Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Quay về nguồn cội để đi ra thế giới

Thứ Sáu, 06/11/2020, 11:30
10 năm quay lại Hà Nội và trình làng một bộ tranh ấn tượng mang tên "Không có gì ở đằng sau", họa sĩ Bùi Thanh Tâm một lần nữa khẳng định tên tuổi và con đường sáng tạo của mình.


Nhà giám tuyển, phê bình nghệ thuật Như Huy cho rằng: "Đây là một bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của Tâm: Nói bước ngoặt lớn là bởi, tất cả các tác phẩm trong triển lãm này đều hoàn toàn khác các tác phẩm trước đây. Một sự khác không ở góc độ hình ảnh, mà còn ở góc độ bản thể học".

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm.

- Bùi Thanh Tâm được biết đến là một trong những họa sĩ có giá tranh đắt nhất hiện nay. Vì sao đang thành danh và nổi tiếng với dòng tranh về những cô gái, anh lại rẽ ngoặt sang bộ tranh mới này?

+ Tôi đã thực hiện đề tài này 3 năm rồi, sau khi kết thúc series tranh "Thiên đường ở đây". Đây là một chặng đường mới trên con đường của tôi. Trước đó, những ám ảnh về đôi mắt to, sự va đập mạnh mẽ của cuộc sống khi tôi đi làm vệ sĩ cho các cô ca sĩ phòng trà, tôi nhìn thấy những gương mặt trắng bệch, lả lơi, một đời sống khác hoàn toàn, tôi đưa vào bộ "Crazy". 

Vận hành cùng bộ đó tôi đã làm tranh Đông Hồ rồi, những cô gái Việt Nam đội nón lá, quấn khăn, trên mặt có tranh dân gian. Tôi chỉ định dạo chơi một chút với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống nhưng khi khai thác và thực hành nó tôi thấy quá nhiều thứ có thể biến thành đương đại được. Mặc dù còn nhiều đơn đặt hàng cho bộ tranh cũ nhưng tôi muốn đi đến tận cùng với bộ mới này để thỏa mãn sự sáng tạo của mình. 

Thực ra, việc thực hành không đơn giản là cứ làm vì còn liên quan đến các nghệ nhân, tranh Đông Hồ còn dễ chứ tranh Hàng Trống hiện nay chỉ có bác Nghiên, phải có hứng ông mới chịu vẽ. Nghệ nhân làm vàng cũng vậy thôi, phải đặt làm thủ công vì vàng không được dùng phổ biến hiện nay. 

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới và thấy rằng, tranh của các nghệ sĩ châu Á, đặc biệt dòng tranh Phật giáo ở Ấn Độ, các nghệ sĩ châu Phi, Indonesia, Nhật Bản đều rất đắt giá. Họ đều là những người khai thác quốc hồn, quốc túy của dân tộc, tranh của họ mang đậm tinh thần văn hóa của vùng miền. Các nghệ sĩ quay trở về với nguồn cội để làm ra cái mới cho thế giới. Vậy tại sao chúng ta không khai thác điều đó?

- Trước đây, trong tranh của anh đã có bóng dáng của văn hóa dân gian, nhưng đến dòng tranh này, văn hóa dân gian đóng vai trò chủ đạo, tràn ngập trong các tác phẩm. Nếu ai đó cho rằng, anh đang lạm dụng truyền thống, anh nghĩ sao?

+ Tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì mà chỉ quan tâm đến những điều tôi đang nghĩ và muốn biến nó thành nghệ thuật. Tôi luôn bị ám ảnh bởi một điều, ngay cả trong những bộ tranh trước tôi đã nói về điều đó, rằng văn hóa của đất nước chúng ta sẽ mất dần đi vì giới trẻ không được tiếp cận với truyền thống. Tôi đã vẽ bộ tranh về những cô gái để cảnh tỉnh giới trẻ. 

Còn với bộ tranh này, tôi lo sợ khi nghệ thuật của chúng ta va đập với những ngôn ngữ trừu tượng mới và cách vận hành nghệ thuật mới của thế giới thì chúng ta không còn nhìn thấy văn hóa bản địa của Việt Nam như thế nào. 

Khi bắt tay vào làm bộ tranh này, tôi thấy nó quá hấp dẫn, tôi muốn nói với thế giới rằng, ở một vùng bé nhỏ của Đông Nam Á, có một dòng tranh dân gian đáng yêu, đặc sắc và người nghệ sĩ biết sử dụng tinh hoa đó vào tranh đương đại. Tôi muốn nhắc nhở rằng, chúng ta luôn phải gìn giữ văn hóa truyền thống.

Tranh của họa sỹ Bùi Thanh Tâm.

- Nhiều dòng tranh dân gian khác nhau như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ… được anh đưa vào một tác phẩm. Vậy anh xử lý như thế nào để không bị gọi là copy và paste (cắt và dán)?

+ Mỗi bức tranh dân gian đưa vào tác phẩm của tôi đều có ý đồ, nó không phải là câu chuyện cắt và dán. Khi làm series này, phần suy nghĩ chiếm rất nhiều thời gian. Có những ngày tôi không làm gì, chỉ đến xưởng ngồi uống trà, nhưng đó là lúc tôi nghĩ về việc sẽ đưa gì vào tác phẩm. Còn thời gian thực hành của tôi khá nhanh. Mỗi bức tranh dân gian đặt ở vị trí nào đều có câu chuyện của nó. Tôi đã mua rất nhiều tranh, phần bỏ đi, nếu rải ra sẽ kín nền Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa còn nói rằng, tôi "ăn" tranh chứ không phải vẽ. Tôi quan tâm đến việc mình làm ra cái gì mình thích chứ không phải bán bao nhiêu và lời lãi thế nào. Tôi cần những người thợ thủ công đồng hành cùng tác phẩm. Phải là câu chuyện của những người làm thủ công đó, tác phẩm mới có giá trị.

- Vì sao anh đặt tên cho triển lãm lần này là "Không có gì ở đằng sau"?

+ Đó là câu nói của họa sĩ Andy Warhol - cha đẻ của trường phái Pop Art. Ông kể lại bằng thủ pháp in ấn (đồ họa), những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt, ám ảnh toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ trước. 

Hay Takashi Murakami- người đem những hình tượng nghệ thuật văn hóa cổ, tranh khắc gỗ Nhật Bản - một sự tiêu biểu của tranh đồ họa (in khắc) nổi tiếng thế giới - thực hành trên máy tính bằng công nghệ đồ hoạ số, và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hàng đầu thế giới, chuyển biến song song cùng nghệ thuật Á và Âu từ thế kỷ XX đến nay. 

Warhol từng nói: "Nếu ai muốn hiểu Warhol, chỉ cần nhìn vào bề mặt của các bức tranh, của các bộ phim, và của chính Warhol. Bề mặt ấy chính là tôi đó. Chẳng có gì ở phía sau chúng đâu". Warhol không phải là người đầu tiên đưa ra tuyên bố này trong không gian mỹ học cũng như triết học Âu Mỹ. Đó chính là hai họa sĩ có ảnh hưởng đến cách tôi vận hành nghệ thuật.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. 

Nhà sưu tầm tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa:

Tôi muốn qua tác phẩm của Tâm, tranh dân gian có một đời sống khác, không chỉ bán vào dịp Tết mà còn vươn ra tầm thế giới. Các nhà sưu tập khi tìm hiểu tranh của Tâm, sẽ hiểu về tranh dân gian, mặc dù thể hiện các đề tài đương đại và tranh dân gian có thể tiếp cận với thế giới theo một cách khác chứ không phải bằng thủ công và có những giá trị nọ, giá trị kia. 

Những nước tôi đi như Ấn Độ, Ai Cập, tranh dân gian của họ rất phát triển và họ làm du lịch rất tốt. Thế nhưng, nếu nói về việc sử dụng chất liệu dân gian, lấy nguyên một bức tranh dân gian thể hiện đề tài đương đại thì Tâm là một trong những họa sĩ đi đầu của Việt Nam. Nhiều họa sĩ khác cũng sử dụng chất liệu tranh dân gian nhưng nó sẽ biến chuyển theo cách nào đó mà tính đương đại sẽ nhiều hơn truyền thống. Còn Tâm, truyền thống đậm đặc nhưng vẫn rất đương đại.

Trong "Không có gì ở đằng sau" (Nothing Behind), các nhân vật tràn ngập trong các tác phẩm làm nên tên tuổi của Bùi Thanh Tâm trước đây - búp bê u buồn ba chiều đen tối đã biến mất, thay vào đó là vô số hình ảnh lấy ra từ kho dữ liệu dân gian. 

Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt, đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian đại hí viện của các màn trình diễn tập thể. 

Và, thao tác vẽ, tô màu, được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm siêu bề mặt tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian. Lựa chọn của Bùi Thanh Tâm đối với các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là sự hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa. 

"Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng (còn gọi là tranh đồ họa in khắc) hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt. Tôi, một họa sĩ Việt, thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào "một định dạng mới" trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt".

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sinh năm 1979 tại Thái Bình, hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, đã tham dự nhiều triển lãm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các triển lãm quốc tế tại Hà Lan, Hongkong, Malaysia, Trung Quốc. Tranh của anh đã được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật đương đại châu Á (ACAS) và tại Hội chợ mỹ thuật bình dân (Affordable art fair) tổ chức ở Hongkong.

V.Hà (thực hiện)
.
.