Hai người một giấy khai sinh

Thứ Hai, 02/07/2007, 14:00

Trên Báo VNCA số ra ngày 7/5/2007, ta đã được đọc bài của Hà Khải Hưng, viết về trường hợp "được ghi hai tên trên chứng minh thư" của nhà văn Hồ Phương - Nguyễn Thế Xương. Trong làng văn còn có câu chuyện ngược lại: hai anh em nhà thơ Quang Dũng chung nhau một giấy khai sinh.

Tôi xin kể hoàn cảnh nào tôi biết được chuyện kỳ dị đó:

Sớm ngày 20/12/1999, tôi được dự lễ đặt pho tượng đồng của Quang Dũng tại sân Trường THCS Đan Phượng thuộc xã Đan Phượng (bức tượng bán thân do nhà điêu khắc Minh Đỉnh thực hiện, Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài tặng nhà trường, nơi thuở nhỏ Quang Dũng đã học ở đấy). Khi tấm vải đỏ che tượng được gỡ ra, dưới tấm chân dung bằng đồng của ông là dòng chữ:

Nhà thơ Quang Dũng
Bùi Đình Dậu tức Diệm
(1921 - 1988)

Lúc đó, ngồi cùng hàng ghế khách cạnh tôi là một ông già đáng kính, nhìn cách ăn mặc, nét mặt thuần hậu, tôi biết là người địa phương. Ông già có dáng vẻ bồn chồn khó tả làm tôi chú ý. Bức tượng hiện ra làm chúng tôi bàng hoàng, dẫu được ngắm và bình luận từ khi tượng mới hoàn thành. Nhưng hôm nay,... chợt tôi nhớ lại câu chuyện trong sách "Quốc văn Giáo khoa thư": Một người học trò thành đạt, trở về thăm trường cũ, có câu nói như một câu "thần chú" khi mở dĩ vãng mà chúng tôi ngày ấy ai cũng thuộc lòng: "Em là Cácnô, thầy còn nhớ em không?". Nhà thơ Quang Dũng nay trở về trường cũ, không nói được, nhưng những câu thơ sẽ kể lại cho các em nghe: "Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...".

Khi mấy dòng ghi chú dưới tượng hiện lên thì ông già đáng kính nắm tay tôi run run, rồi như không ghìm được, ghé tai tôi nói nhỏ: "Chính tôi hiện nay là Bùi Đình Dậu!".

Tôi ngạc nhiên gạn hỏi, mới rõ sự tình: Trước cơ quan quản lý hộ khẩu thị trấn Đan Phượng, ông già này mang danh tính trong giấy khai sinh là Bùi Đình Dậu. Không phải là trường hợp trùng tên, vì tên người thân sinh trong giấy khai sinh cũng là tên ông bà thân sinh của nhà thơ Quang Dũng - Bùi Đình Dậu. Ông già đáng kính này lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của thị trấn Đan Phượng.

Nguyên do khi học xong tiểu học ở quê nhà, cậu học sinh Bùi Đình Dậu (Quang Dũng) được về Hà Nội học tiếp, ngụ tại nhà ông bác họ. Ông bác cậu ở Hà Nội không tiện về Đan Phượng lấy giấy khai sinh nộp hồ sơ xin học, đã lập tờ khai sinh mới cho cậu, lấy tên Bùi Đình Dậu. Còn ông già ngồi cạnh tôi là con một ông bác khác ở quê.

Ngày xưa ở làng quê không phải ai cũng làm thủ tục khai sinh đầy đủ cho con. Đến tên gọi cũng gọi bừa một cái tên xấu xí nào đó để các "bà cô, ông mãnh" khỏi "bắt đi". Ông anh con nhà bác này chỉ được gọi là "cu Phễu" từ lúc sinh ra, không có giấy khai sinh. Đến khi xin học trường huyện, cần giấy tờ nộp trường thì... "thừa tờ khai sinh của Bùi Đình Dậu ở nhà chẳng để làm gì, cho nó mang đi nộp!".

Hiểu rõ câu chuyện, tôi càng cảm thông hơn trạng thái tâm lý của ông già, chắc ông vừa cảm động tự hào, vừa chạnh nghĩ: Người em cùng chung một giấy khai sinh, một tên cúng cơm với mình, nay đã tượng đồng bia đá, cả nước biết tên!

.
.