Gặp em ruột nhà thơ Chính Hữu

Thứ Ba, 04/12/2018, 08:23
Một ngày đẹp trời của tháng 11-2018, buổi sáng ở Thị xã Thái Hòa, tôi tình cờ được gặp nhà giáo Trần Chính Thanh, em ruột nhà thơ Chính Hữu.


Bác Thanh sinh năm 1938, trong gia đình có năm người con, bố là cụ Trần Đình Phác (1890-1952), quê Can Lộc, Hà Tĩnh, làm việc ở Sở lục lộ Vinh và mẹ là cụ bà Đào Thị Sáu, quê Thị xã Vinh, chính xác là vùng quê phía bên kia cầu Cửa Tiền.

Nhà thơ Chính Hữu (1926-2007), tên thật Trần Đình Đắc, là con cả, còn Trần Chính Thanh là con út trong một gia đình khá đông con. Quây quần bên tách cà phê đầu đông ở thị xã miền rừng, ngồi cạnh là bác Dương Tiến Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Thị xã Thái Hòa. Bác Ngọc chợt  chỉ vào ông bạn ngồi cạnh, bảo tôi: "Đây là em ruột của nhà thơ Chính Hữu đấy!".

Thú thật, trong tôi có chút hoài nghi. Bác Ngọc cười bảo đúng vậy! Mình và thầy Thanh từng là "đồng môn" của Trường Đại học Nông nghiệp I, có điều mình học sau hai năm... Tôi quay sang, nắm chặt lấy bàn tay bác Thanh, nhìn kỹ vào gương mặt, mái tóc và tảng trán đã nhiều phong sương của một trí thức chuyên giảng dạy và quản lý về nông nghiệp. Phải đến lúc bác cất chiếc mũ phớt, tôi mới nhận ra nhiều nét giống nhà thơ Chính Hữu.

Tác giả bài viết với bác Trần Chính Thanh - em trai nhà thơ Chính Hữu.

Bác Thanh thủng thẳng kể, những năm 1957, 1958, bác học Trường Đại học Nông nghiệp I, khoa chăn nuôi, đóng trên đất Gia Lâm - Hà Nội. Từ năm 1965 đến 1985, giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Bắc. Trong khoảng thời gian này, từ năm 1976 đến 1978, bác bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ về đề tài "Giá và cơ cấu giá thành".

Đến năm 1985, chuyển hẳn gia đình về Thị trấn Thái Hòa, bác làm Giám đốc Trung tâm Thú y huyện Nghĩa Đàn cho đến năm 1994 thì hưu. Mà đã được hưu đâu, Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật miền Tây Nghệ An còn mời bác tham gia giảng dạy, kèm cặp thêm cho các cháu... Sơ qua vài nét vậy đủ thấy đời bác cũng bôn ba với nghề, với con chữ lắm, riêng cái luận án Phó Tiến sỹ (sau này là Tiến sỹ) thì cho mãi đến hôm nay, tôi nghĩ, còn mang tính thời sự.

Trong quan hệ với Chính Hữu, bác Thanh luôn dành nhiều tình cảm cho người anh ruột của mình. "Anh tôi sinh ra tại Vinh. Tính nết ít nói, ngại nói dài, nhưng thương người, lành hiền, điềm đạm. Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần bộc bạch, anh Chính Hữu rất thật thà, đã hứa giúp ai là giúp tận tình, không bỏ cuộc. Anh là ân nhân của Hữu Thỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa tôn Chính Hữu là bậc thầy của mình...

Hồi mẹ tôi còn sống, bán gạo ở Vinh, anh Chính Hữu hay vào Vinh thăm mẹ cùng người thân. Đến năm 1983, mẹ tôi qua đời, anh đau xót vào chịu tang mẹ. Trong hồi ký, Chính Hữu viết về mẹ thế này: "Mẹ tôi là một người phúc hậu, ít nói, sống lặng lẽ, tốt bụng, hiền lành, hay thương người. Mẹ thương yêu con cái nhưng không bao giờ nói ra... Hình như cá tính của tôi, tâm hồn của tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm từ con người và cuộc đời mẹ?!".

Gặp bác Trần Chính Thanh lần đầu sáng ngày 9/11, cuối câu chuyện tôi xin địa chỉ và số điện thoại. Đến chiều 11/11, tôi tìm đến nhà riêng hai bác trên đất Tây Hiếu, gần cầu, ngoảnh mặt ra mênh mông đồng mía tiếp giáp con sông Hiếu. Vị thế nhà ở thế này thật thoáng đãng, sáng mở mắt đã gặp sông, thấy núi trước mặt.

Buổi chiều, dưới mái nhà rộng rãi, yên ả, bên ấm trà nóng, bác Thanh cho tôi xem một số ấn phẩm người anh thỉnh thoảng gửi vào cho ông em đọc. Quan trọng nữa, là biết thêm người vợ tảo tần, đẹp người đẹp nết của bác Thanh, là bác gái Chu Thị Hiếu, sinh ở Thái Hòa nhưng quê gốc xã Quỳnh Tiến, Quỳnh Lưu.

Học hết phổ thông, bác Hiếu là công nhân của đội chế biến Nông trường Tây Hiếu một thời gian. Tính từ năm 1965, vợ chồng bác có 20 năm liên tục sống, học tập, làm việc tại tỉnh Hà Bắc. Mãi đến năm 1985, cùng bác trai đưa gia đình trở lại Thái Hòa; từ Nông trường Sông Bôi, bác gái chuyển công tác về Trung tâm Thú y huyện Nghĩa Đàn...

Đã hai năm nay, không may bác bị bệnh zo-na thần kinh, ảnh hưởng máu, phải nằm điều trị tại nhà. Tuổi già thế là vất vả rồi, bác Thanh ơi, may có bốn người con xa gần hỗ trợ, thăm nuôi, nên còn có thể cười nói, cà phê cà pháo đôi hồi với bạn văn thị xã, và còn cả làm... thơ nữa.

Khi hỏi đến thơ phú, bác Trần Chính Thanh có chút ngại ngùng. Cuối cùng bác cũng đưa tôi xem mươi bài, thứ đã in sách thứ còn ở dạng vi tính. Tôi lưu ý hai bài, bài "Chiều tím sông quê" có nhiều câu thơ hơi hướng dân gian, đẹp và buồn man mác:

"Chiều về trên nẻo đường quen
Mải mê anh bước theo triền sông quê
Phù sa đang cuộn đổ về
Bồi thêm bãi đất tràn trề sóng ngô
Lúa khoai đồng mía gọi bờ
Nhớ về một thuở hoang sơ dâu tằm
Ai ơi, qua phút nhọc nhằn
Thở thêm một chút thanh bần cho vui
Đời người như thể con thoi
Đưa đi đưa lại bồi hồi tơ vương
Thương người một nắng hai sương
Phận mình chưa trọn, vẫn thương phận người...".

   Còn bài "Trăng chếch" khá lạ, thú vị, lại rất đời:

"Trăng ôm núi ngủ-trăng nghiêng ngả,
Trăng gọi anh về - trăng lả lơi.
Trăng gieo ánh sáng - soi ngõ hẻm,
Trăng vẽ đường cong - em tắm đêm.
Trăng khuất núi rồi - thêm câm lặng,
Vạn vật gắng chờ - trăng lại lên!".

Bạn đọc những câu thơ trên chắc sẽ đồng ý với tôi, rằng Trần Chính Thanh là nhà giáo, nhà nghiên cứu, tham gia làm quản lý và ít nhiều có tâm hồn thơ - cho dù bác là em ruột nhà thơ Chính Hữu, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, tác giả tập thơ rất nổi tiếng "Đầu súng trăng treo". Điều này, chẳng có gì khó lý giải cả, mỗi người mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi đóng góp cho đời. Tuy nhiên, đấy lại điều tôi đặc biệt thích thú khi đặt bút viết những dòng này?!

Nguyễn Văn Hùng
.
.