Ghi bên lề mấy trang thơ

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:03
Có những câu thơ tôi nghe được từ hồi còn tuổi thiếu nhi. Chúng ám ảnh tôi cho đến giờ...

1.Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
Công em dan díu với chàng bấy lâu
Bây giờ chàng lấy vợ đâu
Thì em xin giúp trăm cau nghìn vàng
Năm trăm em đốt cho chàng
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề...

Ấy là những câu thơ tôi nghe được từ hồi còn tuổi thiếu nhi. Chúng ám ảnh tôi cho đến giờ. Dù không biết "đồng tiền Vạn Lịch" là tiền gì, "dan díu" nghĩa là gì, "nghìn vàng" là nghìn cái gì mà có thể đem đốt, "giải oan lời thề" là làm việc gì, nhưng từ hồi ấy một nỗi buồn man mác đã lặng lẽ thấm vào người; đến nỗi mỗi khi chợt nhớ đến những câu thơ trên tôi lại bùi ngùi và lại gặp một nỗi buồn man mác...

Như vậy là có những câu thơ không hiểu được chữ, ta vẫn biết được nghĩa, ở một mức độ nào đó. Tôi chưa có cơ hội để tìm xem những câu thơ trên ở trong quyển sách nào, tác giả là ai.

Cố thi sĩ Bùi Giáng.

Có lần, đọc Tạp chí Tao Đàn số 3 (1/4/1939) của Nhà xuất bản Tân Dân, bỗng gặp một truyện cổ tích (không ghi là của nước nào) có tên "Đồng tiền Vạn Lịch", tác giả là nhà văn Lan Khai (?-1946). Có thể tóm tắt truyện này như sau:

Một anh lái buôn tên là Vạn Lịch. Khi đã giàu có, anh ta rắp tâm bỏ người vợ vốn đã gắn bó từ thuở cơ hàn để lấy một cô gái khác, nhưng chưa gặp dịp. Một buổi chiều mùa đông ấy, thuyền Vạn Lịch dừng bên bến sông.

Gần đấy, một anh chàng gầy yếu, trần trụi đang đánh giậm dưới dòng nước giá lạnh. Người vợ của Vạn Lịch động lòng thương cảm, lục đống quần áo, đưa chiếc áo đã cũ cho anh mặc. Vạn Lịch ngồi trong thuyền tính sổ, nhìn ra, biết là thời cơ đã đến. Anh ta mắng vợ, gán cho vợ tội theo trai, đuổi cô lên bờ, và cho thuyền đi thẳng.

Người vợ khóc lóc, kêu trời gọi đất cũng chẳng được gì. Rồi cô và anh đánh giậm lấy nhau, sống một cuộc sống giản dị, đơn sơ nhưng ấm áp. Người chồng mới, nghe lời cô, làm một việc khác là vào rừng lấy củi đem bán. Đời sống hai người dần dần khá lên.

Một hôm, anh lạc vào khu rừng cấm, ở đó có mộ một ông vua, và bốn ông phỗng được xây đứng hầu ở bốn góc mộ. Anh giở cơm rượu đem theo, mời bốn ông phỗng. Rồi anh ngả cả bốn ông nằm xuống cùng anh đánh một giấc ngủ trưa. Tỉnh dậy, anh lại dựng bốn ông phỗng đúng vào chỗ cũ. Một hôm khác, tỉnh dậy, anh thấy đầu óc vẫn còn choáng váng vì hơi men, vội ra về, quên cả việc dựng bốn ông phỗng lên. Mấy hôm sau đó anh lại không vào rừng.

Sự việc trên làm chấn động cả triều đình. Vua quan cho lính đến dựng lại bốn ông phỗng. Không hiểu sao cả bốn ông đều rất nặng, bao nhiêu lính cũng không dựng nổi. Một lệnh được truyền ra: Ai dựng được bốn ông phỗng vào chỗ cũ thì xin điều gì cũng được. Anh chồng mới của người vợ nhận lời. Quả nhiên công việc không có gì khó khăn cả. Anh dựng bốn ông vào chỗ cũ rất dễ dàng. Người vợ khuyên chồng xin triều đình cho làm một chức quan có toàn quyền kiểm soát thuyền bè đi lại trên sông.

Còn về Vạn Lịch, sau khi lấy vợ mới thì suốt ngày chơi bời, rượu chè, hết tiền hết của, phải trở lại đi thuyền buôn như cũ. Một hôm, thấy thuyền Vạn Lịch qua đồn, người vợ cũ không để người giúp việc mà buộc chủ thuyền phải lên trình báo mới được đi.

Vạn Lịch lên, thấy vợ cũ bây giờ đã giàu có lại có quyền hành thì xấu hổ, gieo mình xuống sông tự tử. Người vợ cũ cùng chồng làm ma chu đáo cho Vạn Lịch, rồi lấy tất cả số tiền Vạn Lịch còn lại, cho đúc một thứ tiền đồng, đặt tên là tiền Vạn Lịch để lưu lại dấu tích của người chồng cũ.

Đọc truyện này mới biết, những câu thơ dẫn ở trên cho thấy cô gái đã đồng cảm với người vợ của Vạn Lịch xưa, dù tình yêu lỡ dở nhưng vẫn còn vấn vương, tưởng nhớ...

Tôi biết, cũng qua Tạp chí Tao Đàn, ở mục quảng cáo có giới thiệu một truyện dài tên là "Đồng tiền Vạn Lịch" của Tchya, nhưng chưa được đọc, không biết nội dung thế nào.

(Tchya là bút danh của Đái Đức Tuấn, 1908-1968, chủ yếu viết văn xuôi, và cũng có làm thơ. Sau năm 1954, ông vào Nam viết báo. Còn Lan Khai, là nhà văn, viết tiểu thuyết, đôi khi viết phê bình văn học, ngoài ra còn viết báo. "Lầm than" là tác phẩm nổi tiếng của Lan Khai).

Theo tôi, có nhiều câu thơ, bài thơ thật dở, thỉnh thoảng có những câu thơ, những bài thơ thật hay. Như hai câu này, vừa giản dị, vừa lạ, trong bài thơ chỉ có hai câu:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương...

Câu thứ nhất, thấy có chỗ chép: "Dạ thưa xứ Huế bây chừ". Tôi không rõ Bùi Giáng viết "bây giờ" hay "bây chừ". Nếu viết "bây giờ" thì "giờ" vần với "bờ" ở câu dưới, câu thơ có được vần chính vốn rất cần trong thơ lục bát, nhưng lại bỏ mất một sắc thái ngôn ngữ của Huế, so với "bây chừ". Nếu viết "bây chừ" thì "chừ" chỉ hiệp với "bờ" ở câu dưới bằng một vần thông, nghe không ... sướng tai, nhưng lại giữ được một đặc điểm ngôn ngữ địa phương. Mất cái này được cái khác!

Hai câu thơ Bùi Giáng rất gần với mấy câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966):

Quê tôi có gió bốn mùa
Có giăng giữa tháng có chùa quanh năm...

Người phát hiện sự gần gũi nói trên của thơ Bùi Giáng và thơ Nguyễn Bính không phải tôi, mà là nhà thơ Trần Nhuận Minh (trong quyển "Đối thoại văn chương", nhà xuất bản Tri thức, 2012).

Có điều, nhà thơ Trần Nhuận Minh thích hai câu thơ Bùi Giáng hơn. Tôi thì lại thích những câu thơ Nguyễn Bính hơn. Tôi cho những câu thơ Nguyễn Bính, ngoài cái giản dị, lạ và hay hơn hai câu thơ Bùi Giáng, còn "thơ" hơn, "thi sĩ" hơn hai câu thơ của Bùi Giáng.

Mấy câu thơ trên của Nguyễn Bính có trong bài "Gửi người áo trắng" viết năm 1940, tôi chưa thấy in đầy đủ ở tập thơ nào, kể cả "Tuyển tập Nguyễn Bính" (1986) và "Nguyễn Bính toàn tập" (2008). Tiện đây xin chép tặng bạn đọc; bài thơ tôi may mắn có được từ một bản chụp lại bản chép tay của chính nhà thơ Nguyễn Bính:

Gửi người áo trắng
Quê tôi có gió bốn mùa
Có giăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm giăng rằm
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Tôi về đây đã lâu rồi
Nằm trong cô tịch nhớ người phồn hoa.
Tóc tơ, mình liễu, da ngà
Một người càng nhớ càng xa một người.
Ngày trông mây trắng bay hoài
Đêm mơ áo trắng bay dài năm canh.
Lòng vàng lạc cánh chim xanh
Lạc từ cái ý chung tình lạc đi.
Chẳng điên chẳng dại là gì
Bỗng nhiên mà biệt mà ly mọi người
Chưa xa đã nhớ nhau rồi
Nữa là hơn một tháng trời xa nhau.

Người đi nghỉ mát những đâu
Đồ - Sơn, Tam - Đảo nhà lầu, xe hơi
Ở đây tôi chỉ đợi trời
Mưa vàng một trận là tôi lên đường
Sông ngang núi trái thất thường
Buồng the chẳng xót dậm trường thì thôi

Mai ngày tôi bỏ quê tôi
Bỏ giăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa
Đem thân đi với giang hồ
Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh
Quê hương chẳng nhớ cũng đành
Cũng xin dâng cả tâm tình cho ai

Năm năm mây trắng bay hoài
Hồn tôi áo trắng bay dài đêm đêm...

Nam Định 1940

(Tôi chép nguyên cách viết của Nguyễn Bính gần 80 năm trước đây, kể từ các dấu ở trong câu, ở cuối câu, và chữ viết thường, viết hoa).

3."Phong Kiều da bạc" là bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế thời Thịnh Đường (713-766) Trung Quốc (năm sinh năm mất của ông chưa được xác định). Tôi không thấy bài thơ Đường nào vừa hay, vừa được nhiều người thích thú, lại được chép, được dịch, được khắc đá và được đặt những giai thoại, và được các nhà nghiên cứu không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản, Việt Nam,... tranh luận nhiều đến thế và tranh luận đến mức có những chỗ chẳng ai chịu ai, mà đến nay vẫn không khẳng định được!

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến một chi tiết của bài thơ, nhân đọc thấy một câu khá... kỳ quái của nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Bài thơ của Trương Kế:

Phiên âm:

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu mien
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch xuôi (theo Hoa Bằng - Tảo Trang - Hoàng Tạo):

Trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời
(Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài
và lùm phong ven sông
Tiếng chuông chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm văng vẳng vọng đến thuyền khách.

(Sở dĩ phải ghi rõ tên những người dịch xuôi ở trên, vì bài thơ có những cách hiểu, cách dịch khác nhau).

Dịch thơ (bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh, ba nhà túc nho đã dịch xuôi nói trên có sửa vài chữ):

Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Theo tôi, hai câu đầu, Trương Kế sử dụng tính bất đối xứng qua phép "động" và "tĩnh" thường thấy trong thơ Đường. Câu đầu chủ yếu là "động": trăng rơi (xuống), tiếng quạ kêu (vang lên) và sương thì (tỏa ra) đầy trời. Ở đây, "động" đã chiếm lĩnh cả ba chiều không gian: xuống dưới, lên trên và một khoảng rộng. Câu thứ hai thì chủ yếu là "tĩnh": người trên thuyền nằm ngủ trong cảnh cây phong đứng lặng, và đèn chài mờ tỏ. Một mạnh một nhẹ, hai câu thơ đầu tạo cho người đọc một ấn tượng để chờ đợi những gì sẽ có ở những câu tiếp theo...

Đấy là cách nghĩ của riêng tôi (chưa phải đã phân tích đầy đủ bài thơ này ở đây)... Có thể có những người khác nghĩ khác, hiểu khác.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nghĩ thế nào thì nghĩ, hiểu thế nào thì hiểu, không ai không thấy hai câu trên gắn bó với nhau để làm tiền đề cho việc triển khai những ý thơ trong bài thơ, và bỏ câu nào trong hai câu cũng không được.

Chắc chỉ có một người hiểu khác. Tôi đọc thấy trong bài "Dịch thơ chữ Hán ra thơ Việt nhìn từ góc độ ngôn ngữ học" của Phan Ngọc, in trong quyển "Dịch văn học và văn học dịch", Nhà xuất bản Văn học, 1996, ở trang 393, ông Phan Ngọc viết: "Câu "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên" trong bài thơ của Trương Kế cũng rất tầm thường. Tôi cho một nhà nghiên cứu có tiếng như Phan Ngọc mà viết như thế - dù có nhìn câu thơ ở bất cứ phương diện nào - kể cũng hơi bị... liều!

Hồng Diệu
.
.