Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền - Dòng sông Đuống chảy mải miết

Chủ Nhật, 09/02/2020, 09:07
Ở tuổi 74, nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền vẫn mải miết cầm cọ. Chị như con sông Đuống quê cha, thao thiết với dòng chảy của mình.


Tết và ký ức về những người nghệ sỹ lớn

Nghệ sỹ lớn, người thầy, người bạn nghệ thuật đầu tiên của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền chính là cha mình - nhà văn Kim Lân. Cụ là người trao truyền cho những người con tài hoa của mình tình yêu cái đẹp, ý thức sắp đặt, sáng tạo cái đẹp, trân quý cái đẹp. Ngày thường, ngôi nhà số 4 Hạ Hồi là bản thể của một vẻ đẹp tinh tế.

Ngoài sách, tranh, những cổ vật phủ trầm tích văn hóa còn có mảnh vườn nhỏ sống động của hoa, lá và chim muông. Nhà văn Kim Lân thích trồng chi mai, hồng, đào, cúc đại đóa..  Cách đó mấy ngả, ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Tuân ở Trần Hưng Đạo trồng mặc lan, thanh lan…

Một nhánh mặc lan nở ở nhà cụ Nguyễn Tuân sẽ sớm có mặt trên chiếc bàn nhỏ nhà cụ Kim Lân, một bông hồng thơm nức nơi góc vườn cụ Kim Lân, thể nào cũng sẽ được cô bé Nguyễn Thị Hiền mang sang ngôi nhà thân thuộc của nhà văn Nguyễn Tuân.

Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền thời trẻ và cha - cố nhà văn Kim Lân.

Tết, trong nhà cụ Kim Lân bao giờ cũng có một cành đào phai mà thường, cụ phải lang thang đến mười ngày - hai tuần trước Tết tìm kiếm. Cụ yêu vẻ đẹp tự nhiên của đào phai, và dáng đào, cũng phải là cành dáng tự nhiên nhất. Có một cái Tết, cụ Kim Lân không phải lặn lội tìm đào, mà năm ấy, cây đào phai cụ trồng mãn khai. Cụ chặt cành đẹp nhất nhờ con gái nhỏ Nguyễn Thị Hiền mang sang biếu bác Nguyễn Tuân đón Tết.

Cầm cành đào trên tay, cụ Nguyễn Tuân rưng rưng nói với Nguyễn Thị Hiền: "Bố cháu phải yêu thương hoa lắm, hoa mới nở được những bông cánh dày, to, đẹp thế này". Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại, ngày ấy, các cụ sống đẹp lắm, tặng hoa cho nhau như tình nhân.

Những ngày cuối đời, cụ Nguyễn Tuân nằm viện, nhà văn Kim Lân mang một giò lan tặng bạn. Cụ đến viện lúc nhà văn Nguyễn Tuân đang thiếp đi. Cụ lặng lẽ đặt giò lan phía đầu giường rồi ra về. Nhân viên bệnh viện hỏi cụ, liệu có cần báo với nhà văn Nguyễn Tuân là nhà văn Kim Lân đến thăm không. Cụ lắc đầu, bảo: "Không cần đâu, khi nhà văn Nguyễn Tuân tỉnh dậy, chỉ cần nhìn giò lan, tự khắc sẽ biết ai vừa đến thăm mình".

Nhưng có lẽ, câu chuyện sống động nhất giữa hai nhà văn chính là câu chuyện về những cổ vật. Ngoài tình yêu văn chương, tình yêu thiên nhiên, hai nhà văn còn rất yêu cổ vật. Nhà văn Kim Lân có họ hàng ở Bắc Giang, thường mỗi lần người dân vớt được cổ vật ở sông, người nhà lại nhắn cụ lên. Mỗi lần đạp xe mang đồ lên đổi cổ vật về, nhà văn của "Làng" lại dành một món riêng để tặng bạn quý Nguyễn Tuân.

Thế nhưng, với Nguyễn Tuân thế vẫn chưa đủ. Nếu Nguyễn Tuân thích một món cổ vật của Kim Lân, thể nào, mỗi sáng ông lại sang nhà bạn, cầm cổ vật lên, ngắm một lúc rồi đặt xuống. Mỗi lần nhà văn Nguyễn Tuân cầm cổ vật ngắm, nhà văn Kim Lân lại "khóc thầm" trong bụng với ý nghĩ "đằng gì cũng mất" nhưng cụ im lặng.

Ngày một, ngày hai, ngày ba, ngày bốn… đều đặn nhà văn Nguyễn Tuân sang cầm cổ vật lên ngắm và đặt xuống đi về, còn nhà văn Kim Lân thì im lặng tiễn bạn. Cho đến một ngày, không thể "chịu nổi", nhà văn Nguyễn Tuân phải lên tiếng: "Tôi thích quá không thể chịu nổi nữa rồi, anh cho tôi nhé".

Và thế là món cổ vật theo chân nhà văn Nguyễn Tuân về ngôi nhà ở Trần Hưng Đạo. Bạn vừa ra khỏi cửa, nhà văn Kim Lân vào nằm vật ra giường than: "Ối giời ơi! Được cái "đinh" (đẹp nhất/ quan trọng nhất) thì lấy mất rồi". Than thế, xót thế, yêu cái đẹp thế nhưng vẫn tặng bạn, vì yêu bạn và vì hiểu, bạn cũng yêu cái đẹp chẳng kém mình.

Ngày Tết, ngôi nhà số 4 Hạ Hồi được trang trí bằng đào phai, tranh Đông Hồ, cổ vật và mâm cỗ Tết đậm chất Bắc Kỳ trở thành nơi "hội tụ" của những 'tình nhân' yêu cái đẹp, bao gồm: Nhà văn Nguyễn Tuân từ Trần Hưng Đạo, họa sỹ Dương Bích Liên từ Bà Triệu sang, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sỹ Nguyễn Sáng từ Nguyễn Thái Học lên, họa sỹ Bùi Xuân Phái từ phố Thuốc Bắc tới… và một người bạn ân tình không thể thiếu đó chính là nhà văn Nguyên Hồng.

Có Nguyên Hồng, nhà văn của nỗi hồn nhiên và tình nhân hậu ấy, con ngõ Hạ Hồi không chỉ rổn rảng tiếng cười mà đôi khi còn là cả tiếng khóc. Tiếng khóc ấy bật ra, hồn nhiên như con người nhà văn, khi ông đọc cho bạn văn nghe một đoạn đời buồn của nhân vật mình mới đi qua.

Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền.

Món nợ ân tình

Nếu cuộc đời của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền là một dòng sông Đuống hiền hòa chảy mãi, thì ở đầu nguồn dòng sông ấy, chị đã may mắn được tiếp nhận bao nhiêu ngọn nguồn tươi mát của phù sa sông Hồng ngàn năm tuổi. Tình yêu cái đẹp từ người cha chảy qua chị, được bồi đắp tự nhiên bởi một thế hệ nghệ sỹ vô cùng tài hoa như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sỹ Bùi Xuân Phái, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sỹ Dương Bích Liên, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng…

Lên 8 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Hiền đã ẵm giải thưởng quốc tế cho bức vẽ "quả đồi của em", bức vẽ kể nỗi nhớ của cô bé Hiền về ngọn đồi nơi gia đình cô và các nghệ sỹ tản cư ở ấp Cầu Đen, Đồi Cháy, Bắc Giang… cũng từ đó, dòng sông tranh của chị mở ra và được bạn bè quốc tế đặc biệt yêu mến ở mảng tranh chân dung. Biết chị vẽ chân dung cho rất nhiều nguyên thủ, đại sứ quán, một hôm, nhà văn Nguyễn Tuân kéo tay chị ra đường Trần Hưng Đạo bảo: "Cháu vẽ cho bao nhiêu người nước ngoài, cháu phải vẽ cho bác một bức chân dung".

Bác Nguyễn Văn Bổng vào Sài Gòn cũng nhắn nhủ điều ấy với chị. Nhưng rồi cuộc sống đã cuốn chị đi, lần lượt tám triển lãm lớn của chị ra đời đến với bạn bè trong nước và quốc tế nhưng những bức chân dung về những người cùng thời, về bạn bè vẫn ngủ yên trong tâm trí chị.

Cho đến một ngày, những người bạn - nghệ sỹ lớn của bố lần lượt ra đi, chị nhận ra mình mang một món nợ lớn với cuộc đời. Những người bạn thân yêu của chị như Đào Trọng Khánh, Thụy Kha, Nguyễn Khắc Phục, Lưu Quang Vũ, Dương Tường, Trần Đỉnh, Nguyễn Xuân Khánh… người đột ngột ra đi, người ở lại cũng không chống được con tạo sinh, lão, bệnh…

Chị ngộ ra, có những việc, người khác có thể làm thay mình nhưng có những việc không ai gánh thay mình cả. Phải là chính mình. Và cuộc tìm lại chính mình ở tuổi thất thập của chị chính là dự án tranh "Nguyễn Thị Hiền và những người bạn".

Với hơn 100 bức chân dung, đây sẽ là "Một bộ tiểu thuyết chân dung'' đầu tiên của hội họa Việt Nam. Nhưng để có thể dựng được bộ tiểu thuyết chân dung ấy quả là điều không dễ, nếu không muốn nói là quá khó khăn. Khó khăn từ kiếm tìm tư liệu, dựng hình, sáng tạo… để mỗi con người là một vóc dáng, là chính mình, riêng biệt không lặp lại nhưng hài hòa tổng thể? Khi bắt tay vào dự án, nhiều người bảo chị "gàn" "dở hơi"… ở tuổi này, với người khác, bước đi nghiêm ngắn còn khó, huống chi là vẽ… mà vẽ gì không vẽ lại đi vẽ những người bạn… liệu tranh ấy có bán được không?

Chị chỉ lặng lẽ cười, vì chị hiểu số phận mình, trách nhiệm mình, tình yêu của mình. Như bao người họa sỹ khác, vẽ, ngoài cống hiến cho đời, cho người cái đẹp, còn là để kiếm sống, kiếm tiền, nhưng với chị, không chỉ vẽ để kiếm tiền mà là kiếm tiền để được vẽ, để trả món nợ ân tình của đời mình. Và để trả mối nợ ân tình ấy, hai năm nay chị bỏ Sài Gòn, bỏ nhà, bỏ cửa để về lại với Hà Nội, về lại nơi những mối ân tình được gieo xuống, được ấp ủ, được lên men để vẽ.

"Nguyễn Thị Hiền và những người bạn" sẽ triển lãm trong năm 2020, đúng tròn 100 năm ngày sinh của cha chị - nhà văn Kim Lân. Hữu duyên, dự án nghệ thuật này như một gạch nối, nối dài thêm mối ân tình sâu đậm của cha con, nghệ sỹ, bạn bè trong trái tim họa sỹ.

Tạm biệt chị vào chiều muộn năm Kỷ Hợi, tạm biệt người đàn bà nhỏ bé với làn da trắng mỏng, đôi mắt to, tròn, rất sáng và buồn sâu. Tôi tin, dòng sông Đuống hiền hòa là chị, mang trong mình cả phù sa sông Hồng chảy mãi, để rồi qua mỗi bến bờ, mỗi cánh đồng, dòng sông ấy lại bồi thêm một lớp phù sa mới, thứ phù sa được cất lên từ tình thương và lòng bao dung, nhân hậu trước cuộc đời.

Võ Hạnh Thủy
.
.