Hoạ sĩ Lê Lam: Một thời đã qua và bức tranh "Dừng lại"

Thứ Hai, 17/12/2012, 08:00

Trong những ngày chớm đông này, tôi về khu tập thể Thành Công - Hà Nội tìm gặp họa sĩ tài danh Lê Lam, người có bức tranh cổ động "Dừng lại!" nổi tiếng một thời. Tại đây, tôi đã được người họa sĩ già  giãi bày tâm sự về cuộc đời, sự nghiệp, cũng như bối cảnh ra đời một số tác phẩm mỹ thuật của ông ở miền Nam ngày ấy.

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái. Ông sinh năm 1931, người xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Dòng tộc ông có truyền thống khoa bảng. Cụ tổ Vũ Công Tể (1687 - 1745) đỗ Thám hoa khoa Mậu Tuất (1718). Khi Trịnh Doanh chấp chính, ông được vào triều tham dự chính sự, được thăng đến tham tụng, Lại bộ thượng thư, tước Lãng quận công. Sau khi mất được thăng hàm Thiếu bảo (theo sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam", NXB văn học Hà Nội, 1993).

Nối tiếp truyền thống khoa cử của dòng họ, Lê Lam theo nghiệp "bút hoa vẽ vời ". Từ năm 1950 tới 1953, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam. Thầy dạy ông bấy giờ có họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam, năm 1958 ông được cử đi Liên Xô tiếp tục học Đại học Mỹ thuật quốc gia Xudukốp, Mátxcơva. Về nước, ông tha  gia giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (1964 - 1965). Từ ngày 2  đến 20 tháng 9 năm 1965, Lê Lam tổ chức cuộc triển lãm tranh cá nhân ở số 10 Hàng Đào. Triển lãm đã gây xúc động cho người xem. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến xem triển lãm 2 lần. Thủ tướng vui mừng viết thư tay động viên họa sĩ... Đó là niềm khích lệ lớn đối với Lê Lam.

Họa sĩ Lê Lam kể: "Đầu năm 1966, tôi được cử đi Liên Xô học tiếp. Nhưng lúc này chiến trường miền Nam đang những ngày khốc liệt, đòi hỏi miền Bắc hậu phương lớn phải chi viện rất nhiều về nhân tài vật lực cho tiền tuyến. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định lên gặp các đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Văn Vịnh (bấy giờ đồng chí Nguyễn Văn Vịnh là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Thống nhất của Quốc hội), xin đi Nam. Nguyện vọng của tôi được đáp ứng. Mới đầu hay tin, nhà tôi thắc mắc, không nhất trí, nói: "Ông lên hỏi lại anh Vịnh xem sao". Gặp tôi, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh bảo: "Anh đi đi, đi vài ba năm rồi về...". Cùng đi với tôi chuyến ấy có các anh Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp, Thái Ly và Vĩnh Bảo. Lưu Hữu Phước vào thay Trần Hữu Trang vừa hy sinh. Sau Thái Ly, Vĩnh Bảo cũng nằm lại chiến trường...Như những người lính Trường Sơn, chúng tôi chống  gậy, đeo balô, ngày đêm trèo đèo lội suối. Trên đường đi có lần "dính" B52 ở Tây Ninh suýt chết. Một lần gặp bọn ngụy phục kích, may nhờ bộ đội Campuchia dùng đại liên quét cản và o giao liên cũng người Campuchia lanh lợi dẫn đường. Lúc đó cũng vừa sẩm tối, mình hòa vào dòng người dân kéo nhau đi chợ, nên bọn ngụy không làm gì được.

Tháng 7/1966 tôi đã ở Tây Ninh, Long An; năm 1967 về Bến Tre. Ở chiến trường miền Nam, tôi được phân công phụ trách ngành Mỹ thuật giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ở Bến Tre, ngày 20/7/1967 tôi rời cơ quan Mỹ thuật giải phóng vào Đồng bằng sông Cửu Long, đi đến đâu cũng chỉ có mình mình nói tiếng Bắc. Về đến Long An, Đức Hòa cách Sài Gòn chừng 50 cây số tôi gặp được Võ Trần Chí, Bí thư Long An. Ở đây dường như không mấy ngày không có cuộc càn quét. Tôi đã hòa đồng với mọi người. Thường ngủ hầm, trên lợp lá, mắc võng cùng với các chiến sĩ giải phóng.

Bức tranh cổ động "Dừng lại" của họa sĩ Lê Lam.

Năm 1967, một hôm, chú Tư Hoạt, xã đội trưởng dẫn tôi đến nhà chị Tư Cào, chiến sĩ ngăn xe nổi tiếng toàn miền Nam. Chị Tư Cào tên thật là Võ Thị Cào, sinh năm 1939, người xã An Ninh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chị chuyên nghề "bà mụ" đỡ đẻ, người nhỏ nhắn, chân đi hơi thọt, miệng nhai trầu liên tục. Chồng chị người Bắc phu đồn điền cao su trụ lại. Năm ấy chị chưa đầy 30 tuổi. Chị kể: Hôm ấy nghe tiếng động cơ ngoài làng, mình chạy ra xem sao, thấy xe rầm rầm quần chạy qua cánh đồng lúa đang chín. Một ý nghĩ bột phát loé lên, nó quần nát thế này lấy gì ăn... Chẳng còn biết sợ hãi gì nữa, tôi nhảy ra giang 2 chân 2 tay thét liên tục: "Dừng lại! dừng lại!". Một thằng Mỹ - có lẽ chỉ huy - nhảy xuống xe xì xồ hỏi. Tôi chỉ vào miệng làm hiệu "ăn!" và nói toáng lên, chỉ vào ruộng lúa nhầu nát. Lúa thế này lấy gì ăn? Rồi làm hiệu chỉ cho xe lên đường mà đi. Dường như nó hiểu ý, chần chừ một lát rồi cho xe tất cả quay lên đường, chạy... Chị lại nhai trầu... Xe địch đi rồi, du kích, bộ đội phục kích quanh bờ bụi túm lại rôm rả reo hò: "Bà Cào ngăn xe Mỹ! Bà Cào tay không ngăn xe Mỹ". Trên biết được tin này đã có hình thức khen thưởng, tôn vinh chị Tư Cào". 

Tiếp xúc với người phụ nữ, được nghe chị kể tường tận chiến công ấy, họa sĩ Lê Lam có ngay ký họa về chị Tư Cào. Sau này, bức ký họa ấy là tư liệu để ông vẽ nên bức tranh  cổ động "Dừng lại!". Tỉnh uỷ Long An và sau đó toàn miền Nam đã phát động phong trào học tập gương chị Tư Cào...

Chuyện là, nhân ngày Phật đản (1967), Tỉnh ủy Bến Tre hỏi họa sĩ Lê Lam vẽ cho tỉnh bức tranh  gì? Lê Lam đã nhận lời và vẽ bức tranh lớn vào tấm tôn (3m x 2,5m). Một mặt ông vẽ bức "Toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" có hình bộ đội giải phóng, dân quân du kích, nhân dân và cả quân đội Mỹ lẫn Giôn Sơn nữa. Mặt chính ông vẽ chị Tư Cào đứng giang chân giang tay trước xe tăng địch, dưới gầm trời xám loang lổ khói bom lẫn bầy đàn máy bay trực thăng nhiều như ruồi phủ trên cánh đồng lúa  vàng . Trên xe người lính Mỹ dương súng trước mặt chị Tư Cào. Tranh đề: "Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục". Sau này tranh chính thức mang tên "Dừng lại"!

Câu chuyện tiếp theo thật là thú vị. Tranh vẽ xong treo ở Cầu Tầu trên sông Thơm, đoạn nối sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông. Tranh được neo chặt vào 2 đoạn cây bông goòng chôn sâu hàng mét. Sông Thơm chỗ ấy hàng ngày có hàng ngàn thuyền bè qua lại. Đến đó ai cũng đi chậm, dừng xem tranh đông như hội. Cứ  vậy đến hơn 2 tháng, cột bông  goòng đã bật lá xanh (từ 19 tháng 5 đến đúng ngày 20 tháng 7  năm ấy). Đây là vùng tranh chấp, thỉnh thoảng máy bay Mỹ ngụy sà xuống xem tranh. Chúng căm tức điên đầu. Một lần cả lính bộ, tàu chiến kéo đến, đích thân tên Mỹ chỉ huy ra lệnh dùng súng bắn mãi, song tranh không rụng. Sau chúng công kênh nhau lên mới tháo được tranh, khiêng xuống tàu. Chúng buộc tranh kéo lên tàu chạy dọc sông, vừa chạy vừa bắc loa "Đây là chiến lợi phẩm thu được của Việt cộng". Địch đem tranh về Vĩnh Long 2 ngày rồi chở đi Bình Phước, Mỹ Tho. Chúng cho triệu tập nhiều sĩ quan tâm lý chiến đến xem. Sau này có người nói thấy bức tranh ấy ở bên Mỹ.

Trong thời kỳ chiến dịch Gian- sơn-xi-ty, họa sĩ Lê Lam về Trung ương cục vẽ lại bức tranh ấy gửi ra Bắc. Ông vui mừng khôn siết khi được biết, trong một lần đến xem triển lãm, Bác Hồ đã đến trước bức tranh. Người xem đi xem lại rất lâu, hỏi kỹ càng về chị Tư Cào rồi Bác bảo: "Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem". Họa sĩ Lê Lam còn được biết, sau này đã có một số nước xin mua bức tranh... Bất giác tôi nhớ tới hai câu thơ của Nguyễn Bính: "Thơ mọc cánh thơ bay khắp ngả/ Rộn muôn lòng hoa lá xôn xao". Tranh đã bay đi không còn biên giới. Cám ơn Lê Lam đã cho chúng ta một tác phẩm để đời!

Hôm nay tôi vinh dự được ngồi đàm đạo với họa sĩ Lê Lam tại căn phòng của ông ở khu tập thể Thành Công giữa thủ đô Hà Nội. Họa sĩ Lê Lam tuổi đã ngoại bát tuần. Cả quãng đời thanh xuân của ông dầu dãi với chiến trường khói lửa, ba phần tư dạ dày vừa cắt bỏ, nhưng dáng vẻ ông còn nhanh nhẹn. Họa sĩ hóm hỉnh: "Mình là người dai sức lắm!". Những năm tháng ở chiến trường với biết bao kỷ niệm thân thương về những tấm gương, con người đã giúp ông làm nên những tác phẩm có giá trị. Họa sĩ kể: "Năm 1999, được tin các con chị Tư Cào nhắn gọi: Bác Lam ơi, má con mất rồi! Tôi thương chị lắm nhưng không sao vào được". Trong lịch sử những người làm nghệ thuật, văn chương, hiếm thấy sự gắn bó máu thịt nào giữa tác giả với nhân vật tác phẩm của mình như trường hợp họa sĩ Lê Lam.

Phòng họa sĩ đang ở không trang trí gì đáng kể ngoài mấy bức họa khung vàng lấp lánh. Chị Tư Cào đã mất, hoạ sĩ dựa bức tranh chị ngay bên, thể hiện lòng thành kính, thương yêu một con người có hành động anh hùng…

Phạm Ngọc Khảnh
.
.