Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và "những gì còn sót lại"

Thứ Hai, 04/01/2016, 08:00
"Những gì còn sót lại"- một triển lãm của ký ức, của kỷ niệm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Nhưng quan trọng hơn thế, những tác phẩm này là một phần của lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Chúng là chứng nhân lịch sử mỹ thuật của chiến tranh, của hậu chiến tranh, được vẽ bởi một nữ nghệ sỹ.

- "Những gì còn sót lại", một cái tên rất lạ, nghe chừng như chị định tổng kết một điều gì đó về nghiệp vẽ của mình. Vì sao lại là "những gì còn sót lại"?

+ Với chủ đề "Những gì còn sót lại" mà gallery Antique Street triển lãm, trưng bày 16 tác phẩm sơn dầu tôi sáng tác trong những năm 1966 đến năm 1979, đã có người hỏi tôi phải lấy tên là "Những gì còn lại" chứ. Đúng. Đáng lý phải gọi là "Những gì còn lại" - nhưng nếu gọi như vậy thì phải nói đến rất nhiều bức tranh khác của tôi, bởi với hơn ngàn bức tranh tôi đã vẽ trong nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau, có thể chúng còn lại ở đâu đó rải rác trong tay những nhà sưu tập, những người yêu thích tranh của mình. Những bức tranh tôi vẽ trong những năm 1966 - 1979 còn sót lại trong tay mình rất ít, chỉ còn một số sơn dầu, cắt giấy, thuốc nước và một số tranh ký họa mà thôi.

Hôm triển lãm, một nhà báo có đến dự và mở máy ảnh cho tôi xem bức chân dung tự họa vẽ tôi mặc áo đỏ, có bài thơ Lưu Quang Vũ tặng "Ngõ Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi / Đá xa vắng trên mặt đường ướt lạnh / Tóc em rối và áo em đỏ thắm / Những bức tranh nổi gió ở trên tường/ …". Bức tranh được nhà báo dự định cho đấu giá để ủng hộ Đảo Hoàng Sa. Đó cũng là một bức tranh vẫn còn nhưng nó đã không còn là của tôi nữa. Vì thế triển lãm mới có tên là "Những gì còn sót lại".

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

- Một triển lãm của ký ức, của kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh, sơ tán, về gia tài mà có lẽ vô tình chị giữ lại được cho riêng mình. Chị nhớ gì về những ngày tháng đó?

+ Nhìn những bức tranh còn sót lại, thấy hiện lên cả một thời tuổi trẻ của mình và những năm tháng chiến tranh gian khổ, đau thương nhưng cũng đầy nhiệt huyết, đam mê. Thời đó tôi còn nghèo lắm, thiếu toan, thiếu sơn, thiếu giấy, thiếu màu, thiếu đủ thứ … Mà đam mê, mà thèm vẽ, thèm sáng tạo. Nhiều lúc không có đủ sơn dầu, tôi đã phải tự tay nghiền lấy sơn để vẽ. Bức "Dân quân" là một kỷ niệm sâu sắc trong đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Bức tranh đó tôi vẽ năm 1967.

Tôi đã ở trong căn hầm dọc triền đê sát cầu Đò Lèn 2 tháng. Ngày ra cầu vẽ những dân quân, thanh niên xung phong. Tối về vẽ và sinh hoạt với thanh niên dân quân ở đây. Làng không có bóng một người đàn ông, tôi đã chứng kiến những cô dân quân đi san lấp hố bom, khiêng vác những hòm đạn… Nhưng tôi cũng chứng kiến chiều chạng vạng, trên bờ đê những cô gái đó xõa tóc đi trên đê, vừa cười vừa khóc, họ bị bệnh Isteri, bởi cả làng không có một bóng đàn ông. Tôi cũng chứng kiến trận bom giết chết cả gia đình 7 người, 7 ngôi mộ xếp hàng từ nhỏ đến lớn…

Sống trong một thời cuộc và hoàn cảnh như vậy, con người đã vượt ngưỡng. Tâm hồn tôi đã được tưới đẫm bởi những cảm xúc mãnh liệt, hòa chung với nỗi đau thương và hào hùng của dân tộc, của những người đang sống quanh tôi. Tôi đã sống giữa bom đạn mà chẳng thấy sợ là gì. Cảm xúc đã cho tôi vẽ một loạt đề tài về dân quân du kích ở đây. Bức "Dân quân" đã được ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Chẳng hiểu số phận thế nào lại còn sót lại trong tay tôi.

- Mỗi bức tranh có số phận, có con đường đi riêng của nó. Cả cuộc đời miệt mài lao động không ngừng nghỉ của chị, có rất nhiều bức tranh giá trị không còn giữ lại được, chị có nuối tiếc điều đó?

+ Tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm, nhưng tôi luôn nghĩ, những bức tranh khi mình vẽ xong, dường như nó đã được định đoạt những số phận riêng, chúng có những cuộc sống, số phận và con đường đi độc lập riêng không còn nằm trong sự quản lý của tác giả, người đã sáng tạo ra chúng nữa. Một ví dụ điển hình: những năm 80, khi tôi gửi đi triển lãm ở Paris 40 bức tranh sơn dầu và sơn mài của mình, tôi đã không bao giờ tìm lại được những tác phẩm này cho đến tận hôm nay.

Rồi khoảng năm 1974, có một đoàn báo chí của Nhật và Mỹ sang thăm Việt Nam. Họ đến nhà và bố tôi đã cho họ mượn toàn bộ số tranh của tôi. Họ đã mua hết toàn bộ số tranh đó. Họ nói, họ bất ngờ vì ở Việt Nam chiến tranh gian khổ, đói nghèo như vậy mà lại có một nữ họa sĩ trẻ tuổi vẽ đẹp như thế. Khi đó tôi 28 tuổi. Về nhà, biết chuyện, tôi đã khóc mãi để bắt đền bố và các bác vì gần như số tranh đó rất nhiều bức tôi không có ảnh chụp lại. Nó đã ra đi và mất hút.

Bán được tranh có tiền, nhưng buồn vì nhiều bức không lưu giữ hình ảnh lại được. Thế là mua một căn nhà có vườn, mái giấy dầu, vách đất, trở thành một nơi để suốt ngày trốn cơ quan về ngồi vẽ, và cũng tại nơi đây, tôi đã vẽ được một loạt tác phẩm sôi nổi một thời để khi di chuyển vào Sài Gòn sinh sống, khi quay ra đã lại bị mất gần hết, cũng chỉ còn sót một ít tranh, nhất là tranh vẽ trên bìa đĩa nhạc đang trưng bày ở Triển lãm "Những gì còn sót lại".

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

- Câu chuyện của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là câu chuyện của thời đại, chiến tranh, ly tán và rất nhiều tác phẩm của hội họa Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài, thậm chí có nhiều bức tranh chúng ta không còn biết gì về số phận của nó. Chị có suy nghĩ gì về điều đó?

+ Năm 1972 là năm chiến tranh vô cùng khốc liệt - phải mang tranh đi sơ tán. Bom đánh ga Hàng Cỏ, nhà tôi ở Hạ Hồi, Trần Hưng Đạo, gần ga, cả tòa nhà rung chuyển hết cả lên. Tôi vội đỡ tranh, lại xếp sau yên xe, lại lóc cóc chở lên nơi sơ tán, vừa đến nơi xếp tranh xong, bỗng thấy ầm ầm lóe sáng cả một vùng trời. B52 đánh Khâm Thiên. Sáng sớm phóng xe đạp về, vừa bước chân vào nhà bỗng nghe tiếng gọi Hiền ơi, Hiền đâu rồi! Anh Lâm và Vũ (nhà thơ Lưu Quang Vũ - PV) hốt hoảng chạy từ ngoài vào. Ba chúng tôi ôm chặt lấy nhau mà nước mắt giàn giụa.

Rồi chúng tôi chạy vội ra Khâm Thiên, nhà cửa đổ nát ngổn ngang, khói hương nghi ngút, người chít khăn tang bới tìm trong đống gạch, nhặt từng mẩu thịt của người thân. Tôi đã vẽ một loạt tranh về Khâm Thiên, còn Vũ làm một loạt thơ về Khâm Thiên 1972. Những bức tranh đó của tôi người Nhật và người Mỹ đã mua hết trong lúc tôi đi công tác Thái Bình. Tôi đã không chụp lại được để giữ làm kỷ niệm dù là một bức ảnh. Số tranh đó giờ chúng đang lưu lạc ở đâu? Nếu bây giờ có một ước mong, tôi mong được nhìn lại những bức tranh đó của mình.

- Cho đến lúc này, chị vẫn đang nhập thất cho dự án "Chân dung bạn bè và những người cùng thời", một dự án cuối cùng của sự nghiệp hội họa của mình. Hình hài của những bức chân dung đó thế nào ạ, để họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không bị trộn lẫn?

+ Mỗi lần chuẩn bị cho một dòng chảy mới, là tôi lại đi đó đi đây, vào Nam, ra Bắc, lên núi, xuống ruộng, nạp năng lượng để rồi sau đó đến giai đoạn mà tôi vẫn nói đùa là tôi đã "Nhập thất quay mặt vào toan" rồi. Dự án "Chân dung bạn bè và những người cùng thời" là một công việc phải dành nhiều thời gian, tình cảm, tâm huyết, kể cả trí tuệ để làm - không thể nào làm việc theo năng suất được, cứ suy ngẫm, nghĩ về người mình định vẽ, đôi lúc thấy họ hiện lên rõ mồn một như một bức tranh đã hoàn thành trong đầu, hình ảnh của họ, tâm hồn, tác phẩm, lối sống của họ...

Tôi là người quá tham lam, chị nói Dòng chảy 7 "Chân dung bạn bè và những người cùng thời" là dự án cuối cùng của cuộc đời tôi. Riêng tôi chưa có ý định dừng lại. Chưa biết dự án nào sẽ là dự án cuối cùng của đời tôi, có lẽ dự án cuối cùng sẽ chấm dứt khi tôi được gọi: "Hiền, đến giờ con ra đi rồi", lúc đó tôi sẽ buông bút "Dạ" một tiếng và bay vút vào cõi hư vô với tâm hồn thanh thản, lâng lâng, nhẹ nhàng không vướng bận.  

- Chị quan niệm, cuộc đời vẽ của chị là những dòng chảy miệt mài, không bao giờ ngừng lại, dù cuộc đời dâu bể, nhiều biến động. Điều gì giữ cho chị tâm thế an nhiên, tự tại đó?

+ Tất cả những cuộc triển lãm cá nhân của tôi đều có tên đầu là "Dòng chảy". Tôi quan niệm cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật của tôi hòa quyện vào nhau như một dòng chảy. Dòng chảy đó đã chảy theo muôn vàn biến động của cuộc đời tôi, buồn vui, thành công, thất bại, vấp ngã, hạnh phúc, chia ly, may mắn, bất công... Điều quan trọng nhất với tôi là không giữ lòng thù hận, tôi luôn muốn hướng tới sự yêu thương, chia sẻ, tha thứ và tôi luôn tâm niệm tôi là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì được sinh ra và được làm một công việc mà mình yêu thích, mà vì nó bao nhiêu biến động của cuộc đời, hạnh phúc, buồn vui, thành công, thất bại, bất công, vấp ngã tôi đều có nó để vượt qua, hướng tới, và vì nó với niềm đam mê để đứng lên chảy tiếp Dòng chảy của đời mình.

- Nhìn lại một chặng đường dài làm nghệ thuật của mình, là một trong những nữ họa sĩ tiên phong cho thế hệ của chị, chị có điều gì tiếc nuối?

+ Có lẽ bây giờ được làm lại từ đầu, chắc rằng tôi sẽ lại làm đúng những điều mình đã làm thôi, chỉ tiếc một điều là những bức tranh đã bán đi chưa kịp chụp lại. Giá lúc đó có máy ảnh chụp lại được hết thì tốt biết mấy, và chỉ mong rằng một ngày nào đó tôi tìm lại được 40 bức tranh bị lấy mất ở Paris thì thật tuyệt vời.

- Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Khánh Linh (thực hiện)
.
.