Giáp Văn Chung: Dịch và viết là sự trả ơn hai miền đất

Thứ Sáu, 23/10/2020, 16:11
Tôi gặp nhà văn - dịch giả Giáp Văn Chung lần đầu là tại Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Hà Nội và Hạ Long. Cảm nhận lần gặp nhau đầu tiên của tôi về Giáp Văn Chung là rất có thiện cảm. Chung cao to vừa phải, gương mặt rắn rỏi, cương nghị. Tướng mạo hiền lành, dễ gần, nhưng thoạt trông, đã có cảm giác là một người rất bản lĩnh và cá tính.

Sau này tôi mới biết, anh sinh ra ở một làng quê nghèo miền núi, vùng đất mà thủ lĩnh áo nâu Đề Thám, hùm thiêng Yên Thế đã tung hoành một thời. Tôi cũng biết thêm, anh có một tuổi thơ rất thiếu thốn và vất vả. Là con trai cả trong một gia đình đông con, đang học năm cuối cấp hai, học giỏi toàn diện các môn, thì gia đình Chung gặp nạn. 

Trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cậu bé Chung khi đó mới mười bốn tuổi, đã mất đi người bà nội mà cậu rất yêu quý gắn bó, mất người em trai kế sát mới 9 tuổi do bị bom đánh sập hầm trú ẩn. Người cha, trụ cột của gia đình bị thương nặng, phải đưa đi Bệnh viện Việt Đức điều trị, sau này trở nên tàn phế. Mẹ Chung đang mang thai cậu em út, do quá đau đớn vì mất mát bà chuyển dạ sớm và phải tự đi bộ lên bệnh viện sơ tán cách nhà 12km, đứa bé trong bụng đã ngạt tím tái, nhưng may mắn là các bác sỹ đã mổ cấp tốc và cứu được cả hai mẹ con. 

Một mình Chung, vừa học xong cấp hai, một lúc vừa phải chăm bố mẹ nằm ở hai bệnh viện, vừa lo tất tật công việc gia đình và lo cho bốn đứa em nhỏ. Mười bốn tuổi, chưa đầy bốn chục ký, Chung đã làm mọi việc đồng áng như một người lớn. Và Chung vẫn thi đỗ vào cấp ba, ngày ngày cuốc bộ 8km đến trường, tuy không có thời gian và tâm trí nào tập trung cho việc học tập, nhưng đến cuối khóa Chung vẫn đạt học sinh giỏi và được cử đi dự thi tuyển sinh ra nước ngoài. Có lẽ chính những ngày tháng mất mát, gian khổ ấy đã tôi luyện nên nghị lực, tính cách và tâm hồn anh hôm nay.

Dịch giả Giáp Văn Chung.

Giáp Văn Chung rất chừng mực trong thông tin về mình. Khi tiếp xúc, anh không vồ vập nhưng cũng không hờ hững với người đối thoại. Bấy giờ, tuy chưa đọc gì của Chung, chưa biết một chút gì về lai lịch, chỉ thông qua cách nói chuyện, tôi hiểu, Chung, cũng giống như những trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài khác mà tôi đã gặp, họ là một bộ phận trí thức ưu tú. Do hoàn cảnh nào đó, họ phải sinh sống ở nước ngoài. Vô hình trung, nước ta, vì nhiều lý do, đã "đánh rơi", một bộ phận "con dân" ưu tú - cái mà người ta hay gọi là "chảy máu chất xám", rộ nhất là vào thời kỳ hội nhập và đổi mới!

Tôi gặp lại Giáp Văn Chung vào dịp anh tham gia cùng đoàn công tác tại quần đảo Trường Sa trở về. Bấy giờ, Chung có buổi gặp mặt, tiếp xúc với bạn đọc tại nhà sách Nhã Nam thành phố Hồ Chí Minh. Đến tận hôm ấy, con người dịch giả-nhà văn Giáp Văn Chung mới lộ diện. 

Giáp Văn Chung kể với bạn đọc tại nhà sách Nhã Nam, rằng, từ những năm tháng sinh viên, anh đã chuyển ngữ một số thi phẩm của các nhà thơ Hungary ra tiếng Việt, vì ở cùng phòng với rất nhiều bạn Hungary, trong đó có những bạn rất yêu văn học. Đến nhà họ, anh rất ngạc nhiên vì những tủ sách rất đầy đủ, sắp xếp rất khoa học. Và cũng rất ngạc nhiên khi một nước nhỏ như Hungary mà có một nền văn học đáng kinh ngạc. 

Nền văn học Hungary có chiều dày khoảng 1000 năm. Ngay từ khi lập quốc, văn học Hungary đã có những văn bản viết bằng tiếng Latinh đầu tiên. Và kể từ thế kỷ thứ XIII trở đi, thì đấy là một nền văn học phát triển liên tục, có nhiều tác gia lớn mang tầm châu Âu và thế giới. Và giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học Hungary, đã để lại rất nhiều tác gia lớn, đặc biệt thi ca Hung được đánh giá là một nền thi ca đẹp và phong phú vào loại bậc nhất trên bầu trời thi ca châu Âu.

Dịch giả Giáp Văn Chung phát biểu tại một buổi tọa đàm văn học tại Hà Nội.

Từ bước thử sức ban đầu với "Những ngọn nến cháy tàn" của Marai Sandor, một tiểu thuyết gia tầm cỡ của văn học châu Âu và thế giới trong thế kỷ XX, được trước hết, là người Việt ở Hungary, sau đó là bạn đọc trong nước đón nhận. 

Hơn chục năm qua, dịch giả Giáp Văn Chung đã liên tục và bền bỉ đưa độc giả Việt Nam tiếp cận một số tên tuổi lớn của nền văn học này qua các tác phẩm như: "Những ngọn nến cháy tàn", "Bốn mùa", "Trời và Đất", "Casanova ở Bolzano", "Lời bộc bạch của một thị dân" của Márai Sándor; "Thế giới là một cuốn sách mở" của Lévai Balázs; "Không số phận", "Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời" của Kertész Imre; "Cánh cửa và Abigél" của Szabó Magda, "Bảo tàng ngây thơ" của Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), "Chiến tranh và chiến tranh", "Satantango" của László Krasznahorkai...

Nhà sách Nhã Nam là nơi đã hợp đồng cùng dịch giả Giáp Văn Chung giới thiệu nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Hunggary bằng tiếng Việt. Là một tiến sĩ về kỹ thuật, đã từng giảng dạy trong nước và nước ngoài, trong phần trình bày của mình, Giáp Văn Chung đã dẫn dắt bạn đọc nhà sách Nhã Nam và cả chúng tôi, tôi và nhà thơ Nguyễn Duy, cùng một số bạn bè của Giáp Văn Chung ở Sài Gòn nữa, một cách vắn tắt nhưng sáng rõ những nét chính của một nền văn hóa phát triển rực rỡ bậc nhất của châu Âu từ 1000 năm trở lại đây.  

Sự kiện thì nhiều, cảm xúc cũng nhiều nhưng Chung không tham nói nhiều. Chính là sự vừa đủ, không dài quá, cũng không vắn tắt quá, khiến cho phần thuyết trình của Giáp Văn Chung có sức cuốn hút người nghe. Tôi bị chinh phục bởi sự "biết 10, nói 1", tự tin nhưng không tự khoe của anh.

Nhà văn - dịch giả Giáp Văn Chung từng làm MC của nhiều cuộc giao lưu với các văn nghệ sỹ trong nước sang thăm Hungary, như các nhà thơ nhà văn Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Hoàng, GS toán học Vũ Hà Văn hay các nhà văn hóa như GS sử học Đinh Xuân Lâm, các đạo diễn Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hữu Phần… 

Anh có lối dẫn dắt nhẹ nhàng, tự nhiên không ồn ào, và tuy đã ở nước ngoài mấy chục năm, nhưng tiếng Việt của anh rất tinh tế, chuẩn xác và Chung tỏ ra rất am hiểu tình hình văn học và các tác giả trong nước. Anh coi đây cũng là trách nhiệm của một nhà văn sống xa đất nước, là việc nâng cao và làm phong phú hơn đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt sinh sống ở Hungary.

Giáp Văn Chung đã hai lần được nhà nước Hungary vinh danh, năm 2011. Anh được tặng Giải thưởng PRO HUNGARICA HUNGARIA (Vì nền văn hóa Hungary) và năm 2017 anh được Tổng thống Hungary trao tặng MAGYAR ARANY ÉRDEMKERESZT (Huân chương Công trạng Chữ thập vàng), phần thưởng xứng đáng cho lao động nghệ thuật và những đóng góp bền bỉ của anh. 

Ngoài dịch thuật, lúc rảnh rỗi, anh còn viết báo và làm thơ, giới thiệu các tác giả, tác phẩm của Hungary với bạn đọc trong nước. Anh còn dịch một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam ra tiếng Hungary. Anh đã cùng một nhà thơ Hungary biên tập và cho xuất bản tuyển tập truyên ngắn Việt Nam "Tướng về hưu", và cùng Hay János, một nhà thơ nổi tiếng của Hung dịch tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng" của nhà thơ Trương Đăng Dung ra tiếng Hung. 

Với một sức đọc, sức làm việc đáng nể, có thể nói Giáp Văn Chung đã thực sự trở thành cây cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Hungary. Và nay, khi đã cận kề tuổi thất thập, hằng ngày anh vẫn dậy rất sớm, từ ba bốn giờ sáng, miệt mài "đánh vật" với các tác phẩm đình đám, nặng ký nhất của văn học Hungary. Anh nói chỉ chọn những tác phẩm cận đại, hiện đại, và hậu hiện đại, có giá trị nghệ thuật lâu bền, chứ không chạy theo các sách "hot", để giới thiệu với bạn đọc trong nước. 

Giáp Văn Chung nói: "Con đường ngắn nhất để các dân tộc xa cách nhau về địa lý hiểu biết lẫn nhau là văn hóa, đặc biệt là văn học". Anh còn nói: "Dịch, với tôi, là làm sống lại một tác phẩm văn học nước ngoài trong một ngôn ngữ khác, cụ thể là tiếng Việt và vì thế dịch cũng là sáng tạo. Người dịch có tâm luôn học hỏi, và tự vấn, xem mình đưa đến cho bạn đọc món ăn tinh thần chất lượng như thế nào". 

Anh còn nói: "Dịch và Viết là để trả món nợ ân tình với hai miền đất: Việt Nam, nơi anh sinh ra và lớn lên thời niên thiếu, miền quê đau đáu nhớ thương và Hungary, nơi đã đào tạo anh, cho anh kiến thức và hiểu biết sâu rộng, cũng là đất nước mà hiện nay anh và gia đình đang cư ngụ".

Vũng Tàu, 8/2020

Lê Huy Mậu
.
.