Hình ảnh con rồng trong thơ Việt
Chúng ta đều biết, trong 12 con giáp thì chỉ duy có con rồng là không có thật trong đời sống. Và hầu như nó chỉ được dùng để nói những cái lớn lao, cao xa nên cũng ít xuất hiện trong thơ của các tác giả đương đại Việt
Rồng giỏi nhào lộn trong thơ Tú Mỡ
Đọc các nhà thơ từ đầu thế kỷ tới nay, ta thấy nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (1900-1976) có lẽ vẫn là một trong những người nhắc tới rồng nhiều hơn cả. Những chữ "rồng xanh" (chỉ tiền Đông Dương có hình con rồng màu vàng - xanh), "sắc rồng" (nói sức khỏe - với hàm ý giễu cợt - của những vị có lối sống công thần, xa dân) đã xuất hiện một số lần trong thơ ông. Đặc biệt, nói tới thơ trào phúng Tú Mỡ, người ta không thể không nhắc tới bài thơ "Lỡm cô Ngọc Hồ" với mấy chữ "rồng lộn" được sử dụng hết sức tài tình, theo lối nói lái của Hồ Xuân Hương. Bài thơ này có xuất xứ như sau:
Năm 1935, trên một tờ báo có tên gọi là Loa (do nhà văn Lan Khai làm chủ bút) mỗi kỳ lại in một chuyện mang nội dung khiêu dâm, kèm đó là bức ảnh những cô gái "tân thời" để câu độc giả. Lần ấy, báo in ảnh của một cô gái nổi tiếng giới ăn chơi đất Hà thành với dòng chú thích: Băng Tâm khách (tức cô Ngọc Hồ). Đây là cái cớ để Tú Mỡ làm bài thơ "Lỡm cô Ngọc Hồ". Một số tài liệu khi nhắc tới bài thơ này chỉ nói nó có 8 câu. Ở đây, tôi xin dẫn đầy đủ bài thơ theo cuốn "Nông Quốc Chấn - Tú Mỡ - tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh" do NXB Văn học ấn hành năm 2007, nguyên văn như sau:
Trơ tráo kìa ai chẳng sượng sùng
Mình trần trùng trục thú tình không?
Nõn nà một tấm băng trong muốt
Thỗn thện hai bầu tuyết trắng bong
NGỌC thẹn làn môi e ấp miệng
HỒ ghen sóng mắt đắm say lòng
Anh hoa phát tiết là như thế
Ướm hỏi cô em đã mấy chồng?Tưởng băng trắng muốt, tuyết trong veo
Tuyết lấm, băng nhơ, rõ chán phèo
Tiết sạch coi nhàm, trăng gió nhởn
Hoa tàn vẫn dử bướm ong theo
HỒ tù ngán nỗi con rồng lộn
NGỌC vết thương tình kẻ cố đeo
Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá
Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo.
Sau này, trong hồi ký của mình, Tú Mỡ đã khiêm tốn nhận định: "Trong hai mươi năm học tập Hồ Xuân Hương tôi chỉ có làm được một bài thơ, trong bài thơ chỉ có hai câu phảng phất cái hương xuân của nữ thi hào, đó là bài "Lỡm cô Ngọc Hồ".
Quả tình, đọc bài thơ, người sành thơ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra trong hai câu "Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn/ Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo", hai chữ đầu câu ghép lại thành tên của người phụ nữ mà tác giả đang nói tới (Ngọc Hồ), và mấy chữ "rồng lộn", "cố đeo", nếu đọc lái đi (tương tự cách đọc câu thơ của Hồ Xuân Hương "Trái gió cho nên phải lộn lèo" trong bài "Kiếp tu hành"), ta sẽ hiểu thâm ý của tác giả.
Thuỷ tinh ngồi trên lưng rồng giao chiến với Sơn Tinh - tranh minh họa bài thơ "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh" của Nguyễn Nhược Pháp. |
Đa dạng trong thơ Chế Lan Viên:
Chế Lan Viên (1920-1989) chủ yếu là một nhà thơ trữ tình. Trong thơ ông, hình tượng rồng cũng xuất hiện nhiều nhưng nó mang hàm ý khen - chê đa dạng hơn, tùy vào bối cảnh chứ không một chiều giễu cợt như Tú Mỡ. Có chỗ ông xem đấy là một giống quý và liên hệ với việc làm thơ: "Có rồng, nhưng cũng có cá rồng rồng, không phải là rồng/ Có thơ, nhưng lại có cái thẩn thơ, thơ thẩn" (bài "Thơ về thơ"). Có chỗ, ông dùng để nói cái uy lực đang tàn dần của một vương triều: "Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ Cát/ Rồng năm móng vua quan thành bụi đất/ Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười" (bài "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?"). Lại có chỗ, ông xem nó là xa lạ với cuộc sống đời thường dân giã:
Đâu vương triều? Đâu là Mạc, đâu là Lê?
Còn lại đây người tắm trần trên thơ gỗ
Nét dao chạm quên mất mặt rồng vua chúa
Chỉ để lại hoa người và một lá sen che
(bài "Người thợ chạm").
Theo các nhà nghiên cứu văn học sử cho biết, giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám, Chế Lan Viên sinh hoạt trong nhóm thơ Bình Định cùng các nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Yến Lan. Nhóm thơ này được gọi là nhóm "long, lân, qui, phụng", trong đó Hàn Mặc Tử ứng với con rồng, Quách Tấn ứng với con rùa, Yến Lan ứng với con lân, còn Chế Lan Viên ứng với phượng hoàng. Đối chiếu thơ Hàn Mặc Tử và thơ Chế Lan Viên, ta thấy Chế Lan Viên viết về rồng nhiều hơn hẳn Hàn Mặc Tử, người được xem là ứng với con rồng trong nhóm thơ…
Xuất hiện bất ngờ trong thơ Xuân Diệu
Xuân Diệu sinh năm Bính Thìn (1916 - 1985). Đọc thơ ông, ta thấy ông ít nhắc trực tiếp tới hình ảnh con rồng mà chỉ để nó lẩn quất đây đó trong các ý thơ, kiểu như "Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời/ Kẻ đựng trái tim chìu máu đất/ Hai tay chín móng bám vào đời". Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa ông không từng nhắc tới hình ảnh rồng. Một trong những lần hiếm hoi hình ảnh này xuất hiện trong thơ ông là vào năm 1976, khi ông viết bài thơ "Vãng cảnh Sài Sơn". Đây là khổ đầu của bài thơ:
Vãng cảnh Sài Sơn bước luyến chân
Thăm con rồng bướng của Chu Thần.
Đi theo hoa đại lên lưng núi
Hóng gió Chùa Cao hương thanh tân.
Chu Thần là tên hiệu của thi nhân Cao Bá Quát. Xuân Diệu giải thích, sở dĩ ông nhắc tới hình ảnh con rồng khi vãng cảnh Sài Sơn là bởi ông nhớ, trong bài thơ vịnh núi Sài Sơn, Cao Bá Quát từng viết - dịch ra tiếng Việt là: "Rồng bướng giương vây dậy giữa đồi". Câu thơ này nằm trong một bài thơ chữ Hán được đề vào vách núi Sài Sơn mà Xuân Diệu nhận xét là "mở ra thật hào phóng":
Tham chơi đầu bạc hứng chưa nguôi
Chống gậy trèo cao rộng bước chơi
Bút cuốn khói mây mười sáu ngọn
Mắt thu non nước vạn trùng khơi
Âm xưa hạc ốm nghe im tiếng
Rồng bướng giương vây dậy giữa đồi
Hãy tới Chợ Trời tung điệu sáo
Vòm trời cười hỏi mất xa vời?
Rõ ràng, bài thơ nhắc tới nhiều hình ảnh, song tác giả vẫn nhớ nhất hình ảnh con rồng "giương vây dậy giữa đồi". Thi nhân thật là biết chọn lọc chi tiết, hình ảnh "đắt giá".
Và "bất lực" trong thơ Nguyễn Nhược Pháp
Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) là tác giả tập thơ "Ngày xưa" chỉ mỏng mảnh mươi bài, trong đó có hai bài đến nay vẫn được người đời truyền tụng là "Sơn Tinh, Thủy Tinh" và "Chùa Hương". Cả hai bài thơ này đều có nhắc đến chữ "rồng". Ở "Chùa Hương", chữ "rồng" ấy dùng để nói về tài nghệ viết chữ đẹp của chàng trai - một trong những nhân vật chính của bài thơ "Chàng đưa tay lẹ bút/ Thảo bài thơ liên hoàn/ Tấm tắc thầy khen hay/ Chữ đẹp như rồng bay". Còn trong bài thơ "Sơn Tinh, Thủy Tinh", rồng xuất hiện với tư cách một con vật có sức mạnh tham chiến.
Khi lần đầu ra mắt Hùng Vương, Sơn Tinh thì cưỡi hổ, Thủy Tinh cưỡi rồng, và cả hai thần trông đều oai vệ:
Một thần phi bạch hổ trên cạn
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
Đến khi hai thần trổ tài mong được Hùng vương gả cho nàng Mỵ Nương, rồng vẫn tiếp tục được Thủy Tinh dùng để trực tiếp phò tá mình "Thủy Tinh ngồi trên lưng rồng vàng/ Yên gấm tung dài bay đỏ chóe". Tuy nhiên, trước sức mạnh của Sơn Tinh, "binh sĩ" rồng của Thủy Tinh tỏ ra… bất lực, có lúc phải kêu rú lên vì bị chủ tướng thúc đau "Thủy Tinh thúc rồng đau kêu rú"…
Chúng ta từng quen với hình ảnh… thăng long (tức rồng bay), ít khi chứng kiến cảnh rồng phải chiến đấu dưới nước, là quân của Thần nước, trong bối cảnh "Sóng cả gầm reo lăn như chớp" thế này. Âu cũng là một nét mới mà thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã đem tới, làm phong phú thêm trí tưởng tượng của chúng ta