Dừng phát hành để in lại vẫn sai

Thứ Tư, 22/10/2008, 10:30
Trên tay tôi là cuốn "Nguyễn Đình Thi - bí mật cuộc đời" do NXB Văn học ấn hành. Trước đấy, cũng cuốn sách này, trước sự lên tiếng chỉ trích của báo chí về một số sai sót ở cả nội dung lẫn morát, đã được lãnh đạo NXB nghiêm túc cho dừng phát hành để cùng người biên soạn chỉnh sửa lại.

Sở dĩ tôi có thể phân biệt được cuốn (mới) này với cuốn đã in trước đó là bởi, những đoạn vừa "gay gắt" về giọng điệu vừa không chuẩn xác về thông tin mà báo chí đã chỉ ra, nay đã được khắc phục sửa chữa. Có những trang trước đây chữ ken dày, nay chữ nghĩa có phần thưa thoáng, mặc dù tổng số trang thì vẫn nguyên như cũ.

Âu cũng là giải pháp tình thế, ta có thể thông cảm. Chỉ tiếc là, cũng một công chỉnh sửa lại, song ở cuốn sách mới này người đọc vẫn dễ dàng bắt gặp những lỗi mà - các nhà làm sách nếu thật sự để tâm - hẳn có thể khắc phục được. Điều buồn hơn nữa là những lỗi kiểu này… khá nhiều.

Ngay ở bài mở đầu tập sách "Nguyễn Đình Thi thật như anh", tác giả Lưu Hương đã trích dẫn một số đoạn trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch. Chỉ một đoạn văn ngắn mà tác giả bài viết đã để lọt mấy chỗ sai. Ngoài cái sai về việc chấm câu tùy tiện, còn những cái sai về chữ.

Như khi Bác viết: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" thì tác giả Lưu Hương đã để… thất lạc các chữ "Không", chữ "nhất định" (2 lần). Câu "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng" trong nguyên văn (được thể hiện trên bút tích của Bác) cũng bị biến thành "chúng ta đã nhân nhượng".

Trong bài viết này, tác giả Lưu Hương còn trích dẫn mấy câu mở đầu trong bài hát "Người Hà Nội" bất hủ của Nguyễn Đình Thi, tiếc thay, ngay cả việc trích dẫn ấy cũng chưa thật chính xác. Như với câu: "Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội mến yêu (đúng ra phải là "Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu - hai chữ Hà Nội liền nhau) và câu "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội vùng đứng lên" (đúng ra phải là Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung…).

Một điều lạ nữa là, ở bài viết này, tác giả Lưu Hương kể rằng, sau hai ngày kể từ khi toàn dân ta được nghe Bác Hồ đọc "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (19/12/1946), "anh Thi đạp xe về nơi sơ tán.

Sau lời chào hỏi, tặng quà và cảm ơn chủ nhà, anh Thi cùng cô Nghĩa (em vợ - NV) ngồi vào đàn, chơi bốn tay" bài hát nói trên. Và tác giả đặt câu hỏi "Sức mạnh nào đã đẩy khí thế sáng tác bừng bốc thành những âm điệu hùng tráng của bài hát? Phải chăng đó là sức mạnh của mối tình với cô em Bùi Nữ Nghĩa…".

Sở dĩ tôi nói đây là điều lạ bởi trong bài báo "Cháy mãi một ngọn lửa lớn" (in trong tập "Nguyễn Đình Thi - cuộc đời và sự nghiệp" - NXB Hội Nhà văn, 2004), nhà văn Hoàng Hữu Các đã kể lại cuộc trò chuyện của ông với Nguyễn Đình Thi.

Theo đó, Nguyễn Đình Thi cho hay: "Tôi quay về thì Pháp đã tấn công Hà Nội rồi. Tôi tạt về làng Sét, ghé vào nhà một người quen. Cả nhà đã tản cư hết, chỉ còn một chiếc piano trong căn nhà hoang, có lẽ do quá nặng, chủ nhà không mang đi được. Trước mặt tôi, Hà Nội đang ngùn ngụt cháy. Tôi thấy người nóng bừng như lên cơn sốt. Và, tôi ngồi xuống trước chiếc piano ấy, viết một mạch bài Người Hà Nội". Rõ ràng, qua hai lời kể, ta thấy bối cảnh ra đời bài hát "Người Hà Nội" là khác nhau.

Điều đáng nói là chính nhà văn Hoàng Hữu Các cũng có tham gia biên soạn cuốn sách này (ở lần in trước, tên ông được đề ở phần "chịu trách nhiệm nội dung"). Vậy mà ông không hề có lấy một dòng chú thích về sự khác biệt giữa hai bài viết!

Vẫn bài của tác giả Lưu Hương, ở cuốn in lần trước và cuốn in lần này đều cho rằng việc nhà văn Nguyễn Đình Thi lên làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam là để thay nhà văn Nguyễn Tuân. Kỳ thực nhà văn Nguyễn Tuân chưa bao giờ giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn cả (mà chỉ giữ chức Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam).

Người giữ chức danh Tổng Thư ký Hội Nhà văn trước Nguyễn Đình Thi chính là nhà văn Tô Hoài. Điều này trước đây chúng tôi đã nêu trong một bài báo, không hiểu sao vẫn chưa được người làm sách chỉnh sửa lại.

Một trong những cái sai phổ biến của báo chí, xuất bản hiện nay là việc trích dẫn thơ. Gần như người ta cứ ghi đại theo trí nhớ, không cần đối chiếu với văn bản gốc. Ở cuốn "Nguyễn Đình Thi - bí mật cuộc đời" in lần trước, đã có nhà báo lên tiếng phê phán về việc cuốn sách để sai quá nhiều lỗi morát.

Kỳ thực, điều này chưa nhiều nguy hại bằng việc trích dẫn sai thơ. Bởi Nguyễn Đình Thi được độc giả hâm mộ nhiều ở lĩnh vực thơ ca. Những bài thơ trứ danh như "Đất nươc", "Nhớ", "Lá đỏ" của ông được sách báo in lại nhiều, vì thế mà chẳng khó khăn gì khi ta phát hiện ra việc nó bị in sai.

Như ở bài "Nguyễn Đình Thi, người khác của đời, người chủ của văn chương" (xin trích nguyên văn, đúng ra là phải "người khách của đời"), một tác giả đã dẫn 2 câu trong bài "Em bảo anh": Tia lửa nơi ta bay lên cao/ Trong mắt người yêu biến thành trời sao (đúng ra phải là Trong mắt người yêu thành trời sao).

Ở bài "Nguyễn Đình Thi - một người lạc quan buồn", tác giả Thu Hà cũng đã có mấy đoạn trích dẫn thơ Nguyễn Đình Thi, tiếc thay, có 2 chỗ là trích dẫn sai và thiếu. Như ở đoạn thơ: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, tác giả bài viết đã để thiếu một câu: Tôi nhớ những ngày thu đã xa (sau câu Gió thổi mùa thu hương cốm mới). Ở bài "Lá đỏ", câu: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đổ, lá đổ nghe quen tai, song đúng ra phải là lá đỏ (đấy cũng là tên gọi của bài thơ).

Chưa hết: Nếu như ở bài viết của tác giả Lưu Hương có dẫn mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Chúng ta như hai ngôi sao/ Hai đầu chân trời lấp lánh/ Trong không gian mênh mông xa nhau/ Chiều chiều cùng sáng lên ánh sáng/ Không tắt bao giờ, thì ở bài viết của nhà lý luận, phê bình văn học Đặng Anh Đào, đoạn thơ này được ghi lại là: Chúng ta như hai vì sao/ Hai đầu chân trời lấp lánh/ Trong không gian mênh mông xa nhau/ Chiều chiều sáng lên ánh sáng/ Không tắt bao giờ.

Như vậy, trong hai đoạn dẫn trên, hẳn một trong hai tác giả đã trích dẫn sai. Điều đáng nói là, nó được đưa vào cùng một cuốn sách. Điều ấy chứng tỏ bản thảo chưa được đối chiếu, soát lại kỹ.

Ngoài cái sai trong việc trích dẫn, cuốn sách cũng để lọt một số cái sai trong nhìn nhận, đánh giá sự việc, nhất là khi việc nhìn nhận ấy xuất phát từ… những thông tin chưa chuẩn.

Trở lại bài viết của tác giả Lưu Hương. Ở chương cuối bài, nhân nhắc đến một vài vụ việc lùm xùm trong đời sống văn nghệ, tác giả kể: "Ngày trở lại Hà Nội, tôi đến gặp ông bạn là giáo sư Đại học Tổng hợp. Theo cách nhìn nhận của giáo sư thì đáng lẽ ra ngay từ đầu, từ mấy số báo Giai phẩm có đăng bài phê bình và bình luận về thơ Tố Hữu, thì lãnh đạo văn nghệ cần phải bình tĩnh, tỉnh táo để có chủ trương khoanh vấn đề trong phạm vi tranh luận, phê bình văn học trên diễn đàn báo chí mà thôi".

Nếu ai từng nghiên cứu vấn đề này hẳn đều biết rằng, cuộc thảo luận về thơ Tố Hữu không diễn ra trên báo Giai phẩm mà chủ yếu diễn ra trên các báo: Văn nghệ, Nhân dân, Tổ quốc, Độc lập… và chủ yếu vào các năm 1955-1956 xoay quanh tập thơ "Việt Bắc".

Trong cuốn "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc" do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2005 (nhà phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn) cũng đã thể hiện rất rõ điều này. Một khi thông tin không chuẩn xác, thì từ đó, dù cách đánh giá, nhìn nhận thế nào chăng nữa cũng khó thuyết phục được người đọc.

Vẫn trong bài viết của tác giả Lưu Hương, người đọc bắt gặp những câu (về Nguyễn Đình Thi): "Bao lần được phân nhà, mà anh lại mang tiếng là cán bộ được phân nhà nhiều nhất, nhưng lại bị chiếm đoạt hết".

Làm sao lại có thể nói về Nguyễn Đình Thi như vậy. Và ai, ai là người đã "chiếm đoạt hết" nhà của ông. Chưa dừng ở đó, tác giả như còn muốn để bạn đọc thương cảm với "nỗi niềm" của Nguyễn Đình Thi những năm cuối đời hơn: "Anh phải than vãn không còn chỗ được yên thân để ngồi viết những trang tiểu thuyết cuối đời. Để rồi nhà văn Nguyễn Đình Chính con trai anh lại phải mời bố về nhà nghỉ cuối tuần của mình". Có không việc này, và căn nguyên của vấn đề là ở đâu?

Rất may trong tập sách còn in kèm bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Chính (trong đó có nhắc một chút tới vấn đề trên). Và đọc bài viết này, ta mới thực sự hiểu tâm sự của Nguyễn Đình Thi: Không phải ông không còn chỗ yên thân để ngồi viết (Một mình ông ba buồng trên gác ba. Không ai chạy trên đầu ông. Hàng ngày vợ con nó nấu cơm cho ông ăn - trích lời Nguyễn Đình Chính nói với bố), mà là ông muốn được trở về với thiên nhiên, được sống gần gũi với người dân lao động. Nói ông "không được yên thân" vì "nhà cửa bị chiếm đoạt hết" là đẩy vấn đề đi xa quá, và là không đúng với tâm sự thật của ông.

Bên cạnh những sai sót đã nêu, cuốn sách còn bộc lộ một cách làm… luộm thuộm. Ví như cùng là nhà văn, nhà thơ nhưng người thì được đề danh hiệu, người thì không. Ở phần cuốn sách (là phần tập hợp một đôi ý kiến, lời phát biểu đọc trong tang lễ Nguyễn Đình Thi), các nhà làm sách đã lấy luôn tên của người có ý kiến, có lời phát biểu đó cho in to lên, thay luôn phần… tít bài. Quả là một việc làm tùy tiện.

Thật đáng tiếc cho một cuốn sách mà các nhà làm sách đã cất công chỉnh sửa để in lại

.
.