Họa sĩ của những cái "nhất" và những cái "đầu tiên"

Thứ Năm, 28/07/2011, 08:10
Là con quan tri huyện. Được gia đình cho ăn học từ nhỏ. Một trong 8 họa sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tốt nghiệp thủ khoa. Được học bổng sang học Mỹ thuật tại Paris. Người Á Đông đầu tiên trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp. Giải nhất cuộc triển lãm Báo chí Công giáo thế giới. Đồng sáng lập nhóm Nghệ thuật An Nam. Sáng lập và nhiều năm làm Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia định...

Chỉ với ngần ấy dữ kiện thôi cũng đủ để thấy ông là một người tài năng và thành đạt.

Ông là họa sĩ Lê Văn Đệ.

Lê Văn Đệ quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, là con quan tri huyện Lê Quang Hòe, người từng là một nhà Nho học và làm thuốc đông y có tiếng. Lê Văn Đệ thích hội họa từ nhỏ. Bạn bè thời trung học ai nấy đều phải bái phục ông bởi tài vẽ tranh vừa nhanh vừa đẹp. Một tuần một buổi vào chủ nhật ông lại đến học vẽ với họa sĩ Huỳnh Đình Tựu.

Sau khi có được tấm bằng Cao đẳng Sơ học, Lê Văn Đệ được gia đình khuyến khích ra Hà Nội học trường Luật hoặc trường Y, là hai trường mà con em những nhà khá giả thời ấy thường nhắm tới. Nhưng Lê Văn Đệ lại có ước vọng theo học mỹ thuật. Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức đợt thi tuyển đầu tiên. Có tới 400 người của toàn xứ Đông Dương tham gia. Lê Văn Đệ nằm trong số ấy. Kết quả, cả đợt thi tuyển, nhà trường chỉ chọn được vỏn vẹn… 8 sinh viên, bao gồm: Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh), Mai Trung Thứ, Lê An Phan, Công Văn Trung và George Khánh. Một nửa trong số này sau đã trở thành các họa sĩ tài danh, là niềm tự hào của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Thời gian theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Văn Đệ được đánh giá là sinh viên xuất sắc, luôn dẫn đầu thang điểm (các ông Nguyễn Tường Tam và Lê An Phan đã bỏ học giữa chừng). Năm 1930, Lê Văn Đệ tốt nghiệp thủ khoa, được ghi nhận là họa sĩ sở trường về thể loại tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa.

Pháp là nước có nền nghệ thuật phát triển, là nơi sinh ra nhiều trường phái ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực văn học và hội họa. Năm 1931, Lê Văn Đệ được học bổng của Hội SAMPIC sang học tại Trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Pháp ở Thủ đô Paris

Họa sĩ Lê Văn Định (thứ sáu từ phải qua) cùng sinh viên Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.

Theo lẽ thường thì Lê Văn Đệ phải trải qua một lớp học dự bị, nhưng nhờ thầy Victor Tardieu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có thư giới thiệu, cùng với chất lượng một số tranh mà Lê Văn Đệ mang từ Việt Nam sang nên ông đã được nhận vào học chính thức ngay. Không chỉ có vậy, đích thân Giáo sư J.Piere Laurence đã tình nguyện nhận dạy riêng cho sinh viên Lê Văn Đệ về tranh sơn dầu ngay tại xưởng vẽ của mình nên chàng sinh viên Việt Nam đã tiến bộ rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt tác phẩm có ấn tượng của ông nối nhau ra đời, thu hút sự chú ý của công luận. Tới năm 1932, tức là chỉ một năm sau ngày đặt chân tới "kinh đô ánh sáng", Lê Văn Đệ đã đoạt giải nhì cuộc thi do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức với chùm ba tác phẩm "Mụ thầy bói", "Sân ga Montparnasse", "Thiếu nữ điểm trang". Theo Đông Dương tuần báo, đã có hơn bốn chục tờ báo Pháp đưa tin và bình luận về các tác phẩm của Lê Văn Đệ.

Năm 1934, Lê Văn Đệ vẽ bức "Trong gia đình" với bố cục mẹ bế con nằm võng. Bức tranh đã được Bộ trưởng Văn hóa Pháp mua về và đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg ở Thủ đô Paris. Đây là một vinh dự to lớn bởi đến như họa sĩ Nhật Bản nổi danh thời bấy giờ là Foujita cũng chưa làm được điều đó. Lê Văn Đệ nghiễm nhiên trở thành họa sĩ châu Á đầu tiên có tác phẩm trưng bày ở đây. Trước đó, tranh của Lê Văn Đệ đã được chọn tham gia cuộc triển lãm của Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp - một cuộc triển lãm với hơn 5.000 họa sĩ từ nhiều nước gửi tác phẩm tham gia (tất nhiên, số tác phẩm được chọn để trưng bày như trường hợp Lê Văn Đệ chẳng là bao).

Từ những thành công đặc biệt nói trên, Lê Văn Đệ được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp, trở thành người Á Đông đầu tiên là hội viên của hội này. Không dừng ở đó, Lê Văn Đệ còn tiếp tục được nhận học bổng để tu nghiệp thêm về hội họa tại Roma (Italia) và Athena (Hy Lạp). Năm 1936, trong cuộc triển lãm Báo chí Công giáo thế giới tổ chức tại Roma, cùng với họa sĩ nổi tiếng người Pháp Bouleau, tác phẩm bích họa của Lê Văn Đệ giành được giải nhất. Lê Văn Đệ được Tòa thánh Vatican mời phụ trách một nhóm 11 người, gồm 1 nhà kiến trúc, 1 nhà điêu khắc, 1 kỹ sư, 3 họa sĩ và 5 thợ phục chế để trang trí, sửa sang cho một số gian phòng trong tòa thánh. Và Lê Văn Đệ đã hoàn thành công việc một cách mỹ mãn, được giới mỹ thuật Italia hết lời ngợi khen. Điều này đã được thuật lại trong cuốn "Một nhà họa sĩ ta: Lê Văn Đệ" (tác giả Nguyễn Văn Hanh) xuất bản tại Sài Gòn năm 1939. Cũng trong năm này, Lê Văn Đệ được Đức Giám mục Celso - Costantins làm lễ rửa tội. Ông có tên thánh là Celso - Leon. Theo một số nguồn tin thì Lê Văn Đệ đã có hai bức bích họa là bức "Thánh mẫu nhân từ" và bức "Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá" được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Vatican.

Cùng với những người bạn đồng khóa như các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, họa sĩ Lê Văn Đệ đã góp phần đáng kể cải thiện cái nhìn của người châu Âu đối với nền mỹ thuật non trẻ của Việt Nam. Và đây là điều cần phải ghi nhận ở ông.

Sau gần chục năm "đem chuông đi đấm xứ người", năm 1939, Lê Văn Đệ  trở về thăm gia đình và ông ở lại luôn trong nước. Ông vẫn sáng tác nhưng vừa sáng tác vừa thận trọng nghiên cứu vốn cổ của dân tộc cũng như của phương Đông trong lĩnh vực hội họa. Ngoài tranh sơn dầu, ông năng sáng tác tranh lụa hơn (dù đến nay, có lẽ do đặc điểm chất liệu nên những bức này còn lại rất ít). Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, tranh lụa của Lê Văn Đệ óng chuốt, đài các, là một sự bổ sung cần thiết cho phần khuyết thiếu của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Bức "Thiếu nữ ngủ ngày" là một tác phẩm thường được nhắc tới của Lê Văn Đệ thời ấy.

Ngoài sáng tác, Lê Văn Đệ còn là một người năng nổ trong các hoạt động xã hội, là người giữ vai trò thủ lĩnh trong một số tổ chức nghệ thuật. Năm 1942, ông đứng ra thành lập nhóm Nghệ thuật An Nam (Foyer de l' Art Annamite), quy tụ được nhiều bậc tài danh trong giới nghệ sĩ (như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ…). Ngay sau khi ra đời, nhóm này đã tổ chức được những cuộc triển lãm thu hút sự quan tâm của dư luận. Năm 1954, Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định chính thức được thành lập và người giữ cương vị Giám đốc đầu tiên không ai ngoài họa sĩ Lê Văn Đệ. Họa sĩ Lê Văn Đệ đã giữ cương vị này tới khi mất (năm 1966).

Sinh thời, mặc dù là lãnh đạo của một trung tâm nghệ thuật nổi tiếng, song họa sĩ Lê Văn Đệ vẫn duy trì lối sinh hoạt giản dị. Ông trực tiếp tham gia hướng dẫn sinh viên vẽ hình họa. Theo hồi ức của những người từng là học trò "thầy Đệ" thì thầy Đệ là người "sửa bài hay nhất", chỉ cần vài cái quệt ngón tay của thầy vào bài là sinh viên nhận ngay ra điểm cần chỉnh sửa của mình. Là người am tường văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây, trong cuộc sống đời thường, họa sĩ Lê Văn Đệ nghiêng về sự dân dã. Vị Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định này từng một thời kiêm thêm "chức" Phó hội trưởng Hội hoa kiểng Việt Nam. Không biết có phải vì vậy không mà khi vẽ một bức tranh lụa, ông rất muốn dùng màu sắc cỏ cây hoa lá (mà ta gọi là màu tự nhiên) để thay thế các màu hóa học. Ông muốn bức tranh thêm mềm mại, sinh động và tự nhiên như chính bản thân cuộc sống vậy

Nguyễn Tất Bình
.
.