôi có hẹn hò. Năm đó tôi về mà không gặp mặt cô ấy.

Khi nghe bạn bè thuật lại, cô ấy có ý trách tôi, sao lần ấy không thấy anh Tùng ở đâu? Thầm nghĩ: Chắc là cô ấy đã có cảm tình "đặc biệt" với tôi. Đáp lại, tôi đã viết ca khúc "Sao anh nỡ đành quên" với câu hát mở đầu là một lời trách móc rất dễ thương: "Sao anh nỡ đành quên/ bao lời tha thiết êm đềm. Sao anh nỡ đành quên/ chuyện tình đẹp như giấc mơ".

Ca khúc "Giã từ" cũng vậy. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể: "Đầu thập niên 1970, tôi cùng nhóm bạn thường lui tới một quán cà phê ở Đa Kao - Sài Gòn. Tại đây, tôi có cảm tình với cô gái làm thu ngân. Nhân vật trong bài hát "Mắt Diễm buồn" chính là cô bạn gái này. Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với cô ấy khá ngắn ngủi. Cô ấy ngoảnh mặt quay lưng, tôi đau lắm. Sau nhiều đêm một mình lang thang trên phố, tôi viết ca khúc "Giã từ". Người thể hiện đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thu Vân - quê Sa Đéc - Đồng Tháp, cũng chính là người vợ đầu tiên của tôi"!

Nổi danh với những bài hát trữ tình Bolero, nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng lại rẽ ngang sáng tác nhạc ngợi ca về môi sinh môi trường. Nổi hơn cả là bài "Tình cây và đất" được ông sáng tác năm 1988. Nhờ nhạc phẩm này mà ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng bằng khen. Ông viết nhạc ngợi ca quê hương, đất nước rất nhiều. "Càng lớn tuổi, tôi cảm thấy yêu quê hương của mình nhiều hơn. Tôi viết nhạc quê hương cũng xuất phát từ tấm lòng chân thật của mình, hoàn toàn không có chút gì hư cấu".

Ca sĩ Đình Văn, một người thể hiện thành công nhiều bài hát của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã nhận định: "Nghe những giai điệu và lời ca của anh, chúng ta cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị và mang đậm nét đặc trưng của quê hương Nam Bộ. Nó khiến tâm hồn công chúng lay động".

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có hai đời vợ. Với ca sĩ Thu Vân, ông sinh được ba cô con gái là Tô Thảo Nhi (đang định cư ởMỹ), Tô Thảo Quyên và Tô Thảo Xuân (hiện đang ở Sa Đéc). Ông còn có ba đứa con cùng người vợ tên Ninh Thị Thu Hải ở ở TP Hồ Chí Minh là Tô Đăng Khoa, Tô Kim Ngân (hiện đang ở Pháp) và Tô Thanh Toàn.

Nụ cười nghệ sĩ Tô Thanh Tùng tại đêm nhạc dành riêng cho ông.

Đa sầu đa cảm, nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng khá chu đáo với gia đình. Với các con, ông đều có trách nhiệm. Với cả hai người vợ, ông cũng thế. Các thành viên trong gia đình của ông sống rất hòa thuận, luôn kính trọng và nể phục ông. "Tuy là con hai dòng, nhưng chúng tôi rất quý và yêu thương nhau như chị em cùng một cha một mẹ sinh ra" - Tô Đăng Khoa, con trai của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và bà Ninh Thị Thu Hải vui vẻ nói.

Trong số sáu người con, chỉ mỗi Tô Thảo Xuân nối nghiệp ông. "Biết tin tôi theo học ngành sư phạm âm nhạc của Trường Đại học Đồng Tháp, bố vui lắm. Năm 2015, hai bố con có viết chung một nhạc phẩm với tựa đề là "Tình yêu Sa Đéc". Từ đó, tôi có ý định sẽ viết nhạc và nhờ bố góp ý. Nhưng không ngờ…" - Tô Thảo Xuân nức nở tâm sự.

Người em trai thứ tư của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cũng theo nghiệp sáng tác âm nhạc. Đó là nhạc sĩ Tô Thanh Sơn, tác giả của nhạc phẩm "Chút kỷ niệm buồn", từng được công chúng thương yêu, mến mộ.

Năm 2015, khi phát hiện bị ung thư tuyến tiền liệt, bên cạnh gia đình, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng luôn được người thân, bạn bè động viên, an ủi. Ông không muốn làm phiền con cái, nhưng các con ông đều thay phiên nhau chăm sóc cha. Thi thoảng bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bình Dương… cũng ghé bệnh viện thăm ông.

Cũng trong năm 2015, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đại diện quỹ Tình nghệ sĩ trao tận tay ông 100 triệu đồng được quyên góp từ đêm diễn tại phòng trà Không Tên của các ca sĩ, nghệ sĩ như: Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, danh hài Trường Giang .v.v…

Đầu năm 2017, Sở VH,TT&DL Đồng Tháp phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ tài hoa Tô Thanh Tùng. Chương trình cũng nhằm đánh dấu 50 năm sự nghiệp sáng tác của ông. Tại đêm nhạc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã t rao hoa, vật biểu trưng và một phần chi phí vận động hỗ trợ nhạc sĩ tiếp tục chữa bệnh hiểm nghèo.

Đặc biệt, hơn 2 năm điều trị tại Bệnh viện Bình Dân, người túc trực chăm sóc ông chính là Cẩm Tú, cô học trò mà ông hết mực thương yêu như con cháu của mình. "Thầy tốt lắm. Em rất thương và quý thầy. Em chăm sóc thầy cũng là cách để trả ơn cho thầy đã tận tình chỉ dẫn em. Tiếc là, em chưa làm được gì cho thầy vui lòng thì thầy đã ra đi…" - Cẩm Tú xúc động thổ lộ.

Là một nhạc sĩ bôn ba khắp nơi, ước nguyện cuối đời của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng được an táng tại quê nhà Đồng Tháp. "Lúc đầu, bố em muốn được yên nghỉ tại quê nội là Hồng Ngự. Cách mấy ngày bố mất, em có hỏi ý bố một lần nữa: tụi con để bố nằm gần mẹ Thu Vân, bố có chịu không? Bố em gật đầu!" - Tô Thảo Xuân kể.

Ngày 19-7 vừa qua, sau khi nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua đời, gia đình đã đưa thi thể ông về chôn cất cạnh nơi an nghỉ của người vợ đầu tiên, cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc "Giã từ" của ông tại phường 1 - thành phố Sa Đéc - Đồng Tháp.

Có lẽ bây giờ nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã mãn nguyện ra đi, khi về với "đất mẹ" Đồng Tháp, thực hiện được di nguyện cuối cùng của cuộc đời mình.

Phạm Thái Bình
.
.