Hai mẩu chuyện về Đại văn hào Lev Tolstoy

Thứ Ba, 19/01/2010, 17:00
Nhân kỷ niêmh 100 năm ngày mất của Đại văn hào Lev Tolstoy.

1. Văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) thuộc trong số những nhà văn có đời sống dư dặt. Ông là một bá tước, đất đai có hàng ngàn mẫu. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối đời, Tolstoy có khuynh hướng muốn sống cuộc sống của một người nông dân bình thường, thích được tự tay làm lụng, hưởng niềm vui từ những đồng tiền nhỏ bé do mình kiếm được.

Một lần, Tolstoy vẩn vơ trước một nhà ga. Vừa hay khi ấy có đoàn tàu dừng bánh. Một người phụ nữ đứng trên tàu nghiêng ngó, đoạn rối rít gọi với theo một người đàn ông:

- Anh George! Anh George.

Người đàn ông không nghe thấy, cứ tiếp tục rảo bước. Chị phụ nữ nọ trông trước trông sau, thấy một cụ già ăn mặc xoàng xĩnh, như thể một nông dân nghèo túng, bèn gọi lại, nói:

- Cụ ơi! Nhờ cụ vào quán ăn kia gọi ông George giúp tôi. Đấy, ông ta đang ngồi trong quán ăn đó đấy. Tôi sẽ cho tiền cụ.

Cụ già chính là Tolstoy. Không chần chừ, ông bước vào quán ăn nọ. Một lát sau, người đàn ông tên là George trở ra. Đúng lời hứa, người phụ nữ thưởng công cho "ông cụ nông dân" 5 côpếch.

Đột nhiên có tiếng ai đó kêu lên:

- Tolstoy! Nhà đại văn hào Tolstoy kìa!

Chị nọ nghe vậy, vội vàng hỏi:

- Đâu? Tolstoy đâu?

Khi được biết Tolstoy chính là người vừa nhận tiền của mình, chị nọ hết sức bối rối. Chị vội từ toa tàu nhảy bổ xuống sân ga, chạy lại bên nhà văn:

- Thưa ngài! Xin ngài thứ lỗi… Tôi rất xấu hổ khi nghĩ đến món tiền nhỏ mọn…

Và người phụ nữ đề nghị nhà văn cho chị xin lại đồng 5 cô pếch "còm" đó.

Tolstoy cười nói:

- Không! Không! Tôi phải giữ chứ! Đó là tiền công bà trả cho tôi kia mà!

2.Shekhov sinh năm 1860, so với Lev Tolstoy, ông thua kém tới 32 tuổi. Nghĩa là, người ta có thể xếp ông vào hàng con cháu của nhà văn vĩ đại đó.

Thực tế trong đời, Shekhov là người luôn được Tolstoy dành cho những tình cảm yêu mến, quý trọng. Yêu mến về con người, quý trọng về tài năng. Thậm chí, có một thứ tình cảm gì đó thiêng liêng như thể tình cha con. Marxim Gorki quả là tinh tế khi nhận xét: "Shekhov thì ông quý như con, và trong tình thương yêu này có thể cảm thấy niềm tự hào của kẻ sáng tạo".

Một lần, nhân nói chuyện với Gorky về văn học Pháp, Tolstoy đưa ra ý kiến:

- Người Pháp có ba nhà văn: Stendhal, Balzac, Flaubert, thôi thì cứ thêm cả Maupassant vào nữa.

Đến đây, Tolstoy không quên "chua" thêm:

- Nhưng Shekhov hay hơn nhà văn này

Một lần khác, sau khi chê tác phẩm của một nhà văn Nga là thiếu tính dân tộc, Tolstoy quay sang khen ngợi Shekhov khiến ông ngượng nghịu đến độ phải lúng búng xoay sang chủ đề khác.

Theo nhận xét của những người cùng thời, Tolstoy không phải người… dễ tính. Nhiều lúc mắt ông ánh lên vẻ sắc lạnh. ấy thế nhưng mỗi khi nhìn Shekhov, con mắt Tolstoy bao giờ cũng thấm đượm vẻ trìu mến, như muốn vuốt ve, âu yếm.

Có hôm, Tolstoy ngồi trong ghế bành đặt ở ngoài hiên và mặc dù đang ốm, nhưng nhìn thấy Shekhov cùng con gái mình đi trên con đường nhỏ trong trang viên, ông cụ gần như rướn cả người lên mà nhìn ngắm mà trầm trồ:

Trời ơi, anh ấy đáng yêu quá, thật là một con người tuyệt vời - khiêm tốn, trầm lặng, cứ như một cô tiểu thư. Dáng đi cũng con gái, tuyệt thật!

Nguyễn Đức Long
.
.