Ghi bên lề mấy trang thơ

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:01
Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang biên tập phần lý luận - phê bình ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Không nhớ rõ là vào hôm nào, thật bất ngờ, tôi nhận được bản chép tay một bài thơ. Bài thơ rất quen thuộc, và được nhiều người thích thú đã từ lâu: "Màu tím hoa sim". Người chép bài thơ, không ai khác, chính là tác giả của nó: nhà thơ Hữu Loan (1916-2010).


1.Thông thường, Ban Thơ của tạp chí tiếp nhận và xử lý bài thơ này. Rất có thể, Ban Hành chính chuyển lầm, nên nó mới đến tay tôi.

Hãy nói về "Màu tím hoa sim" quen thuộc trước. Theo tôi biết, nhà thơ Hữu Loan viết xong "Màu tím hoa sim", chỉ đưa cho mấy người bạn lính đọc. Có người đem đăng lên báo tường. Rồi không biết qua ai, bài thơ truyền vào thành Hà Nội (giặc Pháp đang chiếm), được đăng báo và phổ nhạc. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, hòa bình lập lại, năm 1956, "Màu tím hoa sim" mới đến được với nhiều người, do nhà thơ Nguyễn Bính đăng trên báo Trăm hoa.

Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010). 

Một bà mẹ đọc bài thơ, thương cảm đến ngỏ ý muốn gả con gái cho tác giả. Về sau, "Màu tím hoa sim" tiếp tục được in nhiều hơn. Năm 2004, Công ty cổ phần công nghệ Vitel đã mua bản quyền "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan với giá 100 triệu đồng (một trăm triệu đồng ngày ấy giá trị hơn bây giờ nhiều).

Trở lại bản chép tay bài "Màu tím hoa sim". Đọc nó xong, tôi phát hiện ý đồ của nhà thơ Hữu Loan: muốn sửa lại và thêm một đoạn, gửi đăng trên Văn nghệ quân đội. Để dễ so sánh những chỗ nhà thơ Hữu Loan sửa và thêm, hãy đọc những câu cuối cùng ở bản đã quen thuộc với nhiều người:

Chiều hành quân
Qua những đồi sim
những đồi sim dài trong chiều
không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt

Nhìn áo rách vai
 Tôi hát
Trong màu hoa
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...".

(Xin lưu ý là những bản in "Màu tím hoa sim" có nhiều chỗ khác nhau về lời thơ, về cách sắp xếp các dòng thơ...). Ở bản chép tay của ông, sau câu "tím chiều hoang biền biệt", nhà thơ Hữu Loan sửa lại và thêm cho đến hết bài, đoạn dưới đây:

Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết!
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim
Tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...

Theo tôi, có hai lý do để không nên đăng "Màu tím hoa sim" đã sửa và thêm đoạn trên đây của nhà thơ Hữu Loan:

Thứ nhất. Bài trước kia, đã in sâu trong trí nhớ người đọc từ nhiều năm nay. Mà ấn tượng ban đầu đối với bài thơ hay như nó rất sâu đậm, rất khó phai.

Thứ hai. Đoạn mới thêm chỉ chủ yếu nhằm dẫn lại hai câu ca dao mà nhà thơ đã mượn và thay mấy chữ "vợ anh chưa có" bằng "vợ anh mất sớm", nhìn chung không có gì hay, chỉ có tác dụng làm loãng "Màu tím hoa sim" đã quen thuộc.

Tôi đem nhận xét của mình trao đổi với các bạn văn ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Mọi người nhất trí hoàn toàn. Chẳng ai băn khoan, tiếc nuối gì những câu thơ được nhà thơ Hữu Loan sửa và thêm. Và tất nhiên, bài thơ đã không đưa in.

Tiếc là nhà thơ Hữu Loan không ghi địa chỉ của ông, tôi không có cách nào trả lời được. Không biết, sau đó, nhà thơ có gửi cho báo nào không, hay có gửi mà họ cũng không in, như tạp chí Văn nghệ Quân đội?

2.Nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Trần Thanh Mại (1908 - 1965) - trước đây có tài liệu ghi năm sinh của Trần Thanh Mại là năm 1911 - có một con đường văn chương khá đặc biệt. Những năm mới bước vào nghiên cứu, phê bình, ông đã từng được cụ Huỳnh Thúc Kháng khen ngợi và khích lệ trên báo Tiếng dân (số ra ngày 13- 4- 1939) và tạp chí Tao đàn (số ra ngày 16-5-1939). Được lời khen của một chí sĩ nổi danh như cụ Huỳnh bấy giờ là vinh dự lắm.

Vì vậy, Trần Thanh Mại đã được nhiều người biết tiếng từ khá sớm. Nhưng còn đặc biệt hơn nữa, Trần Thanh Mại để lại một "ấn tượng văn chương" rất đậm, như người bạn học thuở ấu thơ và sau đó trở thành nhà thơ, nhà Hán học Nam Trân (1907-1967) đã viết trên báo Văn nghệ số ra ngày 5-3-1965, sau khi Trần Thanh Mại qua đời: "Tôi có thể nói, anh Trần Thanh Mại là một người sinh ra để viết văn, hay nói một cách văn vẻ hơn, lúc ra đời, anh đã mang theo vết mực trên đầu ngón tay".

Nhà văn Trần Thanh Mại (1908-1965).

Sau khi đất nước thống nhất, tên Trần Thanh Mại đã được lấy để đặt cho một đường ở Thành phố Huế quê hương, và một đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2005, Nhà xuất bản Văn học in "Trần Thanh Mại toàn tập" (ba tập) theo diện "Sách đặt hàng của Nhà nước".

Sở dĩ phải nói dài dòng như thế vì hai lẽ. Một là, mặc dù lâu nay vẫn có những chuyên luận, những bài nghiên cứu viết về Trần Thanh Mại, nhưng khá nhiều nhà nghiên cứu đã cố ý hay vô tình quên đi những đóng góp của ông khi viết về nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam cổ đại, cận đại và cả hiện đại.

Không ít nhà nghiên cứu, phê bình khi kể tên các nhà nghiên cứu, phê bình từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay đã... lờ đi tên Trần Thanh Mại; cứ như thể không có ông trên đời này! Hai là, giới thiệu mấy nét chung, mấy nét "vĩ mô" trong đời nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình này, để xem xét thêm tính "vi mô" kỳ thú của văn ông mà tôi sẽ kể trong một trường hợp sau đây.

Năm 1957, Nhà xuất bản Thanh niên in quyển tiểu luận "Thanh niên học tập sáng tác" của Trần Thanh Mại. Dưới hình thức những bức thư, Trần Thanh Mại gửi những bạn trẻ đang có mơ ước trở thành nhà văn những lời khuyên của một người đã nhiều năm trải qua "trường văn trận bút".

Trong một bức thư, ông viết: "Anh mà không thuộc lấy cho được 812 câu trong 3.254 câu của "Truyện Kiều" thì anh đừng hòng trở thành văn nghệ sĩ Việt Nam".

Là người sưu tầm, biên soạn và viết lời giới thiệu cho "Trần Thanh Mại toàn tập", tôi có lưu ý đến chi tiết này. Nhưng sẵn mang trong đầu tính "ước lệ" nhiều khi vẫn thấy trong văn (cả văn sáng tác và văn nghiên cứu, phê bình) tôi cho đây là một cách nói chỉ số nhiều với ý nghĩ tượng trưng, nghĩa là Trần Thanh Mại khuyên những người viết văn trẻ nên thuộc nhiều thơ trong "Truyện Kiều". Thế thôi! Tôi đã dừng lại đấy, mà không biết rằng nếu để tâm suy nghĩ sâu hơn sẽ phát hiện được một điều lý thú ở đây.

Rất may, sau đó nhà thơ Trần Ngọc Thụ (đã qua đời mươi năm trước) với con mắt tinh tế và cách nghĩ có chiều sâu đã tìm giúp. Trong một bài đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 7-2-2004 có tên "Con số 812 nói gì?" Trần Ngọc Thụ viết: "...Trần Thanh Mại chọn ra con số 812 là rất quyết đoán, rất tỉ mẩn trong nghề nghiệp...

Ở đây, Trần Thanh Mại muốn nói, con số đó là một phần tư (1/4) số câu thơ trong "Truyện Kiều". Có thể diễn giải như sau: chia 3254 câu thơ "Truyện Kiều" làm bốn phần ta sẽ được mỗi phần 813,5 câu. Thơ không thể lấy nửa câu, mà thơ lục bát thì không thể lấy số lẻ (813) nên dứt khoát phải chọn con số 812 (đẩy lên 814 thì "quá ¼)... Tôi thấy rất thú vị về giọng văn của Trần Thanh Mại". Trần Ngọc Thụ còn quá ư thận trọng kết luận bài viết của mình: "Trên đây là suy nghĩ chủ quan của tôi, không biết có đúng không".

Tôi thấy ngay nhà thơ đã tinh tế trong thưởng thức văn chương, và kêu lên trước Trần Ngọc Thụ ngay sau khi bài anh đăng báo: "Suy nghĩ chủ quan của anh rất đúng!". Ở đây, người viết là Trần Thanh Mại có một ẩn ý thú vị. Còn người đọc là Trần Ngọc Thụ thì phát hiện được ẩn ý ấy một cách tài tình!

3.Nhà thơ Lý Thân (780-846) đời Đường, Trung Quốc, có viết mấy bài thơ cổ phong. (Thơ cổ phong là thơ có từ trước đời Đường. Đến đời Đường, nó vẫn được dùng và có chịu ảnh hưởng của thơ Đường, nhưng không tuân theo niêm luật chặt chẽ của thơ Đường).

Một trong những bài thơ cổ phong của Lý Thân là bài này (phiên âm):

Sừ hòa nhật đương ngị
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy niệm bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

Dịch xuôi:

Xới lúa giữa ban trưa
Mồ hôi rỏ thấm đất chân lúa
Có ai nghĩ cơm trong mâm
Hạt nào cũng thấm cay đắng?

Bài thơ này, chỉ đọc qua cũng biết rất gần những câu ca dao quen thuộc của Việt Nam:

Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Lâu nay, có người cho bài ca dao Việt Nam đã được ai đó dịch từ thơ Lý Thân ra tiếng Việt. Cũng có người cho thơ Lý Thân và bài ca dao đã gặp nhau một cách ngẫu nhiên, như cách nói của người Pháp: Những đầu óc lớn gặp nhau (Les grands esprits se rencontrent).

Tôi cho rằng, nếu dịch thì đây là bản dịch rất phóng túng mà lại hay. Còn rất khó có khả năng hai bài thơ gặp nhau một cách ngẫu nhiên. Theo tôi, còn một khả năng nữa: rất có thể một nhà nho nào đó của ta đã "mượn" ý thơ Lý Thân để viết ra những câu ca dao trên kia. Ngày trước, như một quy ước bất thành văn, người ta lấy ý thơ của nhau, thậm chí lấy nguyên thơ của người khác mà không hề nói năng gì, là chuyện rất bình thường.

Hồng Diệu
.
.