Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Đau đáu ca khúc về mùa thu Hà Nội

Thứ Bảy, 22/08/2020, 07:08
Là người nhạc sĩ xứ Đoài (nay cũng thuộc Hà Nội) có những sáng tác gắn liền với mùa Xuân rất thành công, thế nhưng trong những ngày mùa Thu tháng Tám này, nhạc sĩ Ngọc Khuê lại đang đau đáu một ca khúc về mùa Thu Hà Nội.


Chưa có một cuộc thống kê đầy đủ, thế nhưng có thể nói trong kho tàng âm nhạc Việt Nam thì mùa Thu và nhất là mùa Thu Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhạc sĩ gửi gắm qua những "đứa con tinh thần" của mình. 

Là người nhạc sĩ xứ Đoài (nay cũng thuộc Hà Nội) có những sáng tác gắn liền với mùa Xuân rất thành công, thế nhưng trong những ngày mùa Thu tháng Tám này, nhạc sĩ Ngọc Khuê lại đang đau đáu một ca khúc về mùa Thu Hà Nội.

Đi tìm ca khúc mùa Thu

Gặp nhạc sĩ Ngọc Khuê trong những ngày tháng 8 này thấy ông khỏe hơn, da dẻ hồng hào hơn. Ông là người hòa đồng, vui vẻ, giản dị, thân thiện, mến khách... Và nhìn cái cách trò chuyện, ít ai có thể đoán được ông đã bước vào tuổi 73. 

Hỏi ông "bí quyết" để níu giữ thanh xuân, ông xua tay nói: "Vốn dĩ mình thế nào thì nó "phơi bày" ra thế ấy thôi, mình muốn giản dị nữa cũng không được, muốn "gồng" lên thêm cũng không ổn. Mình vẫn thường nói: Đừng làm cái gì ngoài khuôn khổ mà vốn dĩ mình đã có, chỉ có thể cố gắng cho nó đẹp hơn, tốt hơn mà thôi! Nếu mọi người đều thấy như vậy, chắc họ sẽ yêu quý mình thêm".

Gia đình nhạc sĩ Ngọc Khuê.

Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi ở đâu đó cất lên giai điệu giàu xúc cảm "Tháng Tám mùa Thu lá khởi vàng chưa nhỉ…" ("Có phải em mùa Thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu). Chúng tôi đều lặng im nghe đến cuối bài hát và thêm trân trọng từng phút, từng giây được sống dưới trời Thu Hà Nội, bởi khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã viết ca khúc này trong nỗi nhớ da diết về Hà Nội và cho đến những ngày gần đây khi rời xa trần thế ông cũng chưa một lần được đặt chân đến Thủ đô. 

Chính những nỗi lòng ấy đã làm bùng lên trong lòng nhạc sĩ Ngọc Khuê suy nghĩ: "Mùa Thu thật là đẹp, đặc biệt là mùa Thu Hà Nội. Mình chưa có những bài hát viết hẳn về mùa Thu, nhưng trong một số sáng tác mình đã viết thì có thể có khởi nguồn từ mùa Thu, ở giữa mùa Thu hay lấp lánh hương sắc của mùa Thu trong đó (ví dụ như bài "Hương cốm")".

Và rồi, ông lại trăn trở: "Mùa Thu đã có nhiều ca khúc hay, tất nhiên mỗi ca khúc đều có những cái hay riêng, còn về phần mình phải tìm được một ý tứ gì khác hơn so với những ca khúc đã có. Mình cũng đã viết một số bài về mùa Hạ, mùa Đông và đặc biệt là mùa Xuân, làm sao để có được ca khúc về mùa Thu phải thật hay như mình đã viết về mùa Xuân nhỉ?". 

Đó là câu hỏi không dễ trả lời thế nhưng có một điều chắc chắn là "cái bóng" của "Mùa Xuân làng lúa, làng hoa" không làm ông áp lực mỗi khi sáng tác. Bởi ông quan niệm rằng: "Khi người ta có niềm vui thì niềm vui ấy luôn tạo động lực cho mình khi viết những tác phẩm khác. Tác phẩm khác có thể hay hơn, bằng hoặc có khi kém tác phẩm mình đã viết cũng là chuyện thường gặp. Khi viết mới, mình phải tuân thủ những vốn liếng kỹ thuật đã có. Mình đã viết thế nào thì cứ cố gắng mà viết đại loại như thế, gắng viết cho hay, để bài nào ra mắt công chúng cũng phải từ "được" trở lên".

Không dễ dãi trong ngòi bút

Không bao giờ dễ dãi với ngòi bút của mình cả. Đó là tâm thế của nhạc sĩ Ngọc Khuê khi sáng tác một số ca khúc theo đơn "đặt hàng". Theo ông cách tốt nhất mà ông sáng tác là phải tìm hiểu thật kỹ trước khi viết. Nhiều khi đọc đến cả tập tài liệu mà cũng chỉ chọn được mấy chữ, nhưng biết đâu mấy chữ đó lại làm "mô-típ" chủ đạo của tác phẩm. 

Viết theo đơn "đặt hàng" bắt mình phải có ý thức tốt, người ta đã đặt niềm tin vào mình thì mình phải làm ra trò chứ. Khi đặt bút ông luôn phải răn mình rằng: Tìm hiểu, quan sát, phát hiện và đề cao sự sáng tạo. Viết cái mà người ta chưa có. Có lẽ vì thế mà những ca khúc theo đơn "đặt hàng" của ông luôn "bay" ra khỏi khuôn khổ một cuộc thi hay một lễ kỷ niệm.

Có thể kể đến như "Viettel tình yêu của tôi" (cho Tâp đoàn Viettel), "Hậu cần 365" (cho Tổng cục Hậu cần), đặc biệt khi Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng "đặt hàng" sáng tác một tác phẩm cho đoàn tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, ông đã trăn trở, tìm tòi và sáng tạo để viết "Biên cương âm vang lời Bác". 

Và bài hát này sau đó đã đem đến cho ông 3 giải thưởng: Giải thưởng sáng tác ca khúc kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của Bộ đội Biên phòng, Giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và gần đây là giải thưởng trong cuộc thi "Sáng tác, quảng bá các tác phẩm về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

"Hổ phụ sinh hổ tử"

Chắc hẳn nhiều người cũng đã biết trong gia đình nhạc sĩ Ngọc Khuê có đến 4 quân nhân, trong đó cậu con trai cả cũng theo nghiệp cha, là một nhạc sĩ trong quân đội. Anh là Thượng tá, nhạc sĩ Mai Kiên (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), tác giả của một số ca khúc rất được biết đến như: "Non sông người chiến sĩ", "Việt Nam ngàn năm gấm hoa"… 

Bên cạnh mảng sáng tác, anh còn là một người phối khí khá thành công. Đặc biệt, trong đêm nhạc "Tình yêu tự hát" của cha anh gần đây, Mai Kiên đã là người phụ trách hòa âm, phối khí cho toàn bộ chương trình. Nói về cậu con trai của mình, đôi mắt nhạc sĩ Ngọc Khuê lấp lánh niềm hạnh phúc. 

Ông kể: "Trong phần lớn sáng tác của tôi đều do con trai tôi hoà âm, phối khí. Lúc cháu còn nhỏ, tôi cũng chưa có định hướng cho con theo học ngành gì cả nhưng cháu đã thích cái gì là đam mê cái đó. Khi mới học lớp 7 cháu đạt điểm năng khiếu cao nhất và trúng tuyển vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội".
Nhạc sĩ Ngọc Khuê với những phút cao hứng trong đêm nhạc "Tình yêu tự hát".

Cũng phải xin quay lại với đêm nhạc "Tình yêu tự hát", cùng với âm nhạc là chương trình giới thiệu cuốn sách "Ngọc Khuê - Tác giả & Tác phẩm" được ông "thai nghén" từ nhiều năm trước. Ở đó công chúng còn bắt gặp không chỉ một Ngọc Khuê tài hoa trong nhạc mà còn trong văn, thơ, báo. 

Chẳng thế mà có mặt tại đêm hôm đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi Ngọc Khuê là một nghệ sĩ. "Tình yêu tự hát" cũng là tên một ca khúc của ông phổ thơ Tô Hoàn với giai điệu tình cảm: "Tình yêu không là biển mà ta đi không cùng/ Tình yêu không là rừng sao bao người lạc lối/ Tình yêu không thời gian mà sao ai cũng vội…". 

Thông qua đêm nhạc này, ông muốn hát lên tình yêu người lính, yêu Hà Nội, tình yêu đôi lứa, yêu quê hương đất nước, gia đình của mình và ông cũng muốn tình yêu đó được vang lên, được đến với đông đảo khán, thính giả.

Một Hoài Đức để yêu, để nhớ

Trong những ngày hè nóng nực vừa qua, ông đã nhiều lần đăng ảnh lên FaceBook cảnh nhà quê của ông ở huyện Hoài Đức, nơi có những vườn cây sum suê, mát mẻ, thanh bình. Với nhiều người sống ở đô thị thì đó chính là chốn đi về lý tưởng, thư thái sau một ngày làm việc vất vả. 

Ông bảo, từ nhà ngoài phố về quê chỉ 20 cây số, đi đường nào và bằng phương tiện gì cũng vậy. Cũng như bao người, ông cũng có một căn nhà nhỏ ở quê để đi về… Ở phố hay ở quê ông đều thích, mà thích thì chỉ 45 phút sau lại có mặt ở nơi mình muốn.

Có một Hoài Đức để yêu, để nhớ, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng đã cố gắng đưa các địa danh nổi tiếng của vùng đất này vào các sáng tác của mình như một sự tri ân với nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng để có được mình như ngày hôm nay, như: "Xao xuyến Sơn Tây", "Thênh thang xứ Đoài", "Bài ca xây dựng nông thôn mới", "Hoài Đức một miền xanh", "Làng Dừa - bản tình ca màu xanh"… 

Dẫu rằng cuộc tìm kiếm một ca khúc về mùa thu Hà Nội thật không dễ dàng, nhưng những gì Ngọc Khuê đã "rút ruột nhả tơ" làm đẹp cho đời, cho quê hương là không thể phủ nhận.

Ngô Khiêm
.
.