Nhà văn Nguyễn Như Phong:

Hé mở bí mật "tam giác vàng"

Thứ Năm, 07/06/2012, 08:00
Nhà văn Nguyễn Như Phong được biết đến nhiều với tư cách là tác giả của một loạt kịch bản phim hình sự như "Cổ cồn trắng", "Bí mật những cuộc đời", "Chạy án" I và II. Cuối tháng tư vừa qua, kịch bản phim "Bí mật Tam Giác Vàng" (40 tập) do ông biên kịch đã bấm máy. Dự kiến phim sẽ phát sóng vào trung tuần tháng 10 tới đây với kinh phí lên tới 15 tỉ đồng...

Nổi tiếng là người nghiêm nghị, ít cười đùa, bận rộn với công việc quản lý và luôn tận dụng thời gian mọi lúc, mọi nơi để viết văn, bởi thế ông ít có thời gian giao đãi cùng bè bạn. Nhà văn Nguyễn Như Phong cho rằng, nghề viết là một nghề cực nhọc, bởi vậy, ông luôn làm "quần quật". Ông vừa tổ chức điều hành một tờ báo in, một tờ báo điện tử; vừa đi viết như một phóng viên, từ phóng sự, đàm luận, thời luận tới cả những cái tin "bao diêm". Và ông vẫn viết tiểu thuyết, kịch bản phim...

- Thưa nhà văn Nguyễn Như Phong, sau thành công của loạt phim hình sự, với vai trò là một người biên kịch, ông lại tiếp tục với đề tài này bằng bộ phim mới "Bí mật Tam Giác Vàng". Ông có thể chia sẻ đôi chút về bộ phim này?

+ Bộ phim này tôi viết khá nhanh, chỉ trong vòng 5 tháng đã hoàn thành, nhưng để có được nó thì phải ấp ủ trong một thời gian khá dài. Bắt nguồn từ năm 2009 khi tôi còn làm việc tại Báo Công an nhân dân, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập đã cử tôi đi một chuyến sang Lào và vùng Tam Giác Vàng để viết phóng sự về các chuyên án ma túy ở đây. Tôi đã tới vùng được coi là điểm "nóng" nhất về ma túy. Tôi cũng đã thu thập được nhiều tư liệu mà Cục Chống ma túy của Bộ An ninh quốc gia Lào cung cấp. Đó là những cuộc đấu tranh đầy cam go chống lại các băng nhóm buôn bán ma túy từ vùng Tam Giác Vàng về Việt Nam. Cũng phải nói thêm là trước đó, tôi đã biết khá nhiều chuyên án chống ma túy lớn của Bộ Công an như vụ triệt phá đường dây buôn bán ma túy Xiêngphênh - Vũ Xuân Trường và đồng bọn, vụ Nguyễn Văn Tám, vụ Thủy Mười… Từ những thực tế đó, cộng với vốn sống trong những năm là bộ đội ở Lào, tôi đã viết tiểu thuyết "Liên minh tay ba ở Tam Giác Vàng" và sau đó chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Bộ phim đề cập được rất nhiều số phận khác nhau: số phận của những người chiến sĩ Công an nhân dân, số phận những cựu chiến binh đã từng tham gia kháng chiến ngày xưa, số phận của những người đã từng buôn bán ma túy hiện nay cũng như những người đã "giải nghệ". Phim cũng đề cập đến một bộ phận cán bộ bị tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội ác. Bên cạnh đó, bộ phim cũng nói được một số nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Lào và Việt Nam, đặc biệt là người Lào.

- Trước đây, trong bộ phim "Chạy án", ngoài một kịch bản hấp dẫn về mặt nội dung thì còn có những "yếu tố" hấp dẫn khán giả bởi đội ngũ những người mẫu, chân dài. Trong bộ phim này, ông có sử dụng thủ pháp ấy để "câu khách"?

+ Nếu ai nghĩ rằng đã là phim hình sự thì phải có những pha hình sự gay cấn, những pha đâm chém, giết chóc kinh khủng hoặc mới hơn thì có những cảnh "tươi mát" của người mẫu chân dài và chuyện ăn chơi… thì xem phim này sẽ thất vọng hoàn toàn. Bộ phim này không có chỗ đứng của thế giới người đẹp, không có chỗ đứng của thế giới ăn chơi, dù trong kịch bản tôi có đưa vào nhưng đó chỉ là những nét nhỏ chấm phá không đáng kể. Trong suốt 35 tập phim chủ yếu là cuộc đấu mưu, đấu trí giữa các chiến sĩ Công an và bọn tội phạm. Một nhân vật trùm ma túy trong "vỏ bọc" một doanh nhân thành đạt, có những "đóng góp" cho xã hội tuy không ăn chơi sa đọa nhưng lại có những thủ đoạn độc ác và vô cùng tàn khốc. Kết thúc bộ phim là những chiến công của lực lượng Công an nhưng cũng đầy sự mất mát, hy sinh, đổ máu. Có những người may mắn thoát tội nhưng cũng có những người đã phải trả giá cho những sai lầm của mình.

Cảnh sát Myanmar kiểm tra hộ chiếu của nhà báo Nguyễn Như Phong khi đến khu Tam Giác Vàng.

- Ông có nghĩ rằng "Bí mật Tam Giác Vàng" sẽ vượt qua được "Chạy án" và chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả?

+ Tôi không dám nghĩ như vậy. Người viết văn viết báo không nên cho rằng, tác phẩm sau của mình sẽ hay hơn tác phẩm trước. Dù ai cũng mong muốn như thế. Tôi chỉ dám hy vọng rằng bộ phim "Bí mật Tam Giác Vàng" không đến nỗi tẻ nhạt. Với một bộ phim, kịch bản hay chỉ là một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim. Có kịch bản hay mà đạo diễn dở cũng không được, đạo diễn giỏi mà diễn viên kém cũng hỏng, tất cả đều ổn mà quay phim kém cũng sẽ không được… Hiện nay, tất cả ê kíp đang rất hứng thú với bộ phim này, từ đơn vị sản xuất bỏ 15 tỉ ra để đầu tư làm phim đến đạo diễn Nguyễn Dương (người vừa được giải thưởng Cánh Diều Vàng với bộ phim "Khát vọng thượng lưu"). Ngoài ra bộ phim cũng đã quy tụ được nhiều diễn viên danh tiếng như Văn Báu, Hồ Phong, Bình Xuyên của Đoàn kịch Công an nhân dân; Hoàng Hải, Chu Hùng, Nguyễn Mạnh Trường, Diệu Thuần, Đinh Hoàng Yến…

- Như ông nói, 15 tỷ là số tiền khá lớn và nhiều người vẫn "hoảng" với số kinh phí dành cho bộ phim hình sự nhiều nhất từ trước tới nay của Việt Nam…

+ Sở dĩ bộ phim có kinh phí đầu tư lớn như vậy là vì bối cảnh bộ phim trải rộng trên toàn bộ vùng Tam Giác Vàng của ba quốc gia Lào - Thái Lan - Myanmar, các tỉnh Điện Biên, Sơn La, miền Tây Nghệ An. Đoàn làm phim dự tính sẽ phải di chuyển trên một quãng đường tổng cộng gần 4.000km. Để sản xuất bộ phim này, Công ty Lasta đã phải đầu tư gần như toàn bộ máy quay, phương tiện thu âm và thiết bị hậu kỳ hiện đại nhất. Toàn bộ ê-kíp sản xuất được đưa từ Tp HCM ra, nhưng diễn viên chủ yếu là từ phía Bắc. Phim còn sử dụng ba ngôn ngữ là Việt Nam, Lào và Thái Lan, cho nên sẽ có nhiều đoạn phải dùng phụ đề tiếng Việt.

Từ trước tới nay, khi viết xong kịch bản, tôi thường "bán đứt" cho nhà đài và coi như việc của mình đã xong, nhưng riêng với bộ phim này, lần đầu tiên đoàn làm phim đề nghị biên kịch phải tham gia vào việc sản xuất. Có thể vì tôi có vốn sống ở Lào nên hy vọng sẽ giúp anh em được chút gì chăng? Đoàn cũng đã phải mời một số chuyên gia văn hóa của Lào tư vấn về phục trang, đạo cụ. Bộ phim này, ngoài câu chuyện về một thế giới ngầm của tệ nạn buôn bán ma túy là những câu chuyện đầy nhân văn về văn hóa của hai nước Lào và Việt Nam.

- Ông hiện đang làm Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới. Viết văn, làm báo, lại viết kịch bản phim…, dường như phải rất vất vả ông mới có thể sắp xếp được thời gian để dung hòa ngần ấy công việc cùng một lúc?

+ Tôi có thể viết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu miễn là có thời gian. Tôi không đồng ý với quan điểm rằng nhà báo chỉ viết được khi có cảm hứng… Viết báo là nghề "thợ cày", đòi hỏi phải tinh thông nghề nghiệp, điêu luyện trong kỹ năng, và phải rất chuyên nghiệp. Còn sáng tác văn học lại là chuyện khác. Tất nhiên, để viết được cho ra tấm ra món một tác phẩm nào đó, mình cần phải có sở trường chuyên biệt và phải chuẩn bị tư liệu kỹ lưỡng để có thể làm chủ được câu chuyện. Từ trước tới nay, tôi viết văn, viết báo, viết kịch bản phim đều không làm đề cương mà câu chuyện đi theo đề cương có sẵn trong đầu tôi. Tôi nhớ, khi viết phim "Cổ cồn trắng", chị Thùy Linh ở Hãng phim truyện Việt Nam bảo tôi làm đề cương để trình lên Đài theo quy định. Nhưng khi tôi viết xong phim thì xem lại… chẳng liên quan gì đến đề cương cả. Thấy vậy, chị cũng chán, chẳng bảo tôi làm đề cương nữa. Làm báo thì cần có tính kỷ luật. Ở cơ quan tôi quy định rất nghiêm ngặt về giờ giấc. Một phóng viên có nghề là phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để đi lấy tư liệu, viết bài và nộp bài đúng hạn. Hiện nay, ngoài công việc chính, tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết mới và sẽ chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình về một doanh nhân thành đạt, vào tù, ra tội, được minh oan và trở lại cuộc đời bắt đầu đi lên từ hai bàn tay trắng. Đây là một câu chuyện về một doanh nhân có thật tôi viết xuất phát từ gợi ý của nhà văn Hữu Ước khi tôi còn làm việc tại Báo An ninh Thế giới.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Như Phong!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.