Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền: "Tôi tự tài trợ cho mình!"

Thứ Năm, 04/02/2021, 19:09
Họa sĩ, PGS.TS Trang Thanh Hiền hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài công việc giảng dạy, chị là một nhà nghiên cứu mỹ thuật cẩn trọng và đam mê với mỹ thuật cổ truyền thống mang màu sắc tôn giáo. Không những thế, chị còn là một họa sĩ đầy đam mê với mảng sáng tác sử dụng chất liệu truyền thống và chị đã "thổi" vào đó hơi thở đương đại với sức sống tươi trẻ, mới mẻ...


- Thưa họa sĩ Trang Thanh Hiền, chị có thể kể cho độc giả Văn nghệ Công an đôi nét về hành trình "bén duyên" tìm hiểu, nghiên cứu về mỹ thuật cổ truyền thống gắn với tôn giáo của chị?

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền.

+ Tôi là người làm nghiên cứu từ khá lâu năm rồi. Đó là năm 1998, song song với việc dạy học, tôi có một đam mê là nghiên cứu mỹ thuật cổ. Khi tôi bắt đầu, không có người "chỉ tay" hay dẫn đi, mà chỉ vì thích tự mày mò thôi. Tôi cảm nhận đó là một thế giới ngay bên cạnh mình, thường trực trong cuộc sống, trong xã hội quá ít người hiểu rõ. Chính vì thế tôi cảm thấy cần và muốn được khám phá.

Trong những năm từ 1998 đến 2002, tôi đi điền dã nhiều lắm, đi gần như hết các đình, đền chùa ở miền Bắc, Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Tây, Hưng Yên... đều đi hết. Lúc đầu đi thì không hiểu gì mấy, cứ đi và chụp ảnh thôi, rồi dần tìm hiểu qua sách vở của các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Trần Lâm Biền, Chu Ngọc Trú... Đến năm 2000, tôi mới làm luận văn Thạc sĩ về hình tượng Quan Âm và đó chính là bước khởi đầu của tôi trong nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo. Lúc đó mới bắt đầu đi nghiên cứu tài liệu ở thư viện Phật giáo bên chùa Quán Sứ, đi phỏng vấn và cánh cửa bắt đầu mở ra. Đến năm 2005 thì cuốn sách đầu tiên ra đời "Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam". Thật vui vì cuốn sách được đánh giá cao ở thời điểm lúc bấy giờ bởi tính tổng kết, đánh giá sự phát triển của nghệ thuật tạo tác tượng Quan Âm, cũng là cuốn sách được giải thưởng của Hội Xuất bản.

- Cuốn sách thứ 4 nghiên cứu về mỹ thuật cổ của chị là "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" vừa được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều gì trong cuốn sách này khiến chị tâm đắc nhất?

+ Tôi tự nhận thấy thế mạnh của tôi so với các nhà nghiên cứu lịch sử, di sản, khảo cổ đó là nghiên cứu về giá trị tạo hình của mỹ thuật cổ. Mỹ thuật cổ của Việt Nam rất đồ sộ, gắn với đình, chùa, miếu mạo và văn hóa dân gian, nhưng để "đọc" ra được các giá trị về nghệ thuật, chỉ ra được phong cách, sự liên quan giữa đời sống xã hội với mỹ thuật, hình tượng nghệ thuật đó trong bối cảnh lịch sử mới là điều khó. Vì thế, tôi tiếp tục nghiên cứu cho đến khi ra đời được cuốn "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" xuất bản năm 2020 thì tôi mới thấy thoải mái với chính mình.

Ở Việt Nam có một thực tế là: Sách nghiên cứu người ta viết rất nhiều nhưng lại chỉ dành cho đối tượng nghiên cứu thôi, chứ ít khi độc giả phổ thông đọc mà hiểu chứ chưa nói đến thích nó. Cuốn "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" của tôi sở dĩ được giải của Hội Mỹ thuật là vì mọi người đánh giá là cuốn sách nghiên cứu nhưng lại rất phổ thông, dành cho đại chúng. Tức là tôi giải thích về mỹ thuật một cách dễ hiểu nhất, cho cả những người không có quá nhiều kiến thức về mỹ thuật, khảo cổ qua từng thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn... Tôi cũng có gắng bước đầu đưa ra được những hình tượng, biểu tượng của Phật giáo Việt Nam trong mối tương quan với Phật giáo Thế giới, để xem giá trị của tượng Phật giáo Việt Nam nằm ở đâu?

- Để có thể làm được việc đó, chắc hẳn chị phải dành thời gian, tâm huyết như thế nào cho việc nghiên cứu tượng Phật giáo của Thế giới?

+ Để vươn ra được với thế giới bây giờ dễ lắm! Thực ra là trên thế giới đã có sẵn tài liệu hết rồi, chỉ có người Việt không tổng kết được thôi. Việc của tôi chỉ là đặt cái tượng của Việt Nam bên cạnh, trong hệ thống và so sánh với tượng của thế giới tiêu biểu như Nê-pan, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào... Mọi người luôn nói về tượng Phật Việt Nam là ảnh hưởng của tượng Trung Quốc, nhưng với tôi thì phải "định danh" được, phải chỉ ra được nó ảnh hưởng của thời Đường, Minh, Thanh như thế nào. Ví dụ như pho tượng của chùa Phật Tích với các kiểu thức ảnh hưởng cụ thể từ gương mặt đến tạo hình nếp áo, có bằng cớ hết chứ tôi không thích nói chung chung.

Cuốn sách "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" của họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền được nhiều người chú ý.

- Theo quan sát của tôi, họa sĩ - nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền là một phụ nữ đầu tiên "bươn chải" với con đường nghiên cứu lịch sử mỹ thuật tôn giáo. Hiện tại, chị đã có trong tay 4 cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống - dân gian, chị có dự định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đầy khó khăn này không?

+ Tôi chỉ chăm chú vào việc mình làm, cũng không để ý lắm đến người xung quanh! Nhưng tóm lại: đã là nghiên cứu thì phải "say". Không "say" không làm gì được đâu! Nhất là phụ nữ thì có nhiều rào cản lắm!

Khi tôi làm cuốn sách "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt", lúc đó con trai tôi mới 2 tuổi. Nó đòi hỏi mẹ ở cạnh nhiều như thế nào thì chắc mọi bà mẹ đều biết. Đầu tiên thì tôi cũng định "láu cá" vì có bạn bè, học trò rất nhiều ở chỗ này chỗ kia, nên cũng định nhờ bạn đi công tác ở các địa phương chụp ảnh cho. Bạn bè cũng rất nhiệt tình giúp đỡ vì biết mình con mọn, không thể một chốc một lát mà lên đường được. Nhưng cuối cùng vẫn không làm thế được, vẫn bỏ con ở nhà để đi 1 tuần miền Trung và 1 tuần miền Nam để hoàn thiện nốt cuốn sách đang chuẩn bị lên khuôn. Đã làm nghiên cứu thì không thể không cầu toàn được!

 Tôi vẫn đang ấp ủ cuốn sách tiếp theo là cuốn "Nghệ thuật tạo tác trong kiến trúc chùa Việt" theo lối phổ thông, theo một cách rất dễ hiểu dành cho tất cả mọi người. Vì khi người dân hiểu được thì mới yêu, mới có ý thức bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.

- Trong quá trình đi nghiên cứu mỹ thuật cổ của Việt Nam hơn 20 năm qua, chị có tìm thấy dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ sáng tạo Việt Nam xưa không?

+ Có chứ! Thông thường các nghệ nhân xưa làm cho các đình đền chùa thì họ không bao giờ ghi danh mà đều ẩn danh vì coi đây là một việc "húy kỵ". Duy chỉ có pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở chùa Bút Tháp là độc nhất vô nhị có ghi "Trương Tiên sinh phụng khắc", (niên đại 1656). Nhưng đối với mỗi pho tượng có thể mô thức là chung nhưng vẫn có dấu ấn riêng của cá nhân, mang nhãn quan, dấu ấn tâm hồn riêng của người tạo tác ra chúng chứ không như các pho tượng thường được làm theo lối "công nghiệp" như bây giờ!.

- Quá trình đi nghiên cứu, chị nhận thấy mỹ thuật cũng như các pho tượng ở các ngôi chùa Việt đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua?

+ Thay đổi chóng mặt luôn ấy chứ! Thực ra, đấy cũng là một xu thế thời đại mình cũng không cực đoan được. Đình, đền, chùa thì ở nhiều nơi họ cần phải sang sửa, làm mới, giống như một người không thể ở mãi trong cái nhà dột được. Nhưng mà hiện nay nhiều ngôi chùa sư trụ trì không muốn chùa vào danh mục di tích, di sản. Bởi vì vào rồi sẽ không được tùy tiện sửa theo ý họ nữa. Người ta sơn sửa, bỏ tượng cổ đi, thay vào những pho tượng mới rất to lớn, hoành tráng, vì cho rằng thế mới đẹp. Trùng tu thì "hợp lòng sư, hợp lòng dân" và đây vẫn là một câu chuyện dài không có hồi kết!

- Với 4 cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống - tôn giáo được nghiên cứu kỳ khu, vất vả, tốn kém, chị có nhận được nguồn tài trợ nào không?

+ À không nhé! Tôi là nhà tài trợ của chính mình, tự tài trợ cho mình chứ không có một nguồn kinh phí nào! Nhưng tôi cũng khá may mắn, vì như cuốn "Cửu phẩm liên hoa" được giải thưởng nên bù được 2/3 tiền in cuốn sách đó. Đến cuốn thứ 4 là cuốn "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" thì có kết hợp với nhà sách Thái Hà để in ấn hành nên cũng không mất tiền in. Còn tất cả đều hoàn toàn là tâm huyết cá nhân từ lúc đi sưu tầm, nghiên cứu, đến khi công trình ra đời. Nhưng nếu làm mà không theo sở thích, đam mê, không được tự do thì không làm được đâu! Nhận được tiền tài trợ để làm nghiên cứu cũng dễ rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường" lắm! Và tôi thì không muốn thế!

- Xin cảm ơn họa sĩ, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.