Kỷ niệm 200 năm ngày sinh văn hào William Thackeray (1811-2011):

Đời vẫn còn nhiều hội chợ phù hoa

Thứ Năm, 10/02/2011, 08:17
Mặc dù sinh thời, William Thackeray còn có một số tác phẩm từng được đánh giá cao về cả giá trị tư tưởng và nghệ thuật (thậm chí, khi ông còn sống, các bậc thức giả còn xếp cuốn "Henry Esmond" là cuốn sách lớn nhất của đời ông), song trải qua sóng gió thời gian, đến nay, nhắc đến tên tuổi Thackeray, người ta gần như chỉ biết đến "Hội chợ phù hoa" mà thôi. Cuốn sách hiện vẫn được xem là một trong 5 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất mọi thời đại.

Trong năm 2011 này, nếu có lễ kỷ niệm sinh nhật nào dành cho các văn sĩ được độc giả chờ đón nhất thì hẳn đó sẽ là lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Anh William Makepeace Thackeray (1811-1863), tác giả bộ tiểu thuyết vĩ đại "Hội chợ phù hoa". Đây là một bộ sách đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và không ngừng chinh phục sự say mê của các thế hệ độc giả. Bộ sách cũng đã nhiều lần được dựng thành phim và luôn nằm trong danh mục 50 cuốn sách đáng đọc nhất trong văn học thế giới từ trước tới nay...

William Makepeace Thackeray sinh tại Calcutta, Ấn Độ. Ông là con đầu lòng và cũng là duy nhất của bà Anne Beccher - một hoa khôi bấy giờ đang làm thư ký cho Công ty Đông Ấn Độ - với ông Richmond Thackeray - khi ấy là một lãnh đạo cao cấp của công ty này.

Phải nói, về mặt gia đình, William Thackeray là người cực kỳ bất hạnh. Hầu hết những người thân trong gia đình ông đều chết trẻ, không mấy ai được hưởng trọn tuổi trời. Cha ông qua đời năm 34 tuổi (khi cậu bé William mới hơn 4 tuổi). Mẹ ông sau đó đi bước nữa và suốt mấy năm liền gần như hoàn toàn giao phó cậu con trai của mình cho người ngoài chăm nuôi. William Thackeray có 3 người con gái thì một cô chết khi mới được 8 tháng tuổi; một cô qua đời khi mới 35 tuổi. Bản thân William Thackeray cũng qua đời ở tuổi 52, trong một cái chết hiện vẫn còn nhiều giả định (người ta phát hiện thấy ông chết trên giường sau một bữa ăn tối và việc dùng nhiều chất cay trong bữa ăn được xem là một trong những tác nhân gây nên cái chết của ông).

Năm 1836, William Thackeray kết hôn với Isabella Gethin Shawe, con gái của Đại tá Mathew Shawe. Hai người chung sống được 4 năm thì Isabella bị mắc bệnh trầm cảm. Thackeray đưa vợ sang Ireland chữa chạy, song vô hiệu. Thậm chí, trong chuyến đi này, bà còn nhảy từ trên boong tàu xuống biển, may mà được ứng cứu kịp thời. Sức khỏe của Isabella xuống dốc nghiêm trọng. Hai năm sau, bà rơi vào tình trạng mất trí nhớ và không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Thackeray đành chỉ còn cách giam chân vợ trong một gian phòng và từ đó cho đến khi Thackeray đột tử, hai vợ chồng họ hầu như hoàn toàn sống cách biệt nhau. Để thế chỗ của Isabella, Thackeray đã chấp nhận cuộc sống "già nhân ngãi, non vợ chồng" với một số người đàn bà, trong đó có Jane Brookfield và Sally Baster. Tuy nhiên, ông không thực sự duy trì mối quan hệ lâu dài với một người phụ nữ nào.

Về đời sống tình cảm thì vậy, về chuyện làm ăn, Thackeray cũng không mấy gặp may. Năm 21 tuổi, ông được thừa hưởng gia sản thừa kế của người cha, nhưng rồi ông phung phí nó vào việc cờ bạc cũng như việc đầu tư thua lỗ vào hai tờ báo. Tay trắng hoàn tay trắng, Thackeray quay sang học hội họa tại Paris nhưng cũng chẳng phát tài, ngoại trừ một chút vốn liếng sau này ông dùng vào việc minh họa cho chính cuốn sách của mình.

Mặc dù cuộc sống đầy rủi ro bất trắc, rất khan hiếm niềm vui, song Thackeray vẫn luôn duy trì trong mình một con người ưa hài hước. Nếu như trong sự nghiệp, ngay từ năm 1837, ông đã cho in trên tạp chí Frasers một chùm truyện hài hước ít nhiều để lại ấn tượng trong bạn đọc, thì ở ngoài đời, bạn của ông là những nhà trào lộng nổi tiếng. Lịch sử ghi lại rằng, thời kỳ theo học tại Trường Charterhouse, ông đã trở thành bạn thân của nhà biếm họa lừng danh John Leech. Và sau này, tại London, ông nhiều lần tham gia diễn thuyết cùng những "cây cù" có hạng của nước Anh thế kỷ XVIII.

Bởi gia đình riêng sớm rơi vào tình thế bi đát nên thoạt đầu, Thackeray đến với nghề chữ nghĩa cũng chẳng phải với mộng ước cao xa gì, mà đơn thuần chỉ là việc miếng cơm manh áo. Nhưng để làm được điều ấy xem ra cũng không dễ. Đã có thời kỳ, Thackeray phải quay sang sinh nhai bằng nghề vẽ biếm họa ở Paris. Đây có lẽ là một thể tài mà năng khiếu của Thackeray được "thừa nhận" sớm nhất, mặc dù, như trên đã nói, nó chỉ duy trì cho ông một cuộc sống kiểu "giật gấu vá vai". 

Từ tháng 5/1839 tới tháng 2/1840, trên tạp chí Frasers, Thackeray cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay mang đậm yếu tố trào lộng "Catherine". Vào thời điểm ấy, văn đàn nước Anh như đang lên cơn sốt từ việc xuất bản các tiểu thuyết rất ăn khách của nhà văn trẻ Charles Dickens (kém Thackeray 1 tuổi) nên dù không phải không có những nét đặc sắc, cuốn tiểu thuyết của Thackeray vẫn cứ rơi tõm vào sự ơ hờ của độc giả.

Một cảnh trong phim "Hội chợ phù hoa" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Thackeray.

Năm 1840, Thackeray cho ấn hành tập sách du ký "Tập ký họa thành Paris" và ba năm sau là "Tập ký họa xứ Ailen". Cả hai cuốn sách đều ít nhiều thu hút độc giả. Trên đà thắng lợi, năm 1844, Thackeray cho xuất bản tiểu thuyết "May mắn của Barry Lyndon", một cuốn sách biếm họa chân dung một kẻ bình dân cố tìm mọi cách để "đánh đu" được vào tầng lớp quý phái. May mắn hơn cuốn tiểu thuyết đầu tay, cuốn tiểu thuyết này đã nhận được những ý kiến trái chiều. Người khen - khen cũng nhiều mà kẻ chê - chê cũng lắm! Tất cả những điều ấy đã khiến Thackeray trở nên một nhân vật khiến giới phê bình lúc bấy giờ không thể không "để mắt" tới.

Năm 1846, Thackeray tiếp tục đánh động lòng tự ái của giới quý tộc hợm hĩnh bằng cuốn "Truyện về các trưởng giả học làm sang người Anh do một người trong bọn kể lại". Tuy nhiên, đây mới chỉ là tập hợp các bài tiểu luận đả kích những thói "rởm đời" phát triển tràn lan trong xã hội Anh thời ấy. Phải đến khi tiểu thuyết "Hội chợ phù hoa" ra đời (năm 1847), sự bực bội của giới quý tộc Anh dành cho Thackeray mới chuyển sang đỉnh điểm, trở thành sự ác cảm, thù hận. Một số nhân vật có thật ngoài đời còn ngờ rằng, nhà văn trẻ muốn ám chỉ đích danh họ. Đó là lý do khiến trong việc phát hành cuốn sách, Thackeray gặp khá nhiều khó khăn.

Nói công bằng thì mặc dù đã được công luận để mắt tới, song trước thời điểm xuất hiện "Hội chợ phù hoa", sách của Thackeray cũng chưa thực sự thuộc loại "bán chạy" như sách của Dickens. Thậm chí, khi những phần đầu tiên của "Hội chợ phù hoa" được giới thiệu với độc giả, sự tiếp nhận của người đời dành cho nó cũng khá dè dặt. Bản thân ông chủ xuất bản, người sau khi đọc một số trích đoạn mà tác giả gửi tới để "chào hàng" đã mau lẹ cho chúng ra mắt công chúng cũng phải cảm thấy… sốt ruột. Nhưng rất may, cuốn sách của Thackeray đã lọt vào "mắt xanh" của các nhà phê bình ở Tạp chí Toàn cảnh Edinburgh, một tạp chí nổi tiếng khó tính, hay "bỉ bai" người khác (nơi từng buông lời chế giễu thi sĩ Byron không biết… làm thơ). Tháng 1/1848, trong một bài điểm sách dài, các nhà phê bình ở tạp chí này nêu nhận xét, đại thể, đây là cuốn sách đã vượt qua mọi sự điệu đàng, kiểu cách trong cảm xúc, và dẫu không sâu sắc bằng Dickens, nhưng tác giả đã khiến người đọc phải nể phục bởi bản chất tinh tế và nhân hậu, bởi trí tuệ trác việt của mình.

Tương truyền, Thackeray rất loay hoay khi lựa chọn tên sách. Thoạt đầu, ông định đặt một cách giản lược là "Những bức ký họa về xã hội nước Anh". Thế rồi một đêm nọ, khi đang suy nghĩ mông lung trên giường, bất chợt ông bật dậy, chạy ba vòng… quanh giường, vừa chạy vừa reo lên: "Hội chợ phù hoa. Hội chợ phù hoa". Quả là, có đọc cuốn sách mới thấy, không thể tìm được cái tên nào mang hàm ý phê phán thói giả trá của cuộc đời hay hơn thế.

"Hội chợ phù hoa" - thông qua câu chuyện về một thiếu nữ có cha là một họa sĩ đàng điếm, mẹ là một vũ nữ, song cùng với nhan sắc trời cho và sự lanh lợi khôn ngoan, đã từng bước luồn sâu, leo cao vào đời sống của giới thượng lưu, thậm chí còn được yết kiến cả Hoàng đế Giorge Đệ tứ. Nhưng rồi, chính tham vọng khôn cùng của cô ta đã làm hại cô. Người đàn bà nhiều xảo thuật kết cục đã bị chính giới thượng lưu ruồng rẫy, khiến cô ta ngày càng lún sâu vào vũng bùn trụy lạc… Thông qua chuyện "lên voi xuống chó" của người đàn bà này, Thackeray muốn lên án cái xã hội mà ở đó, nhiều chân giá trị đã bị đảo lộn…

Trần Trọng Nghĩa - VNCA Xuân 2011
.
.