Hãy yên lặng nếu không còn cách khác

Thứ Ba, 27/09/2011, 08:00
Thú thực, khi đọc các bản dịch thơ nước ngoài, bao giờ tôi cũng chuẩn bị cho mình một ý thức "gạn đục khơi trong", như thể bắt gặp một bông hoa tươi bên cạnh một cành lá gẫy, đón một ý hay trong một câu thơ vần điệu còn vụng về. Tôi biết: Người dịch đâu có được như người sáng tác. Họ phải trổ tài trên một cái nền thực, trước một đối tượng thực. Được vần mất ý, được ý lạc vần, rồi cái thần thái trong ngôn ngữ mỗi dân tộc một khác...

Bởi vậy, khi đọc những bài thơ dịch, bao giờ tôi cũng phải "trừ hao". Chẳng hạn, thơ Pushkin được dịch sang tiếng ta, mặc dù có một số bài được bạn đọc yêu thích, tán thưởng, nhưng với một số hạt sạn chữ nghĩa, tôi vẫn có thể nảy sinh ý nghĩ: hẳn trong nguyên bản, bài thơ phải hay hơn thế. Vì nếu không vậy, làm sao từ hàng trăm năm nay, cả một dân tộc với bao tài năng xuất chúng đều nhất nhất ngưỡng mộ, tôn thờ ông. Ngoại trừ một số trường hợp như bản dịch "Đợi anh về" (thơ Simonov) do nhà thơ Tố Hữu thực hiện, một số bài của một số tác giả khác, hoặc như ở đây, trường hợp thơ Evtushenko, tôi lại nghĩ khác. Theo tôi, những bài thơ đó, nếu trong nguyên bản tiếng Nga có lẽ cũng chỉ hay đến thế. Và hiệu quả nghệ thuật của nó đối với độc giả Nga chắc cũng chỉ có thể tương ứng như trường hợp bản dịch đối với đọc giả Việt Nam. Với tôi, những bài như "Đêm trắng ở Ackhăngghen", "Yên lặng", qua bản dịch tiếng Việt có thể được coi là những bài toàn bích.

Điều này có nguyên do: Dịch giả Bằng Việt trước hết là một nhà thơ, một nhà thơ tài hoa. Anh đã có nhiều năm sống và học tập ở Nga. Tại đây, qua trang sách và qua thực tế cuộc sống, anh đã tìm thấy trong tâm hồn lãng mạn của mình những nét gần gũi, đồng cảm với tâm hồn người dân Nga. Không chỉ riêng các bản dịch thơ Evtushenko, mà nhiều bản dịch thơ của các nhà thơ khác, Bằng Việt đã thực chất tạo nên một kiểu thơ rất quyến rũ, vừa mang phong vị Nga kết hợp với phong thái hào hoa của Bằng Việt. Sự "gặp gỡ" này là điều mà giới dịch giả hằng mong ước. Chỉ có thể nói đó là sự may mắn hơn là một kinh nghiệm tổ chức hay một sự chuẩn bị trước.

Evgheny Evtushenko sinh năm 1933 tại thị trấn Zima, tỉnh Irkutsk, vùng Siberia. Ông là nhà thơ rất có tầm vóc của nước Nga từ nhiều thập kỷ nay. Ông viết sớm và sớm tạo được một chỗ đứng vững chắc trên thi đàn. Từ "chỗ đứng" này, Evtushenko đã đi tới nhiều nơi, chứng kiến tận mắt nhiều sự kiện chính trị lớn lao trên thế giới. Bản thân Evtushenko cũng từng đến Việt Nam nhiều lần, có nhiều sáng tác giá trị đề cao phẩm giá của nhân dân ta. Nhưng trong đó "sự đến" có ý nghĩa nhất, nghĩa là qua chiếc cầu mang tên Bằng Việt, với tập thơ "Lọ lem" (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới - 1983, giải thưởng sách dịch Hội Nhà văn Việt Nam 1984) ông đã đến với sự yêu mến của đông đảo bạn đọc Việt Nam, trở thành một trong những nhà văn Nga được biết đến một cách rộng rãi nhất.

Evtushenko là một thi sĩ thành công ở cả hai mảng thơ: Thơ thời sự chính trị và thơ tình yêu. Điều này là do sự kết hợp tuyệt vời giữa tài năng và bản lĩnh của ông, những yếu tố làm cho Evtushenko luôn đứng vững trước mọi biến cố, thử thách, kể cả khi Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết tan rã. Trong bài "Yên lặng", Evtushenko đã viết:

Anh sung sướng vì anh không vĩ đại
Và vì em không sắt đá cùng anh

Một con người biết yêu như thế, một con người có bản lĩnh như thế, tôi nghĩ rằng: con người ấy vĩ đại lắm!

Để kết thúc bài viết này, xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ "Yên lặng" của Evtushenko qua bản dịch của nhà thơ Bằng Việt:

Anh và em cổ xưa như biển cả
Biển dịu dàng ru ngủ vỗ về ta
Anh và em cổ xưa như nỗi khổ
Tự ngàn đời ta muốn tránh cho xa 

Em yêu ơi, ta mệt rồi có phải
Những con tàu trắng kia không đến đón chúng mình
Ta chỉ đón lớp lớp triều ập đến
Để ngã vào tình biển lớn mông mênh! 

Cái vực thẳm đại dương mọi điều như hiểu hết
Với chúng mình chẳng bắt nạt gì nhau
Hãy yên lặng nếu không còn cách khác
Nếu không còn biết cách chạy đi đâu 

Anh hít thở tóc em đẫm sóng chiều xa ngái
Như hít thở mùi hương một xứ lạ xa mình...
Anh sung sướng vì anh không vĩ đại
Và vì em không sắt đá cùng anh!

Phan Trọng Miên
.
.