Đông Duy Hoàng Kiếm Nam: “Trong mắt bão lịch sử”

Thứ Sáu, 19/04/2019, 08:18
Được biết đến là tác giả của thi khúc “Xứ thâm trầm” do Từ Công Phụng phổ nhạc, tác giả Đông Duy Hoàng Kiếm Nam còn là một nhà báo, nhà văn, một người viết lịch sử tâm huyết. Ở tuổi gần 80, ông vẫn ấp ủ thực hiện nhiều dự định với những trăn trở cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.


- Thưa tác giả Đông Duy, điều gì đưa ông trở lại Hà Nội, sau khi đã rời khỏi Sài Gòn năm 1975 và sang định cư ở Hoa Kỳ?

+ Kể từ lần về đầu năm 2006, đây là lần thứ hai tôi trở về Hà Nội. Những năm 40-50 của thế kỷ trước, nhà tôi ở góc phố Hàng Bông- Thợ Nhuộm vốn là nhà in Tân Dân- một thời là nơi lui tới của nhiều người. Năm 1954, theo những biến thiên của lịch sử dân tộc, tôi cùng gia đình vào Nam, rồi cuộc đời đưa đẩy đến nghề báo với hơn 10 năm làm việc ở Thông Tấn xã của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Trong trí nhớ của mình, tôi vẫn nhớ cảm giác một đứa bé con 5 tuổi theo các anh đi biểu tình những ngày Hà Nội mùa Thu tháng Tám rồi bị lạc ở Nhà hát Lớn. Tôi vẫn nói tôi bị thất lạc trong cái dòng lịch sử đến bây giờ. Nhưng có một điều lạ là hình như mình sinh ra ở một nơi nào đó, thì có một cái gì đó linh thiêng nó cứ phóng sợi tơ ra kéo mình về. Cái sợi tơ đó có thể là một kỷ niệm ấu thơ khi nhảy xuống hồ Bảy Mẫu bơi hay là đi ăn sấu, hay đi bắt ve sầu… Những cái đó, một ngày bạn rời xa Tổ quốc bạn sẽ thấy những kỷ niệm, những linh thiêng từ ngàn đời tích tụ làm nên thứ hồn riêng rất khó diễn giải cụ thể, tôi gọi là “Đất có thần”.

- “Đất có thần”- ngay cả đó từng là nơi xảy ra những cuộc chiến tranh khốc liệt hay chính cảm giác bị thất lạc trong dòng lịch sử đã thôi thúc ông viết những cuốn sách như “Trong mắt bão lịch sử” in ở hải ngoại và tiểu thuyết “Nơi có mưa rào rải rác” xuất bản ở trong nước thời gian gần đây?

+ Với tâm lý và thói quen của một người làm báo, tôi thích viết về những chuyện xảy ra ở hiện tại, người ta thường nói nhà báo sống với hiện tại còn nhà văn sống với dĩ vãng và lịch sử. Nhưng khi tôi nghe, đọc những câu chuyện bôi bác những nhân vật đáng kính trong lịch sự theo trào lưu giải thiêng, đạp đổ thần tượng, tôi mới lần ngược lại đi tìm hiểu lịch sử. Bộ 6 cuốn “Trong mắt bão lịch sử” gồm “Bùa Thiên yểm”, “Vết đạn thù”, “Mầm giông bão”, “Cuồng phong đã nổi”, “Bình minh của một dân tộc”, “Từ Nam Bộ kháng chiến đến Toàn quốc kháng chiến” chính là quá trình tôi tìm kiếm lại lịch sử dựa vào những tài liệu tổng hợp. Không thể có một sự thật tuyệt đối của lịch sử, mà tùy thuộc mức độ tin cậy của cứ liệu và cái nhìn bao quát dựa trên những cứ liệu ấy.

Tác giả Đông Duy.

“Nơi có mưa rào rải rác” là sự tiếp tục dòng chảy lịch sử chiến tranh ở Việt Nam dưới một hình thức khác: tiểu thuyết văn học. Nếu đọc kỹ bạn sẽ thấy phần nào của tôi trong đó, từ quan niệm về cuộc chiến, quan niệm về đời sống, quan niệm về hạnh phúc...

- Nếu không thể có một sự thật tuyệt đối của lịch sử vậy thì hơn 3.000 trang của bộ 6 cuốn “Trong mắt bão lịch sử” và gần 600 trang tiểu thuyết “Nơi có mưa rào rải rác” có ý nghĩa gì thưa ông?

+ Khi đi tìm lại lịch sử, lịch sử cho tôi những bài học. Tôi nhận thấy rằng, nếu ta chịu khó học lịch sử, thì chúng ta sẽ học được rất nhiều điều, có cách ứng xử với lịch sử và với sự chuyển biến của dòng lịch sử ấy để không trở thành nạn nhân của lịch sử.

Những người như Nguyễn Thị Minh Khai- một người đàn bà 18 tuổi quấn khăn, răng đen sang Hong Kong làm cách mạng thì đó là một chiến sĩ cách mạng. Những danh nhân lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… họ bắt đầu là những thanh niên ái quốc, những chiến sĩ cách mạng đã làm tròn nghĩa vụ lịch sử với dân tộc, người ta có thể chống bởi những quan điểm khác nhau nhưng không thể nói hỗn, hay xúc phạm được.

Hoặc hàng loạt câu hỏi như: Thân phận nô lệ Việt Nam có phải là tất yếu trong cao trào Thực dân thế kỷ XVIII? Nếu Việt Nam không giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với Thực dân Pháp liệu có dẫn tới quá trình độc lập của một loạt nước thuộc địa châu Phi hay Mỹ La tinh ngay sau đó? Tại sao Hoa Kỳ quyết liệt muốn giải thể chế độ Thực dân trong Đệ nhị thế chiến lại không ủng hộ Hồ Chí Minh mà giúp người Pháp? Một Việt Nam thống nhất với giá phải trả của hơn 3 triệu người thiệt mạng bởi chiến tranh tốt hơn hay trong tình trạng chia cắt như trên bán đảo Triều Tiên tốt hơn?...

Sẽ không có câu trả lời riêng rẽ nào thỏa mãn nếu chúng ta không nhìn lại toàn bộ cơn bão lốc dấy lên từ cuộc cách mạng cơ khí thế kỷ XIX đã gây ảnh hưởng tới mọi quốc gia trên quả địa cầu; cũng như không đặt cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau năm 1954 trong khuôn khổ cuộc chiến tranh lạnh (giữa hai phe xã hội, đứng đầu là hai nước lớn Hoa Kỳ và Liên Xô). Chúng ta là nạn nhân của gọng kìm lịch sử, “bị chọn” để đánh nhau, không có cách nào khác để đi đến thống nhất ngoài cách mạng bạo hành.

- Vậy có cách nào cho chúng ta tránh khỏi làm những nạn nhân trong tương lai?

+ Chúng ta phải thành thực học lịch sử bằng sự trong sáng nhất để không trở thành nạn nhân của lịch sử. Nếu chúng ta không hiểu lịch sử, không học từ bài học lịch sử chúng ta sẽ tiếp tục thù hận. Lòng thù hận và sự u mê sẽ đẩy con người ta vào giết nhau, trở thành công cụ của kẻ khác hoặc biến con người ta thành một thứ man rợ nào đó.

- Ông có cho rằng với dung lượng dày dặn hàng nghìn trang sách nhưng nội dung lại được trình bày dưới hình thức viết lịch sử không trích dẫn tư liệu tham khảo một cách chi tiết, tường tận (bộ 6 cuốn “Trong mắt bão lịch sử”) và hình thức tiểu thuyết văn học (“Nơi có mưa rào rải rác”), người đọc sẽ thấy khó thuyết phục?

+ Lịch sử nếu nói ngắn lại thì khó nói và dễ nói lắp. Vì lịch sử là một dòng chảy trong đó các sự kiện ảnh hưởng, liên quan mật thiết đến nhau. Các cuốn tôi viết đều không theo lối lịch sử biên niên, không làm từng chú thích riêng, đó là thiếu sót và chủ quan của tôi. Nhưng tôi cho rằng hai điểm này là những tính chất bẩm sinh của sử học. Ngay từ lúc chúng ta truy tầm và lựa chọn các dữ kiện để trình bày lịch sử, tính khách quan đã mất đi. Nhưng điều này không có nghĩa người viết sử được quyền bịa tạc mà phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra.

Nếu lịch sử kể theo các gạch đầu dòng ngày, tháng, năm đơn thuần (cách thức phù hợp cho những nhà khảo cổ hoặc sử gia cung đình) thì lịch sử chỉ như bộ xương. Tôi không chú thích cuối trang hoặc làm mục lục chú thích cụ thể, vì làm vậy mạch nội dung sẽ ngắt quãng và xa dần đi. Theo nguồn, tác giả nào tôi dẫn ngay trực tiếp trong từng phần viết.

Phần lớn sử liệu đề cập trong bộ sách là các biến cố lịch sử hiện đại quan trọng, người đọc có thể tra vấn trong hàng ngàn cuốn sách: chẳng hạn như tài liệu về hai cuộc Thế chiến hay văn bản Hiến chương Đại Tây Dương (được ký năm1941 bởi Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston S. Churchill)… Phần cuối mỗi cuốn sách tôi để danh mục tài liệu tham khảo, độc giả có thể tra cứu.

Với cách viết trực tiếp và đưa các chi tiết bên lề về các nhân vật, sự kiện, tôi cố gắng làm cho lịch sử có xương có thịt để nhân vật, câu chuyện hiện rõ ra. Bạn đọc, nhất là bạn đọc thế hệ sau dễ thấy lịch sử sáng dần lên, ấm cúng, hấp dẫn hơn.

Dưới hình thức tiểu thuyết văn học, “Nơi có mưa rào rải rác” với tinh thần chung Không có thù hận là một lựa chọn tôi nghĩ là phù hợp với chủ đề thể hiện.

- Không thù hận, ông có nghĩ điều này sẽ làm những hệ quả của chiến tranh không trở thành nỗi ám ảnh phân tán, chia cắt lòng người đất nước mình?

+ Mỗi cuộc chiến tranh đi qua đều để lại những vết thương nào đó trong mỗi gia đình. Ông bác ruột tôi là nhà văn Nhượng Tống- người định dạy tôi học chữ Nho lúc tôi còn nhỏ, đã bị bắn chết năm 1949. Ở cuộc chiến sau này, thằng em tôi mới lấy vợ,  đứa con đẻ được 2 tháng, cũng bị pháo kích chết trận. Khi tôi từ Việt Bắc về hồi cư Hà Nội, Hà Nội gọi tôi là “thằng suýt chết” vì chuyện nào kể tôi cũng bảo tôi “suýt chết”. Nhưng tôi có may mắn còn sống, tôi vẫn nhớ giai đoạn sống ở Việt Bắc theo mọi người kháng chiến, đến khi trở về xuôi, đi qua những xóm làng bom đạn tàn phá còn nghi ngút khói, trông thấy cảnh người ta thu dọn các hầm chông.

Hoặc tới khi làm báo sau này, tôi vào Ban chiến tranh, lúc đi Quảng Trị, chiến tranh vừa qua, tàn phá nhà cửa tan hoang, người chết, tôi ngồi bên lề quốc lộ giời nắng chang chang thấy mấy đứa bé con với một đứa nhỏ cụt chân chống nạng chạy đá quả banh là quả bầu bí gói lại. Cái phần thưởng sống sót sau trận chiến nó như bông hoa nở trên ngọn đá. Thằng nhỏ để lại một cái chân trong cuộc chiến, nó vẫn sống. Cuộc đời vẫn trôi qua, người ta vẫn phải sống, vẫn phải vươn lên.

Chưa có một quốc gia nào chiến tranh dài như Việt Nam, liên miên, không ngừng, mà Việt Nam vẫn còn đến ngày hôm nay. Tôi cầu mong thế hệ sau sẽ không bao giờ phải đối mặt với chiến tranh. Mỗi dân tộc như mỗi con người đều có linh hồn. Hồn của người Việt như cỏ, diệt không bao giờ hết; như cây tre trong lũy tre uốn cong trong gió bão, hết gió bão lại đứng thẳng; tưởng nhu nhược mà cứng cáp vô cùng. Tôi vẫn mong có người viết lại lịch sử nước mình, một tiểu thuyết vĩ đại để nói với nhân loại.

- Xin cảm ơn ông!

Hải An (thực hiện)
.
.