GS. NSND Trần Bảng - Đạo diễn Trần Lực: “Vừa là cha con, vừa là đông nghiệp”

Thứ Sáu, 23/11/2007, 09:45
GS. NSND Trần Bảng đã tuổi ngoài 80. Theo Nhà nước quy định thì ông cũng ở tuổi nghỉ hưu đã vài chục năm có lẻ rồi. Vậy mà gặp ông cũng không dễ chút nào. Ông vẫn thường xuyên vắng nhà, đi thỉnh giảng cho các lớp nghệ thuật sân khấu. Ngoài ra ông còn kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Trung tâm bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc.

Ông bảo: "Các con tôi nó "cản" tôi hoài, nó bảo bố ở nhà nghỉ ngơi đi, làm việc cả đời rồi. Nhưng tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì cố gắng đóng góp được chút gì cho nghệ thuật truyền thống dân tộc". GS. NSND Trần Bảng là con trai nhà văn Trần Tiêu, một nhà văn có những đóng góp đáng kể trong Tự lực văn đoàn với những tác phẩm tiêu biểu như "Con trâu", "Chồng con"... Hai người con của NSND Trần Bảng nay đều đã thành danh trong sự nghiệp, đó là họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây và đạo diễn điện ảnh Trần Lực.

Cha - ông "Trùm Chèo"

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, cậu bé Trần Bảng từ khi 7 tuổi đã đọc thuộc lòng tác phẩm "Hồn bướm mơ tiên"của bác mình, nhà văn Khái Hưng.

Cha của Trần Bảng, nhà văn Trần Tiêu, một người yêu nông thôn bình dị và muốn viết các tác phẩm về nông thôn nên thường xuyên đi về các địa phương để lấy thực tế sáng tác, để Trần Bảng ở cùng với người anh Khái Hưng. Sống ngay trong tòa soạn báo Phong hóa cùng bác mình, Trần Bảng được bác dạy cho tiếng Pháp và được tiếp cận với các tác phẩm văn chương trong và ngoài nước.

Hai mươi tuổi Trần Bảng đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và học thêm nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức... Ông là một trí thức Tây học đi theo cách mạng, và duyên nghiệp thế nào lại đưa ông đến với nghệ thuật chèo. Năm 1951 Trần Bảng tham gia vào đoàn văn công Trung ương, cùng sinh hoạt trong đội kịch với cụ Thế Lữ.

Buổi đầu đến với chèo, Trần Bảng nhớ như in lời khích lệ của nhà văn Hoài Thanh: "Chèo là một di sản văn hóa rất quý của dân tộc, cậu cứ làm đi, rồi tôi tin chắc là cậu sẽ mê loại hình nghệ thuật này".

Còn cụ Thế Lữ thì nói như tâm sự: "Gắn bó với chèo, rồi chèo sẽ cho anh một sự nghiệp". Và đúng là chèo đã cho Trần Bảng một sự nghiệp. Chỉ những người trong nghề mới thấy hết được những đóng góp của GS. NSND Trần Bảng đối với chèo, cho tới ngày hôm nay "đáng giá" biết nhường nào.

Ông nói: "Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, chèo đã từng chịu cảnh bảy nổi ba chìm rất nhiều phen. Năm 1945, miền Bắc chết đói 2 triệu người, chủ yếu là các vùng nông thôn. Mà chèo thì sống ở các làng quê là chủ yếu. Thế là tan tác các chiếu chèo, mất đi nhiều nghệ nhân.

Nhưng vì đây là một loại hình nghệ thuật có mặt trong nhân dân từ rất lâu đời, được nhân dân sáng tạo, gìn giữ trong quá trình lao động, nên tôi tin chắc một điều rằng sức sống của nó là bất diệt".

Làm Trưởng ban Nghiên cứu chèo của Viện Sân khấu nhiều năm, Trần Bảng đã cùng các cộng sự của mình khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ những lớp trò tuyệt mỹ của người xưa để lại từ các nghệ nhân dân gian. Ông đã làm sống lại nhiều vở chèo cổ tiêu biểu như "Quan âm Thị Kính", "Kim Nham" (Xúy Vân), "Lưu Bình - Dương Lễ".

Song song với việc khôi phục các vở chèo cổ, ông cũng tự mình thử nghiệm những vở chèo hiện đại mà người yêu sân khấu vẫn còn nhớ tới như các vở: "Đường đi đôi ngả", "Cô giải phóng", "Máu chúng ta đã chảy"...

Trong quá trình làm hiện đại hóa chèo, áp dụng lối kịch nghệ của phương Tây vào chèo, mặc dù được công chúng nồng nhiệt đón nhận, ông bỗng chợt nhận ra một đáp số quan trọng, rằng, chèo là loại hình nghệ thuật hồn cốt Việt Nam khước từ những lối Âu hóa kiểu như vậy.

Tư duy của chèo là tư duy thơ, tư duy huyền thoại. Lối diễn của chèo là ước lệ, phân thân, tả ý, tả thần chứ không phải tư duy tả thực. Nhiều vở chèo được NSND Trần Bảng dựng đi dựng lại nhiều lần, theo những gì ông ngộ được từ những nghiên cứu, học hỏi.

Với những kiến thức uyên thâm của mình, ông viết tác phẩm "Khái luận về Chèo", bao gồm những nhận định xác thực về ngành nghệ thuật mà ông đã tổn hao nhiều trí lực để nghiên cứu.

Cách đây mấy năm, ông cho xuất bản cuốn nghiên cứu với tên gọi giản dị: "Trần Bảng, đạo diễn chèo". Cuốn sách là kết tinh của hơn nửa thế kỷ sống chết với nghề của ông, được giới chuyên môn đánh giá là cẩm nang, là sách gối đầu giường cho bất kỳ ai muốn mở cánh cửa nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc.

Tâm huyết với chèo, Trần Bảng tỏ ý băn khoăn về lòng yêu nghề của các diễn viên trẻ ngày hôm nay. Họ không bỏ nhiều công sức để nghiên cứu ngành nghệ thuật mình theo đuổi, không đọc sách để mở mang kiến thức. Theo ông, một người làm nghệ thuật truyền thống trước tiên phải được giáo dục về tình yêu và thái độ trân trọng đối với nghệ thuật truyền thống... --PageBreak--

Con - Giám đốc Điện ảnh

Trần Lực nổi tiếng trong làng điện ảnh từ rất sớm. Bộ phim đầu tiên anh tham gia có tên gọi "Một tình yêu sét đánh" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Thế nhưng, ít người biết rằng, từ nhỏ, Trần Lực vốn lại mê sân khấu. Con nhà nòi chính cống, vì có cả cha và mẹ đều làm sân khấu (mẹ của Trần Lực là diễn viên chèo Trần Thị Xuân), từ nhỏ Trần Lực đã được mẹ dạy hát chèo, đánh trống.

NSND Trần Bảng nhớ lại: "Ngày ấy, khi mẹ tập hát chèo, Lực thường tha thẩn chơi trong cánh gà. Tôi nhớ có lần thấy mẹ vào vai Thị Kính bị đánh trên sân khấu, Lực hoảng quá hét tướng lên trong cánh gà: "Không được đánh mẹ tao".

Lớn lên, Trần Lực đi học ở Bungari cũng là về sân khấu. Anh thuộc nhiều vai hề chèo như hề gậy, phù thủy, thầy bói, tuần ti đào Huế và đã từng thành lập nhóm kịch cùng với các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Kim Cúc (khi đó cũng học ở Bungari) đi biểu diễn khắp các nước Đông Âu.

Nét hóm hỉnh của những vai hề chèo sau này giúp ích rất nhiều cho Trần Lực trong điện ảnh. Một số bộ phim hài Trần Lực đạo diễn rất có duyên như "Chuyện nhà Mộc", "Hai Bình làm thủy điện", "Tết này ai đến xông nhà", theo người cha, NSND Trần Bảng là do Trần Lực "nhiễm" cái hóm hỉnh của những vai hề chèo mà anh vốn yêu mến từ lúc còn nhỏ.

Nhờ cái duyên hài ấy mà Trần Lực đã từng giật giải "Cù nèo vàng" của báo Tuổi trẻ Cười. NSND Trần Bảng nhớ lại: "Hồi Lực đi học ở Bungari về, ôm theo một cậu con trai, nhờ ông bà nội nuôi giúp. Tôi xin cho Lực vào làm việc ở Vụ Sân khấu. Nhưng ở đây công việc phất phơ không ra sao, tâm trạng của Lực cũng chán nản.

Thời điểm ấy, nữ đạo diễn Đức Hoàn đang tìm diễn viên cho phim của mình. Vốn yêu quý  Lực từ bộ phim đầu tiên, Đức Hoàn đã dành cho Lực một vai chính. Lực bị cuốn vào điện ảnh từ đây. Tôi nhớ là đạo diễn Đức Hoàn đã rất tin tưởng. Bà cho rằng, Trần Lực sẽ đi xa trong điện ảnh".

Quả thực, điện ảnh đã trả công xứng đáng cho Trần Lực. Những vai diễn của anh đã chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng. Với gương mặt biểu cảm và đôi mắt có chiều sâu, rất "xi-nê", Trần Lực thường được đảm nhiệm vai nam chính nặng ký, đóng cặp với rất nhiều nữ diên viên xinh đẹp của màn bạc như: Phương Thanh, Chiều Xuân, Thu Hà, Lê Khanh, Việt Trinh...

Trải qua 2 lần ly hôn, Trần Lực lập gia đình lần thứ 3 với một người phụ nữ "không liên quan gì đến nghệ thuật". Chị là kỹ sư ngành hóa, người miền Nam. Họ đã có con gái một năm tuổi, trong khi cậu con trai đầu của Trần Lực nay đã là sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh.

Hai vợ chồng Trần Lực đang mải miết vun vén cho hãng phim tư nhân mang tên Đông A do chính anh thành lập và kiêm luôn vị trí giám đốc. Hãng Đông A đang hoàn tất hậu kỳ bộ phim truyền hình dài tập "Chàng trai đa cảm" do chính Trần Lực làm đạo diễn, sắp tới sẽ phát sóng trên Truyền hình Việt Nam.

Vừa làm kinh doanh, vừa làm nghệ thuật, Trần Lực thừa nhận anh không còn thời gian để nghỉ ngơi. Đối với anh, quan trọng nhất là phải làm ra được những bộ phim gây hấp dẫn với khán giả, được khán giả yêu thích. Một bộ phim chỉ mình đạo diễn thích mà khán giả không yêu thích là... hỏng.

Để có một bộ phim hay, thì công tác diễn viên chiếm tới 70% thắng bại. Trần Lực được xem là đạo diễn có con mắt xanh trong lựa chọn diễn viên. Anh thích cảm giác hạnh phúc có được khi mình phát hiện ra một diễn viên mới có khả năng diễn xuất tốt.

Hai cha con GS.NSND Trần Bảng và đạo diễn Trần Lực, mỗi người một niềm đam mê khác nhau nhưng đều có những đóng góp quý giá cho đời sống nghệ thuật.

Trần Lực rất tự hào về gia đình mà mọi thành viên đều làm nghệ thuật của mình. Anh xem cha là điểm tựa tinh thần quan trọng và những kinh nghiệm làm nghề của cha chính là tài sản quý cho anh mỗi khi gặp khó khăn khúc mắc trong công việc.

Được hỏi, khi con trai mình chọn điện ảnh để theo đuổi, ông thường nói gì với con, NSND Trần Bảng cho biết: "Thực lòng tôi không khuyên nhủ con điều gì cụ thể cả. Trần Lực lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, được sống trong môi trường nghệ thuật từ lúc nhỏ, nên việc làm nghệ thuật của cậu ấy là hết sức tự nhiên. Ngoài nghĩa cha con, chúng tôi luôn là những người bạn đồng nghiệp"

.
.