Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm: Nghệ thuật không thể đứng trên cuộc đời

Thứ Sáu, 22/04/2011, 08:25
Huỳnh Văn Gấm có đặc điểm là ông có thể "sắm" nhiều vai. Lúc cần, ông có thể là một nông dân chính hiệu. Lúc khác, ông lại như thể một người ngoại quốc sang Việt Nam công tác. Họa sĩ Quang Phòng từng kể rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, có lần, vợ một ông cán bộ cùng cơ quan với Huỳnh Văn Gấm từ Hà Nội lên Đông Du, Hà Bắc - nơi Hội Mỹ thuật sơ tán đợt ấy - thăm chồng, gặp Huỳnh Văn Gấm mặc áo nâu vẻ quê mùa, chị ta cứ ngỡ đó là ông… nông dân chủ nhà...

Năm 1944, một sinh viên thuộc loại có triển vọng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đột nhiên biến mất. Bấy giờ anh đã học tới năm thứ tư, chỉ còn một năm nữa là ra trường. Sự kiện này khiến nhiều người không khỏi dị nghị. Thậm chí, có cậu bạn còn cho là anh bỏ học chạy theo… gái. Rồi thì sự việc cũng rơi vào vòng quên lãng. Cho đến một ngày, người dân Long An nhất tề nổi dậy giành chính quyền và họ bất ngờ nhận ra vị chỉ huy một cánh phía Nam thị xã chính là một trong những con em của mình, chàng sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương Huỳnh Văn Gấm. Cách mạng thành công, Huỳnh Văn Gấm được bầu làm Tỉnh ủy viên. Khi ấy ông mới 23 tuổi.

Năm 1946, sau cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc, Huỳnh Văn Gấm trúng cử đại biểu Quốc hội. Ông vất vả trèo đèo lội suối ra dự kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên tại Hà Nội. Những ngày sống ở Thủ đô, một số bạn bè cùng lớp gặp ông, họ tíu tít hỏi han nhau tình hình cuộc sống. Huỳnh Văn Gấm cho biết, ông vừa phải đi bộ mấy tháng liền từ Nam Bộ ra đây. Tuy nhiên, phải tới lúc chia tay, họ mới biết Huỳnh Văn Gấm, người bạn "mất tích" cùng khóa Mỹ thuật ngày nào giờ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách công tác thanh niên.

Tranh "Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940" của Huỳnh Văn Gấm.

Huỳnh Văn Gấm có đặc điểm là ông có thể "sắm" nhiều vai. Lúc cần, ông có thể là một nông dân chính hiệu. Lúc khác, ông lại như thể một người ngoại quốc sang Việt Nam công tác. Họa sĩ Quang Phòng từng kể rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, có lần, vợ một ông cán bộ cùng cơ quan với Huỳnh Văn Gấm từ Hà Nội lên Đông Du, Hà Bắc - nơi Hội Mỹ thuật sơ tán đợt ấy - thăm chồng, gặp Huỳnh Văn Gấm mặc áo nâu vẻ quê mùa, chị ta cứ ngỡ đó là ông… nông dân chủ nhà. Lại một lần khác, Huỳnh Văn Gấm đi công tác Cuba về (ông được Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cử đi dự Đại hội Văn hóa ở Cuba năm 1968). Ông đến thăm nhà Quang Phòng. Thấy ông mặc quân phục sĩ quan cao cấp của quân giải phóng, uống rượu Tây, hút xì gà Havana điệu nghệ, con trai Quang Phòng (lúc bấy giờ còn nhỏ) đã ngỡ ngàng, tưởng ông là ông… Tây.

Sinh thời, Huỳnh Văn Gấm sáng tác không nhiều. Ông vẽ kỹ lưỡng, thường không mấy khi ưng ý với tác phẩm của mình. Những người có dịp thân gần ông đều "ngại" cho việc vẽ đi vẽ lại của ông. Không ít lần, thấy tranh ông vẽ đẹp quá rồi, bạn bè kêu lên để ông dừng tay, đừng có tiếp tục sửa nữa. Ông vẫn "ngoan cố" không chịu. Thế là bức họa bị làm… hỏng. Nghe bạn bè than phiền, vẻ tiếc nuối, ông dịu dàng nói: "Cứ im để mặc mình nhé, mình làm mãi rồi cũng ra".

Những tác phẩm tiêu biểu của Huỳnh Văn Gấm thường được mọi người nhắc đến là các bức "Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940", "Trái tim và nòng súng", "Cô Liên", "Công hội Đỏ", "Bác Hồ ngày thơ ấu"… Nói chung hầu hết đều về đề tài chiến tranh và cách mạng. Bức "Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940" được thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là một tác phẩm sơn mài có kích cỡ thuộc loại lớn thời ấy (70 x 140 cm), đã được giải nhất cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960. Hiện tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức "Trái tim và nòng súng" vẽ năm 1963, phản ánh cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, nêu bật vẻ đẹp anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam cũng là tác phẩm tạo được cảm xúc và dấu ấn trong lòng người xem. Đó là hai trong số những tác phẩm đã đưa Huỳnh Văn Gấm đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm qua đời năm 1987, hưởng thọ 65 tuổi

Hồng Lĩnh
.
.