Họa sĩ Vũ Thái Bình: Nặng lòng cùng dó

Thứ Sáu, 26/10/2018, 07:51
Những ngày tháng 10, khi mùa thu tràn ngập khắp phố phường Hà Nội, cũng là lúc những người yêu hội họa Việt Nam có dịp thưởng thức những tác phẩm tranh giấy dó độc đáo của họa sĩ Vũ Thái Bình trong triển lãm cá nhân mang tên "Sắc dó 2018" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Vóc dáng nhỏ bé, giản dị, vẫn khiêm tốn, kiệm lời như bao lần trả lời phỏng vấn báo chí nhưng những bức tranh của anh lại đầy ắp những câu chuyện thú vị. Và trên tất cả, đằng sau những bức họa tinh tế đó là đam mê, là sức lao động nghệ thuật đủ để người xem ngưỡng mộ...

Không phải ngẫu nhiên mà cả 2 triển lãm cá nhân của mình, Vũ Thái Bình đều chọn thời điểm tổ chức vào tháng Mười. Đó không chỉ là thời điểm đánh dấu "người họa sĩ của giấy dó" thêm một tuổi đời mà hơn tất cả, không gian tuyệt đẹp của mùa thu rất hợp để đắm mình vào những bức tranh trên chất liệu giấy dó truyền thống, tinh tế và sâu hun hút trong cảm xúc.

Triển lãm "Sắc dó" năm nay gồm 30 tác phẩm được họa sĩ Vũ Thái Bình tuyển chọn kỹ lưỡng trong số lượng tranh đồ sộ anh sáng tác trong 2 năm, kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2016. Những người mê tranh giấy dó, yêu mến Vũ Thái Bình đều có chung nhận xét anh đã có một bước chuyển mình đáng ngưỡng mộ trong hành trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi.

Họa sĩ Vũ Thái Bình.

Giới mỹ thuật biết tới tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình từ lâu nhưng thực sự bất ngờ với triển lãm tranh giấy dó cá nhân đầu tiên của anh năm 2016. Kỹ thuật rất riêng khi sử dụng màu nước trên giấy dó của Bình khi đó đã khiến người xem bất ngờ.

Những "ghi chép" của anh trong ánh mắt, dáng vẻ mỗi nhân vật, trong ánh sáng của phong cảnh, tĩnh vật, lối vẽ hình họa chuẩn xác, màu trầm mà trong cứ vấn vương khơi gợi cái đẹp "cơ duyên" rất lạ... ngay từ thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Như sức lao động bền bỉ, chưa khi nào dừng lại từ khi bước chân vào lãnh địa nghệ thuật, người yêu tranh Vũ Thái Bình luôn được xem tranh giấy dó qua triển lãm chung năm 2017 và thường xuyên qua trang Facebook cá nhân của anh. Dõi theo tranh của Vũ Thái Bình đến với những nhà sưu tập Thái Lan, Nhật Bản hay châu Âu...thấy "Sắc dó" của màu nước trên giấy dó của Vũ Thái Bình ngày một chuyển mình.

Các tác phẩm của anh có kích thước lớn hơn, đề tài phong phú: Phong cảnh, tĩnh vật, nhân vật, động vật... Bút pháp cũng đa dạng từ hiện thực, ấn tượng, siêu thực... Mới thấy sức lao động nghệ thuật của anh là không giới hạn. Điều đặc biệt dễ thấy ở các tác phẩm của Vũ Thái Bình như "Trưa vắng", "Quê tôi", "Đợi", "Thời gian" là sự "tử tế" và hết mình trong lao động nghệ thuật như anh vẫn thường tâm niệm. Dường như "thể nghiệm", "chơi chơi" là điều không có trong tư duy nghệ thuật cũng như tác phẩm anh mang đến với công chúng.

Năm nay cũng vậy, triển lãm "Sắc dó 2018" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của Vũ Thái Bình thêm một sắc lạ. Ở các bức họa "Trên đá", "Hoa chuối rừng"... Vũ Thái Bình sử dụng màu vàng, màu đỏ tươi trên nền thâm trầm ở mức kỳ lạ. Các tĩnh vật trở nên sinh động khác thường nhờ tương phản màu và cách xóa nhòa đường nét thực vô cùng ấn tượng. Các bức phong cảnh khác lại chứa đựng cách xử lý ánh sáng rất tinh tế...

Ở bức "Ký ức", Vũ Thái Bình kể một câu chuyện làm không ít người xem ngạc nhiên. Sự tự nhiên trong hình tượng hai đứa trẻ ngồi trước khung cửa ở trung tâm bố cục, nội dung xung quanh: Người mẹ đi chợ về, đàn ngỗng ngơ ngác, chú chó lười biếng, bước chân trần, chậu cây lưỡi hổ... tưởng như "khác thường" ở xã hội hiện đại nhưng lại quá đỗi thân thuộc với những người ở thế hệ như anh, những người có chung một ký ức. Tranh của Vũ Thái Bình gợi nhiều cảm xúc.

Đó là thứ cảm xúc sâu lắng, tinh tế mà thường ngày bị những bận rộn, mỏi mệt che khuất. Chỉ cần đứng trước những tác phẩm đẫm màu thời gian ấy là những xúc cảm trong trẻo của ký ức lại ùa về, nguyên vẹn. Điều đáng trân trọng và ngưỡng mộ ở Vũ Thái Bình là anh quyết liệt đi tới tận cùng niềm đam mê giấy dó của mình. Trò chuyện với anh có cảm giác như được gặp chuyên gia hàng đầu của chất liệu tranh truyền thống này.

Vũ Thái Bình chia sẻ, được biết tới từ cổ xưa, loại giấy được làm thủ công từ cây dó giấy, dó liệt...có tính xốp nhẹ, bền dai, ít bị mối mọt hoặc giòn gãy, ẩm nát...độ bền theo thời gian cao nhất trong các loại giấy dùng để lưu tư liệu (được kiểm chứng qua hàng trăm năm thông qua các sắc phong, văn tự cổ) khiến giấy dó luôn là chất liệu xứng đáng của hội họa.

Nhưng chính vì xốp nên giấy dó rất dễ bắt màu khi viết, in. Có phải thế mà trong mĩ thuật dân gian Việt Nam, giấy dó được dùng để in, vẽ tranh với kỹ thuật phủ màu một lớp như tranh Đông Hồ. Hoặc một màu như cách các họa sĩ người Pháp đã sử dụng giấy dó Yên Thái khổ lớn để vẽ tranh bằng mực tàu theo phương pháp tranh cổ điển Phương Đông.

Một tác phẩm trong triển lãm “Sắc dó 2018” của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Một vài bảo tàng ở châu Âu cũng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị mốc. Tuy nhiên, vẽ tranh giấy dó không hề đơn giản. Bồi giấy dó đã khó, vẽ tranh màu nước trên dó còn khó hơn, vì bất kỳ một sai lầm nào tranh cũng có thể phải bỏ đi và vẽ lại từ đầu.

Chính vì thế, những bức tranh màu nước thành công trên chất liệu giấy dó luôn được người nước ngoài yêu thích, nhất là du khách Nhật Bản. Còn Vũ Thái Bình luôn tâm niệm: những gì truyền thống nhất, bản sắc nhất chắc chắn sẽ đáng quý và được nâng niu.

Hiểu chất liệu, tôn trọng những bậc thày dân gian và tác phẩm kinh điển trên giấy dó, Vũ Thái Bình đã không phiêu lưu khi quyết định dùng màu nước với kỹ thuật khó là chồng màu nhiều lớp để vẽ trên giấy dó. Hai mươi năm cho đến triển lãm đầu tiên 2016, Vũ Thái Bình cặm cụi duy trì sự nghiêm túc với cảm xúc của chính mình để mỗi nét bút, mỗi lớp màu lên tranh đều hàm chứa sự biểu đạt, thứ biểu đạt xuyên suốt, chân thật như "ghi chép" và đầy đặn như trải nghiệm cầm bút của mình.

Vũ Thái Bình cứ miệt mài vẽ màu nước trên giấy dó như một lẽ tự nhiên, không mệt mỏi mong đợi thành công dù đã nhiều lần lặng lẽ mang tranh đi đốt. "Những gì còn lại" của Vũ Thái Bình theo nhận xét của giới thưởng ngoạn đã đủ tạo một dấu ấn đẹp mang tên "Sắc dó". Chẳng thế mà, khi xem những tác phẩm của Vũ Thái Bình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã phải thốt lên: "Mặt dó mềm mượt chiều lòng kẻ nặng tình cho Vũ Thái Bình cuống lên khi hồn gọi hình, hình đợi hồn trong những khoảng trống siêu nhiên của Dó Việt. Nước cứ vô bờ trong cảm xúc vô thức. Màu đa sắc thả mờ nhòe đến không màu, vây bủa như lạt mềm buộc hờ để bạn và tôi khó thoát những sợi tơ trời mong manh nơi bức họa".

Theo họa sĩ Vũ Thái Bình, giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Vì vậy mỗi bức họa, người họa sĩ cần phải tập trung cao độ để có thể nói chuyện và "tìm được tiếng nói chung" với chất liệu.

Sự tương tác có vẻ như bí ẩn đó luôn mang đến một kết quả độc bản và đôi khi bất ngờ ngay với chính tác giả. Vũ Thái Bình gọi đó là "chiều thứ 4" của cảm xúc. Phải chăng cũng bởi tính đa chiều nội tại của chất liệu giấy dó cùng với nhiều lớp màu nước thẩm thấu, lắng đọng mà tranh của Vũ Thái Bình có thể kể một câu chuyện với người xem theo nhiều mỹ cảm khác nhau đều rung động và sâu sắc?

Muốn biết một câu chuyện có hay, phải đọc nó. "Sắc dó" của Vũ Thái Bình kiệm màu, tương phản ít, phải xem trực tiếp và rất đáng xem lại.

Xem "Sắc dó" của Vũ Thái Bình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã viết những lời cảm xúc: "Chúc tâm hồn đẹp của họa sĩ Vũ Thái Bình miên viễn trong hồn dó Việt. Chúc bạn đi xa, dù chỉ một mình trên lộ trình gian nan của sáng tạo nghệ thuật".

Nhưng dường như với họa sĩ Vũ Thái Bình, một mình chưa khi nào đồng nghĩa với sự chùn bước hay nghi ngại. Xem tranh của Vũ Thái Bình, điều mà người xem cảm nhận rõ nhất là sự điềm tĩnh, tự tin trong cách kể câu chuyện của mình. Tận hiến cho nghệ thuật theo cách mà anh tâm niệm ngay từ khi bắt đầu cầm cọ là "tử tế, đam mê và hết mình" đã mang đến cho anh thành công.

Và niềm vui mới nhất mà Vũ Thái Bình nhận được, đó là hai bảo tàng mỹ thuật trong nước đang hoàn thiện hồ sơ để đưa tranh giấy dó của anh vào trưng bày. Đó là sự báo đền xứng đáng cho những cống hiến âm thầm, bền bỉ nhưng quyết liệt của người họa sĩ nhỏ bé cho tranh giấy dó, cho việc gìn giữ và bảo tồn vẻ đẹp của văn hóa truyền thống.

Tuấn – Phong
.
.