Gặp giáo sư Vũ Khiêu trong ngôi nhà tình bạn

Thứ Sáu, 09/09/2011, 08:00

Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã trở về nhà, tối 9/ 8. Ngay hôm sau, ông đứng ra làm chủ lễ giỗ cha mình. Cũng 10/ 8, đoàn làm phim tài liệu của nữ đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga lên đường về làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định làm phim chân dung Giáo sư Vũ Khiêu từ bối cảnh quê nhà.

Tôi đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu hôm Chủ nhật 14-8. Lúc vợ chồng con trai út Đặng Vũ Hoa Thạch tất bật cúng rằm, Giáo sư Vũ Khiêu say sưa đọc cho thư ký ghi chép. Phòng làm việc của ông ở tầng 2, liên hoàn cùng phòng tắm, phòng ngủ, đẹp và tiện ghi, nhưng lại thiếu tivi. Ông vẫn làm việc cả những ngày nằm viện, với thói quen nghĩ và "viết" bằng đầu ban đêm, sáng ra đọc, có khi đọc một lúc 3 văn bản khác nhau cho 3 thư ký ghi liên tục.

Trên bàn làm việc của ông có con rồng đúc bằng đồng vàng, khắc nổi số 95 màu đỏ. Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Công ty Cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn (Từ Liêm - Hà Nội) đúc 1.000 con rồng bằng đồng nguyên chất, tặng ông 1 con, vì Giáo sư Vũ Khiêu tuổi rồng cũng đúng 95.

Ngồi trên đi văng bên cửa sổ, ông kể: "Sau giải phóng 1975, tôi được Trung ương cử vào Sài Gòn, phụ trách các vấn đề khoa học. Nhà biệt thự để trống nhiều. UBND thành phố muốn phân cho tôi căn tùy chọn. Tôi từ chối. Đưa vợ vào cùng, vợ chồng tôi ở trong căn phòng 10m2. Giờ tuổi 95, tôi mới có ngôi nhà rộng".

Rồi vui vẻ, Giáo sư nói thêm: "60 là tuổi nghỉ hưu, hưởng tuổi già, con phụng dưỡng. Nhưng các con tôi chưa hề phải nuôi tôi. Tôi còn chi viện cho con cháu khi cần, ăn uống đơn giản nên dành dụm được một chút".

Nói vậy chứ thực tế, biệt thự mới của Giáo sư hiện nay là do sự đóng góp của nhiều bạn bè, bạn vong niên, học trò, doanh nghiệp. Người giúp lát sàn gỗ, người làm tặng cầu thang gỗ, tặng đồ đạc, hoàn thiện nội thất.

Doanh nhân Cao Văn Tuấn - vua cá sấu miền Bắc, ngoài việc tài trợ giày và đồ da cá sấu suốt đời cho Giáo sư Vũ Khiêu, còn thuê ôtô tải chở cây hòe, mai chiếu thủy, hải đường lên tặng. Một ông bạn khác hẹn tặng ông cây quế. Cổ nhân coi hòe, quế là biểu tượng con cái đông đúc sum vầy… Ở sân, đối diện 2 cây tùng là rặng trúc và trăm cây dạ thảo lan nở hoa tím quanh tường. Giáo sư  Vũ Khiêu cho biết: "Hiện sách tại nhà cũ chưa chuyển hết về đây, chuyển xong tôi sẽ cho sửa chữa. Tôi chỉ ở biệt thự này khoảng 1 năm sẽ trở lại sống tại nhà 58m2 ở Vạn Bảo. Tôi muốn biệt thự này thành một bảo tàng, nơi lưu niệm, một ngôi nhà tình bạn lưu giữ những món quà vô giá là tình cảm tấm lòng bạn bè dành cho tôi. Có một ông bảo tôi, một giáo sư khác chẳng nổi tiếng như ông, cũng có ngôi nhà 5.000 cây vàng. Ông làm nhiều, cống hiến khổng lồ mà lại nghèo. Tôi đáp, ông giáo sư ấy sao giàu bằng tôi. Nhà 5.000 cây không so được với 5.000 bạn. Tôi không bao giờ đổi 5.000 bạn lấy 5.000 cây vàng".

Từng đi học, giảng dạy tại nước ngoài nhiều năm, hơn 10 năm qua, Giáo sư Vũ Khiêu không xuất ngoại. Ngay sau khi báo Thể thao & Văn hóa số ra ngày 29/7/2011 in bài Giáo sư Vũ Khiêu nằm viện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm ông. Bí thư Phạm Quang Nghị nói: "Cụ là công dân kiệt xuất của Thủ đô và đất nước mà chúng tôi hết sức trân trọng. Nhờ đọc Thể thao & Văn hóa tôi mới biết cụ ốm, liền thu xếp vào thăm ngay. Mỗi dịp lễ Tết, Thành ủy đều quan tâm đến Giáo sư. Nơi đất thiêng văn hiến ngàn năm này, có được Giáo sư Vũ Khiêu là quốc bảo quý hiếm".

Bạn bè của Giáo sư Vũ Khiêu sẽ tổ chức sinh nhật cho ông trước ngày 19/9, còn đúng ngày thì dành cho người ruột thịt. Ông dự định tháng 10 tới sẽ vào Tp HCM, thăm một số tỉnh phía Nam. "Tôi có nhiều bạn trong ấy. Chúng tôi sẽ ra Côn Đảo, Phú Quốc".

Niềm mong mỏi lớn của Giáo sư là chắt đích tôn, ra đời năm 2012, chú "rồng con" ẩn tuổi cụ nội. Ông chỉ có duy nhất cháu trai Cảnh Linh nên rất muốn dòng họ Đặng Vũ của mình được nối dài.

Mỗi ngày, ông vẫn tự lên xuống cầu thang, vịn tay không cần chống gậy và tất nhiên đôi tai tinh tường không đeo trợ thính. Ai tới thăm, đến bữa là ông giữ lại dùng cơm. "Từ thời bao cấp đói khổ đã có thói quen này, quý bạn. Vợ tôi cũng thế, giữ bạn lại ăn cơm, đón tiếp chu đáo dù tôi vắng nhà, gạo tem phiếu thì chúng tôi ăn ít đi, rồi tìm cách mua thêm. Sau này không phải lo miếng ăn, thì càng nên giữ bạn. Tôi thích ăn kiểu Tây, có uống chút vang, nhưng bạn thích whisky hay bia cũng có. Đến gặp bữa là ăn, không cần báo trước". Quý từng phút thời gian nhưng rộng lòng với bạn, hiếu khách hào hiệp. Được nhiều người yêu quý, quan tâm thế, Giáo sư Vũ Khiêu quả là "tỷ phú"

Vi Thùy Linh
.
.