Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Yêu cái đẹp đến mê mải

Thứ Sáu, 14/05/2021, 13:54
Thoạt nhìn, không dễ nhận ra Vi Quốc Hiệp giữa đám đông vì ông giản dị, nếu không nói là hơi xuề xòa, khác với hình ảnh chỉn chu, duy mĩ mà tôi thường thấy ở các họa sĩ. Thế nhưng, sau cái vẻ hơi buông tuồng ấy là một Vi Quốc Hiệp nhiệt thành, sôi nổi, không ngại dấn thân trên con đường nghệ thuật gian nan. Vẽ, với ông là một cách để sống tích cực và an vui.


1. Ở tuổi 73, Vi Quốc Hiệp trình làng một triển lãm cá nhân, chủ đề “Vẽ phái đẹp”. Hơn 70 bức tranh được chọn trong kho tàng vẽ người đẹp hơn 200 bức của ông. Vẽ người đẹp là một chủ đề lớn trong sự nghiệp của Vi Quốc Hiệp, ngoài đề tài về biệt thự cổ Đà Lạt đã mặc định với tên tuổi của ông. 

Nhiều họa sĩ vẽ người đẹp, nhưng những người đẹp trong tranh của Vi Quốc Hiệp rất tinh tế, dịu dàng và có thể nói qua tay ông đẹp và lung linh hơn nhiều nhờ tình yêu nâng niu của ông với phái đẹp. Thực mà hư ảo, tinh tế mà dịu dàng, phụ nữ trong tranh của Vi Quốc Hiệp đến từ mọi miền đất nước, theo bước chân của người lãng tử. 

Với ông, không có người phụ nữ xấu, tất cả phụ nữ trong mắt của Vi Quốc Hiệp đều đẹp. Phải yêu phụ nữ và trân trọng họ đến mức nào thì ông mới cảm được vẻ đẹp ẩn đằng sau đôi khi là sự lam lũ, đời thường của người phụ nữ. Có những người đẹp là doanh nhân, là nghệ sĩ, nhưng cũng có những người đàn bà bình thường mà ông gặp trong cuộc đời, nhưng họ mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt. 

Ông nói: “Trước và sau khi đến Đà Lạt tôi vẫn bôn ba khắp núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên để vẽ chân dung các thiếu nữ miền sơn cước; chân dung phụ nữ là thế mạnh của tôi. Tôi nghĩ phụ nữ nói chung là niềm hy vọng, là chỗ dựa của... đàn ông. Tôi vẽ để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, để ca ngợi họ”. Và ở một góc nào đó, vẽ phụ nữ là chạm vào cái đẹp, nguồn năng lượng ấy làm cho tâm hồn Vi Quốc Hiệp vẫn giữ được sự trẻ trung, tươi mới. 

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Không phải đến bây giờ Vi Quốc Hiệp mới vẽ phái đẹp. Mà cách đây 50 năm, vào tháng 9-1971, khi vừa tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông được Bộ Văn hóa – thông tin (lúc bấy giờ) phân công về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin (VHTT) Hà Giang. Tuổi trẻ hăm hở và nhiệt huyết, ông bắt tay ngay vào đi thực tế ở Đồng Văn, chợ Phó Bảng. 

Đến Đồng Văn, vào nhà một người bạn, ông gặp một người phụ nữ trên 20 tuổi là chị Hoàng Thị Phiên (vợ của họa sĩ Hoàng Quốc Cứu học ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Bắt gặp chị Hoàng Thị Phiên với khuôn mặt ửng hồng khi vừa đi cày về, mặc áo chàm hơi bạc... Vi Quốc Hiệp xin chị vẽ chân dung. 

Lúc đó đang cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị Phiên cũng là dân quân của xã Đồng Văn. Trên chiếc khung có sẵn toan mang theo và mấy tuýp sơn dầu của Đức họa sĩ dành dụm từ khi còn ở Trường Mỹ thuật, chỉ hai tiếng, Vi Quốc Hiệp đã vẽ xong bức chân dung sơn dầu chị Phiên với màu áo chàm và đặt tên “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn”. 

Tranh đã triển lãm lần đầu ở Hà Nội vào năm 1974 được đánh giá cao, được ghi vào sách lịch sử Mỹ thuật Việt Nam là một tác phẩm sơn dầu đẹp. Tiếp đó được triển lãm ở Thái Nguyên năm 1976 và năm 1990, Vi Quốc Hiệp treo ở triển lãm đầu tiên của riêng ông tại Đà Lạt. Bức tranh đã lọt vào tầm ngắm và theo chân nhà sưu tập là đại diện lãnh sự quán Pháp ở TP Hồ Chí Minh về nước Pháp xa xôi. 

Mãi đến năm 2012, sau 41 năm, họa sĩ Vi Quốc Hiệp làm một hành trình từ Đà Lạt đến Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc... Ở Đồng Văn 2 ngày, ông đã tới thăm nhà chị Phiên (bà đã trên 60 tuổi), bà rất cảm động. Khi trở về, ông đã chụp lại bức tranh “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” trên giấy lãnh gửi tặng bà Phiên treo làm kỷ niệm.

Bức chân dung chị Phiên - người phụ nữ vùng cao mộc mạc, giản dị ấy đã trở thành một dấu ấn trong cuộc đời vẽ của Vi Quốc Hiệp. Và sau này, dù vẽ nhiều đề tài khác nhau, từ biệt thự Đà Lạt cổ đến hoa lá cỏ cây thì cuối cùng Vi Quốc Hiệp cũng trở về vẽ phái đẹp. Ông vẽ họ mọi nơi, mọi lúc bằng một niềm quý trọng, nâng niu người phụ nữ. Ông dành đến 5 cuộc triển lãm cho hoa và phái đẹp, trong đó có 2 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội. 

Bên ly caphe vội trước cổng trường Mỹ thuật Yết Kiêu, Vi Quốc Hiệp kể cho tôi nghe hành trình của mình trên những dặm đường. Yêu cái đẹp nên ông sẵn lòng đi ngược về xuôi, theo chân những người đẹp để vẽ họ. Nhiều người sẽ chọn những gương mặt nổi tiếng để vẽ, còn Vi Quốc Hiệp thì không, ông vẽ tất cả những người phụ nữ mà ông có duyên gặp trong đời và có một ấn tượng gì đó với ông, hay đơn giản chỉ vẽ để tặng một người ông quý mến. 

Các tác phẩm của họa sĩ Vi Quốc Hiệp tại triển lãm mới nhất.

Nhiều người trong số họ, đã sở hữu bức tranh và trở thành những người bạn tâm giao của ông. Vì thế, trong triển lãm “Vẽ phái đẹp” lần này, phần lớn những bức chân dung không còn thuộc sở hữu của ông mà của những người đẹp. Khi ông ngỏ ý muốn làm triển lãm, họ sẵn sàng gửi tranh, từ Hải Phòng, Bắc Ninh, từ miền Nam xa xôi... 

2. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã sống một cuộc đời hăm hở, nhiệt thành. Tôi hỏi ông, điều gì ở tuổi 73 khiến ông vẫn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng đến thế. Ông cười vang, bởi đơn giản, ông yêu cuộc đời này. Thế giới xung quanh ông tràn đầy năng lượng của sự sống và những tin yêu, là phụ nữ, là hoa, là thành phố ngàn hoa với những biệt thự cổ mộng mơ. 

Ông nói, có lẽ cũng là duyên nợ, khi một chàng trai từ vùng núi heo hút nghèo dân tộc Tày lại đặt chân đến thành phố Đa Lạt và gắn bó cả cuộc đời mình ở đó. Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, ông tình nguyện đến với đồng bào dân tộc miền núi ở Hà Giang. Ở đây ông vẽ tranh, làm thơ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. 

Năm 1978, ông được điều vào Tây Nguyên và lên công tác tại Lâm Đồng, Đà Lạt. Chất lãng tử trong tâm hồn tài hoa của Vi Quốc Hiệp bắt gặp vẻ đẹp hút hồn của Đà Lạt đã góp phần làm nên một Vi Quốc Hiệp đầy sức trẻ và sáng tạo. Tài năng, khí chất nhưng có lẽ, một phần là vùng đất người nghệ sĩ sống sẽ có những tác động đến thế giới quan của họ. 

Với Vi Quốc Hiệp, chắc hẳn ông sẽ mang ơn mảnh đất Đà Lạt đã cho ông một nguồn năng lượng sống trẻ trung và đầy sức sống. Sống để vẽ, đối với Vi Quốc Hiệp là một hành trình không ngừng lao động, thậm chí lao động cực nhọc và khổ ải. Nhưng với ông, đó là hạnh phúc. 

Vi Quốc Hiệp từ lâu đã thành cư dân của phố núi Đà Lạt. Cuộc sống đủ đầy. Ông có một phòng tranh ở Đà Lạt để đón bạn bè, khách thập phương đến thưởng lãm. Thế nhưng, ông sống giản dị, sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của bạn bè. Đợt lũ miền Trung năm 2020, ông tặng toàn bộ số tiền bán tranh để ủng hộ cho những chuyến thiện nguyện giúp đồng bào bão lũ. Hay bạn bè ai nghèo khó, ông sẵn lòng giúp đỡ.

Sống hào sảng, phóng khoáng nên Vi Quốc Hiệp bạn bè tứ chiếng, Bắc, Trung, Nam. Ai vào Đà Lạt gọi ông cũng sẵn sàng đón tiếp nồng hậu, tình nguyện làm hướng dẫn viên dẫn mọi người chơi. Vì thế, cuộc sống của ông luôn bận rộn, bận rộn vẽ, bận rộn bạn bè, giao đãi. Thế mà vui. 

Tuổi 73, Vi Quốc Hiệp vẫn hào sảng, khỏe mạnh với triết lý “ăn như nhà sư, làm việc như điên và sống như quân đội”. Ông kỷ luật với bản thân đến mức nghiêm khắc, “mỗi tuần tôi chủ yếu ăn các loại hạt, bí đỏ và khoai sọ, tôi hạn chế ăn các loại rau vì sợ thuốc sâu. Ngoài ra tôi tập thể dục, xoa bóp các huyết mạch, vì thế tinh thần lúc nào cũng hứng khởi để sáng tạo”, ông chia sẻ. 

Triển lãm “Vẽ phái đẹp” của Vi Quốc Hiệp tại Hà Nội rất đông bạn hữu gần xa đến chia vui. Thật may mắn, triển lãm vừa khép lại cũng là lúc làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đến. Tôi đùa, có lẽ cuộc sống đã luôn hào phóng với ông. Vi Quốc Hiệp cũng cảm nhận được điều đó, ông có bạn bè, có công chúng yêu thương. Và hơn hết, ông có một năng lượng sáng tạo vẫn tràn đầy trong trái tim để tiếp tục đi và vẽ. Vì thế, những bức tranh của Vi Quốc Hiệp luôn mang lại cho chúng ta một năng lượng an lành, tích cực.

Linh Nguyễn
.
.