Hoạ sĩ Nguyễn Sáng "vẽ" tranh bằng thơ

Thứ Ba, 10/11/2009, 11:00

Nói đến danh họa Nguyễn Sáng, người ta nhớ ngay tới những bức sơn mài nổi tiếng của ông như: "Giặc đốt làng tôi", "Hành quân đêm", "Thánh gióng”, "Chọi trâu", "Không gian", "Tình cảm nghệ sĩ", đỉnh cao là "Kết nạp Đảng ở Điện Biên". Ông từng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ngay từ đợt 1 (1996).

Với Sa Pa, nhà thơ Xuân Diệu từng viết:

Sa Pa hè mát hơn thu
Một làn gió nhẹ cũng ru dịu người

Còn với danh họa Nguyễn Sáng, tài danh như thế, nhưng có một lần đến Sa Pa, trước vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên - một Đà Lạt thu nhỏ của núi rừng phương Bắc đã làm ông bất lực với cây cọ? Không vẽ được thì Nguyễn Sáng dùng bút sắt "vẽ"... cảnh trí bằng thơ.

Ấy là vào mùa hạ tháng 7/1963, Nguyễn Sáng viết bài thơ "Tản mạn Sa Pa" (bài thơ đăng báo Văn nghệ số 10- ra 9/3/1991- số đặc biệt về kết thúc cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1989-1990)

Trong bài "Tản mạn Sa Pa" có những câu thơ độc đáo, mà không phải thi sĩ chuyên nghiệp nào cũng viết được:

Hoa rừng đã héo bao nhiêu
Héo hon vẫn dặn anh yêu một người

Hoặc:

Núi cao vẫn cứ say mây
Ra về vẫn nhớ nơi đây ngọt ngào
Chia tay không một lời chào
Mây không hẹn núi, núi nào say mây

Tâm trạng họa sĩ thật nhớ nhung, da diết. Hẳn khi lên Sa Pa ông đã tương tư một sơn nữ.

Được biết năm 1963, khi viết bài thơ này hoạ sĩ Nguyễn Sáng đã 40 tuổi, ông vẫn sống đơn côi ở trong một ngôi nhà 10m2 ở Hà Nội, nên khát yêu là phải. Ở đây, trước thiên nhiên Sa Pa, cảm xúc của họa sĩ trào ra không từ mảng khối, màu sắc, đường nét, mà phải bằng ngôn ngữ của thơ ca, nhờ thơ "vẽ" giúp ông. Khi bất lực về hội hoạ thì dùng thơ ca. Nguyễn Sáng là danh họa, nhưng với bài thơ "Tản mạn Sa Pa" trên đây thì quả ông còn là thi sĩ nữa - thi sĩ một bài cũng quí lắm!

Lê Hồng Thiện
.
.