Ghi bên lề mấy chuyện thơ

Thứ Tư, 17/05/2017, 14:34
Quyển sách cuối cùng trong đời văn nhà phê bình Hoài Thanh (1909 – 1982) là “Chuyện thơ...”, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978. Cái tên quyển sách chứa cả “ẩn ý” của tác giả (như sau đó chúng ta sẽ biết). Thế mà đã xảy ra khối chuyện...


1. Mở đầu “bài thơ những đồ hộp hoa quả” (sau khi in báo, đã đưa vào tập thơ “Hồn tôi đôi cánh”), nhà thơ Xuân Diệu viết:

Tôi muốn ôm cả vườn dứa chín siết chặt vào giữa hai tay
Dù gai lá dứa đâm đau, tôi vẫn sáng cười hể hả

Tôi cho rằng, ở hai câu này, nhà thơ Xuân Diệu đã đi quá đà, cái việc “thậm xưng” (nói quá lên, nói một cách phóng đại) trong thơ, ở đây không còn giữ được chừng mực nữa; lại có mấy chữ “sáng cười hể hả” chẳng hay, chẳng hợp lý tí nào. Hai câu thơ đã làm giảm lòng tin của người đọc đối với tình của nhà thơ, ít nhất là với “bài thơ những đồ hộp hoa quả”.

Trong bài phê bình tập thơ “Hồn tôi đôi cánh” của Xuân Diệu, đăng trên Báo Văn nghệ số ra ngày 25-2-1978, tôi đã nói ý ấy (Trước khi gửi bài cho Báo Văn nghệ, tôi có đưa nhà thơ Xuân Diệu đọc trước. Không thấy anh nói gì về việc này).

Nhà thơ Xuân Diệu.

Sau khi bài báo in ra độ một tuần, tôi đến chơi. Nhà thơ Xuân Diệu lấy từ trong tủ lạnh một hộp nước dứa, rót ra cốc, mời tôi uống. Tôi biết ý nhà thơ, nhưng vẫn uống một cách tự nhiên, bình thường. Đợi tôi uống xong, nhà thơ mới hỏi:

- Thế nào, nước dứa có ngon không?

- Ngon lắm, anh ạ! – Tôi trả lời.

Sau đó, không ai nói với ai một lời về chuyện dứa mà chuyển sang những chuyện khác.

2. Quyển sách cuối cùng trong đời văn nhà phê bình Hoài Thanh (1909 – 1982) là “Chuyện thơ...”, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978. Cái tên quyển sách chứa cả “ẩn ý” của tác giả (như sau đó chúng ta sẽ biết). Thế mà đã xảy ra khối chuyện. Sau khi “Chuyện thơ...” in xong, nhiều sách báo khi nói đến quyển sách đã bỏ mất ba dấu chấm, để nó chỉ còn hai chữ “Chuyện thơ”. Lại có bài phê bình khá dài và viết khá công phu về quyển sách, đăng trên một tờ báo lớn, dấu ba chấm (...) đã di chuyển để tên sách biến thành “Chuyện... thơ”.

Người đang viết những dòng này cũng có một bài dài về quyển sách này của Hoài Thanh, in trên tạp chí Văn học của Viện Văn học Việt Nam, số 3 (tháng 5 và 6 – 1979). Bài của tôi có đoạn: “Trong “Chuyện thơ...” có một số chuyện không phải chuyện thơ; có một số chuyện rất ít liên quan đến chuyện thơ – dù chúng là những chuyện hay và rất có ích.

Bài “Cần tôn trọng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người đọc” và mấy bài khác không viết riêng về thơ, nhưng ít nhiều có quan hệ đến thơ, để trong sách này cũng được đi. Nhưng “Nhớ lại lần đầu gặp bác Hoàng Ngọc Phách” (tác giả tiểu thuyết “Tố Tâm”) hoặc “Vấn đề tên xã, thôn, xóm ở nông thôn” là bản tham luận đọc tại Quốc hội chẳng hạn, thì không hiểu ý kiến người khác thế nào, chứ theo thiển ý của chúng tôi hoặc là chúng phải nằm ở một quyển sách nào khác, hoặc là nếu muốn để ở quyển sách này, thì cái tên “Chuyện thơ...” ở đầu sách phải được thay bằng một cái tên khác”.

Số tạp chí có bài của tôi in ra, tôi nhận được thư của tác giả gửi từ thành phố Hồ Chí Minh. Trong thư, có đoạn Hoài Thanh viết: “Tôi vừa được đọc bài viết của anh đăng trên Tạp chí Văn học về quyển “Chuyện thơ...”. Đó là một bài viết có tình và có nhiều nhận xét tinh tế. Bài viết của anh khiến tôi vừa cảm động vừa vui. Rất cảm ơn anh... Nhưng tôi muốn nói rõ thêm với anh điều này. Quyển sách không mang tên “Chuyện thơ” mà mang tên “Chuyện thơ...”.

Với ba chấm ấy, tên sách có ý muốn nói: Chuyện thơ và chuyện khác. Do đó mà có những bài hoàn toàn không phải chuyện thơ cũng được xếp vào đây. Tất nhiên những bài ấy không thể quá nhiều. Ngoài ra, với ba chấm ấy, tôi còn muốn nói điều này nữa: ngay những chuyện đúng là chuyện thơ, trên thực tế đó là chuyện sống và chiến đấu, chuyện cách mạng, chuyện cuộc đời. Nhưng có lẽ cách nói của tôi vì kín đáo quá mà hóa ra bí hiểm”.

Theo tôi, cách nói “kín đáo quá” của Hoài Thanh có thể hiểu được, có thể thông cảm, có thể chấp nhận. Nhưng tôi vẫn không tán thành cái việc đưa “những bài hoàn toàn không phải chuyện thơ” vào quyển sách có tên “Chuyện thơ...”. Tôi nhớ, trong thư trả lời ông, tôi vẫn giữa nguyên ý kiến về việc này. Hình như Hoài Thanh có vẻ không hài lòng!

3. Vạn lý trường thành nhiều khi cũng gọi tắt là Trường thành. Ở miền Bắc Trung Quốc, Trường thành không liền một dải mà có những đoạn dài ngắn khác nhau. Trường thành do ba nước Yên, Triệu, Tần đời Chiến quốc (403 – 221 trước Công nguyên) cho xây, để ngăn rợ Hồ tràn xuống xâm lăng hoặc gây rối. Tiếp theo, các đời vua sau cho tu sửa lại và xây dựng thêm.

Trên Trường thành, cứ 36 trượng đặt một phong hỏa đài, khi có giặc thì đốt lửa báo hiệu. Người dân phải đi phu xây Vạn lý trường thành bị lao lực, đói rét, bệnh tật, đánh đập, người chết xác chôn luôn dưới chân thành.

Có thể coi Vạn lý trường thành là một nấm mộ dài nhất thế giới. Những năm gần đây, người ta còn phát hiện được những đoạn Trường thành xưa nay chưa từng biết. Đến năm 2013, độ dài của Vạn lý trường thành đã được biết tổng cộng là 6.300 cây số. Số liệu này (đã được công bố trong các tài liệu chính thức ở Trung Quốc) đáng tin cậy hơn những số liệu khác. Có những nguồn tư liệu cho là 8.850, thậm chí 21.196 cây số!

Nhà phê bình Hoài Thanh.

Người Trung Quốc kể nhiều chuyện về Vạn lý trường thành, trong đó có chuyện “Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông/ Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng/ Đắp trường thành vạn lý” (thơ Tố Hữu).

Chuyện kể rằng:

Mạnh Khương là cô gái sống vào đời Tần (221-207 trước Công nguyên) con nhà giàu có. Chồng là Phạm Kỷ Lương, sau khi cưới, mới ở rể được ba ngày đã phải đi phu xây trường thành. Chờ đợi hết ngày này tháng khác không thấy chồng về, Mạnh Khương may áo rét đem cho chồng. Tìm được đến nơi chồng lao dịch mới biết chồng đã chết.

Nàng khóc lóc thảm thiết làm đất trời rung chuyển, trường thành đổ! Rồi Mạnh Khương lang thang đi tìm hài cốt chồng. Nàng cắn ngón tay cho chảy máu, lấy máu rỏ vào từng nắm xương dưới chân Trường thành, khi gặp xương hút hết máu, biết đấy là xương chồng, thu nhặt hết, bọc trong áo rét. Trên đường về, đến lúc sức cùng lực kiệt, không đi nổi nữa, nàng đặt xương chồng bên vách núi, rồi ngồi cạnh cho đến chết. Dân địa phương thương xót, chôn cất tử tế hai vợ chồng rồi lập đền thờ và dựng bia tưởng nhớ. Bia và đền thờ này ở Sơn Hải quan (còn gọi Du quan) – một cửa ải hiểm yếu, thuộc huyện Lâm Du tỉnh Hà Bắc, gần thành phố Tân Hoàng Đảo ngày nay.

Đến đời Tống, Văn Thiên Tường (1236-1282) – một anh hùng dân tộc, cũng là một nhà thơ nổi tiếng – nghe chuyện khi đến Sơn Hải quan, xúc động làm bài thơ như sau:

Tần hoàng an tại tai
Vạn lý trường thành trúc oán
Khương nữ vị vong giả
Thiên thu phiến thạch minh trinh

Dịch nghĩa:

 (Vua Tần đang ở đâu?
Có biết nỗi oan xây Vạn lý trường thành
Nàng Mạnh Khương không chết
Nghìn năm bia đá còn sáng chữ trinh)

Tuy nhiên, có nhà nghiên cứu cho chuyện kể này chỉ là giai thoại, vì trường thành ở Sơn Hải quan được xây dựng sau đời Tần; đoạn xã hội vào đời Tần cách Sơn Hải quan đến mấy trăm cây số về phía Bắc! Cũng có sách chép: Mạnh Khương may áo rét đi tìm chồng, tìm hết nơi này đến nơi khác mà không thấy, cuối cùng tuyệt vọng nhảy xuống biển Bột Hải tự tử. Chuyện này hợp lý hơn.

Nhà văn Phạm Văn Hạnh ở ta, trong một bài “Phiếm du” viết trước năm 1945 có một đoạn về Vạn lý trường thành (với tư liệu được biết vào hồi ấy) nguyên văn như sau:

“Nước Tàu mạnh, nhưng phía Bắc còn rợ Hung Nô thường hay quấy nhiễu và khó tảo trừ vì quân kỵ mã ấy không yên một chỗ lâu bao giờ. Có một cách là đắp hẳn bức thành để ngăn rợ địch, chạy dài từ mép biển cho tới đỉnh Lưu Sa: Vạn lý trường thành, một công trình lạ lùng do hàng vạn nhân công đã hai mươi thế kỷ nay, không chút máy móc, dựng bằng gạch đá, mồ hôi và máu lệ.

Dài ba ngàn cây số, dày chín thước, cao tám thước, có thể đứng trên cung trăng nhìn xuống mặt đất thấy được và có thể sánh với những Kim tự tháp của Ai Cập, tuy xây sau tháp Chéops hai nghìn bảy trăm năm.

Đến nay, di tích này còn đó. Nhà du lịch có thể phóng tầm con mắt đến tận chân giời, ngắm bức tường gạch phủ đá, uốn lượn trên sườn núi như con rồng, phân đôi địa giới Trung Hoa và Mông, Mãn. Lòng hoài cổ chạnh nghĩ lúc xây thành: hàng vạn thợ ê chề dưới mưa nắng và ngọn roi của bọn đốc công, thỉnh thoảng lại ngừng tay... để đánh đuổi rợ Hung đến cướp phá, cùng những thời oanh liệt: Hán, Đường, Tống, trên thành cờ sí rợp trời, binh mã qua lại rầm rập, rợ ngoài thần phục, dân nước thái bình. Cho tới khi Thành Cát Tư Hãn, vua Alexandre của châu Á, lần đầu vượt được Trường thành, xuống làm bá chủ Trung Nguyên (1154- 1227), thì bức tường vạn dặm kia không còn ích lợi gì nữa, nhưng trong khoảng một ngàn bốn trăm năm, nó đã làm trọn phận sự là bảo vệ cho nên văn minh Trung Quốc có đủ thì giờ ra hoa kết quả.

Ngày nay, dưới phong sương, còn thấy cảnh hoang tàn ấy...”.

Hồng Diệu
.
.