Hải Vân trong mây

Thứ Hai, 27/08/2018, 08:09
Càng lên gần cổng Hải Vân Quan, gió càng mạnh, mây trắng bay tả tơi trên đỉnh đèo. Đúng là ở trên này mọi người mới thấy hết vẻ đẹp của con đèo trải về hai phía. Đèo như một dải lụa mơ màng trong sương khói...


Tôi ngỡ như mình có đôi cánh gió nghiêng nghiêng trên đường đèo Hải Vân. Một cảm giác kỳ lạ với luồng gió đổ dồn từ trên đỉnh núi Trường Sơn xuống biển. Và, gió đã đưa tôi đi như thế, từ chân đèo lên tới đỉnh đèo, chon von trên cao chừng gần 500m. Có đám mây tựa như mái tóc con gái bồng bềnh xõa xuống bờ vai.

Tôi chợt giật mình dừng xe lại, nghe như có tiếng người kêu ngơ ngác, trong sương gió lưng đèo... Tôi ngước nhìn, Hải Vân như bay trong mây.

Ám ảnh những nấm mộ hoang

Trước khi lên đây, tôi đã nghe người ta dặn phải đi chầm chậm, bởi đường đèo quanh co nguy hiểm. Dọc đường lên đỉnh Hải Vân có nhiều nấm mộ hoang. Mỗi khi dừng chân gặp ngôi mộ nào đó nên thắp một nén nhang, tỏ lòng an ủi và chia sẻ với phận người xấu số bị bỏ rơi.

Trước đây, nhiều sinh mạng đã bị “xóa” trên đường đèo mù sương này. Đó là những tai nạn xe cộ, nạn cướp giật, đâm chém để lại những xác người. Bởi từ xưa cung đường này kéo dài hơn 20 cây số đường rừng cheo leo hiểm trở. Nào là hùm beo, cọp rú. Nào là đá lở, cây đổ cùng với rắn rết...

Sách cổ tả rằng: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tầng đá chập chùng khó vịn, cây cối sum suê rợp bóng. Sóng biển vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như mưa từ lưng trời đổ xuống”.

Khúc rẽ trên đèo Hải Vân.

Chính cái khí át sông Ngân ấy, đèo Hải Vân đã tạo nên sự phân định hai miền, trời đất Bắc - Nam. Mỗi nơi một vẻ sinh sôi. Con đèo trườn dài trên vách núi, cheo leo bên biển sóng đã tạo nên sự bí hiểm, kỳ thú làm sao. Tuy nhiều chuyến xe đã đi qua con hầm dưới núi, nhưng không ít người vẫn dong xe lên đèo; bởi đó là sự trải nghiệm, vượt qua nỗi sợ hãi, tìm đến vẻ đẹp kỳ thú của núi non biển cả.

Tôi dừng xe bởi đúng lúc nhìn thấy một nấm mộ nhỏ côi cút bên bìa rừng. Gió ào ạt cuốn ra khơi rồi lại quay trở lại đèo, nếu không vững tay lái là dễ đổ xe như chơi. Tôi hồi hộp đến bên nấm mộ nhỏ, chắp tay mong hồn ma phù hộ không gặp bất trắc xảy ra, mỗi khi gió thốc từng cơn. Đột nhiên một đám mây đen trôi từ biển về làm tối sầm con đèo.

Tôi lặng người chắp tay bên nấm mộ. Trên bia mộ có ghi đó là số phận của một hài nhi bị bỏ rơi trên đèo. Có lẽ đây là một trong bốn chục nấm mộ đã được xây cất tạm dọc trên hai cung đường đèo kéo dài từ bãi biền Lăng Cô (Huế) chạy sang đến địa phận của Đà Nẵng.

Xưa người ta đã quan ngại mỗi khi qua đây. Giờ lại thêm những ngậm ngùi buồn tủi của những hài nhi bị bỏ rơi bởi những cuộc tình tội lỗi. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ buồn của người dân truyền lại bao đời nay rằng: “Chiều chiều mây phủ Hải Vân/ Chim kêu gành đá ngẫm thân lại buồn”.

Người ta kể, trên con đèo cheo leo hiểm trở này có hai người đàn ông như bị trời đày. Đã hơn hai mươi năm qua, họ phân chia nhau, kẻ phía đèo Bắc, người phía đèo Nam để chôn cất hài nhi và cứu người hoạn nạn trên đường. Đó là ông Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Bừa cùng trú tại khối phố 4, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng. Đến nay họ đều đã ở lứa tuổi ngoại 60 nhưng vẫn cặm cụi trên đường. Khi thì chôn cất những hài nhi, khi lại chặn xe đưa người bị nạn đi cấp cứu. Hoặc lại có lúc tìm xác người bị rơi xuống vực sâu. Họ sống chung với những oan hồn nơi đèo cao hun hút trong mây bay. Đó là những dị nhân làm phúc cho mọi người như một định mệnh trời ban.

Tôi lái xe chầm chậm trên cung đường ngoằn ngoèo. Trời mỗi lúc một sáng hơn. Đám mây đen ùa lên đỉnh núi và dội những cơn mưa bay như thác đổ mưa nguồn. Cung đèo dường như bị lãng quên chừng mười năm nay, khi con đường quốc lộ đã được thông hầm dưới chân núi. Nó vẫn còn nguyên sơ và chênh vênh với những vết xói lở cho dù đã được đổ nhựa nhiều năm qua. Trời như sáng hơn, những làn mây trắng bay là là trên đỉnh đầu. Phía trước Ải Vân Quan hiện ra như một lão già lầm lũi trong màn sương mờ ảo.

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Càng lên gần cổng Hải Vân Quan, gió càng mạnh, mây trắng bay tả tơi trên đỉnh đèo. Đúng là ở trên này mọi người mới thấy hết vẻ đẹp của con đèo trải về hai phía. Đèo như một dải lụa mơ màng trong sương khói.

Đúng như có người đã viết: “Mây vờn nắng, nắng đùa mây/ Quanh co uốn lượn đèo bay lên trời”. Cổng đài Hải Vân Quan còn khá nguyên vẹn, chỉ có mấy đồn bốt và ụ súng ở kế bên là đã đổ vỡ hoặc sứt mẻ. Nếu tính cổng đài Hải Vân Quan đã được xây mới cách đây chừng 200 năm, từ thời nhà Nguyễn (Minh Mạng - 1820), vẫn còn giữ được nguyên vẹn quả là kỳ lạ.

Bởi nơi đây đã từng xảy ra những cuộc chiến. Nhất là mấy trận đánh của quân và dân ta tấn công vào đồn Nhất của Pháp đóng quân tại đây. Đó là cuộc chiến xảy ra vào các năm 1947 và 1949. Trận đánh đồn Nhất, trại lính Pháp đóng ngay tại cửa Ải Vân Quan (hay còn gọi là Hải Vân Quan).

Tác giả bên Hải Vân Quan.

Nhìn sự đổ vỡ hoang tàn của những ụ súng mới thấy một thuở nơi đây đã từng xảy ra cuộc chiến khốc liệt. Bởi đây chính là điếm án ngữ một cung đường huyết mạch giữa Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếu chiếm lĩnh được vị trí trên đỉnh đèo Hải Vân là khống chế được kẻ địch tấn công về hai phía. Từ đây có thể rút lên đỉnh núi để phòng thủ. Hiện bà con làm dịch vụ ăn uống dưới bãi tập kết vẫn còn nhớ câu ca dao: “Hải Vân cao ngất tầng mây. Giặc đi đến đó bỏ thây không về”.

Từ con đèo này, quân và dân ta đã đánh giặc Pháp bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Khi tấn công đồn. Khi đánh tàu chở vũ khí trên biển. Khi tấn công lính Pháp trên đường ray xe lửa. Hoặc có trận lại đánh kho xăng dưới chân đèo. Bản thống kê tại chân thành cho biết, trận đánh lớn ở đây, quân và dân ta đã phá hủy một đầu máy, 14 toa xe bị lăn xuống hố sâu; thêm nữa - 15 xe cơ giới bị phá hủy và hơn 300 tên địch bị tiêu diệt…

Tôi đang mải ngắm cổng Hải Vân Quan, bất ngờ có một tốp các bạn trẻ phóng xe máy từ phía thành Huế lên đỉnh đèo. Trong số họ có một cặp vợ chồng trẻ sắp cưới. Họ rủ nhau vượt gần 100 cây số lên đây chụp ảnh. Thật lãng mạn làm sao. Mênh mang mây bay và nắng chờn vờn khắp lối. Những bạn trẻ vội vã thay trang phục rồi tìm cảnh chụp ảnh trên đỉnh đèo.

Riêng đôi bạn sắp cưới quyết chụp cho được cảnh cùng nhau đứng trên lô cốt bỏ hoang nhưng lại chênh vênh trên đỉnh cao. Gió lộng và mây bay ào ạt. Tôi không nghĩ cô dâu có thể leo lên phía trên lô cốt. Bởi nó vừa cao vừa chênh vênh. Nếu xảy chân hoặc không đứng vững là có thể bị gió thổi lộn xuống phía dưới. Vậy mà các bạn đi cùng bằng mọi cách đã đủn họ lên đỉnh lô cốt. Các tay máy chụp lia lịa. Những ánh chớp bừng lên giữa đỉnh đèo.

Cửa Hải Vân Quan bập bùng trong ánh sáng chớp lóe. Cô dâu bỗng giơ hai tay lên trời và hét lên thật to. Phải chăng đó là cảm xúc vui sướng khi hòa cùng thiên nhiên, hạnh phúc cùng viễn cảnh thiên đường nơi đây. Hai bạn trẻ đã ôm hôn nhau trên đỉnh lô cốt chênh vênh trên núi cao. Tôi hồi hộp với sự bay bổng ấy. Trong lòng cũng thăng hoa cùng mây bay gió cuốn dạt dào, trong rừng cây phía trước…

Yêu nhau mấy núi em cũng trèo…

Bất ngờ có tiếng còi tàu vút lên trong không trung. Đó là chuyến tàu về Nam đang vượt đèo Hải Vân. Con tàu chênh vênh bên sườn núi. Biển một bên và đèo một bên. Những toa tàu lượn quanh triền núi, vẽ lên hình ảnh trong bài hát “Tàu anh qua núi” do NSND Thanh Hoa từng hát cách đây hơn 30 năm. Tôi thêm một bất ngờ khi biết trong số bạn trẻ lên Hải Vân Quan chụp ảnh, có ca sĩ trẻ Bảo Mân. Cô là một sinh viên nhạc viện Huế và rất yêu thơ.

Khi tiếp chuyện Bảo Mân, tôi thật sự hứng khởi vì được nghe Bảo Mân đọc mấy câu thơ của Bùi Giáng viết cho người bạn sống ở vịnh Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân. Lời thơ gợi mở vì hình tượng biển chiều đẹp và cô đơn ở Lăng Cô.

Giọng ca sĩ Bảo Mân trầm buồn, với câu thơ thấp thoáng nỗi cô đơn: “Một bình minh mang theo/ Một hoàng hôn cô tịch/ Những sóng nước trong veo…”. Thế rồi tiếng còi tàu lại rúc lên như một lời chào khi lăn bánh sang bờ biển phía Nam. Đó là một cung đường mới, bừng sáng trong ánh nắng dát vàng trên sóng biển. Trước mắt tôi tà áo cưới bay bồng bềnh trong gió đèo. Mơ mộng. Dịu dàng.

Vương Tâm
.
.