Chủ tịch Đảng Quốc Đại (Ấn Độ) Sonia Gandhi:

Ghét của nào trời trao của ấy

Thứ Ba, 16/11/2010, 11:10

Ngày 3/9 vừa qua, bà Sonia Gandhi, một phụ nữ 63 tuổi, gốc Italia đã tái đắc cử lần thứ tư liên tiếp chức vụ Chủ tịch đảng Quốc Đại (Ấn Độ), trở thành người phụ nữ đứng thứ hai - theo sự bình chọn của tạp chí Forbes - trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, sau nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Với Sonia Gandhi, quyền lực chính trị đã tàn phá ghê gớm hạnh phúc gia đình bà, cướp đi sinh mệnh của mẹ chồng và chồng bà (Nữ thủ tướng India Ganhdi và Thủ tướng Rajiv Gandhi), song, như một câu ngạn ngữ của Việt Nam ta "ghét của nào, trời trao của ấy", số phận hiện đã đẩy người phụ nữ thuần hậu này vào tình thế phải nhận lấy những công việc mà bà vốn dĩ ác cảm và sợ hãi nhất...

Sonia Gandhi tên thật là Edvige Antonia Albina Maino, sinh ngày 9/12/1946 tại Altopiano di Asiago (miền Bắc Italia), trong một gia đình Công giáo. Bố bà từng là một cai thầu xây dựng có tư tưởng phát xít. Thuở nhỏ, Sonia được người bố đặt cho biệt danh "cenerentola, có nghĩa là "cô bé lọ lem", có hay đâu, sau này, "cô bé lọ lem" đã làm chao đảo chính trường một đất nước có dân số đông thứ nhì thế giới.

Năm 1964, Sonia theo học tại một trường ngôn ngữ thuộc Đại học Cambridge (Anh). Tại đây, Sonia gặp Rajiv Gandhi, con trai của nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi và hai người đã bén duyên nhau. Ở vị trí "mẫu quốc", hiển nhiên là bà Indira Gandhi không hài lòng với việc cậu con cả của mình kết hôn với người nước ngoài. Dù vậy, 4 năm sau đó, trước quyết tâm và tình yêu mãnh liệt của con trai, vị nữ thủ tướng vốn cũng từng trái lời bố mẹ trong hôn nhân đã ưng thuận để đôi trẻ được làm lễ kết hôn. Và rồi, chính sự dịu dàng, chân tình của Sonia đã nhanh chóng chinh phục được trái tim mẹ chồng.

Sống trong một gia đình có truyền thống làm chính trị (bố của bà Indira là cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru) nhưng cả hai vợ chồng Sonia đều quyết không tham gia vào chính trường. Công việc chủ yếu của bà là nội trợ, chăm lo cho con cái. Còn chàng phi công Rajiv thì "bay bổng" cùng Hãng Hàng không Ấn Độ. Sonia đã sống trong hạnh phúc suốt 12 năm cho đến khi người em chồng Sanjay thiệt mạng bởi một vụ tai nạn máy bay năm 1980.

Trước nỗi đau mất đi người con có thể kế nghiệp mình, bà Indira Gandhi đã yêu cầu cậu cả thay thế vị trí của người em trong đảng Quốc đại. Chiều lòng mẹ, đúng 6 tháng sau, Rajiv từ bỏ nghề phi công.

Quyết định của chồng làm Sonia rất buồn. Bà đã dọa ly dị nếu Rajiv trở thành chính trị gia. Sau này, Sonia cho biết: "Đấy là lần đầu tiên Rajiv và tôi cãi nhau. Lúc đó, tôi như một con hổ cái muốn bảo vệ chồng và các con".

Nỗi lo sợ của Sonia đã thành hiện thực khi bà tận mắt chứng kiến cảnh mẹ chồng (vào ngày 31/10/1984) bị những vệ sĩ người Sikh của mình xả súng bắn chết. Nỗi lo sợ đó ngày càng trở nên ám ảnh khi Rajiv thay mẹ lãnh đạo đảng Quốc đại và đứng đầu Chính phủ Ấn Độ.

Nếu như có một thời, Sonia Gandhi từng gây bất bình trong dư luận chỉ bởi bà không thực hiện nghiêm ngặt những quy định truyền thống khi mặc váy ngắn và tỏ ra không thích các món ăn của Ấn Độ, thì ngay sau khi trở thành phu nhân thủ tướng (tháng 11/1984), Sonia từ bỏ cách ăn vận kiểu châu Âu quen thuộc và chỉ mặc những bộ sari truyền thống. Cũng trong năm này, bà nhập quốc tịch Ấn Độ, học nói tiếng Hindi, tìm hiểu về phong tục tập quán và tôn giáo của Ấn Độ.

Hiền lành, tốt bụng, song Rajiv Gandhi không phải là người sắc sảo, sành sỏi chính trị như người em trai Sanjay. Năm 1989, đảng Quốc đại thất cử và Rajiv mất chức.

Năm 1991, trước sự yếu thế của đảng cầm quyền, Rajiv hào hứng chạy đua vào ghế thủ tướng. Ngày 21/5/1991, khi đang vận động tranh cử ở miền Nam Ấn Độ, ông được một phụ nữ trẻ tặng vòng hoa truyền thống. Khi người này cúi xuống hôn chân ông theo tục lệ, quả bom được giấu trong vòng hoa phát nổ. Phải mất rất nhiều thời gian người dân địa phương mới tìm được một phần thi thể của Rajiv lẫn trong xác những người thiệt mạng.

Sau cái chết của Rajiv, đảng Quốc đại đề nghị Sonia kế nhiệm vị trí của chồng trong đảng, nhưng bà nhất quyết từ chối. Trong gần 7 năm, trừ những trường hợp bắt buộc, Sonia và 2 con rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Bà cố giữ mình và các con đứng xa... chính trường vì không muốn lặp lại số phận thảm khốc của chồng và nhạc mẫu.

Uy tín cùng vị thế của đảng Quốc đại nhanh chóng đi xuống trong những năm giữa thập kỷ 90 trước những lời cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử. Năm 1996, đảng Quốc Đại thất cử và ông Narasimha Rao mất chức thủ tướng.

Đảng Quốc đại hơn 100 năm tuổi rơi vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Ban lãnh đạo đảng thêm một lần kêu cầu dòng họ Gandhi. Trước sức ép và cả sự ý thức về trách nhiệm với dòng tộc nhà chồng, bà Sonia đành phải đồng ý tham gia chính trường.

Tháng 12/1997, Sonia tham gia vận động tranh cử cho đảng Quốc đại trước thềm cuộc bầu cử 1999 và tháng 4-1998, bà trở thành Chủ tịch đảng Quốc đại. Nhưng điều đó không đủ để cứu vãn tình hình. Những người chống đối Sonia đã xoáy vào nguồn gốc ngoại quốc của bà. Sonia nhập quốc tịch Ấn Độ sau 16 năm kết hôn và nhiều người đặt câu hỏi tại sao người phụ nữ này mất nhiều thời gian đến thế để quyết định trở thành công dân Ấn. Bà còn bị coi là thiếu kinh nghiệm chính trị. Cuộc bầu cử năm 1999 là một thảm bại của chính đảng lớn và giàu truyền thống nhất Ấn Độ.

Sau những trục trặc ban đầu, Sonia đã cố gắng để thể hiện khả năng của mình. Bà đọc các bài diễn văn của mình bằng tiếng Hindu để thu hút sự ủng hộ của các phe trong chính phủ. Bà chiếm được sự yêu mến của đại đa số dân nghèo Ấn Độ và uy tín của bà trên chính trường ngày càng tăng lên theo thời gian. Giới lãnh đạo đảng Quốc Đại vẫn tiếp tục ủng hộ bà vì không thể tìm được gương mặt sáng giá hơn.

Khi đảng Quốc đại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2004, Sonia Gandhi được đề nghị giữ chức Thủ tướng. Một ngày trước lễ nhậm chức, trong một động thái chính trị đầy khôn khéo nhằm tránh xảy ra một sự phân hóa về ý thức hệ, bà Sonia đã đề cử Tiến sĩ Kinh tế Manmohan Singh vào chức vụ Thủ tướng.

"Tôi cần phải khiêm tốn mà từ chối chức vụ này" - Bà Gandhi đã thông báo quyết định trên tại một cuộc họp bất thường của đảng Quốc đại ở New Delhi và kêu gọi các thành viên trong đảng tôn trọng quyết định của bà.

Báo chí Ấn Độ cho biết bà Sonia đã từ chối chức thủ tướng do các tấn công vào nguồn gốc Italia của bà (trước đó, đảng BJP của thủ tướng sắp mãn nhiệm B.Vajpayee đã tuyên bố tẩy chay buổi lễ nhậm chức của bà Sonia). Tuy nhiên, bên cạnh lý do "nguồn gốc nước ngoài", Hãng AP cho biết bà Sonia không muốn trở thành thủ tướng còn vì áp lực từ các con. "Chúng con đã mất cha, nay không muốn mất thêm mẹ" - Họ đã nói với bà như vậy.

Việc bà Sonia Gandhi nắm chặt chức Chủ tịch đảng Quốc Đại và hai lần từ chối chức thủ tướng sau khi đảng Quốc Đại thắng cử đã vô hiệu hóa những chỉ trích của phe đối lập nhằm vào nguồn gốc nước ngoài của bà, và góp phần làm tăng uy tín cá nhân của bà cũng như của đảng Quốc đại.

Cuộc đời bà Sonia từng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn, đạo diễn điện ảnh Ấn Độ.

Năm 2008, thiếu chút nữa thì bà trở thành nhân vật nữ chính trong một chuyện phim tình cảm đặc biệt do ngôi sao điện ảnh lừng danh Italia Monica Bellucci thủ vai.

Khi nhà sản xuất chuẩn bị xong câu quảng cáo trên poster: "Câu chuyện về một phụ nữ đến Ấn Độ vì yêu chồng, ở lại vì yêu nước" thì cũng là lúc họ nhận được thông báo của đại diện đảng Quốc đại, bày tỏ sự lo ngại về tính chính xác của chân dung nhà lãnh đạo của họ trên phim, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp xử lý mạnh tay nếu cần thiết. Trước tình hình ấy, nhà sản xuất buộc phải ngừng dự án làm phim.

Việc dự án phim phải ngừng đã cho thấy Sonia Gandhi  muốn hoàn toàn kiểm soát hình ảnh của gia đình trước công chúng. Về mặt chính trị, bà hiểu một bộ phim tài liệu về cuộc đời bà có thể châm ngòi cho thái độ bài xích gốc gác Italia của bà.

Rasheed Kidwai, tác giả cuốn sách viết về cuộc đời Sonia Gandhi (được chuyển thể thành kịch bản phim nói trên) cho rằng "bà ấy ngại  và ghét bị chụp hình", và "mỗi khi giáp mặt với máy quay, toàn bộ nét mặt bà hiện lên sự căng thẳng".

Việc ngăn chặn bộ phim khiến báo giới Ấn Độ được một phen tranh cãi kịch liệt. Tờ Times of India thậm chí còn phê phán chính phủ đã có "hành vi kiểm duyệt những quyền tự do cơ bản nhất". Tuy nhiên các luật sư làm việc cho đảng Quốc Đại tiết lộ rằng, thực ra đảng này lo ngại là lo ngại "gu" làm phim của đạo diễn Mundhra, bởi theo họ "Những phim do ông Mundhra làm hầu hết xoay quanh chủ đề tình dục, khêu gợi", trong khi đảng Quốc đại "hy vọng vào một cách tiếp cận nhã nhặn hơn với cuộc đời của bà Sonia Gandhi".

Cách đây nửa năm, Đảng Quốc Đại cũng đã phải giải quyết vụ rắc rối về cuốn sách nhan đề "Chiếc khăn sari đỏ: Khi cuộc đời là cái giá của quyền lực" kể lại cuộc đời bà Sonia. Là tác phẩm bán chạy tại Italia, quê hương bà và tại Tây Ban Nha, tác giả người Italia Javier Moro còn dự định phát hành cuốn sách tại Ấn Độ trong năm 2010 này. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp lý của đảng Quốc đại đã vận động cấm cuốn sách tại Ấn Độ.

Luật sư Abhishek Singhvi cho rằng, việc tác giả viết sau khi chồng bị ám sát, bà Sonia Gandhi có ý định rời bỏ Ấn Độ trở về quê hương là sự bịa đặt và bà Sonia "sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ danh dự của cá nhân và gia đình"

Trần Ngọc Dương
.
.