Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9

Hai người bạn Ba Lan thủy chung của Việt Nam

Thứ Sáu, 12/08/2016, 08:00
Đánh giá cao những tình cảm và đóng góp của bà đối với công cuộc đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta, năm 1995, Nhà nước ta đã mời bà sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 Quốc khánh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2004 bà Monika Warnenska lại được Nhà nước ta mời sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Dẫu tuổi cao, sức yếu, bà vẫn quyết định sang Việt Nam, bởi như bà nói: "Tôi lại được đến với Việt Nam thân thương, Tổ quốc thứ hai của tôi"...

Nữ nhà văn, nhà báo Monika Warnenska

Có một người phụ nữ Ba Lan từng tuyên bố: "Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi". Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan, bà Monika Warnenska. Mùa xuân năm 1962, bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam Bắc và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm "Cầu trên sông Bến Hải" ra đời.

Sau chuyến đi năm đó, bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. Một người phụ nữ châu Âu nhỏ nhắn như bà mà dám lặn lội tới những vùng chiến sự ác liệt nhất, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất ở Việt Nam. Bà đã từng ngồi trong địa đạo Vĩnh Linh viết bài dưới làn pháo địch, đi khắp vùng khu bốn ngổn ngang đổ nát do bom thù gây nên. Năm 1965 bà vượt tuyến (sông Bến Hải) vào Nam, bà đi xuyên rừng, bất chấp bom rải thảm của pháo đài bay B52, coi khinh muỗi vắt và gai nhọn của cây rừng, thăm vùng giải phóng.

Nữ nhà văn, nhà báo Monika Warnenska.

Bà táo bạo tới độ, có lần từ rừng sâu bà đi cùng các chiến sĩ quân giải phóng đột nhập vào tận cửa ngõ Sài Gòn. Chưa hết, năm 1969 bà đổi họ tên Ba Lan, mang danh một nhà báo Pháp, thâm nhập vào tận Đô thành Sài Gòn để săn tin, viết bài. Đối phương chẳng hề hay biết, người nữ phóng viên ngoại quốc này cách đó không lâu đã từng hiện diện ở Hà Nội, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi từ Bắc đã vượt tuyến vào Nam, đi khắp vùng giải phóng.

Không kể một số lượng lớn các bài báo, tin tức cập nhật tình hình Việt Nam mà bà đã gửi về nước cho báo chí Ba Lan và cả châu Âu, bà Monika Warnenska đã viết hàng chục cuốn sách về Việt Nam. Trong số đó phải kể đến các cuốn: "Cầu trên sông Bến Hải" (1962), "Việt Nam trong trái tim tôi", "Mặt trận trong rừng" (1965), "Khu Bốn" (1967), "Cuộc hành quân Phục sinh" (1968), "Người Mỹ không yên lòng" (1968 - 1970),  "Múa lửa" (1969 - 1970), "Ánh hồng trước bình minh" (1972 - 1973), "Con gái Ngài thượng quan" (1975), " Không có hòa bình cho đồng quê" (1987) và "Mắt hổ" (1988).

Khi tuổi cao sức yếu bà vẫn không dừng tay viết về Việt Nam. Cuốn sách gần đây nhất về Việt Nam của bà có tiêu đề: "Vương quốc bị lãng quên" - viết về Vương quốc Champa từng tồn tại ở vùng đất phía Nam nước ta.

Đánh giá cao những tình cảm và đóng góp của bà đối với công cuộc đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta, năm 1995, Nhà nước ta đã mời bà sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 Quốc khánh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2004 bà Monika Warnenska lại được Nhà nước ta mời sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Dẫu tuổi cao, sức yếu, bà vẫn quyết định sang Việt Nam, bởi như bà nói: "Tôi lại được đến với Việt Nam thân thương, Tổ quốc thứ hai của tôi".

Trong cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh chiến trường Điện Biên Phủ, tổ chức ngày 6 tháng 5 năm 2004, bà say sưa kể về những kỉ niệm không bao giờ quên của mình tại Việt Nam. Bà đã hai lần thăm Điện Biên Phủ (1962 và 1967) và chính chiến thắng lẫy lừng này đã là động lực thôi thúc bà sang Việt Nam tới hàng chục lần. Bà lấy làm tự hào khi là một nữ nhà báo và nhà văn, trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã có mặt ở cả ba vùng khác nhau: miền Bắc Việt Nam, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vùng giải phóng miền Nam Việt Nam và thành phố Sài Gòn.

Trả lời câu hỏi về cái tên "chị Ba", bà nói: "Tên chị Ba là do các chiến sĩ giải phóng quân miền Nam Việt Nam đặt cho tôi, thể hiện tình cảm thân thương của họ với tôi. Chị Ba còn có nghĩa là chị Ba Lan". Phóng viên hỏi, trong số hàng chục cuốn sách bà viết về Việt Nam cuốn sách nào bà tâm đắc nhất, bà trả lời: "Đó là cuốn Việt Nam trong trái tim tôi". Bà Monika Warnenska mãi mãi là người bạn thủy chung thân thiết của nhân dân Việt Nam.

Tôi đã dịch một số tác phẩm của bà sang tiếng Việt. Một số đoạn trích của các cuốn sách "Mặt trận trong rừng", "Múa lửa" và "Con gái Ngài thượng quan" viết về chuyến đi thăm vùng giải phóng và hai chuyến đến Sài Gòn của bà (trước và sau giải phóng), do tôi dịch, đã được nhận tặng thưởng của báo Văn nghệ. Bản dịch tác phẩm "Cầu trên sông Bến Hải" do tôi dịch cũng đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thưởng (năm 2008).

Bà Monika Warnenska sinh ngày 4 tháng 3 năm 1922 tại Myszkow, Ba Lan, mất ngày 9 tháng 4 năm 2010.

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik)

Năm 1982, trong khuôn khổ hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski sang công tác tại Việt Nam với tư cách là chuyên gia giúp đỡ Việt Nam bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm, đặc biệt khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn và gia cố khu địa đạo Củ Chi. Vừa đặt chân lên đất Việt, ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, khảo sát di tích để đưa ra các phương án tu bổ.

Lúc bấy giờ chiến tranh kết thúc chưa được bao lâu, thung lũng Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam còn đầy rẫy bom mìn chưa được rà phá. Nhóm khảo sát di tích do ông dẫn đầu đã đụng phải bom mìn, cướp đi sáu sinh mạng và nhiều người bị thương.

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski.

Tuy nhiên, khó khăn và nguy hiểm không làm ông nản lòng. Ông dựng lều giữa chốn hoang vu phế tích tháp Chàm, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề và ăn ở ngay tại đó. Người đàn ông to lớn, nặng trên một tạ, da đỏ như tôm hấp, râu xồm, được mệnh danh là "Người khổng lồ", "Người rừng Mỹ Sơn", dân Quảng Nam - Đà Nẵng gọi ông bằng cái tên đầy thân thương - Kazik.

Đầu không mũ nón, cởi trần và chân đất, ông lầm lì làm việc quần quật suốt ngày, bất kể nắng mưa. Trưa hè ông ra tắm suối gần đó, đắm mình trong thiên nhiên hoang dã, bình dị. Tôi đã có mấy lần đi cùng ông đến khu di tích Mỹ Sơn.

Hồi đó Mỹ Sơn còn rất hoang vu. Để đến đó chứng tôi phải lội qua một con suối và đi bộ chừng năm cây số đường núi. Có đến Mỹ Sơn vào những ngày nắng gắt thì mới thấy làm việc và ăn ngủ tại cái nơi thời còn "khỉ ho cò gáy" này thật lắm gian truân. Có thấy ông làm việc tận tụy, mồ hôi nhễ nhại, mới biết ông say sưa với khu di tích này nhường nào.

Ông vẫn thường nói: "Tôi là người Mỹ Sơn, khi tôi chết hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn". Nguyên tắc và phương pháp bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm của ông là: Giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và thành phần gốc còn giữ được, kiên quyết không làm sai lệch và làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kĩ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường. Lúc đầu có không ít người phản đối phương pháp nói trên. Tuy nhiên, đến bây giờ thì các chuyên gia trùng tu di tích trong và ngoài nước đã thấy rõ giá trị của trường phái trùng tu khảo cổ học mà Kazik tuân thủ rất nghiêm ngặt đối với các di tích đền và tháp cổ ở Mỹ Sơn.

Năm 1981, Kazik đến thăm thị xã Hội An. Với con mắt của một chuyên gia tài ba và một kiến trúc sư từng trải, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực trùng tu phục chế các di tích và đô thị cổ, ông đã phát hiện và nhận ra những giá trị của thị xã đang an phận ngủ say này.

Theo ông, đây là "một kho vàng trong kiến trúc nghệ thuật cổ gần như còn nguyên vẹn". Ông xin gặp lãnh đạo thị xã, đề xuất ý kiến, theo đó phải gấp rút bảo vệ và trùng tu đô thị cổ này. Đồng thời ông viết báo cáo gửi UNESCO và các tổ chức quốc tế bảo tồn các đô thị cổ, đăng nhiều bài báo chuyên ngành giới thiệu giá trị và vẻ đẹp của Hội An với thế giới.

Suốt nhiều năm sau đó, Kazik cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã say sưa nghiên cứu, khảo sát và đạc họa khu nhà cổ. Phát hiện cũng như những hoạt động quảng bá cho đô thị cổ Hội An của Kazik có một ý nghĩa cực kỳ to lớn, tạo tiền đề cho Hội An được UNESCO chính thức công nhận là di sản thế giới.

Kazik đã làm việc tại Việt Nam tổng cộng trên 17 năm. Người Ba Lan được gọi là hiền nhân này tính tình thật dễ thương, khiêm nhường, nói ít làm nhiều và thủy chung hết mực với công việc, với bạn bè. Chiều ngày 17 tháng 3 năm 1997, ông đã bất ngờ gục xuống bàn vẽ ở Thế Miếu, Tả Vu, khi đang tham gia trùng tu Đại nội Huế. Ông qua đời ở tuổi 53.

Thi hài của Kazik được đưa về thành phố Lublin quê hương ông và mai táng tại nghĩa trang tọa lạc trên một ngọn đồi của thành phố này. Mộ ông nằm bên gốc một cây đại thụ sừng sững như dáng ông và rêu phong như nhà phố cổ. Đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tôi đã tham dự lễ tang ông, kính cẩn đặt vòng hoa lên mộ ông, vĩnh biệt người bạn chung tình của nhân dân Việt nam và chia buồn cùng gia quyến.

Hằng năm, vào dịp Ngày lễ Vong nhân - 1 tháng 11, đại diện Đại sứ quán nước ta và đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan vẫn đến viếng mộ ông, thăm gia đình ông ở thành phố Lublin. Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski đã được Nhà nước ta trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Tượng kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) đã được dựng tại 138 Trần Phú, trung tâm phố cổ Hội An. Bức tượng bằng đá xanh Thanh Hóa (cao 2,4m, ngang 1,85m) tạc ảnh bán thân vị kiến trúc sư tài hoa có nhiều đóng góp đặc biệt cho văn hóa Quảng Nam, đặc biệt là khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An. Ngắm hình ảnh ông tôi mường tượng trong đầu, đây cũng là tượng đài của tình hữu nghị và sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Ba Lan.

Lê Bá Thự
.
.