Họa sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đoàn Văn Nguyên: Sự tĩnh lặng nguyên thủy
- Nhạc sỹ - họa sỹ Nguyễn Đình Phúc: Trọn một vòng nhân thế
- Họa sỹ Trần Từ Thành và câu chuyện về bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi”
- Họa sỹ Đỗ Thúy Hằng: Người đàn bà hạnh phúc
Trong mắt các sinh viên, khi đó các họa sỹ - giảng viên này quả thực là những thần tượng, bởi họ là những họa sỹ được đào tạo bài bản của trường Mỹ thuật Việt Nam, là những họa sĩ trẻ đầy ắp khát khao sáng tạo, đổi mới. Và chính các thầy giáo họa sĩ trẻ năng động này cũng là những trung tâm năng lượng truyền cảm hứng học tập và sáng tạo cho sinh viên.
Sự tận tụy trong công việc giảng dạy, thái độ lao động nghệ thuật cần mẫn của nhà giáo - họa sĩ Đoàn Văn Nguyên đã ảnh hưởng tích cực không nhỏ đến nhiều thế hệ học trò mà ông là người trực tiếp giảng dạy. Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, một học trò của ông đã nói rằng anh học được ở thầy mình lòng yêu nghề và cách làm việc, sự theo đuổi thủy chung với nghệ thuật. Thầy đã truyền cho anh một sự kiên trì say mê hiếm có đối với nghệ thuật. Anh chia sẻ: "Thầy tỉ mỉ thận trọng từ khâu phác thảo, trong quá trình hoàn thành tác phẩm cũng không ngại sửa chữa, đó là những bước mà có lẽ các họa sĩ trẻ phần nào còn coi nhẹ".
Họa sỹ, nhà giáo Ưu tú Đoàn Văn Nguyên bên bức tranh "Nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ”. |
Năm 1961, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên được cha là nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một tâm hồn thi sĩ yêu hội họa gửi gắm lên Hà Nội để học Mỹ thuật. Ông vào học lớp Trung cấp 7 năm (1961-1968), đây là một khóa học có nhiều họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Đào Minh Tri, Lò An Quang, Nguyễn Thanh Châu, Lý Trực Sơn, Lê Trí Dũng, Tạ Phương Thảo, Trương Mai San….
Kết quả học xuất sắc, ông được giữ lại trường. Từ năm 1968- 1972, ông là giảng viên khoa Hội họa hệ Trung cấp - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1972, cuộc chiến tranh càng ngày càng ác liệt, các sinh viên được dộng viên nhập ngũ. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cùng các bạn học như Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường nhập ngũ bổ sung cho chiến trường khu V.
Sau năm 1975, đất nước giải phóng, ông quay trở về tiếp tục học tiếp Đại học, học chuyên khoa Sơn mài và được thọ giáo với các họa sĩ như Văn Bình, Trần Đình Thọ… Tốt nghiệp xuất sắc năm 1978, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và từ 1990 chính thức hướng dẫn sinh viên học chất liệu sơn mài.
Môt cái duyên mà từ đó họa sĩ Đoàn Văn Nguyên quyết định gắn kết cả cuộc đời sáng tạo của ông với sơn mài là: Năm 1976, đang học năm thứ tư Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội thì bức tranh chuyên khoa sơn mài "Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa" kích thước 60x90 chỉ với trứng và bạc của ông đã được chọn đi triển lãm quốc tế cùng những họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Bình, Trần Văn Cẩn…Với một sinh viên mà có tác phẩm cùng đi dự triển lãm với các bậc thầy nổi tiếng trong hội họa, với Đoàn Văn Nguyên đó là việc khó tưởng tượng, nó là một giấc mơ kỳ vĩ nhất...
Năm 2007, ông nghỉ hưu sau gần 30 năm giảng dạy, với khoảng 14.500 giờ lên lớp về chuyên ngành sơn mài, có thể nói ông là một trong những nhà giáo có số giờ giảng cao nhất về sơn mài hiện nay. Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho tình yêu công việc thường ngày của mình.
Nghệ thuật Sơn mài cũng đem lại cho ông rất nhiều các thành công trong nghề nghiệp. Từ những giải cao của Triển lãm Mỹ thuật Toàn Quốc; Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng; Triển lãm chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Đúng dịp ông về hưu, năm 2007, hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Năm nay, vào tuổi ngoài thất thập, họa sĩ - nhà giáo Đoàn Văn Nguyên trưng bày những bức tranh sơn mài của mình, được sáng tác trong vòng 30 năm trở lại đây. Triển lãm được mang tên "Nước thời gian" với 62 tác phẩm đã được chọn lọc.
Trong bản tự bạch ông tâm sự rằng: "Tranh sơn mài thời gian càng lâu càng mới" như nước thời gian gột rửa hết tạp chất, bụi trần để lại những mầu vàng son lộng lẫy, sâu thẳm diệu kì. Lấy cảm hững từ câu thơ của nhà thơ "Thôn ca" Đoàn văn Cừ trong bài "Chợ Tết" nổi tiếng thời thơ mới:
"Bà Cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau"
Họa sĩ lấy tên "Nước thời gian" cho triển lãm, sáng tác trong nhiều chục năm của mình…".
Sáu mươi hai bức tranh trong triển lãm cho người xem thấy sự nhuần nhuyễn về kĩ thuật, sự chắc chắn, giản dị trong bố cục và ấm áp, đôn hậu trong màu sắc của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên. Người xem có thể coi đây là một cuộc triển lãm tổng kết những kết quả mà họa sĩ - nhà giáo Đoàn Văn Nguyên đã thu lượm được trong gần 40 năm sáng tạo của ông.
"… Làm tranh phải làm tốt ở phác thảo, để có kích thước, bố cục, rồi can lên mặt vóc. Nếu vẽ tỉa, vẽ kĩ rồi nghiên cứu, khi chuyển sang sáng tác tranh lại phải biết đơn giản, giữ lại cốt yếu, những chi tiết cần thiết trong mảng lớn. Làm tranh không phải chép lại hay phóng to tài liệu. Cái quan trọng là tìm cái đẹp, làm rõ ý đồ sáng tác của mình…". Đây là câu nói với học trò của danh họa Nguyễn Gia Trí - câu nói này có lẽ rất hợp để làm kim chỉ nam cho công việc sáng tác của họa sĩ - nhà giáo Đoàn Văn Nguyên.
Những đề tài trong tranh của ông, từ cuộc sống sinh hoạt ở Tây Nguyên - một đề tài gắn với ông thành hỗn danh "Toàn Tây Nguyên" - đến phong cảnh chợ quê, thiếu nữ khỏa thân, buổi tối bên hồ Gươm đến "Chợ tết" đều được ông thể hiện với một tinh thần lao động nghiêm túc, chỉn chu.
Tác phẩm “Dưới trăng”. |
Tranh sơn mài của ông với tông màu chính được chuyển từ đen, đỏ, vàng của giai đoạn những năm 80- 90, cho đến gam màu trung tính vàng đất, xanh non của những tác phẩm gần đây. Ông bằng lòng với những sắc độ đều và hơi chói, với những đối chọi vừa đủ.
Cảm giác khi đứng trước các bức tranh của ông trong triển lãm này của người xem - đó là sự tĩnh lặng, giống như những chuyển động được con mắt hội họa của ông chụp lại và lưu giữ, nó chỉ còn động tác. Sự tĩnh lặng trong tranh ông nằm trong nhịp chuyển động vừa phải được tạo bởi sự chủ động sắp xếp mảng miếng.
Có lẽ với Đoàn Văn Nguyên, ngoài cái đẹp của sơn mài, ông không còn sự quan tâm nào khác, kể cả tiền bạc. Trong buổi khai trương triển lãm "Nước thời gian", họa sĩ Đoàn Văn Nguyên chia sẻ: "Tôi không mở triển lãm để bán tranh. Đây là cuộc chơi vì nghệ thuật, người sưu tập và khán giả nếu đồng cảm thì mua. Không bán được bức nào cũng không sao cả".
Người xưa nói tranh là người …Họa sĩ - nhà giáo Đoàn Văn Nguyên ngoài đời là một người giản dị, đôn hậu, có lẽ mấy chục năm sống nơi phố thị cũng chả phai nhạt được cái chất thôn dã, quê kiểng của ông. Con người ông chịu sự giáo dục cổ điển của gia đình, sự mực thước của công việc nhà giáo, sự nghiêm trang của công tác Đảng, sự chung thủy với gia đình … tất cả tạo nên những nét đặc trưng trong sáng tác của ông. Có lẽ điều này là ưu điểm chính trong sáng tạo của họa sĩ nhưng nó cũng là lực cản sáng tạo với chính họa sĩ.
Vâng, nhà giáo - họa sĩ Đoàn Văn Nguyên và thế hệ của ông đã học tập, chiến đấu và sáng tạo với những mục tiêu to lớn. Nhưng phải khẳng định, cả cuộc đời mình ông đã tận hiến cho nghệ thuật và làm tốt vai trò của một "người lái đò", chuyển tiếp tình yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc - sơn mài - cho thế hệ họa sĩ ngày nay.
11/2019.