Họa sĩ Đặng Ái Việt: Nét cọ tạc những tượng đài thời gian…
- Hoạ sĩ Đặng Ái Việt về miền Tây ký họa chân dung đồng đội
- Hoạ sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ chân dung gần 700 Mẹ VNAH
- Họa sĩ Đặng Ái Việt và những đóa hoa bất tử
- Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ Mẹ VNAH miệt sông nước Cửu Long
Từ ngày 19-10 đến ngày 10-11, tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) diễn ra triển lãm "Mẹ và Anh hùng của dân tộc anh hùng" của họa sĩ Đặng Ái Việt. Triển lãm trưng bày hơn 200 bức tranh Mẹ Việt Nam anh hùng và 100 bức Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đây chỉ là một phần trong gia tài gần 1.500 ký họa Mẹ Việt Nam anh hùng mà bà thực hiện trong cuộc hành trình đằng đẵng 7 năm, rong ruổi 40.000 km trên đất nước hình chữ S. Từ buổi triển lãm đầu tiên năm 2010, đến nay họa sĩ Đặng Ái Việt đã có hàng chục cuộc triển lãm lớn nhỏ để mang gia tài ấy đến với nhân dân mọi miền Tổ quốc. Mong ước của bà thật giản đơn: tri ân Mẹ và đồng đội, qua đó hun đúc lòng yêu nước để thế hệ trẻ biết nghiêng mình trước những con người đã hóa thành hồn sông dáng núi thiêng liêng.
Mỗi ký họa Mẹ là một câu chuyện, một số phận. Nhưng điểm chung trong đôi mắt xa xăm mong ngóng ấy là hiện thân của tấm lòng bao dung, bất khuất, là nỗi đau hằn sâu. Nỗi đau theo nước mắt lặn vào trong, tạc nên gương mặt răn reo, tạc nên đôi mắt mù lòa vì khóc thương con. Bao nhiêu nếp gấp thời gian chằng chịt trên mặt Mẹ là bấy nhiêu nỗi đau. Và họa sỹ Ái Việt tạc chúng lên trang giấy với tất cả sự ngưỡng vọng.
Ký họa Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hy của họa sĩ Đặng Ái Việt. |
Có những bà mẹ khiến Đặng Ái Việt lặng người. Khóc vì thương Mẹ. Khóc vì thấy mình nhỏ bé trước tượng đài sừng sững mà quá đỗi giản dị ấy. Lần đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái) thì mẹ bị ốm, hơi thở héo hắt. Bà không định vẽ nhưng các con năn nỉ tha thiết.
Trong nhật ký, bà viết: "Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, tôi quyết định vẽ. Vẽ trong nước mắt. Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời".
Đến vẽ mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi, bà nghẹn ngào khi gặp mẹ không phải ở nhà mà mẹ đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Mẹ nhặt từng củ khoai văng ra ngoài, gom lại cho khách chọn lựa.
Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi. Hơi thở đứt quãng mà đôi mắt vẫn ngóng hoài ra cửa mong bóng dáng thân yêu của người con bặt tăm phương xa. Nỗi ngóng trông vô vọng ngày này qua tháng khác vẫn khắc khoải theo hơi thở dần tàn. Đôi tay Đặng Ái Việt run run chẳng thể nào họa nổi ảnh mẹ. Buông cọ, bà mặc nước mắt rơi lả chả. Đôi mắt mờ lòa trông con mòn mỏi và chiếc bàn thờ vọng ám ảnh bà trên đường về.
"Mẹ già như chuối chín cây" nên bà phải hối hả đi, hối hả vẽ. Đến, bà trò chuyện, thăm hỏi các mẹ rồi mới cầm cọ. Thủ pháp ký họa của bà đi theo quan niệm "hữu ư tâm xuất hình ư diện" (cái ở trong tâm phải bộc lộ trên gương mặt). Bức tranh không đơn giản họa lại chân dung mà chuyển tải linh hồn mỗi mẹ - những số phận bi hùng. Dưới mỗi bức ký họa, bà đều ghi lý lịch trích ngang để người xem dễ hình dung và thấu hiểu sự hy sinh của các mẹ.
Dự án "Hành trình nét thời gian" là tâm nguyện của họa sĩ Đặng Ái Việt và người bạn đời - NSND, nhà quay phim Phạm Khắc (nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Họ muốn làm gì đó tri ân đồng đội, tri ân những người hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do. Đang loay hoay chưa biết bắt đầu bằng tuyến nhân vật nào thì năm 1994, Nhà nước ra quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Hai vợ chồng mừng rỡ vì đó là biểu tượng thiêng liêng, cao quý nhất: Mẹ Tổ quốc. Nhưng khi họ chuẩn bị đâu vào đấy để lên đường thì ông mất. Sau ba năm mãn tang, bà lên đường hiện thực hóa lời hứa với bạn đời. Chuyến đi đầu tiên khởi hành trên chiếc Chaly cũ kỹ vào một ngày mùa xuân 2010.
Thấm thoắt 7 năm trôi qua, từ mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, từ miền biển nghèo khó đến rẻo cao cheo leo của 63 tỉnh, thành đều in dấu bước chân người phụ nữ nhỏ bé ấy. Bà từ chối mọi nguồn tài trợ mà dùng tiền của mình. Trọn vẹn tấm ân tình, tất cả tranh bà không bán mà đều hiến tặng cho các bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ...
Người ta tự hỏi, bà lão đó lấy đâu ra sức vóc và nghị lực để rong ruổi ngần ấy năm trên chừng ấy chặng đường, khi trèo đèo, khi lội suối, vượt bùn... với chiếc xe máy cà tàng? Họa sĩ Đặng Ái Việt cười: "Chỉ cần niềm đam mê cháy bỏng và chuẩn bị mọi thứ thật khoa học, nghiêm túc thì đều có thể vượt qua". Trước khi bắt đầu hành trình, mỗi ngày bà tập đi bộ cho thể lực tốt dần lên.
Để tăng cường độ, bà đeo thêm ba lô chứa sỏi, đá. Cứ một tuần, bà lại nhịn ăn một ngày hoặc tăng lên 2,3 ngày để rèn sức chịu đói nếu chẳng may bị lạc trong rừng. Vật dụng đi đường cũng có đầy đủ. Hễ đang chạy mà trời mưa thì có ngay cái lọng gạt lên che chắn. Lúc mệt hay đường đi quá khó, cái xe nhanh chóng trở thành chiếc lều cho bà ngả lưng. Một mình một "ngựa" nên dù thân là phụ nữ, lại già cả nhưng bà vẫn mày mò tự học về máy móc, cơ chế vận hành của xe máy để lỡ may nó giở chứng thì còn tự xoay xở dọc đường gió bụi.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7 trao tặng bằng khen cho họa sĩ Đặng Ái Việt tại triển lãm "Mẹ và Anh hùng của dân tộc anh hùng". |
Ngày đầu tiên họa sĩ Đặng Ái Việt lên đường, các con bà cật lực phản đối. Ngăn cản mãi không được, ba anh con trai đành để mẹ đi nhưng với điều kiện phải cho con lẽo đẽo bám theo "bảo vệ mẹ". Chứng kiến mẹ không hề hấn gì, sức khỏe vẫn dẻo dai và xử lý các sự cố ngon ơ thì lúc đó các con mới yên tâm "cắt đuôi".
Họa sĩ Đặng Ái Việt ít kể lể về khó khăn bởi có lẽ không gì khuất phục được nữ họa sĩ xứ Tiền Giang từng được bà con Tây Ninh vinh danh là "Dũng sĩ diệt Mỹ" thuở thiếu nữ. Chất lính can trường chinh chiến với sương gió, mưa giông và bom đạn khiến bà không đầu hàng trước bất kỳ thử thách nào. Thảng hoặc ở vài trang nhật ký họa sĩ viết vội dọc đường, người ta mới thấy dáng dấp hành trình vất vả, càng khâm phục nghị lực phi thường của bà.
Nhật ký ngày 7-6-2011 ở Lai Châu: "7h15 rời Mường Lay. Trời mưa. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở, những tảng đá hàng tấn không biết lở lúc nào nhưng vết đất đá vẫn còn mới lắm. 9h đến công trường thủy điện sông Đà, đường ngổn ngang bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Chân mình va vào bô xe máy bị bỏng rát".
Nhưng gian nan, vất vả ấy mau chóng tan biến khi bà gặp được mẹ. Niềm hân hoan như đứa con xa nhà trở về sau bao năm cách biệt. Bởi con của mẹ cũng chính là những đồng đội đã vào sinh ra tử cùng bà. Họa sĩ nhớ hoài giấc ngủ trưa chưa bao giờ ngon lành, say sưa đến thế khi nằm bên mẹ Nhẹ ở Thanh Hóa.
Lúc ấy, họa sĩ Đặng Ái Việt thấy mình như bé lại, như trẻ thơ rúc vào nách mẹ nghe tiếng "ầu ơ". "Tỉnh giấc, hình như mẹ đang thút thít. "Mẹ không ngủ à?" - "Buổi trưa mẹ không ngủ, chỉ nằm thôi". Từ lâu lắm, mẹ cô đơn một bóng không ai nằm kề bên, giờ đây chắc mẹ đang tận hưởng cái hạnh phúc được nằm bên người khách gọi mình bằng mẹ, tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi" - họa sĩ nhớ lại. Gần 1.500 bức ký họa là gần 1.500 nụ hôn bà gửi trên mái tóc bạc phơ, trên đôi má hõm sâu, trên bàn tay xương xương của Mẹ.
Từ năm 2015, dự án "Hành trình nét thời gian" có thêm mảng tranh "Chân dung đồng đội" vẽ các anh hùng liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Họ là những tượng đài bất khuất và thiêng liêng, hy sinh tất cả để làm nên chân dung một dân tộc anh hùng. Hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn chưa ngừng nghỉ. Bà bảo khi nào còn sức thì bà còn đi, còn vẽ. Bởi thời gian khắc nghiệt chẳng thể nào chờ...