Em mãi là hai mươi tuổi...

Thứ Ba, 13/04/2010, 16:45

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thu

Tóc anh đã thành mây trắng

Mắt em dáng thời gian qua

...

Em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa

Giữ trọn tình người cho đẹp

 

Ơi! Con đường xưa

Những mùa trút lá

Cành bàng mồ côi

Cổng cũ rêu phong

ý đợi người

 

Ơi! Con đường xưa

Men vườn ổi thơm

Em tuổi hai mươi

Yêu anh hào hiệp

 

Bỏ em, anh đi

Đường hai mươi năm

Dài bao chia ly

 

Có những vợ chồng

Không là trăm năm

Mà tình yêu thương

 

Sông ơi! Dài sao

Rộng ơi! Biển cả

Thôi em nước mắt

Đừng rơi lã chã!

 

Em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp 

Nhà thơ Trần Lê Văn từng kể "Có lần gặp lại người tình cũ ở Hà Nội, anh (chỉ Quang Dũng) ngây ngất làm một mạch mấy bài thơ "Không đề", có nhiều câu nghe thương thương:

Bỏ em, anh đi/ Đường hai mươi năm/ Dài bao chia ly

rồi chép những bài ấy vào sổ tay của tôi (ý hẳn để khỏi lộ bem với bà xã nhà anh). Mấy ngày sau, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, anh đến yêu cầu tôi cắt trả anh mấy bài thơ đó để anh "hỏa thiêu" chúng, vì anh cho rằng "thơ ấy trẻ con quá!". Tôi phải lý sự: Sổ tay của tôi, thơ ông chép vào đấy là của tôi rồi, ông không có quyền hủy bỏ". Thế là anh đành chịu. Được bảo quản như vậy, thơ Không đề mới tồn tại để ra mắt bạn đọc..."

(Theo "Mây đầu ô", tập thơ Quang Dũng, NXB Tác phẩm mới, 1986, trang 17).

Không có được cái ồ ạt, quặn siết, dào dạt hùng tráng như bài thơ "Tây tiến", nhưng thay vào, "Không đề" lại như cơn gió hiền hòa thổi về lay động những xao xác trong khóm lá non xanh một thời. Sáu câu thơ khổ đầu gồm những câu rủ xuống la đà: “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy”, câu thơ "vồng" lên bằng rặt những thanh bằng: Và vầng hoa ngâu mưa thu, và những câu song sóng lòe đốm sáng: “Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua”.

Ý trên nhiều người nói đã hóa mòn. Tôi đặc biệt chú ý tới câu sau, với chữ dáng (dáng thời gian). Thì người ta nói màu thời gian được (chữ của Đoàn Phú Tứ), thì cũng có thể nói dáng thời gian được chứ. Dáng hay hơn bóng, vì mắt một khi còn in được bóng thời gian thì đấy phải là mắt người ta lúc còn trẻ.

Thông thường khi hồi cố, nhớ về người xưa cảnh cũ, người ta hay chọn lấy những hình ảnh có tính biểu cảm. Thật ra, Quang Dũng có nhiều "duyên nợ" với hình tượng cây bàng (tranh Gốc bàng của ông từng có dịp bày ở một cuộc triển lãm tranh). Mà, cây bàng hay đi vào văn chương trong tư thế cô đơn, vì đến mùa rụng lá, cành bàng khẳng khiu trông thật  ảm đạm!: “Ơi! Con đường xưa/ Những mùa trút lá/ Cành bàng mồ côi/ Cổng cũ rêu phong...”.

Nếu chú ý một chút ta sẽ  thấy (ở khổ thơ này) 4 câu trên mỗi câu 4 chữ, riêng câu cuối 3 chữ (thật ra nó là một phần của câu thứ tư), đọc tới đây như không phải là câu thơ rơi mất một chữ, mà là rơi một cái gì, tiếng rơi thật trầm lặng. Đúng như câu thơ Quang Dũng viết 20 năm về trước: “Ngõ trúc người ơi tịch mịch chiều”.

Tuy nhiên, nhớ lại không chỉ có buồn vắng thế thôi đâu, trước đấy, phải có gì trong trẻo khởi nguồn chứ: “Ơi! Con đường xưa/ Men vườn ổi thơm/ Em tuổi hai mươi/ Yêu anh hào hiệp”. Ở đây, tôi lại muốn nói về vấn đề dùng chữ. Cũng vẫn là hào hiệp, nhưng trước là đi với vườn ổi thơm, rồi đi với tuổi hai mươi, thì nói yêu anh hào hiệp, nghe mới không cộm, chứ bản thân câu thơ cắt riêng, thật khó thành thơ.

Nhà thơ Trần Lê Văn nhận thấy bài thơ "có những câu nghe thương thương". Thương thế cũng phải. Trước những dòng: “Bỏ em anh đi/ Đường hai mươi năm/ Dài bao chia ly”, và rồi: “Có những vợ chồng/ Không là trăm năm/ Mà tình thương yêu, ta cứ rưng rưng làm sao!” Mới thấy - tác giả dùng thanh bằng đến là... dài, để nói cuộc chia xa của con người cũng đến là dài. Và cuộc đời cũng đến rộng dài dâu bể:

Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả

Con người vốn dĩ nhỏ bé, yếu đuối, gọi đến sông đến bể, đến trời cao đất dày dễ sa nước mắt lắm. Mà quả như thế, tác giả phải khuyên ngăn:

Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã

"Tuổi già hạt lệ như sương" (thơ Nguyễn Khuyến). Ba câu thơ liền trong khổ được kết bằng thanh trắc, nghe chát chúa "sắt đá" mà vẫn không cầm được dòng lệ chảy. Giọng thơ càng bùi ngùi cảm động bởi cái "tình buồn", "tình già".

Nhà thơ Trần Lê Văn đã cho chúng ta biết xuất xứ bài thơ, không cần phải dẫn lại ra đây. Tôi chỉ muốn nói thêm về cái kết của Quang Dũng đã dùng (bởi nó được trở đi trở lại đến 3 lần). Thực chất cái kết này muốn nói điều gì, ngầm nói điều gì, nếu không phải là: chúng ta già rồi, mọi cái có đã thành có, không đã hóa không...

Nay chỉ sống làm sao để khi nhớ về những kỷ niệm cũ, em mãi vẫn trẻ trung như thế Em mãi là hai mươi tuổi, và anh- không, ở đây tác giả không nói là anh, mà là ta: Ta mãi là mùa xanh xưa (ta là chung cả anh và em, như thế mới góp thành mùa xanh được, nếu không, chỉ mình anh thì có thể nói: anh mãi là cây xanh xưa được thôi). Muốn vậy, để được vậy, thì trên hết, trước hết, những người trong cuộc phải giữ trọn tình người cho đẹp. Đó cũng là thông điệp của tác giả

Nguyễn Trường Văn
.
.